Đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn - người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Xuân Sơn, Đô Lương

Tác giả: admin
Ngày 2021-12-22 08:02:15

Xuân Sơn nay, Trường Mỹ xưa là một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa của huyện Đô Lương. Theo "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX", từ năm 1831 (niên hiệu Minh Mệnh thứ 12) đến năm 1963, Xuân Sơn có tên gọi là làng Đa Văn thuộc tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn (do đó trong thời kỳ cách mạng 1930-1931, nhân dân Đô Lương chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Phủ ủy Anh Sơn).

Đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn (1896 – 1956) quê ở làng Đa Văn, xã Trường Mỹ, tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn (nay là xóm 5, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương), Nghệ An. Cha đồng chí là ông Nguyễn Sỹ Cẩn, một thầy đồ nho chuyên dạy học và cắt thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, có tinh thần yêu nước.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn (1896 – 1956)

Những năm đầu thế kỷ XX, Đa Văn cùng như bao miền quê khác của Nghệ Tĩnh, người dân nơi đây cực khổ với đời sống một cổ hai tròng áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến. Cuộc sống cơ cực lầm than của gia đình và nhân dân đã ươm mầm tinh thần căm thù giặc và khát vọng cởi xiềng, đấu tranh giải phóng quê hương trong tâm hồn người thanh niên yêu nước Nguyễn Sỹ Doãn.

Mùa hè năm 1927, đồng chí Tôn Quang Phiệt[1], thành viên của hội Hưng Nam (tên gọi mới của hội Phục Việt) được tổ chức bố trí lên dạy học ở làng Nhân Trung (nay là Lam Sơn) để gây dựng cơ sở. Đồng chí đã bắt liên lạc với các đồng chí Đặng Sỹ Đối, Cao Tiến Tuệ, Nguyễn Khắc Ất... lập ra tổ chức Hưng Nam đầu tiên ở Anh Sơn. Sau khi thành lập, các đồng chí đã xúc tiến công tác tuyên truyền, giác ngộ ý thức dân tộc qua văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu và mở rộng địa bàn ra toàn phủ. Đến đầu năm 1928, tổ chức Hưng Nam tổng Thuần Trung được thành lập, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn được kết nạp vào hội và nhận nhiệm vụ phát triển tổ chức ở địa phương. Với công tác tuyên truyền sâu sát, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn đã thành lập được tổ chức Hưng Nam ở Trường Mỹ gồm những thanh niên yêu nước ở 3 làng: Đa Văn, Trùng Quang và Lạc Thiện.

Cuối năm 1928, dưới tác động mạnh mẽ của các sách báo yêu nước từ nước ngoài chuyển về như: “Đường kách mệnh”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”…,  đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn, Nguyễn Sỹ Trạc (Trúc Nam) và một số đồng chí có tư tưởng dân tộc tiến bộ khác đã tuyên bố giải tán nhóm Tân Việt (tức Hưng Nam đầu năm 1928) ở Trường Mỹ và xúc tiến thành lập chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí địa phương. Tiếp đó, các đồng chí đã tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân nhận rõ mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, đem lại quyền lợi cho người nghèo.

Tháng 9/1929, phong trào cách mạng ở Anh Sơn phát triển mạnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Uỷ viên Trung ương Đảng, phụ trách Xứ uỷ Trung Kỳ đã về đây và tiến hành triệu tập hội nghị bí mật và ra tuyên bố thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư, đồng thời vận động thành lập các hội quần chúng như: Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên cộng sản Đoàn, Sinh hội, Hội tán trợ... Tại Trường Mỹ, chi hội đã bắt liên lạc với các chí Nguyễn Sỹ Doãn, Nguyễn Sỹ Trạc và thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng của xã tại nhà thờ họ Nguyễn Sỹ. Đây là một trong những chi bộ đầu tiên của tổng Thuần Trung. Dưới sự vận động và lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn, Nguyễn Sỹ Trạc, nhân dân Trường Mỹ đã cùng với nhân dân toàn phủ hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh như rải truyền đơn, treo cờ đỏ nhân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga…

Tiếp đó, sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), cuối tháng 3/1930, dưới sự lãnh đạo của phái viên Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn được thành lập do đồng chí Trần Du làm Bí thư. Hội nghị quyết định chuyển các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong toàn phủ thành các chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ một chiến sỹ yêu nước, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng sát cánh bên các anh em,  đồng chí của mình đứng trên lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và tự do cho giai cấp.

Ngày 26/3/1930, tại nhà thờ của gia đình đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Thái Ất, chi bộ Trường Mỹ được thành lập do đồng chí Nguyễn Cảnh Côn làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn vinh dự là một trong 5 ủy viên chi bộ.

Tháng 5/1930, tin tức về phong trào đấu tranh của công – nông Vinh – Bến Thủy và các vùng phụ cận dâng cao đã góp phần cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân Anh Sơn nói chung và nhân dân Xuân Sơn nói riêng. Hưởng ứng lời kêu gọi “Theo gương hy sinh của dân cày Nghệ An” (trong ngày 1/5) của Xứ ủy Trung Kỳ, Phủ ủy Anh Sơn đã triệu tập cuộc họp có sự tham dự của các đồng chí Bí thư Tổng ủy đã quyết định lấy ngày 1/6/1930 làm ngày tổng biểu tình của nhân dân phủ Anh Sơn.

Ngay sau khi nắm bắt được chủ trương của Phủ ủy, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn, Nguyễn Cảnh Côn và các đồng chí trong chi bộ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, đồng thời khẩn trương chuẩn bị các mặt cho cuộc biểu tình đòi giảm sưu, hoãn thuế, chống chính sách khủng bố của địch trên quy mô toàn phủ.

Đêm 30/5/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn và Nguyễn Cảnh Côn, cờ đỏ búa liềm đã được treo trên các nóc đình làng, ngọn cây khắp xã Trường Mỹ. Tiếp đó, rạng sáng ngày 1/6/1930, dưới sự chỉ huy, hướng dẫn của đồng chí, đông đảo nhân dân Trường Mỹ đã tiến về Truông Cồn Đọi (nay là xã Đà Sơn) cùng nhân dân các làng trong tổng Thuần Trung, Bạch Hà, Lễ Nghĩa nghe diễn thuyết.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn, Nguyễn Cảnh Côn và các đồng chí đảng viên lãnh đạo nhân dân tổ chức hàng ngũ chỉnh tề, trống dong, cờ thúc rầm rập tiến bước về phủ đường Anh Sơn ở Thị trấn Đô Lương. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu đấu tranh:

- Hoãn thuế điền thổ, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò.

- Bồi thường cho gia đình chiến sỹ Phan Thân, Nguyễn Đừu.

- Tăng tiền lương, bớt giờ làm cho thợ thuyền.

- Thả những người bị bắt trong cuộc biểu tình ở Bến Thuỷ.

Trước khí thế như vũ bão của đoàn biểu tình, Tri phủ Hà Xuân Hải cùng 5 tên lính đã phải ra tận cửa phủ đón và nhận các yêu sách của nhân dân. Cuộc biểu tình ngày 1/6/1930 của nhân dân Anh Sơn kết thúc thắng lợi.

Sau cuộc biểu tình này, cơ sở chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng càng lan rộng trong các thôn xóm, niềm tin vào sức mạnh và ý chí đấu tranh của nhân dân càng được nung nấu thêm. Tháng 8/1930, đồng chí Nguyễn Cảnh Côn nhận nhiệm vụ mới ở Phủ ủy, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn với uy tín của mình đã được tổ chức tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ Trường Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn và chi bộ Trường Mỹ, phong trào đấu tranh của nhân dân Trường Mỹ ngày một phát triển mạnh mẽ. Thực hiện chủ trương của Phủ uỷ Anh Sơn về việc tổ chức cuộc biểu tình lớn quy mô toàn phủ lần thứ hai để hưởng ứng cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương, ngay từ chiều ngày 7/9/1930, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn và chi bộ Trường Mỹ đã bố trí lực lượng xích vệ tổ chức thành từng tốp 3 đến 5 người có trang bị giáo mác xuống các làng để vận động và hỗ trợ cho các đoàn biểu tình về địa điểm tập kết.

Mờ sáng ngày 8/9/1930, tiếng trống mõ hiệu lệnh vang lên, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn, nhân dân Trường Mỹ đã hòa vào dòng người của 2 tổng Thuần Trung, Bạch Hà kéo về tập trung tại truông Cồn Đọi. Sau khi nghe các đồng chí đảng viên diễn thuyết, đoàn biểu tình ồ ạt kéo lên phủ đường. Khi đoàn đến cách phủ lỵ 1km thì tên đồn trưởng đồn Đô Lương đã phái lính khố xanh dàn hàng ngang dùng súng chặn lại. Bất chấp súng đạn của kẻ thù, đoàn người vẫn hiên ngang tiến bước và hô vang các khẩu hiệu đấu tranh. Trước sức tiến công của quần chúng cách mạng, địch đã cho máy bay vũ trang từ Vinh lên ném bom vào đoàn biểu tình khiến 7 người chết, 30 người bị thương. Trước tình thế không cân sức, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn và các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo nhân dân tạm thời rút lui để giảm thiểu thương vong. Cuộc biểu tình này tuy chưa giành đ­ược thắng lợi như ý muốn, nh­ưng đã biểu dương được lực l­ượng mạnh mẽ của quần chúng, làm bạt vía bọn tổng lý, khí thế cách mạng cuồn cuộn dâng lên.

Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, để dập tắt phong trào cách mạng ở Trường Mỹ nói riêng và phủ Anh Sơn nói chung, thực dân Pháp, chính quyền tay sai đã tổ chức nhiều đợt càn quét, bắt bớ các cán bộ, đảng viên trong toàn huyện. Ngày 6/5/1931, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn sau nhiều ngày hoạt động bí mật đã bị địch phục kích bắt sống và đưa thẳng về Vinh. Dù đối mặt với nhiều cực hình nhưng đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn vẫn giữ vững lời thề với Đảng. Không khai thác được gì từ đồng chí, tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí mức án 3 năm tù giam, 2 năm 6 tháng quản thúc, sau đó đày vào Nha Trang.

Tháng 7/1932, khi vừa mãn hạn tù từ Nha Trang về Vinh thì đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn tiếp tục bị tố cáo là “Ủy viên Phủ ủy Anh Sơn”. Đồng chí bị địch bắt lần thứ 2, tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết thêm bản án 3 năm tù giam, 2 năm quản thúc, tiếp tục đày vào Nha Trang.

Tháng 2/1935, hết hạn tù giam, đồng chí trở về quê theo bản án 2 năm quản thúc. Ngay sau khi về quê hương, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn đã bắt liên lạc và cùng các đồng chí: Nguyễn Đình Tiến, Nguyễn Sỹ Thao vận động nhân dân tham gia thành lập các phường hội tương trợ lẫn nhau và tiến tới khôi phục chi bộ Đa Văn gồm 5 đồng chí.

Tháng 5/1945, Ủy ban Mặt trận Việt Minh làng Đa Văn được thành lập gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn làm Bí thư. Giữa tháng 8/1945, sau khi Phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng nhận bức điện khẩn của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh với nội dung: “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, không câu nệ làng trước hay huyện trước. Các đồn lính khố xanh nhất định phải chiếm lấy. Kế hoạch cướp chính quyền do địa phương linh hoạt”, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn và các đồng chí trong Ủy ban Mặt trận Việt Minh làng Đa Văn đã tiến hành hội họp và bắt tay triển khai công tác vận động, tập hợp mọi lực lượng quần chúng nhân dân. Ngày 23/8/1945 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn và Ủy ban Mặt trận Việt Minh làng Đa Văn, đông đảo bà con nhân dân đã nhất tề đứng dậy cướp chính quyền. Trước khí thế sục sôi, ý chí quật cường của người dân, lý trưởng, cường hào, hương lý đã tự nguyện giao nộp con dấu và các loại giấy tờ sổ sách của xã cho cách mạng. Cuộc nổi dậy cướp chính quyền tại xã Đa Văn đã thành công.

Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thành công, ngày 12/2/1946, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn được tổ chức và nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Tự Tân. Sau đó, đồng chí tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hoạt động công tác xã hội tại quê nhà.

Năm 1956, do ảnh hưởng của chế độ lao tù và tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn đã mất tại quê nhà.

Ghi nhận những đóng góp của đồng chí và gia đình trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Sý Doãn và các đảng viên tiền bối xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi thế hệ về sự hy sinh, chiến đấu anh dũng, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1]Đồng chí Tôn Quang Phiệt (1900 -1973)  quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An, thành viên sáng lập Hội Phục Việt 14/7/1925

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ Huyện Đô Lương (1930-1963), NXB Nghệ An, 2005;

- Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, Xưởng in Quân khu IV, 1999;

- Lời kể, tư liệu do gia đình đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn cung cấp.

 

Video