Đồng chí Nguyễn Phong Sắc với việc thành lập Tổng Công hội Đỏ và Tổng Nông hội Đỏ ở Nghệ An vào cuối năm 1929

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-04 02:53:55

Nguyễn Phong Sắc (tức Nguyễn Văn Sắc, tức Thịnh) sinh ngày 01 - 2 - 1902 tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Từ nhỏ anh học thông mình, hiếu động, giàu lòng nhân ái, giỏi ngoại ngữ và sớm có tinh thần yêu nước, ghét bọn cướp nước và bán nước.

Năm 1926, lớn lên Nguyễn Phong Sắc làm việc tại Sở Tài chính Hà Nội, sau đó anh bỏ việc xin đi dạy học và tham gia các hoạt động yêu nước của tổ chức bí mật ở Hà Nội. Qua tiếp xúc với báo chí tiến bộ và giúp đỡ của tổ chức Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội Nguyễn Phong Sắc được kết nạp vào Hội và rất tích cực hoạt động xây dựng tổ chức Hội Thanh Niên.

Tháng 4 - 1929, tại Đại hội Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban chấp hành và giữ chức Bí thư.

Ngày 17 - 6 - 1929, ở Bắc jỳ thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng có tác dụng tích cực đối với phong trào cách mạng trong toàn quốc nói chung và Nghệ An nói tiêng. Lúc này Nguyễn Phong Sắc là uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời và hoạt động rất tích cực trong Đông Dương Cộng sản Đảng.

Để mở rộng tổ chức và tăng cường ảnh hưởng của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 6 - 1929, Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ đã cử Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào Nghệ An gặp Võ Mai (tức Quốc Hoa) lập ra kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, đặt trụ sở tại làng Vang (nay thuộc phường Đông Vĩnh, Thành phố Vinh, Nghệ An), do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư Xứ uỷ.

Trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc có thể nói những năm tháng sống chiến đấu trên đất Nghệ An phải đối phó với nhiều thử thách gian nan, quyết liệt, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và có những cống hiến trên nhiều mặt trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng tại vùng quê Nghệ Tĩnh. Một trong những đóng góp xuất sắc của đồng chí là góp phần quan trọng vào việc thành lập Tổng Công hội Đỏ và Tổng Nông hội Đỏ ở Nghệ An vào cuối năm 1929.

Với cương vị là Bí thư Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí trong Xứ uỷ khẩn trương xây dựng mở rộng tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng; đồng thời in truyền đơn, tuyên ngôn, tôn chỉ, mục đích… của Đông Dương Cộng sản Đảng và ra tờ báo Bôn sê vích của kỳ bộ (ngoài tờ báo Búa Liềm của cơ quan Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng), để tuyên truyền vận động mở rộng tổ chức Đảng và quần chúng cách mạng, giác ngộ quần chúng nhân dân. Nhờ có tôn chỉ, mục đích và đường lối cách mạng tiến bộ, cách làm phù hợp nên đã nhanh chóng thu hút đa số đảng viên Tân Việt và Thanh niên tự nguyện xin gia nhập và chuyển hướng hoạt động theo Đông Dương Cộng sản Đảng. Đến cuối năm 1929 các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở các làng xã của nhiều địa phương cũng như trong một số nhà mày và trưòng học tạo ra luồng gió mới thổi vào phong trào cách mạng của công nhân và nông dân Nghệ An.

Cùng với việc lớn mạnh về tổ chức của mình, mạng lưới của các tổ chức quần chúng cách mạng của Đông Dưong Cộng sản Đảng như Hội Xích sinh (Sinh hội Đỏ), Đoàn Xích sắc Thanh niên (Thanh niên Đỏ) và các phường, hội tương tế…cũng ra đời nhiều nơi trong tỉnh. Từ đây, cũng xuất hiện yêu cầu sự tổ chức lãnh đạo thống nhất, có hệ thống đối với các tổ chức quần chúng mà đặc biệt là đối với công nhân và nông dân của Nghệ An.

Thực hiện chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng, của Tổng Công hội Đỏ miền Bắc và yêu cầu của phong trào đấu tranh của công nhân Nghệ An, tháng 11-1929 đồng chí Nguyễn Phong Sắc uỷ viên Đông Dương Cộng sản Đảng, Bí thư Xứ bộ Trung Kỳ triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Nghệ An. Dự Hội nghị có các đại biểu công nhân Vinh - Bến Thủy, do đồng chí Nguyễn Phong Sắc trực tiếp chỉ đạo. Hội nghị đã thông qua chương trình, điều lệ và bầu Ban chấp hành. Đồng chí Nguyễn Công Sửu (tức Cát Sửu) công nhân nhà máy Trường Thi được bầu làm Bí thư.

Thực hiện chủ trương của Xứ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng, ngay sau khi được thành lập, Tổng Công hội đỏ Nghệ An đã tổ chức rải truyền đơn kêu gọi thợ thuyền áo xanh, áo nâu cùng nhau vào công hội đấu tranh đòi:

- Ăn lương tháng, nghỉ chủ nhật;

- Mỗi ngày làm việc 8 giờ. 

- Đàn bà nghỉ đẻ 3 tháng có lương;

- Tự do tổ chức công hội, tự do bãi công, tự do tuần hành…

Với sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ Nghệ An, từ đây, phong trào đấu tranh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đó là một trong những cơ sở góp phần quyết định để phong trào cách mạng ở Nghệ An sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có những bước phát triển nhảy vọt.

Cùng với việc xây dựng tổ chức Công hội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng rất coi trọng việc xây dựng tổ chức Nông hội. Tháng 6-1929, khi mới đặt chân lên đất Nghệ An, với cương vị của mình, cùng với việc xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng khác, đồng chí đã tập trung nhiều tâm lực cho việc đẩy mạnh phong trào cách mạng trong nông dân, xây dựng tổ chức hướng dẫn cho nông dân hoạt động. Để có sự chỉ đạo đúng đắn đồng chí luôn đi sâu, đi sát nông dân, lăn lộn với phong trào, nắm bắt tình hình, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động giác ngộ họ và đưa cán bộ đảng viên vào nắm và lãnh đạo các tổ chức nông hội, làm cho hoạt động của nông hội đi đúng hướng. Một điều rất quan trọng trong cách làm việc của đồng chí đối với nông dân là sự gần gũi, hòa nhập, tinh thần trách nhiệm cao, tác phong hoạt bát, cách làm việc cụ thể làm cho người nông dân dễ hiểu, dễ tin và dễ mến.

Trong hồi ký của đồng chí Phan Thái Ất, Bí thư Tổng Nông hội Nghệ An năm 1929 có kể rằng: “…Tôi không bao giờ quên được anh Sắc. Anh người Bắc, vừa hoạt bát nhanh nhẹn, lại vừa khiêm tốn, chín chắn. Anh có dáng người dong dỏng cao, trí thức lại giản dị. Anh thường đội một cái nón cời, ăn mặc theo kiểu mà hồi đó chúng tôi gọi là: “Vô sản hóa”. Nhớ nhất là tác phong nhanh nhẹn và tính tình cương quyết của anh”.

Tháng 11-1929, tại huyện Anh Sơn, Xứ uỷ Trung Kỳ mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Xứ uỷ đã chỉ đạo Hội nghị cán bộ Nông hội Nghệ An. Hội nghị đã thông qua chương trình, điều lệ và Bầu ban chấp hành Tổng Nông hội đỏ Nghệ An gồm 5 đồng chí do Phan Thái Ất làm Bí thư. Nhiệm vụ quan trọng của Nông hội đỏ là nhằm tập hợp lực lượng nông dân đấu tranh đòi giảm  thuế, giành lại ruộng đất bị cướp đoạt và chống bắt phu, bắt lính…Theo lời kể của đồng chí Phan Thái Ất thì “Sau hội nghị chúng tôi phân công nhau đi xây dựng cơ sở ở các địa phương. Đồng chí Bùi Thừa vào Tuaran, đồng chí Bạt đi Thanh Hóa, đồng chí Thiên vào Hà Tĩnh, đồng chí Minh, đồng chí Thanh phụ trách các huyện xung quanh Vinh; còn tôi đi xây dựng cơ sở Đảng ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành và Diễn Châu”.

Như vậy, là việc thành lập Tổng Nông hội đỏ với nhiệm vụ của mình và lời kể của đồng chí Bí thư Tổng Nông hội lúc bấy giờ thì vai trò của Tổng Nông hội đỏ lúc này có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với phong trào cách mạng không những ở trong hai tỉnh Nghệ An mà cả một vùng rộng lớn.

Tổng Công hội đỏ và Tổng Nông hội đỏ Nghệ An vừa thành lập thì cũng trong tháng đó (tháng 11-1929) nhân kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng tháng Mười Nga, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ đóng tại Vinh đã phát truyền đơn kêu gọi “Công - nông - binh đoàn kết theo gương cách mạng tháng Mười Nga! Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, đánh đổ Nam triều phong kiến chế độ, lập chính phủ Xô Viết Công - nông - binh Đông Dương! Giao lò máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày! Thực hành chuyên chính vô sản và chủ nghĩa cộng sản!”.

Từ đây, phong trào cách mạng Nghệ An càng phát triển mạnh mẽ. Chính sự phát triển đó, đặc biệt là trong công nhân và nông dân đòi hỏi phải có một chính Đảng cộng sản thống nhất lãnh đạo. Đồng thời chính phong trào đấu tranh trong công nhân và nông dân với sự ra đời của Tổng công hội đỏ và Tổng Nông hội đỏ ở Nghệ An đã góp phần đặt nền móng cho một cao trào cách mạng mới từ ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập.

“Trong cao trào 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội đỏ Nghệ An đóng vai trò nòng cốt trong việc cổ vũ, tập hợp công nhân và những người lao động Vinh-Bến Thủy “Đứng đầu dậy trước”, kìm chân bao vây địch ở thành phố để nông dân lập Xô Viết. Như vậy là việc dẫn đến cao trào cách mạng 1930-1931 và các Xô Viết ra đời ở Nghệ An có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng gắn với vai trò của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đó là việc chỉ đạo thành lập Tổng Công hội đỏ và Tổng Nông hội đỏ ở Nghệ An vào cuối năm 1929. Thắng lợi lớn nhất của Đảng ta trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc ở Nghệ An từ năm 1929-1931  rất oanh liệt và có nhiều đóng góp xuất sắc cho phong trào cách mạng ở Nghệ An. Nhưng việc đồng chí với việc thành lập Tổng Công hội đỏ và Tổng nông hội đỏ ở Nghệ An là một đóng góp rất xuất sắc của đồng chí. Sự đóng góp xuất sắc đó theo chúng tôi có mấy suy nghĩ thay cho lời kết luận:

- Trước hết đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa là lãnh đạo, vừa là thành viên tích cực của Đông Dương Cộng sản Đảng - tổ chức Cộng sản tiến bộ nhất kể từ sau khi hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam ngày 1-5-1929 tại Hương Cảng Trung Quốc không thành. “Sự ra đời và phát triển của Đông Dương Cộng sản Đảng đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng trong cả nước”. Đồng thời nó cũng thúc đẩy việc ra đời 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam. tuy các tổ chức có những nhược điểm của thời kỳ mới thành lập, nhưng đều đáp ứng yêu cầu bức thiết của lịch sử mà Đông Dương Cộng sản Đảng xứng đáng là người mở đường một cách xuất sắc. Vì thế, khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc vào hoạt động ở Nghệ An đã mang theo những tư tưởng tiến bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng; với vị trí là Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ đóng trụ sở tại Nghệ An - một mảnh đất cháy bỏng tinh thần yêu nước và cách mạng, khát khao được giải phóng thì đó là mảnh đất tốt để những tư tưởng tiến bộ và cách mạng đâm chồi nảy lộc đặc biệt là trong công nhân và nông dân.

- Tư tưởng của Đông Dương Cộng sản Đảng về mối quan hệ công nông được xuyên suốt và thống nhất trong tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc là phù hợp với đòi hỏi trực tiếp và bức thiết của phong trào cách mạng của nông dân và công nhân ở Nghệ An.

Trong Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng đã chỉ rõ “Công, nông liên hiệp, vô sản giai cấp đi đầu, đó là một cái chánh sách rất khẩn cấp của vô sản giai cấp”.

Để biến tư tưởng đó thành hiện thực đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tìm mọi cách để đi sâu đi sát với công nhân và nông dân thông qua con đường “Vô sản hóa”, đồng chí say sưa hoạt động, hoà nhập phong trào, thực sự trở thành người đi đầu trong việc xây dựng và thành lập Tổng Công hội đỏ và Tổng Nông hội đỏ ở Nghệ An trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

- Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực hoạt động thực tiễn, có khả năng quy tụ đồng chí, đồng bào, đặc biệt là công nhân và nông dân hăng hái đi theo Đảng, theo cách mạng.

Từ khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào hoạt động ở Nghệ An, đồng chí luôn luôn thể hiện rõ lập trường kiên định, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, tác phong linh hoạt, sáng tạo, đức tính khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng công nông và nghị lực phi thưòng của người cộng sản chân chính. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là công nhân và nông dân được đồng chí bồi dưỡng, rèn luyện đều trưởng thành là những hạt giống đỏ của Đảng. Những bài mà đồng chí viết trên báo chí có sức mạnh thúc đẩy và hướng dẫn phong trào đấu tranh trong quần chúng công nông ở Nghệ An.

Trong hồi ký của các đồng chí đã từng hoạt động với đồng chí Nguyễn Phong Sắc ở Nghệ An đều rất khâm phục, quý trọng một con người, một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng lại có những cống hiến cực kỳ xuất sắc cho phong trào cách mạng nói chung và cho Nghệ An nói riêng mà một cống hiến tiêu biểu đó là việc thành lập Tổng Công hội đỏ và Tổng Nông hội đỏ ở Nghệ An vào cuối năm 1929.

                                                                                                                                                                   Hoàng Minh Truyền
                                                                                                                                                       Ban tuyên giao Tỉnh uỷ Nghệ An

Video