Đồng chí Nguyễn Phong Sắc với sự ra đời và hoạt động của Sinh hội đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-04 07:25:27

Sau cuộc họp ngày 21-7-1929, Ban chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã phân công hai đồng chí cán bộ cốt cán, hai nhà trí thức cách mạng tiền bối là: Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng ở Trung Kỳ, xúc tiến thành lập một chính Đảng lãnh đạo.

Cả hai đồng chí: Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung đều cùng có một điểm xuất phát giống nhau, họ là những học sinh thông minh, chăm chỉ, giàu lòng nhân ái, căm thù giặc sâu sắc và có một tình yêu quê hương đất nước, thương dân mà cả hai người đều bất hợp tác với giặc đi theo tiếng gọi yêu nước thiết tha của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du. Họ đã khước từ cuộc sống phú quý, đi vào con đường cách mạng, mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để: “Xúm tay vào kéo lại non sông”.

Từ những điểm chung về lý tưởng và hoàn cảnh, đã gắn bó sự nghiệp cách mạng của hai người, từ ngày đầu hoạt động trên đất Hà Nội cũng như sau này, họ đều được tin cậy cùng vào hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng ở Trung Kỳ.

Nguyễn Phong Sắc quê ở Bạch Mai, Hà Nội là một học sinh giỏi xuất sắc của trường Bưởi. Còn Trần Văn Cung quê ở xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là một học giỏi của trường Quốc học Vinh. Thời kỳ ở Vinh, Trần Văn Cung đã từng tham gia hoạt động yêu nước bí mật trong nhà trường. Sau đó Trần Văn Cung được tham dự lớp học chính trị đặc biệt, khoá đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo. Khi trở về nước, đồng chí tham gia hoạt động ở Hà Nội, là một trong những người vận động thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại 5D Hàm Long vào tháng 3-1929. Trong cuộc hội nghị này, đã nhất trí bầu đồng chí Trần Văn Cung làm Bí thư chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây là một chi bộ Cộng sản Đảng ở cơ sở được thành lập đầu tiên ở nước ta.

Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung là những nhà trí thức yêu nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm trong thực tiễn đấu tranh và rất am hiểu tâm lý của tuổi trẻ trên ghế nhà trường. Đây là những yếu tố về nội lực quan trọng và quyết định về sứ mệnh lịch sử, thể hiện vai trò cá nhân, trước vận mệnh của Tổ Quốc bị xâm lược. Với trình độ, khả năng lãnh đạo và tài tổ chức, tập hợp quần chúng, trong công tác tuyên truyền, vận động, hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung khi được cử vào Trung Kỳ đã hoạt động trong các trường học như thế nào. Vai trò của họ trong việc thành lập và hoạt động của Sinh hội đỏ như thế nào trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Đó là những vấn đề cần được bàn đến trong cuộc Hội thảo khoa học, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 71 năm nhà trí thức cách mạng Nguyễn Phong Sắc mất. Là một trí thức được Đảng và Bác Hồ giáo dục, với cương vị là một thầy giáo nghiên cứu và giảng dạy bộ môn lịch sử tại trường Đại học Vinh. Với tấm lòng biết ơn và kính trọng đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tôi mong muốn được góp một phần nhỏ về những nội dung hoạt động và lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đối với thành phần tí thức và học sinh ở Nghệ Tĩnh, đặc biệt là ở Vinh. Với sự tài ba trong công tác tuyên truyền, khéo léo vận động quần chúng, dày dạn kinh nghiệm trong công tác tổ chức của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, nhất là đối với đội ngũ trí thức, học sinh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có những đóng góp gì, để cho phong trào đấu tranh của học sinh, trí thức yêu nước ở Nghệ Tĩnh, cùng hoà chung một bản nhạc với công nông liên minh, dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng Cộng sản trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 oai hùng?

Với bản tham luận trong cuộc hội thảo khoa học này, tôi mong được góp một phần nhỏ làm rõ thêm về khả năng, trí tuệ, tình cảm và vai trò lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đối với đội ngũ trí thức và Sinh hội đỏ Nghệ Tĩnh. Từ đó sẽ giúp chúng ta hiểu về các mặt: Đức, Trí, Mỹ, Thể ở đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một nhà cách mạng tiền bối, xuất sắc trên mọi lĩnh vực.

Nói đến việc các đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung khi vào hoạt động ở Trung Kỳ , trước hết phải nói đến sự hoạt động ở thành phố Vinh. Bởi Vinh - Bến Thuỷ là trung tâm kinh tế chính trị, văn hoá, xã hội của phía Bắc Trung Kỳ.

Dưới thời thuộc Pháp, cả Trung kỳ chỉ có 3 trường Quốc học Huế và Quốc học Quy Nhơn. Trường Quốc học Vinh là nơi nhận học sinh của 4 tỉnh phía Bắc Trung Kỳ gồm: Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình.

Trường Quốc học Vinh đã có truyền thống hiếu học của “Ông đồ xứ Nghệ” cộng với dòng máu yêu nước của các sỹ phu như: Trần Tấn, Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Xuân Ôn... đã thành mạch chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều trí thức yêu nước đã từng học ở ngôi trường này đã trưởng thành và góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thị Minh Khai... đặc biệt cùng hành trình về Vinh xây dựng lực lượng cách mạng với đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại trường Quốc học Vinh từ những ngày đầu tiên còn có đồng chí Trần Văn Cung, người đã từng học tập và tham gia các hoạt động yêu nước bí mật tại ngôi trường này.

Từ một học sinh Quốc học Vinh đi làm cách mạng nay lại được trở về xây dựng Chi bộ Đảng của Sinh hội Đỏ trong nhà trường. Đó là những điều kiện thuận lợi để đồng chí Trần Văn Cung đặt cơ sở xây nền móng, giúp đồng chí Nguyễn Phong Sắc thành lập tổ chức chi bộ Đảng, tại trường Quốc học Vinh một cách thuận lợi. Có thể nói hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung sống và làm việc rất hợp ý nhau, vì học cùng có chung một quan điểm sống như nhau. Là là việc đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết. Cả hai đồng chí cùng có chung một lý tưởng, một mục đích, một niềm tin vào con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo nhất định thắng lợi.

Trong khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Trần Văn Cung đang ra sức tuyên truyền và vận động công nhân, nông dân, học sinh, thợ thuyề đứng lên đấu tranh nhân dịp kỷ niệm ngày thế giới đoàn kết chống chiến tranh đế quốc. Nhưng thật đáng buồn, đúng vào ngày 1-8-1929 trong khi đồng chí Trần Văn Cung đang đi rải truyền đơn không may bị địch đi tuần phát hiện, đồng chí Trần Văn Cung bị bắt. Thế là công việc cách mạng đang làm dở dang đành phải dồn cả vào cho đồng chí Nguyễn Phong Sắc gánh vác thay.

Trong nội dung của những tờ truyền đơn, đồng chí đã kêu gọi việc thành lập Đảng, kêu gọi đấu tranh. Thời gian này đồng chí Nguyễn Phong Sắc thường ở trong nhà mẹ Lộc, cạnh bến Đền. Mẹ Lộc là một quần chúng cách mạng tốt, mẹ đã nuôi dưỡng và bảo vệ các đồng chí trong Xứ uỷ, Tỉnh uỷ. Mẹ Lộc đã coi đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí đi làm cách mạng như con cái của mình. Tại nhà của mẹ Lộc, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhiều học sinh của tường Quốc học Vinh. Đồng chí Chu Văn Biên là một trong số những học sinh của trường Quốc học Vinh, được đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Sau này đồng chí đã kể lại về cuộc gặp gỡ hôm đầu tiên với đồng chí Nguyễn Phong Sắc như sau:

“...Thế rồi vào một buổi chiều chủ nhật trung tuần tháng 10, tôi được giới thiệu đến một ngôi nhà tranh ở cạnh bến Đền. Ở đó tôi gặp một thanh niên trạc độ hăm lăm tuổi, áo lương, quần Tây cóng. Thấy tôi vào anh niềm nở mời tôi ngồi và hỏi:

- Anh đã làm xong bài vở cả chưa? Có thể nói chuyện lâu với tôi được không?

 Được ạ. – Tôi đáp.

Sau khi tìm hiểu sơ lược về tình hình nhà trường, tình hình mùa màng ở làng quê, anh hỏi thẳng:

- Anh Biên định học xong rồi làm gì?

- Tôi thích đi hoạt động!

- Đi hoạt động thì phải chịu khó, chịu khổ và phải hy sinh nữa. Anh có làm được không?

Hỏi xong anh cười, nhìn ra ngoài một cách bình thản. Anh có để râu nhưng hàng ria mép ấy không hề làm cho khuôn mặt trắng trẻo và rất thư sinh của anh già thêm một chút nào. Đôi mắt to sáng và rất dễ tin của anh đã làm cho tôi thấy dễ gần gũi. Tôi vui vẻ đáp:

- Được lắm ạ!

Anh ân cần bảo:

- Muốn đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và Nam triều phong kiến chế độ, chúng ta phải nỗ lực vận động các giới hợp quần lại để đấu tranh...

Tổng Sinh hội Đỏ Nghệ An vừa mới ra đời đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 (7-11-1929). Công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Tổng Sinh hội dựa vào truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng mà vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Tổng Sinh hội, để đề ra những nội dung tuyên truyền cho phù hợp với những mục tiêu ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga, kêu gọi học học sinh gia nhập tổ chức Sinh hội đỏ, kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản. Truyền đơn được rải khắp nơi, những chỗ tập trung đông người, trong trường học, bến xe, ga tàu, ở các chợ, ngoài đường phố. Những tờ áp phích quảng cáo dán bằng chữ to dán trước cổng trường học và những nơi công cộng với nội dung: “ Hỡi anh chị em học sinh, tìm Sinh hội Đỏ mà vào”.

Để phục vụ công tác tuyên truyền trong học sinh, trí thức có hiệu quả hơn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cho xuất bản tờ báo “ Xích Sinh” vào cuối tháng 11-1929, dựa trên cơ sở của tờ báo “ Hồng Sinh” đã có trước đó. Tờ báo “ Xích Sinh” là sự kế thừa có chọn lọc, nội dung và chất lượng tuyên truyền khác với tờ báo “ Hồng Sinh” vì nó tuyên truyền theo đường lối của Đông Dương Công sản Đảng. Tờ báo” Xích Sinh” ra đời và hoạt động đều do sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng chí là người biên tập, và cũng là cây bút chủ chốt của tờ báo. Những đồng chí cốt cán chủ trì trong Ban chấp hành lâm thời của Sinh hội Đỏ như các đồng chí Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Nguyễn Văn Điền…đều được đồng chí Nguyễn Phong Sắc chọn phụ trách tờ báo và trong ban biên tập, trực tiếp viết bài. Cơ sở in ấn của tờ báo “ Xích Sinh” lúc đầu được đặt tại nhà mẹ Lộc, để tiện cho việc ăn, ở, hội họp và liên lạc của các đồng chí thượng cấp. Mẹ Lộc và hai người con trai của mẹ là Phan Hữu Lộc và Phan Thế Triết là những người bảo vệ và canh gác, nuôi dưỡng cho cơ quan ấn loát của Sinh hội Đỏ. Tờ báo “ Xích Sinh” của Sinh hội Đỏ đã góp phần to lớn vào những thắng lợi mở đầu trong phong trào đấu tranh của học sinh nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga 1929. Tờ báo “ Xích Sinh” còn đăng các bài viết của đồng chí Nguyễn Phong Sắc về những viễn cảnh tươi đẹp của cách mạng tháng Mười Nga, của trường Đại học Phương Đông ở nước Nga, để mọi người cùng phấn đấu đưa cách mạng Việt Nam đến con đường của cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Báo “ Xích Sinh” đã trở thành vũ khí sắc bén để tố cáo vạch mặt những thói hư tật xấu từ trong nhà trường ra ngoài xã hội. Năm 1930, hoạt động tích cực của Sinh hội Đỏ trên nhiều lĩnh vực đã góp phần không nhỏ trong việc hợp nhất giữa ba tổ chức tiền thân của Đảng. Thành lập một chính Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trực tiếp chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của trường Quốc học Vinh thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để có điều kiện thời gian đi “ vô sản hoá” của Xứ Trung Kỳ, những học sinh tiến bộ của trường Quốc học Vinh đi làm cách mạng đã tìm cách để “Được đuổi học”, trong số họ có các đồng chí như: Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, đồng chí Vơn, đồng chí T. Nhà mẹ Lộc là cơ sở của Sinh hội Đỏ thu nhận những người bị đuổi học về đây hoạt động. Các đồng chí phân công nhau, người thì đi vào nhà máy làm việc “ vô sản hoá” để lãnh đạo công nhân, người thì về các huyện như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu để tuyên truyền, vận động cách mạng, đưa phong trào Sinh hội Đỏ phát triển rộng khắp trên cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Để cho những học sinh trong tổ chức Sinh hội Đỏ đi vào nhà máy rèn luyện, theo chủ trương “ vô sản hoá” được đồng chí Nguyễn Phong Sắc hết sức hưởng ứng. Để giúp anh em tự tin phấn đấu, rèn luyện được tốt, đồng chí Nguyễn Phong Sắc thường tâm sự: “ Không phải chúng ta vào nhà máy để xem xét theo lối cưỡi ngựa xem hoa mà phải lao động thực sự, để rèn luyện mình và để vận động anh chị em thợ. Ta phải hết sức thương yêu, tôn trọng anh em thợ mới học tập được họ. Chỉ khi nào ta đổ mồ hôi như họ, thì ta mới thấy được ý nghĩa của những giọt mồ hôi ấy.”( Hồi ký của đồng chí Chu Văn Biên).

Rời ghế trường Quốc học Vinh, các đồng chí mỗi người một nơi để đi “vô sản hoá”, đồng chí Chu Văn Biên vào nhà máy Trường Thi, đồng chí Vơn xuống cảng Bến Thuỷ, đồng chí Lê Sỹ Thuận đi vào nhà máy vôi Long Thọ ở Huế.

Dưới sự lãnh đạo và dìu dắt trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Sinh hội đỏ Nghệ An đã có nhiều động đa dạng và phong phú, in truyền đơn, tài liệu và tuuyên truyền, ra báo “ Xích Sinh”, treo cờ hưởng ứng các cuộc mít tinh, biểu tình phản đối thực dân Pháp xử bắn hai đồng chí Thân và Đìu. Truyền đơn của Đảng Cộng sản được học sinh rải khắp nơi với nội dung: “ Kêu gọi học sinh đứng lên cùng nhân dân các giới làm cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp và chính phủ Nam triều, thành lập chính phủ Xô Viết” và đòi các quyền lợi như:

- Bỏ lệnh phạt Công Xi, bỏ Hội đồng kỷ luật.

- Tự do thi cử, tự do xuất dương!

Truyền đơn được học sinh rải cả trong phòng giấy, sân chơi, nhà ăn, nhưng bọn mật thám, tay sai trong trường cũng phải làm ngơ. Học sinh trong trường bị đuổi học ngày càng nhiều, nhưng truyền đơn vẫn rải ra ngày càng tăng. Tổng đốc Phạm Bá Phổ bất lực, chúng phải thay đổi quan chức. Thực dân Pháp đưa Hồ Đắc Khải, một tên đại gian ác, xảo quyệt lên thay Phạm Bá Phổ. Hồ Đắc Khải cho rằng: “ Học sinh là ung nhọt của phong trào cộng sản”.( theo Đường cách mệnh).

Biết được âm mưu thủ đoạn của Hồ Đắc Khải, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã họp Chi bộ Cộng sản trường Quốc học Vinh lại để phân tích tình hình và giao nhiệm vụ cho học sinh tiếp tục rải tuuyền đơn phản đối những chính sách thâm độc của thực dân Pháp và tay sai bán nước hại dân.

Phong trào Sinh hội Đỏ hoạt động mạnh mẽ tại trường Quốc học Vinh rồi lan rộng ra các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và đặc biệt là huyện Thanh Chương. Từ sau ngày đồng chí Nguyễn Phong Sắc đi khảo sát tuyên truyền, vận động và thành lập các chi bộ Đảng: “ Tháng 2-1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lên Võ Liệt nắm tình hình và lập ra Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Võ Liệt gồm 7 đảng viên do đồng chí Hoàng Thuật làm Bí thư. 

Trong hồi ký cách mạng của mình đồng chí Tôn Thị Quế, nữ đảng viên lão thành cách mạng kể lại về sự kiện đồng chí Nguyễn Phong Sắc lên xây dựng cơ sở cách mạng ở huyện Thanh Chương rằng: “ Theo lời chị Minh Khai trao đổi lại, tôi thay mặt Thượng cấp, lên gặp các đồng chí để bàn việc gây cơ sở Đảng ở đây… Sau này tôi mới được các đồng chí cho biết anh tênlà Thịnh, Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ”(Chỉ một con đường)

Thực hiện chỉ thị của đồng chí Nguyễn Phong Sắc , đồng chí Nguyễn Tiềm phụ trách Tổng Sinh hội Đỏ đã về tại trường Pháp - Việt Thanh Chương bàn bạc với các đồng chí Đinh Xuân Giai, Hoàng Thuyết, Nguyễn Đình Tùng…để tuyển chọn những học sinh, thanh niên có cuộc sống giản dị, không cờ bạc, không rượu chè, không xu nịnh, biết giữ bí mật, nhiệt tình cách mạng là có thể kết nạp vào Sinh hội Đỏ. Tổ chức Sinh hội Đỏ trường Pháp - Việt Thanh Chương phát triển rất mạnh:  "vô sản hoá”… Từ đó học sinh gắn bó với nhau hơn, tổ chức Sinh hội từ 7 người lên 22 ngưòi. Để thống nhất sự lãnh đạo trong trường, một Ban chấp hành Sinh hội được thành lập trong đó có: anh Hoàng Thuyết, Nguyễn Như Cầu, Phan Soa, Nguyễn Đình Tùng và Đinh Xuân Giai. (Ráng đỏ Hồng lam)

Đồng chí Hoàng Thuyết ở trong chấp hành huyện uỷ lâm thời huyện Thanh Chương phụ trách Tổng Sinh hội đỏ, vì bận hoạt động cách mạng và đoàn thể Sinh hội Đỏ nên đồng chí phải nghỉ học.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc có chủ trương phát động một phong trào đấu tranh đòi quyền lợi và thị uy lực lượng, đồng chí Thuyết căn dặn các hội viên Sinh hội Đỏ ở Thanh Chương sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc ở Vinh về với tinh thần: “đến ngày Quốc tế lao động, chúng ta cần vận động, ttổ chức anh em học sinh đi biểu tình thật rầm rộ. Thế nào cũng phải tổ chức cho được”.

Tiếp thu chủ trương của đồng chí Nguyễn Phong Sắc , hoà chung với phong trào đấu tranh của nhân dân ở các nơi như Vinh- Bến Thuỷ và nông dân ở Hạnh Lâm, Thanh Chương đấu tranh với lực lượng hơn 3000 người tham gia. Sinh hội Đỏ trường Pháp - Việt Thanh Chương tổ chức rải truyền đơn vào tận trong trường. Khi bó truyền đơn dấu trong bụi hoa nhài được tung ra, học sinh đã ùa đến tranh nhau đọc ngay trước mặt tên cai Hớn khiến hắn hoảng hốt lo sợ. Sáng 1-5-1930, sau giờ học, 100 học sinh trường Pháp - Việt Thanh Chương đã xếp hàng ngũ chỉnh tề diễu hành thị uy lực lượng, từ sân trường đến quán thôn Ngũ Phúc tập trung với khí thế hiên ngang. Tại quán thôn Ngũ Phúc, đồng chí Đinh Xuân Giai đã đứng lên trên cái bàn đặt ở giữa sân để diễn thuyết; truyền đơn của Đảng được đọc to lên trong buổi diễn thuyết: “ Hỡi anh chị em thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên, học sinh! Hỡi anh chị em bị bóc lột dã man! đồng chí Đinh Xuân Giai nói về ý nghĩa của cuộc đấu tranh trong ngày 1-5 và kêu gọi học sinh hãy gia nhập Sinh hội Đỏ”. Sau buổi diễn thuyết “Đoàn biểu tình vẫn hàng ngũ chỉnh tề kéo vòng qua cửa huyện và chợ Rộ. Đến đây chúng tôi chia làm hai, một đoàn kéo xuống quán Hàng Tổng, một đoàn kéo về trường rồi giải tán”.

Sau cuộc đấu tranh ngày 1-5, học sinh trường Pháp - Việt bị bắt 4 người bị giải về tra khảo tại nhà lao Vinh, mặc dù lần đầu tiên được thử thách qua đấu tranh và nếm đủ cực hình tra tấn trong nhà lao Vinh nhưng đồng chí Đinh Xuân Giai cùng các đồng chí hội viên trong Sinh hội Đỏ không hề khai báo nửa lời. Cuối cùng không moi được tin tức gì của người cầm đầu, thực dân Pháp chỉ còn cách dọa nạt rồi thả cả 4 người của Sinh hội Đỏ về trường Pháp -Việt Thanh Chương. 

Qua cuộc “ lửa thử vàng”, Ban chấp hành Sinh hội Đỏ họp kiểm điểm tình hình và phát động phong trào đấu tranh mới, mọi người càng thấm thía lời dạy bảo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc lúc tâm sự cùng các đồng chí thành viên Sinh hội Đỏ: “Không có đấu tranh thì quần chúng làm sao mà được thử thách, làm sao mà biết được người hay, người dở để tuyển lựa vào Đảng và các tổ chức quần chúng” ( trích Ngọn cờ Bến Thủy, NXB Thanh niên, 1979, tr. 179).

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, phong trào hoạt động của Sinh hội Đỏ ở các huyện của tỉnh Hà Tĩnh cũng phát triển đồng loạt. Chi bộ Đảng trong trường huyện Đức Thọ hoạt động mạnh, phong trào học sinh liên tiếp nổ ra từ trước ngày 1-5-1930. Đồng chí Nghi Lộc đã về làm việc tại trường huyện Đức Thọ. Chi bộ nhà trường tổ chức in ấn truyền đơn, may cờ, áp phích, quảng cáo. Tinh thần đấu tranh trong ngày 1-5 ở nhà trường huyện Đức Thọ đã được đồng chí Bùi Đắc Gia phản ánh lại qua hồi ký của mình: “ Tinh sương ngày 1-5 đã thấy học sinh các nẻo kéo nhau về tập trung tại quán Nuôi Sáu dưới sự trực tiếp chỉ huy của các đồng chí Đinh Hương, Phạm Hồ, Nguyễn Bính. Lá cờ Đảng do đồng chí Nghiêm Trúc vừa treo lên đã ngạo nghễ tung bay trước gió”.

Hoà chung với phong trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh, phong trào của Sinh hội Đỏ không ngừng trưởng thành. Trong kỳ nghỉ hè năm học 1930, học sinh trường Quốc học Vinh cũng như các trường Pháp - Việt Thanh Chương, Đức Thọ, Hương Sơn, thị xã Hà Tĩnh đều về quê nghỉ hè. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã họp Ban chấp hành Sinh hội Đỏ và vạch ra kế hoạch sinh hoạt hè cho học sinh ở quê. Đây là một lực lượng mạnh, có trình độ tuyên truyền vận động ở các địa phương. Bởi vậy phong trào đấu tranh của nhân dân các huyện đều được bổ sung lực lượng và phát triển nhanh chóng. Chính quyền Xô Viết Nghệ TĨnh ra đời ở các địa phương trong thời gian từ 30-8-1930 trở về sau có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cách mạng học sinh trong tổ chức Sinh hội Đỏ. Theo tinh thần của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo Sinh hội Đỏ, đã nhấn mạnh nội dung: “Hiện nay các làng đều có cơ sở Đảng và cơ sở của các tổ chức quần chúng. Anh em ở địa phương nào thì giới thiệu về tham gia sinh hoạt và công tác ở địa phương đó. Đảng viên thì giới thiệu về tham gia sinh hoạt Chi bộ, hội viên Sinh hội thì giới thiệu về sinh hoạt trong các tiểu tổ Nông hội Đỏ. Làm sao để mọi người đều tham gia hoạt động trong ba tháng hè”. (Ráng đỏ Hồng Lam)

Qua nội dung trình bày trên, chúng ta càng thấy rõ vai trò to lớn của đồng c hí Nguyễn Phong Sắc trong quá trình vận động, tuyên truyền và sáng lập Sinh hội Đỏ. Những người trí thức cũng như học sinh yêu nước trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vô cùng kính trọng và biết ơn đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đường dìu dắt họ theo Đảng làm cách mạng. Khi thực dân Pháp đàn áp khủng bố trắng, hàng loạt cán bộ cốt cán trưởng thành từ nhà trường trong tổ chức Sinh hội Đỏ bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng họ thà chết chứ không bao giờ để lộ cơ sở hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Những người học sinh, trí thức cũng như tấm lòng của người dân yêu nước trên quê hương xứ Nghệ luôn kính yêu đồng chí Nguyễn Phong Sắc khi sống và tôn thờ đồng chí Nguyễn Phong Sắc khi đồng chí anh dũng hy sinh vì dân, vì nước. Tại nhà thờ họ Nguyễn Sỹ ở làng Yên Dũng Thượng, là cơ sở hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đã lập bàn thờ, thờ ảnh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc ngay trong nhà thờ họ.

Ngày 25-5-1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã hy sinh anh dũng tại đình Chính Vị (Song Lộc - Nghi Lộc). Hiện nay di tích đình Chính Vị cũng như các di tích đồng chí Nguyễn Phong Sắc đến hoạt động và chỉ đạo phong trào đều đã lập bàn thờ, thờ ảnh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc để tỏ rõ lòng biết ơn và kính trọng.

Từ thế hệ học sinh trưởng thành trong phong trào Sinh hội Đỏ do đồng chí Nguyễn Phong Sắc đào tạo, bồi dưỡng 71 năm qua. “ Tre già măng mọc” tiếp sau các thế hệ lão thành đi trước trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng đã có hàng vạn học sinh, trí thức ưu tú đứng lên tiếp bước con đường cách mạng mà đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã đi, dưới ngọn cờ Đảng quang vinh.

Tự hào về quá khứ của cha ông đi trước, phấn khởi và tự tin vào con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế trí thức mới.

Học tập và biết ơn đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và các di tích cách mạng thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, hàng năm có hàng chục vạn sinh viên, trí thức đến tham quan học tập để hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc. Hiểu thêm về cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng mà đồng chí Nguyễn Phong Sắc là linh hồn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đó.

Sau hội thảo khoa học nhân dịp kỉ niệm 100 năm sinh và 71 năm ngày đồng chí Nguyễn Phong Sắc hy sinh. Khoa Lịch sử trường Đại học Vinh sẽ có trách nhiệm nghiên cứu sâu hơn về những tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, giúp cho các em sinh viên khoa Lịch sử có thêm tư liệu nghiên cứu và những kiến thức trong việc tuyên truyền, giảng dạy lịch sử địa phương, sau khi các em ra trường làm việc.

Để có điều kiện phục vụ cho công tác nghiên cứu và học tập về truyền thống tổ chức dâng hương hoa trong các ngày lễ kỷ niệm của dân tộc, ngày thành lập Đảng Cộng sản, ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh …Chúng tôi kính đề nghị các cấp có thẩm quyền cấp ngân sách để xây dựng một tượng đài đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại Viện Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ở thành phố Đỏ anh hùng. Bổ sung thêm hiện vật tư liệu trong phòng giới thiệu về chuyên đề đồng chí Nguyễn Phong Sắc với Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tăng cường các hoạt động liên kết giữa Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với các trường đại học, cao đẳng, THPT…Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa với nội dung tìm hiểu các danh nhân trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh mà tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Tri thức Xứ uỷ Trung Kỳ.

Kính thưa!

Nhân cuộc Hội thảo hôm nay, cho phép tôi đại diện cho anh em cán bộ giảng viên và trên 4000 sinh viên khoa Sử Đại học Vinh gửi tới các quý vị đại biểu, thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc, các bậc lão thành cách mạng, các nhà khoa học có mặt hôm nay lời chú sức khoẻ và lời chào trân trọng nhất.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

TS. Nguyễn Công Khanh
Khoa lịch sử- Đại học Vinh

Video