Đồng chí Nguyễn Như Kỷ - người chiến sỹ tiêu biểu của xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-12-23 07:09:46

Đồng chí Nguyễn Như Kỷ sinh năm 1909 tại làng Thường Long, tổng Đại Đồng (nay là xã Thanh Văn) huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha là ông Nguyễn Như Canh, một trong những người tích cực tham gia phong trào Văn thân chống Pháp ở Thanh Chương, mẹ là bà Nguyễn Thị Khuyên, một phụ nữ chịu thương chịu khó chăm lo việc đồng áng.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Như Kỷ

Lúc còn nhỏ, Nguyễn Như Kỷ được cha cho theo học chữ Hán. Đến năm 1926, sau khi ý định xuất dương sang Xiêm không thành, Nguyễn Như Kỷ được đồng chí Hoàng Tăng Bính tuyên truyền giác ngộ cách mạng và giao nhiệm vụ tổ chức các đội bóng đá, hội tán trợ nông dân, đọc sách báo tiến bộ, kể chuyện thời sự... thông qua đó để tuyên truyền tinh thần yêu nước và cách mạng cho nhân dân trong vùng. Nguyễn Như Kỷ hoạt động rất tích cực, vì vậy năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Đảng Tân Việt.

Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, dưới sự chỉ đạo của Phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ, ngày 20/3/1930, Hội nghị đại biểu các chi bộ cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại đền Tiến Sơn thuộc tổng Võ Liệt (nay là xã Thanh Long), huyện Thanh Chương. Hội nghị đã quyết định chuyển các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong toàn huyện thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị  bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Thanh Chương gồm các đồng chí: Tôn Gia Tinh (Bí thư); Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế (phụ trách giao thông); Trần Trạch, Nguyễn Đình Thốc, Nguyễn Như Kỷ (phụ trách tuyên truyền cổ động)…

Sau khi Huyện ủy lâm thời Thanh Chương được thành lập, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Hữu Bình về vùng Xuân Lâm, Cát Ngạn, liên lạc với thanh niên ưu tú thành lập chi bộ Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chi bộ Đảng và cơ sở nông hội ở các tổng được thành lập. Đồng chí Nguyễn Như Kỷ được cử làm Bí thư chi bộ Đại Đồng và được đồng chí Tôn Gia Tinh giao quản lý quỹ của Huyện ủy để mua giấy và mực in tài liệu, truyền đơn.

Ngày 24/4/1930, Tỉnh ủy Nghệ An mở hội nghị kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và họp bàn kế hoạch kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5. Ngay sau đó, Huyện ủy lâm thời Thanh Chương triệu tập cuộc họp và quyết định tổ chức treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn trong toàn huyện, nơi nào có điều kiện thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết đưa yêu sách. Các cơ quan ấn loát của Đảng khẩn trương in thêm tài liệu và truyền đơn để phân phát trong toàn huyện.

Sáng ngày 1/5, gần 3000 nông dân các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Nhuận Trạch, Yên Lạc và Đức Nhuận mang theo giáo mác kéo về Đình làng Thượng nghe đại diện Huyện ủy nói rõ ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động. Sau đó quần chúng kéo lên vây phá đồn điền Ký Viễn. Cũng trong ngày hôm đó, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Thuyết và đồng chí Đinh Xuân Giai đông đảo học sinh trường Pháp - Việt Thanh Chương tập trung tại Quán thôn Ngũ Phúc (xã Võ Liệt) làm lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Những cuộc đấu tranh đó như những phát pháo hiệu mở đầu cho phong trào Xô viết tại Thanh Chương.

Tiếp đó, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, ngày 1/9/1930, gần 2 vạn nhân dân Thanh Chương đã nổi dậy đấu tranh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đồng chí: Trần Hữu Doánh, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Lâm Yên. Từ 1 giờ sáng ngày 1/9, cả Thanh Chương náo động tiếng chiêng, trống, tiếng mõ và tiếng reo hò. Đoàn biểu tình của tổng Cát Ngạn vượt sông Giăng, sông Trai xuống Thanh Nha nhập với đoàn Võ Liệt. Đoàn của tổng Đại Đồng do đồng chí Nguyễn Như Kỷ dẫn đầu từ chùa Nhường kéo xuống. Một bộ phận đoàn Xuân Lâm từ chợ Cồn nhập với đoàn Xuân Trường… hai đoàn Đại Đồng và Xuân Lâm gặp nhau tại bến đò Nguyệt Bổng. Không có đò sang (vì địch đã dồn tất cả đò sang bến Rộ), đoàn biểu tình tràn xuống bờ sông. Bất chấp sự đe dọa, khống chế của kẻ địch, một số người đã dũng cảm chèo đò qua sông đón đoàn. Hoảng sợ, tri huyện Phan Sỹ Bàng và tên đồn trưởng Côngđô Minat đã ra lệnh cho lính bắn sang phía tả ngạn sông Lam làm đồng chí Nguyễn Công Thường trúng đạn. Căm hận sôi sục, lập tức quần chúng ào ạt vượt sông. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân, tri huyện và nha lại, lính tráng bỏ chạy lên đồn Thanh Quả, quần chúng phá tan đại lý rượu ty, thiêu hủy huyện đường…

Cuộc biểu tình lịch sử ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời đầu tiên của chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh. Báo Người lao khổ đã viết: “ở Thanh Chương và Nam Đàn, không ai đóng thuế chợ và cũng không ai dám thu. Không ai đi tuần và lính không về canh gác. Đế quốc chủ nghĩa bắt triệt hạ không ai thi hành…..anh em cứ tự do lập hội, tự do biểu tình.” ([1])

Sau cuộc biểu tình ngày 1/9/1930, chính quyền địch ở nhiều thôn xóm bị tan rã, các xã bộ nông đứng ra quản lý xã thôn, lãnh đạo quần chúng thực hiện các khẩu hiệu của Đảng đề ra. Các Xô viết tịch thu ruộng đất lúa tiền công chia cho dân nghèo, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ cho nhân dân; Thành lập các hội Phụ nữ, Đồng tử quân, đội Tự vệ… để bảo vệ các cuộc biểu tình và giữ gìn trật tự trị an thôn xóm.

Trong thời gian hoạt động, đồng chí Nguyễn Như Kỷ đã chọn nhà thờ họ Nguyễn Như ở thôn Đại Định làm nơi hội họp, nơi in ấn tài liệu, truyền đơn của Đảng và là nơi ăn nghỉ của cán bộ Đảng mỗi lần về làm việc.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng tại Thanh Chương, chính quyền địch tìm cách khủng bố để nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu. Thực dân Pháp điều quân bổ sung vào đồn Thanh Quả, đồn Rạng, lập thêm nhiều đồn bốt như: Đa Cương, Xuân Tường, Bích Thị. Đại Định….lúc này toàn huyện Thanh Chương có 36 đồn và hơn 700 binh lính và lập thêm hệ thống đoàn phu, bang tá từ tổng đến xã .

Cuối năm 1931, trong lần xuống cơ sở, đồng chí Nguyễn Như Kỷ sa vào tay giặc, đồng chí bị bắt và đưa về giam tại đồn Thanh Quả, sau đó giải về giam tại nhà lao Vinh. Dù bị tra tấn dã man, nhưng kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của người chiến sỹ công sản kiên trung. Vì vậy thực dân Pháp và tòa án Nam triều kết án Nguyễn Như Kỷ 7 năm tù khổ sai và 6 năm quản thúc ([2]), đưa đi phát vãng tại Cửa Rào, sau đó chuyển lên đồn Kim Nhan.  Năm 1933, đồng chí Nguyễn Như Kỷ được giảm án 3 năm tù. Đến ngày 22/2/1934, đồng chí được thả tự do.

Ra tù, trở về quê hương, đồng chí lại tìm cách bắt mối liên lạc với tổ chức và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Lúc này, các cơ sở Đảng hầu hết bị phá vỡ, các đảng viên phần lớn bị bắt giam trong các nhà tù đế quốc như Nhà lao Vinh, Nhà tù Lao Bảo, Ngục Kon Tum…  Đồng chí Nguyễn Như Kỷ đã bàn với các đồng chí đảng viên mới ra tù như Đinh Xuân Giai, Lê Minh Tái, Tôn Thị Quế… tìm cách khôi phục lại Huyện bộ Thanh Chương

Cuối năm 1935, cơ sở Đảng bị lộ, Nguyễn Như Kỷ cùng nhiều đồng chí khác trong Huyện ủy lại bị bắt. Lần này, không cần xét xử, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án đồng chí 15 năm tù khổ sai và 15 năm quản thúc([3])  giam tại nhà lao Vinh. Tại đây, đồng chí tiếp tục tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù do chi bộ Đảng Nhà lao Vinh phát động như: làm reo, tuyệt thực, hô khẩu hiệu…

Cuối năm 1938, sau 4 lần giảm án, Nguyễn Như Kỷ được trả tự do và quản thúc tại địa phương. Về quê nhà, đồng chí lại tìm cách lên sông Giăng cùng đồng chí Lê Minh Tái, Phạm Hoan gây dựng lại cơ sở cách mạng.

Tháng 5/1945, Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh được thành lập. Ban vận động cử đồng chí Võ Mai và Nguyễn Như Cầu về Thanh Chương bắt mối liên lạc. Đồng chí Nguyễn Như Kỷ đã bắt liên lạc lại, được nhận tài liệu của Việt Minh và được giao nhiệm vụ cùng đồng chí Lê Minh Tái phụ trách Việt Minh vùng Cát Ngạn.

Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Như Kỷ được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: thành lập và làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời xã Bình Dương; Chủ tịch kiêm Bí thư xã Đại Đồng; Cán bộ Tổ chức Khu ủy Khu IV… đến năm 1971 đồng chí nghỉ hưu theo chế độ. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Như Kỷ từ trần vào năm 1997, hưởng thọ 88 tuổi.

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Như Kỷ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu như: Huân Chương Kháng chiến Hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, truy tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Như Kỷ là tấm gương sáng cho các thế hệ chúng ta hôm nay học tập và noi theo./.

 Nguyễn Thị Hội

Trưởng phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Chú thích

([1]) Trích báo Người lao khổ, số đặc biệt, ra ngày 6/9/1930, tr.4

([2] ) Theo Bản án số 13 ngày 14/01/1932 của Tòa Án Nam Triều – Tài liệu lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

([3]) Theo bản án số 203, ngày 28/11/1935- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tài liệu tham khảo

  1. Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương sơ thảo tập 1 (1930-1945). Nxb Nghệ Tĩnh năm 1985
  2. Nghệ An những tấm gương cộng sản. Tập 5. Nxb Nghệ An năm 2015
  3. Xô viết Nghệ Tĩnh. Nxb Nghệ An năm 2000
  4. Lịch sử Đảng bộ Nghệ An. Tập 1 (1930-1954). Bxb Chính trị Quốc gia năm 1998

Video