Đồng chí Nguyễn Khắc Văn - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Bồi Sơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931

Tác giả: admin
Ngày 2021-11-19 03:11:51

Xã Bồi Sơn nay (xưa là xã Bạch Đường, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An) nằm phía Tây của huyện Đô Lương, nơi có con sông Lam thơ mộng chảy qua. Mảnh đất bao đời được coi là miền biên viễn, là “ phên dậu” của Tổ quốc. Thuận lợi về giao thông cả hai đường bộ và thủy, bởi vậy từ xưa Bồi Sơn đã được coi là địa bàn chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cũng như nhân dân cả nước, nhiều người con của Bồi Sơn đã đi theo tiếng gọi yêu nước, sớm tham gia vào các cuộc đấu tranh chống Pháp, tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của tiến sỹ Nguyễn Nguyên Thành (quê ở Đông Sơn, Đô Lương)... Đặc biệt trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931, tiêu biểu cho những người con kiên trung, bất khuất của quê hương Bồi Sơn có đồng chí Nguyễn Khắc Văn.

Đồng chí Nguyễn Khắc Văn sinh năm 1908 tại làng Nhân Bồi, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là con út trong một gia đình nông dân nghèo. Hàng ngày phải chứng kiến cuộc sống cùng cực, khốn khó của những người thân xung quanh, dưới sự áp bức bóc lột của của thực dân Pháp và phong kiến nên đồng chí luôn luôn nung nấu một khát vọng vùng lên đấu tranh để thay đổi vận mệnh của mình cũng như giành độc lập cho quê hương.

Năm 1927, một nhóm thanh niên có học thức tại làng Nhân Trung (nay là xã Lam Sơn) đã vận động thành lập chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng, gồm các đồng chí Đặng Sỹ Đối (thầy Đồ), Cao Tiến Tuệ  (thầy thuốc), Tôn Quang Phiệt (Trợ giáo trường Sơ đẳng)... là những hạt nhân đầu tiên. Tiếp đến một số thanh niên ưu tú như Lê Khắc Cơ, Đào Văn Uân, Nguyễn Khắc Ái, Nguyễn Khắc Văn... được tuyên truyền, giới thiệu và kết nạp vào Đảng Tân Việt, đã tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước và cách mạng tại địa phương như tuyên truyền, rải truyền đơn, mít tinh, biểu tình…

Tháng 3/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì Chi bộ đảng Bạch Ngọc (Bồi Sơn) được thành lập lấy tên là chi bộ Bạch Truật, do đồng chí Đặng Sĩ Đối làm Bí thư. Đây là một trong những chi bộ Đảng ra đời sớm nhất trong Phủ Anh Sơn. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng, toàn xã dấy lên phong trào đấu tranh đòi giảm sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột... Phong trào diễn ra sôi nổi và rộng khắp trong các làng xã. Trên cơ sở đó Chi bộ đã phát động, thành lập được các tổ chức đoàn thể như: Nông hội đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội tự vệ đỏ (Xích vệ)…

Được sự giới thiệu của đồng chí Đặng Sỹ Đối – Bí thư chi bộ Bạch Truật, đồng chí Nguyễn Khắc Văn đã viết đơn xin vào Đội tự vệ đỏ cùng với thanh niên trong xã như các đồng chí Lê Văn Biếu, Nguyễn Huy Đa, Nguyễn Khắc Vạn... là những thanh niên ưu tú, trung thành, dũng cảm, giỏi võ, có sức khỏe tốt. Với sức trẻ, đội tự vệ luôn xung phong gương mẫu dẫn đầu trong các hoạt động như ngày tham gia  sản xuất, đêm hội họp, học văn hóa, đặc biệt là chú trọng vào việc rèn sắm vũ khí, luyện tập võ công. Địa điểm luyện tập của đội là vùng đất đê ven sông Lam, hoặc khe núi trong rừng. Đây là những vùng đất kín đáo, khi có biến thì các đồng chí có thể chạy thoát, tránh những cuộc truy lùng của kẻ địch để bảo toàn lực lượng. Đội được huấn luyện võ thuật bởi cụ Lê Sói một cựu nhân sĩ của Tiến sỹ Nguyễn Nguyên Thành ở Đông Sơn lãnh đạo. Đội tự vệ đỏ thường xuyên  tuần tra, canh gác, bảo vệ xóm làng trong các cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ, thực sự là công cụ đắc lực góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương.

Tháng 6/1930, các làng bắt đầu kỳ thu thuế. Thực hiện chủ trương của chi bộ Đảng, nhằm kêu gọi nhân dân tập hợp để làm đơn đòi hoãn và giảm thu vì vụ chiêm năm đó thất bát do hạn hán kéo dài. Vào một buổi giữa trưa hè, bỗng nghe tiếng trống ngũ liên nổi lên dồn dập tại sân đình để kêu gọi nhân dân tập trung ký tên vào đơn xin khất thuế. Bất ngờ cùng lúc đó Tri phủ Anh Sơn có đội lính lệ tháp tùng đi kiểm tra thúc sưu vừa tới cổng làng.

Tri phủ tức giận, cho rằng làng này dám chống lại nhà nước, bèn ra lệnh cho bọn lính giải tán đám đông và truy lùng, bắt bớ hàng loạt quần chúng ưu tú, đảng viên, hội viên đem về nhà lý trưởng đánh phủ đầu.

Nắm bắt tình hình nhanh chóng, đội Tự vệ đỏ do anh Nguyễn Khắc Văn, Lê Văn Bường, Lê Văn Cẩn, Lê Khắc Cơ... tức tốc huy động lực lượng bao vây lý trưởng không cho chúng làm càn. Một cuộc đấu tranh đã diễn ra vô cùng gay cấn. Phía địch có lý trưởng, tuần phu và những tên tay sai với vũ khí tối tân, súng ống, đạn dược. Bên ta lực lượng cách mạng ít, không cân sức, với vũ khí thô sơ như dáo, máo, gậy gộc… nên cuối cùng đã bị địch bắt dẫn về phủ Anh Sơn tra khảo và tống giam. Lúc này không khí khủng bố trắng diễn ra tràn lan và hết sức tàn bạo.

Trước phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân, bọn giai cấp thống trị Pháp và Nam triều ở Phủ Anh Sơn cho gia tăng lực lượng khủng bố, đàn áp. Chúng điều lính khố đỏ, khố xanh về đóng đồn tại các thôn xóm cùng bộ máy hào lý dày đặc như lập đoàn phu, dựng điếm canh… tuần phòng nghiêm ngặt để trấn áp và truy lùng cán bộ nhằm dập tắt mọi hoạt động của chi bộ Đảng, của Nông hội... Tức nước vỡ bờ, cao trào đấu tranh lại dâng lên sôi nổi khắp phủ Anh Sơn.

Tiếp đến, ngày 15/7/1930 Phủ ủy Anh Sơn tổ chức một cuộc biểu tình lớn nhằm hưởng ứng cuộc đấu tranh vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của công nhân Vinh- Bến Thủy. Nhân dân các làng Nhân bồi, Tạp Phúc (Bồi Sơn) cùng các xã khác như Bạch Hà, Thuần Trung, Yên Lãng tập trung về truông Cồn Đọi ( Đà Sơn) tham gia biểu tình đưa yêu sách:

- Yêu cầu hoãn thuế đến tháng 10, bãi bỏ thuế chợ, thuế đò

- Trả tự do cho những người bị bắt

- Bồi thường cho những người bị bắn chết ở Bến Thủy

Trong dịp này, các đồng chí Nguyễn Khắc Văn, Lê Văn Bường, Lê Văn Cẩn, Lê Khắc Cơ… bị bắt giam ở phủ Anh Sơn nay đã được trả tự do, vì bọn địch không tìm đủ chứng cứ để kết tội.

Trước sức mạnh đấu tranh của đoàn biểu tình, tại truông Cồn Đọi, tri phủ Anh Sơn là Hà Xuân Hải đã phải chấp nhận ghi vào văn bản cho nhân dân phủ Anh Sơn xin khất sưu thuế, hạn đến tháng 10 nạp đủ.

Ngày 8/9/1930, Phủ ủy Anh Sơn lại tổ chức một cuộc biểu tình lớn trong toàn huyện, với mục đích đòi tri phủ Anh Sơn phải thực thi những yêu sách của quần chúng đã được ký vào văn bản ngày 15/7/1930. Tối ngày 7/9/1930, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, tại làng Nhân Bồi và Tập Phúc (Bồi Sơn), đội tự vệ đỏ đã họp bàn kế hoạch rải truyền đơn và treo cờ Đảng lên các cây cao trong làng để cổ vũ cho cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân tại địa phương. Không khí chuẩn bị đấu tranh diễn ra hết sức khẩn trương và náo nức. Đúng 12 giờ đêm khuya thanh vắng, các đồng chí trong đội tự vệ đỏ đã hành động, nhanh chóng di chuyển tiến về sân đình làng và phân công như sau: đồng chí Lê Văn Bường, Lê Văn Cần chuẩn bị giáo mác, vũ khí cảnh giới phía ngoài; đồng chí Nguyễn Khắc Văn treo lá cờ đỏ búa liềm rộng 2 mét vào cây sào cắm lên nóc đình làng Nhân Bồi (Bồi Sơn). Một lá cờ khác do đồng chí Lê Văn Bường treo lên ở ngọn cây đa cổ thụ trước cửa đình làng Tạp Phúc (Bồi Sơn). Những lá cờ đỏ tung bay trong gió như thách thức bọn cường hào ác bá. Sau khi lý trưởng đi tuần tra, thấy truyền đơn rải khắp nơi, cờ đỏ búa liềm được cắm trên các nóc đình làng, hắn tức tối bắt lính hạ xuống và hét to: “phen này phải trị những tên cộng sản làm loạn”…

Sớm tinh mơ ngày 8/9/1930, sau khi nghe hiệu lệnh từ tiếng trống ngũ liên vang lên khắp các tổng làng của phủ Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Khắc Văn đã hòa vào dòng người đang rầm rộ vượt qua Hói Quai kéo về phủ lỵ dương cao khẩu hiệu biểu tình chống áp bức, khủng bố, đòi triệt thoái đồn binh... Khi đến truông Cồn Đọi thì bị bọn cai trị Pháp cho máy bay ném bom vào đoàn biểu tình, làm cho hàng chục người chết và bị thương. Trước tình thế bất lợi, ban chỉ huy đã ra lệnh cho quần chúng giải tán để tránh thiệt hại.

Tiếp đến, tháng 10/1930, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, chi bộ Đảng huy động toàn dân xã Bồi Sơn đi biểu tình thị ủy, cảnh cáo bọn mật thám ngầm và bọn tổng, lý tay sai. Sau đó hàng trăm người kéo về tập trung tại Cầu Vồng Nhân Bồi (xã Bồi Sơn) dự mít tinh nghe cán bộ diễn thuyết về cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, quần chúng mít tinh hô vang khẩu hiệu:

- Đã đảo bọn đế quốc phong kiến Nam triều!

- Đã đảo quân đàn áp dã man!

- Ủng hộ công nông Vinh- Bến Thủy!

Khi cuộc mít tinh, biểu tình gần kết thúc, binh lính và bọn tay sai trong đồn mới biết, chúng hùng hổ lùng bắt rồi nổ súng vào đoàn biểu tỉnh đã giải tán, ông Trần Văn Lai ở làng Tạp Phúc bị trúng đạn và hi sinh trên cánh đồng Kênh. Đồng chí Nguyễn Khắc Văn thấy vậy liền xách mác xông tới thì bị lính đồn Phúc Hậu xả súng bắn bị thương ở đùi, được quần chúng nhân dân giải thoát khiêng về nhà cứu chữa và chờ thời cơ tiếp tục hoạt động.

Đến giữa năm 1931, thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng ở Anh Sơn nói chung và Bồi Sơn nói riêng rất gắt gao. Chúng thực hiện chiến dịch khủng bố trắng, điều động lính khố xanh, khố lục, nhiều tên mật thám chỉ điểm đồng thời xây dựng đồn binh, ngày đêm lùng sục, bắt bớ các chiến sỹ cộng sản với phương châm  “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Từ đó hầu hết các đảng viên hy sinh hoặc bị bắt giam tại các nhà lao. Chi bộ và các  tổ chức Nông hội đỏ, Đội tự vệ gặp khó khăn, thử thách trước sự vây ráp, bắt bớ của kẻ thù. Để bảo toàn lực lượng, đồng chí Nguyễn Khắc Văn cùng với các đồng chí trong đội Tự vệ đỏ đã phải tạm lui vào rừng sâu để ẩn nấp, bám dân, bám làng tiếp tục hoạt động và duy trì phong trào cách mạng…

Năm 1945, đồng chí Nguyễn Khắc Văn đã tiếp tục tham gia vào hoạt động bí mật tổ chức cướp chính quyền tại địa phương… Những hoạt động sôi nổi của đồng chí đã góp phần làm nên những thắng lợi trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng và trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo.                            

                  Phan Thảo

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

  • Sách lịch sử Đảng bộ xã Bồi Sơn- NXB Nghệ An, năm 2015.
  • Sách những tấm gương cộng sản – NXB Chính trị Quốc gia, năm 2010.
  • Sách lịch sử Đảng bộ Nghệ An – NXB Chính trị Quốc gia HN, năm 1998.
  • Theo lời kể của gia đình đ/c Nguyễn Khắc Văn.

 

 

 

Video