623
771
2473
14858
34073
6823303
Đồng chí Nguyễn Hữu Dung (1904-1977), (bí danh: Vinh, Linh, Tịnh), quê ở xã Quỳ Lăng, tổng Quỳ Trạch (nay là xã Lăng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Từ giữa năm 1926, các đồng chí Võ Mai, Bùi Xuân Nôm đã về các làng Quỳ Lăng, Xuân Lai, Yên Định, Gia Mỹ để xây dựng cơ sở bí mật của tổ chức Thanh niên tổng Quỳ Trạch. Các đồng chí đã tiếp cận, kết nạp một số các thanh nên yêu nước địa phương vào tổ chức, trong đó có đồng chí Nguyễn Hữu Dung. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Mai, tiểu tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Vân Tụ và Quỳ Trạch đã nhanh chóng bắt tay vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân.
Giữa tháng 10/1930, các đồng chí: Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc đã về tổ chức cuộc họp bí mật tại nhà đồng chí Bùi Xuân Nôm[1]. Tham dự cuộc họp là những thanh niên yêu nước tiêu biểu, như các đồng chí: Nguyễn Hữu Dung, Bùi Xuân Nôm, Luyện Nhận, Lê Điều,… Cuộc họp đã phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy về việc tổ chức cuộc biểu tình toàn huyện nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1930), nhằm biểu dương lực lượng, đòi quyền lợi kinh tế và phản đối chính sách khủng bố của Pháp, chính quyền phong kiến tay sai đối với công nông Vinh – Bến Thủy, Nhân dân Hưng Nguyên.
Thực hiện chủ trương đó, đồng chí Nguyễn Hữu Dung và nhóm thanh niên yêu nước đã chia nhau về các làng xã, khéo léo tuyên truyền, vận động bà con để chuẩn bị cho cuộc biểu tình.
Sáng sớm ngày 7/11/1930, tiếng trống, mõ vang lên, quần chúng các làng kéo về địa điểm tập trung, đợi giờ xuất phát. Đồng chí Nguyễn Hữu Dung, Luyện Nhận, Bùi Xuân Nôm, Lưu Xuân Giản lãnh đạo đoàn biểu tình của tổng Quỳ Trạch rầm rập tiến bước kéo xuống, tập trung tại trường Yên Mã. Sau đó, đoàn kéo qua các làng Thanh Đạt, Lạc Thiện, Tương Lai. Đoàn đi đến đâu, Nhân dân các làng đều đổ ra, nhập vào đoàn đến đấy. Không khí đấu tranh sục sôi của đoàn biểu tình hạ huyện từ Quỳ Trạch lên với đoàn biểu tình thượng huyện từ tổng Vân Tụ xuống đã khiến cho bộ máy tay sai hoảng sợ.
Tri huyện Yên Thành huy động toàn bộ lực lượng tay sai, kết hợp với lính lê dương trên địa bàn huyện để đối phó. Khi đoàn biểu tình ở hạ huyện dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Dung, Luyện Nhận, Bùi Xuân Nôm, Lưu Xuân Giản đi đến cầu Muống (làng Tường Lai) đã bị lính lê dương xả súng bắn cản, làm 10 người chết và nhiều người bị thương. Các đồng chí đành hướng dẫn Nhân dân rút lui để hạn chế thương vong.
Tối ngày 9/11/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Dung và Nhân dân tổng Quỳ Trạch tập trung về Cồn Diệc[2] để làm lễ truy điệu cho những người đã hy sinh trong cuộc biểu tình ngày hôm đó, đồng thời tố cáo tội ác của chính quyền thực dân phong kiến, nêu cao ngọn cờ đấu tranh cho Nhân dân.
Ngày 10/11/1930, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Yên Thành được thành lập. Đồng chí Nguyễn Hữu Dung là Ủy viên Huyện ủy lâm thời. Sau khi thành lập, Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời đã cử các ủy viên về cơ sở để xây dựng tổ chức.
Theo sự phân công của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Dung trực tiếp về Quỳ Lăng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gây dựng tổ chức. Nhờ hoạt động của đồng chí, chỉ sau một thời gian ngắn, chi bộ ghép đầu tiên của ba làng Quỳ Lăng, Lạc Thiện, Tường Lai được thành lập. Đồng chí Nguyễn Hữu Dung vừa là người chỉ đạo sâu sát và cũng là người cùng chi bộ tổ chức nhiều cuộc hội họp, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Nhờ đó, tinh thần đấu tranh của Nhân dân ngày càng được củng cố. Chi bộ Quỳ Lăng trở thành một trong ba chi bộ mạnh của Yên Thành lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở Quỳ Lăng nói riêng và Yên Thành nói chung, Pháp và chính quyền Nam triều tay sai đã huy động thêm nhiều lính lê dương, lính khố xanh phối hợp với hệ thống đoàn phu, bang tá, tổ chức nhiều đợt càn quét, vây bắt các chiến sỹ cộng sản, quần chúng yêu nước. Trong thời gian ngắn, một số đồng chí trong Huyện ủy lâm thời Yên Thành bị sa vào tay giặc.
Tháng 12/1930, thực hiện chủ trương của cấp trên nhằm củng cố hệ thống lãnh đạo Đảng tại Yên Thành, dưới sự chủ trì của đồng chí Tôn Gia Chung và Tôn Thị Quế, Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức đầu tiên của huyện đã được thành lập gồm 6 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hữu Dung được tổ chức tín nhiệm bầu là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Yên Thành.
Trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Hữu Dung cùng các đồng chí Huyện ủy viên đã vượt mọi khó khăn để lãnh đạo Nhân dân Yên Thành đấu tranh chống các chính sách khủng bố của địch. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và các chi bộ, chỉ trong mấy tháng đầu năm 1931, trên địa bàn toàn huyện đã có gần 40 cuộc biểu tình với sự xuất hiện của lực lượng tự vệ đỏ mang theo gậy, gộc, giáo, mác để bảo vệ.
Trong thời gian này, kẻ địch ngoài những trận càn quét, còn sử dụng thêm các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, phát “thẻ quy thuận” hòng dập tắt phong trào đấu tranh của Nhân dân. Nhận rõ âm mưu thâm độc đó, đồng chí Nguyễn Hữu Dung và Huyện ủy Yên Thành đã tổ chức cuộc họp bàn ở làng Ngọc Luật nhằm đề ra các biện pháp để phá tan buổi lễ, không cho Tổng đốc biểu dụ, rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận.
Sáng ngày 7/2/1931, đúng phiên chợ Kè, theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo Nhân dân tổng Vân Tụ kéo lên tập trung tại đình chợ Kè. Tri huyện Yên Thành Phan Minh Bật, chánh phó tổng, hào lý, chức sắc các làng trong tổng Vân Tụ đều lần lượt kéo về đây. Tiếp đó, xe ô tô của tên công sứ Pháp, tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ và giám binh Pơty từ Vinh về dự. Đi kèm là một tốp lính lê dương từ Diễn Châu lên và lính đồn Trụ Pháp được huy động đến để bảo vệ buổi lễ. Khi buổi lễ sắp bắt đầu, lá cờ vàng vừa kéo lên, Nguyễn Khoa Kỳ chuẩn bị hiểu dụ thì các đồng chí đảng viên được bố trí từ trước liền hô hào mọi người đứng dậy. Truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi anh chị em dân cày vào Nông hội đoàn kết chống Pháp được rải khắp nơi. Buổi “lễ quy thuận” do địch tổ chức đã thất bại hoàn toàn. Cuộc đấu tranh ngày 7/2/1931 thắng lợi không những cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh của Nhân dân Yên Thành, mà còn tạo nên tiếng vang khắp toàn tỉnh.
Nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng, kẻ địch đã tăng cường lực lượng lính lê dương, lính khố xanh và đoàn phu, bang tá rình rập, bắt bớ các đảng viên và quần chúng yêu nước Yên Thành. Trước tình hình đó, ngày 26/6/1931, Huyện ủy quyết định dời cơ quan từ Giáp Nậy[3] về làng Ngọc Luật[4]. Tuy nhiên, khi các đồng chí đi đến Truông Lứng, Tràng Kè[5] thì bị lính đồn Trụ Pháp phát hiện và vây bắt. Trước tình thế không cân sức, Huyện ủy Yên Thành đã bị tổn thất nghiêm trọng: đồng chí Nguyễn Thực đã hy sinh, đồng chí Nguyễn Hữu Dung bị lính truy đuổi, bắn bị thương và bắt tại Truông Kè.
Kẻ địch sau đó đã đưa đồng chí Nguyễn Hữu Dung vào giam tại Nhà lao Vinh. Không khuất phục được ý chí của người cộng sản, ngày 18/11/1931, tòa án Nam triều tay sai đã kết án đồng chí Nguyễn Hữu Dung với mức án tử hình. Sau đó, địch giảm xuống mức án tù khổ sai chung thân và đày đồng chí Nguyễn Hữu Dung đi Lao Bảo. Ngày 8/10/1932, đồng chí Nguyễn Hữu Dung tiếp tục bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột. Năm 1934, đồng chí Nguyễn Hữu Dung được giảm án, từ mức khổ sai chung thân xuống còn 13 năm tù.
Trải qua 3 nhà lao đế quốc, đối mặt với những thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ, những cực hình tra tấn tàn bạo nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Dung – Bí thư đầu tiên của Huyện ủy Yên Thành vẫn luôn nêu cao khí phách của người cộng sản. Trong những năm tháng tối tăm của ngục tù, đồng chí Nguyễn Hữu Dung đã cùng với các chiến sỹ cộng sản thắp lên ngọn lửa yêu nước, ngọn lửa cách mạng. Các đồng chí đã bằng nhiều hình thức như: làm reo, tuyệt thực, tuyên truyền thơ văn… để biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đấu tranh giành được những quyền lợi cơ bản cho cuộc sống.
Trong báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 4/10/1937 đã có báo cáo đặc biệt về đồng chí Trần Hữu Dung: “… không thể ban ân huệ nào cho tên Nguyễn Hữu Dung mà quan Công sứ Buôn Ma Thuột báo lên là một phần tử luôn luôn tỏ ra bất phục tùng…”
Với khát vọng được trở về với Đảng, được cống hiến cho quê hương, đầu năm 1943, đồng chí Nguyễn Hữu Dung vượt ngục thành công, về quê tiếp tục hoạt động. Đồng chí Nguyễn Hữu Dung và các đảng viên Quỳ Lăng đã không quản ngại gian khó, góp phần làm nên thắng lợi hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn huyện vào ngày 25/8/1945.
Với những đóng góp của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Dung đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Quỳ Lăng. Ngày 6/1/1946, tại cuộc bầu cử đầu tiên của xã, đồng chí Nguyễn Hữu Dung đã được Nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Sào Nam[6].
Sau một thời gian, đồng chí Nguyễn Hữu Dung được điều lên huyện làm công tác tổng động viên, rồi tiếp tục được điều ra Trung ương. Khi chuyển công tác, đồng chí Nguyễn Hữu Dung đã hiến ngôi nhà của mình cho Huyện ủy để làm trụ sở tại xã Trung Thành[7].
Với 47 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Dung đã trở thành một trong những tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ con cháu học tập và noi theo. Những cống hiến to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Hữu Dung đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì theo Quyết định số 546 KT/CT ngày 29/10/1998. Ngày 22/7/2020, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng ra Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về việc lấy tên của đồng chí Nguyễn Hữu Dung đặt cho con đường ở Thị trấn Yên Thành như một sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao của người Bí thư đầu tiên của Huyện ủy Yên Thành.
ThS. Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành (1930-2017), NXB Nghệ An,2017;
- Lịch sử xã Lăng Thành (1930-2017), NXB Nghệ An, 2018;
- Hồ sơ của mật thám Pháp về đồng chí Nguyễn Hữu Dung khai thác tại Bộ Công an.