Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2020) – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam

Tác giả: admin
Ngày 2020-07-13 01:55:40

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền sinh ngày 15/07/1910 trong 1 dòng họ có truyền thống trung quân ái quốc tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là hậu duệ đời thứ 15 của Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, tận mắt chứng kiến cảnh “một cổ hai tròng áp bức” và nỗi nhục mất nước của người dân nô lệ nên đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã sớm nung nấu lòng căm thù giặc và khát khao giải phóng quê hương.

Sau khi học xong bậc Sơ học ở trường làng, Nguyễn Đình Biền lên Vinh theo học tại Trường Quốc học Vinh. Được tiếp xúc với các sách báo, tư tưởng cứu nước tiến bộ của Hội Phục Việt và đặc biệt là sự dìu dắt của thầy Trần Phú, Trần Văn Tăng, cậu học trò Nguyễn Đình Biền đã sớm tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân phong kiến, đòi tự do hoạt động chính trị…

Năm 1928, Nguyễn Đình Biền được tổ chức tín nhiệm phân công hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định. Để tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên thành Nguyễn Duy Trinh – cái tên đã theo đồng chí đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trung của mình. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị Pháp bắt tại một cơ quan của Tân Việt ở Sài Gòn. Không khai thác được thông tin gì từ đồng chí, tháng 7/1930, Thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký nghị định trục xuất Nguyễn Duy Trinh về nguyên quán để hạn chế nguy cơ mầm mống cách mạng.

Tháng 8/1930, ngay sau khi về tới quê nhà, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã bí mật liên lạc với các chi bộ đảng địa phương và tiếp tục cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng quê hương dưới lá cờ của Đảng. Các đồng chí đã trực tiếp vận động và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của nhân trong tổng Đặng Xá, Nghi Lộc.

Tháng 4/1931, sau khi Huyện ủy Nghi Lộc bị phá vỡ do các thủ đoạn khủng bố của địch, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã bắt liên lạc với một số đảng viên trung kiên và lập ra ban cán sự Huyện ủy Nghi Lộc mới, tiếp tục duy trì sự hoạt động của Đảng bộ. Hội nghị đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bí thư Huyện ủy.

Ngày 18/1/1932, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị sa lưới địch. Từ năm 1932 đến tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị lưu đày trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của bọn thực dân phong kiến: nhà lao Vinh, nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà tù Côn Đảo, ngục Đăk Glei...  Dù bị tù đày, tra tấn bằng nhiều hình thức tàn bạo, dã man, luôn phải đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng đồng chí Nguyễn Duy Trinh vẫn giữ vững khí tiết cách mạng của người con quê hương Xô viết, luôn một lòng kiên trung với Đảng. Không những vậy, đồng chí còn biến nhà tù thành trường học cách mạng, luôn học tập, rèn luyện với niềm tin son sắt sẽ có ngày trở về để tiếp tục đóng góp cho cách mạng, cho quê hương, đất nước.

Đặc biệt, tháng 6/1935, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Cuối năm 1936, đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Côn Đảo. Tại đây, đồng chí gặp lại những người cộng sản kiên trung khác đang bị giam giữ như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng,  Lê Đức Thọ… tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh sôi nổi phản đối chế độ nhà tù hà khắc, đòi tổng đại xá và đòi các quyền tự do dân chủ. 

Tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh ra tù và được phân công tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An và Huế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, là người lãnh đạo phong trào Liên khu V, trên cương vị Bí thư  kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ, đồng chí đã góp phần đặt nền móng ban đầu, tạo tiền đề  vững chắc cho cuộc kháng chiến trên địa bàn này trong những năm sau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “… Anh Nguyễn Duy Trinh đã có công lớn cùng với anh Phạm Văn Đồng, phái viên của Trung ương xây dựng và tổ chức phong trào kháng chiến ở Liên khu V – xây dựng khu căn cứ địa – vùng tự do của cách mạng ở Nam Trung Bộ trong những năm 1946-1954…”[1]

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (tháng 3/1954); bầu vào Ban Bí thư Trung ương (năm 1955); bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị (năm 1956 ); Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1960). Đặc biệt là ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều bài viết, báo cáo thể hiện rõ sự chỉ đạo toàn diện và sâu sát trong công cuộc đưa miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Những tác phẩm của đồng chí thể hiện rõ tư duy lý luận và thực tiễn sâu sắc về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, về các mối quan hệ sản xuất, các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.

Tháng 4/1965, trước yêu cầu mới của cách mạng mở mặt trận ngoại giao “Vừa đánh - vừa đàm”, đây là thời kỳ cam go nhất khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam đánh phá miền Bắc. Với kiến thức uyên bác, điềm đạm, chín chắn, bản lĩnh, quyết đoán và giỏi nhiều ngoại ngữ, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị yêu cầu kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau gần 5 năm đấu trí và bản lĩnh, ngày 27/1/1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Pari, buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ảnh: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam DCCH ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam 

Trong thời kỳ xây dựng lại đất nước sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá, ngành ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước XHCN và cộng đồng thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Tháng 7/1977, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham dự lễ kéo cờ tại Trụ sở Liên hợp Quốc.

Đầu những năm 80, sức khỏe ngày càng giảm sút, bệnh tật hành hạ (do di chứng 15 năm bị giam cầm, tra tấn dã man của kẻ thù), đồng chí vẫn đảm nhận chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực đổi mới của Trung ương và đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cải cách mở cửa, đổi mới kinh tế của Đảng. Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 20/4/1985 tại Hà Nội. Trong suốt chặng đường lịch sử tham gia cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và quân dân tin yêu, cảm phục. Cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh thật sự là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và trí tuệ cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Nhận xét về đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Đại tướng Chu Huy Mân từng viết: “.. một người mẫu mực trong hoạt động chiến đấu, trong cuộc sống, với nghị lực kiên cường, anh là một trong những nhà hoạt động cách mạng lớn của Việt Nam, nhiều năm làm việc gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh là một nhà ngoại giao vững vàng, thông minh, lịch thiệp của Đảng và Nhà nước ta…”[2]

Với công lao to lớn đó, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu cao quý Huân chương Sao Vàng cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa như: xây dựng Khu Lưu niệm tại quê nhà, tổ chức Hội thảo khoa học các cập về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí, xuất bản nhiều cuốn sách, ấn phẩm văn hóa; sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc, sân khấu… Tên của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã được đặt cho những con đường lớn, các trường học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vinh và nhiều thành phố khác./.

Đặng Huyền Trang - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhớ anh Nguyễn Duy Trinh, in trong Nguyễn Duy Trinh Hồi ký và tác phẩm, NXB Chính trị QG, 2003, tr.103.

[2] Trích bài viết của Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam in trong Hồi kí và tác phẩm, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.109-110.

Video