Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2022-10-24 08:52:25

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02/02/1908 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Thân phụ là ông Nguyễn Đức Tiết một người giàu tinh thần yêu nước và khảng khái, thi đậu cử nhân năm 1888 nhưng không ra làm quan mà về quê dạy học. Thân mẫu là bà Trần Thị Thùy, người làng Cổ Am huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Gia đình ông bà có 4 người con là: Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Thị Thừa. Năm Nguyễn Đức Cảnh lên 7 tuổi thì cha mất, Nguyễn Đức Cảnh được ông bà Nguyễn Đạo Quán và Trần Mỹ (bạn học của cha) nhận làm con nuôi và cho đi học. Vốn là người có tư chất thông minh, Nguyễn Đức Cảnh được bạn bè quý mến và nể trọng.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932)

Học hết tiểu học ở Thái Bình, Nguyễn Đức Cảnh sang học tiếp Thành chung ở Nam Định. Tại đây, anh kết bạn với những thanh niên yêu nước tiến bộ như: Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều… Cả nhóm thường xuyên tìm hiểu những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Từ cuối năm 1925 đầu năm 1926, khi cả nước dấy lên phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, ở Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh cùng các bạn trong trường tham gia bãi khóa hưởng ứng. Sau cuộc bãi khóa, Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học. Rời ghế nhà trường, anh ra Hà Nội tự kiếm việc làm, xin vào làm thư ký cho hiệu ảnh và dạy học sau đó làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư. Trong thời gian làm việc tại đây, Nguyễn Đức Cảnh gia nhập nhóm “Nam Đồng Thư xã” (tổ chức tiền thân của Việt Nam Quốc dân Đảng). Đến tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật được Quốc dân Đảng cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp Tổng bộ “Thanh niên”.

Tại Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh được tham gia lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng do đồng chí Hồ Tùng Mậu huấn luyện. Sau thời gian học tập, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật đã thoát ly Quốc dân Đảng và gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

Tháng 2/1928, Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Hải Phòng, sau đó được cử làm Ủy viên BCH Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng  (gồm Hải Phòng, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh).

Ngày 17/6/1929, tại ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu các tổ chức cộng sản mới được thành lập ở Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội Nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên.

Ngày 28/7/1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh ở Bắc Kỳ. Đại hội đề ra nhiệm vụ mới cho phong trào công nhân  và thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Hội trưởng lâm thời. Tháng 8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành lập, BCH Đảng bộ lâm thời gồm 3 đồng chí do cấp trên chỉ định: đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu Căn làm Ủy viên. Tháng 12/1929, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các Tổng Công hội địa phương lên Xứ ủy và bầu Ban Chấp hành chính thức.

Tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Cuối tháng 10/1930, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung Kỳ phụ trách công tác tuyên huấn.

Vào Nghệ An, Nguyễn Đức Cảnh được bố trí làm việc tại nhà đồng chí Uông Nhật Vượng (nay thuộc xã Hưng Lộc, thành phố Vinh) và ăn nghỉ tại nhiều nhà dân trong đó có gia đình ông Nguyễn Trọng Hộ thuộc làng Yên Dũng Thượng (nay thuộc phường Hưng Dũng, thành phố Vinh). Sau khi được đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ phân công nhiệm vụ, Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ phụ trách công tác tuyên huấn. Từ đây, Nguyễn Đức Cảnh mang bí danh mới là “Trinh”, “Bé con”.

Tháng 9/1930, phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển mạnh với sự ra đời của chính quyền Xô viết ở các huyện như: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Can Lộc, Thạch Hà… Hoảng sợ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng phong trào cách mạng. Nhiều cơ sở Đảng ở địa phương bị mất liên lạc, phải tạm ngừng hoạt động. Trước tình hình đó, Nguyễn Đức Cảnh cùng Nguyễn Phong Sắc bàn bạc phải tìm cách mở các lớp huấn luyện để nâng cao trình độ cho cán bộ, đồng thời chỉ đạo các cấp bộ Đảng phối hợp với việc đấu tranh chống khủng bố để duy trì phong trào Xô viết. Với dáng người thon nhỏ, nhanh nhẹn, Nguyễn Đức Cảnh đã không quản ngại gian khổ, nguy hiểm ngày đêm lăn lộn với phong trào để chỉ đạo cụ thể, kịp thời việc chống lại những thủ đoạn xảo quyệt của địch và bảo vệ thành quả Xô viết.

Từ cuối năm 1930 đầu năm 1931, thực dân và phong kiến Nam triều ngoài việc đưa hàng loạt mật thám Pháp dày dạn kinh nghiệm trong việc chống cộng vào Nghệ Tĩnh, bọn chúng còn đưa về đây hàng loạt lính mới. Ngoài lính khố xanh chúng còn bổ sung thêm lính lê dương, lính Thổ và lính khố đỏ. Bên cạnh đó, chúng còn ra sức xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc ở các vùng trong hai tỉnh. Tính đến đầu năm 1931 ở Nghệ An đã có 68 đồn, Hà Tĩnh có 55 đồn binh chưa kể mạng lưới bang tá dày đặc rải khắp các làng. Để tăng cường việc lừa phỉnh, dụ dỗ nhân dân, xuyên tạc, đả kích cộng sản, ngoài tờ báo Nam Phong, Đông Pháp, Ngọ Báo chúng còn cho ra hàng loạt báo chí như: Hoan Châu tân báo, Thanh - Nghệ - Tĩnh tân văn… để phát hành rộng rãi trong quần chúng hòng lung lạc tinh thần của nhân dân ta. 

Trước những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, để đập tan luận điệu truyên truyền phản cách mạng của địch, Xứ ủy Trung Kỳ đã cùng các cấp bộ Đảng đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng, thường xuyên mở các lớp huấn luyện ngắn ngày, in ấn nhiều truyền đơn, tài liệu để giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Trong điều kiện hoạt động gian khổ, công tác in ấn, họp hành đều phải bí mật, chủ yếu là làm trong các buồng kín hoặc sát mái nhà. Ban ngày, các đồng chí phải vạch mái tranh để lấy ánh sáng, còn ban đêm thắp đèn thì phải che kín không cho ánh sáng lọt ra ngoài để tránh sự theo dõi của địch. Trong điều kiện như vậy, Nguyễn Đức Cảnh vẫn thường xuyên viết bài và phụ trách các tờ báo của Xứ ủy, tích cực giúp đỡ các Tỉnh ủy, Huyện ủy duy trì và phát triển các tờ báo Đảng. Có thể nói chưa bao giờ ở Nghệ Tĩnh lại xuất hiện nhiều báo chí cách mạng như thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Từ Xứ ủy, Tỉnh ủy, đến Huyện ủy và Chi bộ đều ra báo. Nét nổi bật trong thời kỳ này là nhiều loại báo chí, truyền đơn của Đảng xuất hiện đều đặn, kịp thời và phong phú nhằm tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân đấu tranh, đồng thời tố cáo, lên án tội ác của thực dân phong kiến. Xứ ủy Trung Kỳ có báo “Người lao khổ”, “Chỉ đạo”, “Vô sản”, “Tranh đấu”. Tỉnh ủy Nghệ An có báo “Tiến lên”. Tỉnh ủy Hà Tĩnh có báo “Bước tới”. Các Huyện ủy: Hưng Nguyên có báo “Sản nghiệp”, Nam Đàn có báo “Giác ngộ”, Thanh Chương có báo “Nhà quê”, Can Lộc có báo “Tự Cứu”, Thạch Hà có báo “Tiếng gọi”, Đức Thọ có báo “Cổ động”...  Truyền đơn của Tổng Nông hội, Phụ nữ, Công hội được rải khắp nơi trước và sau các cuộc đấu tranh của Nhân dân nhằm phát động, cổ vũ phong trào đấu tranh. Qua báo chí, truyền đơn phong trào cách mạng được phản ánh một cách thực tế và sinh động, ca ngợi tinh thần đấu tranh oanh liệt của quần chúng Nhân dân, chỉ rõ trách nhiệm của quần chúng. Từ giác ngộ, quần chúng đã ý thức được trách nhiệm của mình, mọi người đều hăng hái tham gia cách mạng.

 Có thể khẳng định rằng, báo chí thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh là vũ khí sắc bén góp phần trong việc phổ biến tin tức, hướng dẫn phong trào, trang bị lý luận cho cán bộ, đảng viên, lên án tội ác của địch và đập lại luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Đó là kết quả chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong đó đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có vai trò to lớn. Là người phụ trách công tác tuyên huấn, Nguyễn Đức Cảnh cũng đã viết bài cho nhiều tờ báo: Đồng lòng tranh đấu, Cờ Đỏ, Tin tức và trực tiếp phụ trách báo Lao Động cùng tạp chí Công hội đỏ của Công hội Bắc Kỳ. Nguyễn Đức Cảnh còn hướng dẫn kỹ thuật in ấn cho cán bộ ấn loát của các Cấp ủy. Trong thời gian đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Lê Mao vào Sài Gòn dự Hội nghị Trung ương do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì, Nguyễn Đức Cảnh thay mặt Bí thư Xứ ủy quán xuyến mọi công việc lớn nhỏ của Xứ ủy Trung kỳ.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã có những dấu ấn hoạt động cách mạng sôi nổi và có đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Nguyễn Đức Cảnh trở thành người chiến sỹ cộng sản rắn rỏi, đã cùng các đồng chí trong Xứ ủy Trung Kỳ chiến đấu quyết liệt chống lại những hành động khủng bố dã man và âm mưu xảo quyệt của địch với tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh. Bất cứ ở vị trí công tác nào, đồng chí vẫn luôn bám sát địa bàn mình phụ trách, đến với các tổ chức quần chúng cách mạng, hướng dẫn phương pháp đấu tranh tận tình. Đặc biệt trong thời gian này kẻ địch điên cuồng khủng bố, giăng lưới mật thám dày đặc, chỉ điểm khắp nơi để lùng bắt các chiến sỹ cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn mưu trí, gan dạ ra vào thành phố, đến những vùng nông thôn cách xa thành phố để khảo sát và nắm tình hình nhằm duy trì và chấn chỉnh phong trào. Nhờ sự chỉ đạo sát sao đó, nhiều cơ sở Đảng bí mật vẫn đảm bảo an toàn.

Vào một đêm cuối tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị sa lưới địch tại làng Yên Dũng Hạ (nay thuộc phường Bến Thủy, thành phố Vinh), ngay lập tức Nguyễn Đức Cảnh bị chuyển giải về giam giữ tại nhà tù Hòa Lò (Hà Nội). Thời gian bị giam giữ trong nhà tù đế quốc, Nguyễn Đức Cảnh tiếp tục dùng ngòi bút sắc sảo của mình chiến đấu với kẻ thù. Đồng chí đã viết tác phẩm: “Gia đình và chủ nghĩa cộng sản” đập tan luận điệu của kẻ thù khi cho rằng cộng sản là người không có gia đình, hay tập “Công nhân vận động” đã nêu rõ đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, nội dung, phương pháp tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo công nhân đấu tranh… Đây là cuốn sách đầu tiên viết một cách hệ thống về phong trào công nhân của Việt Nam.

Sau hơn một năm bị bắt giữ, ngày 30/7/1932, Nguyễn Đức Cảnh đã bị chính quyền thực dân Pháp đưa xuống nhà lao Sông Lấp - Hải Phòng để thi hành án chém. Sáng sớm ngày 31/7/1932, đồng chí đã hy sinh khi tuổi đời mới 24 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã nêu tấm gương sáng ngời về lập trường kiên định, về đức tính khiêm tốn và lối sống giản dị cùng nghị lực phi thường của người cộng sản chân chính, mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo./.

ThS.Nguyễn Thị Hội

Trưởng phòng TBTTGD - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tài liệu tham khảo

  1. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc với Nghệ Tĩnh. NXB Hà Nội, năm 2005.
  2. https://congdoanhaiphong.vn/tin-tuc-su-kien/danh-muc-trong/lich-su-va-cuoc-doi-dong-chi-nguyen-duc-canh-3665.html
  3. Lịch sử Đảng bộ huyện Tiền Hải (1916-2010), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2011.
  4. Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-2000), NXB Nghệ An, năm 2000.
  5. Xô viết Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ An, năm 2000.

Video