255
601
4347
16732
34073
6825177
Đồng chí Nguyễn Công Tá sinh ngày 5/8/1906 trong một gia đình nghèo ở làng Nguyệt Bổng, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương. Lên 10 tuổi, Nguyễn Công Tá được cha mẹ cho theo học, đến năm 17 tuổi anh phải nghỉ học để đi cày thuê cuốc mướn.
Năm 1928, trong thời gian cày thuê ở Trại Thung Vả (làng Xuân Tường), Võ Công Tá được xem Hội trò tập tuồng Trưng Trắc do cụ Vương Thúc Nghiêm (người làng Kim Liên) đến dạy. Từ những tác phẩm tuyên truyền lòng yêu nước, thương dân của Hội trò, được giải thích về ý nghĩa của vở tuồng, ý đồ của cuộc tập diễn... đã khắc sâu vào tâm trí chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Công Tá. Từ Hội trò, Nguyễn Công Tá bắt mối liên lạc với các đồng chí Vương Thúc Oánh, Đặng Chánh Kỷ, Phan Xuân Tường và được giác ngộ đi theo con đường cách mạng. Anh được giao nhiệm vụ vận động giúp đỡ trường Kim Liên và học trò theo học tại đây.
Tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng đồng chí Phan Thái Ất đã lên Thanh Chương lập ra Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của Huyện. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20/3/1930 Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương được thành lập, mở ra một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới của nhân dân toàn Huyện. Từ một chi bộ Đảng chung, Thanh Chương đã phát triển thêm 7 chi bộ khác với số lượng 55 đảng viên. Các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ giải phóng đều phát triển nhanh chóng.
Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 1/6/1930, Chi bộ Đảng ở Xuân Lâm đã giao cho đồng chí Nguyễn Công Tá nhiệm vụ rải truyền đơn và bí mật vận động quần chúng tham gia đấu tranh. Sáng ngày 1/6, được sự vận động của các cơ sở đảng, đồng chí Nguyễn Công Tá cùng trên 300 người gồm nông dân, học sinh biểu tình, diễu qua cổng huyện rồi tập trung tại chợ Rộ hô to các khẩu hiệu:
“Hoãn thuế đến tháng mười”
“Bồi thường cho những người bị bắn tại Hạnh Lâm, Bến Thủy, ở Thái Bình và số học sinh bị bắt ở trường Pháp - Việt chợ Rộ”
“Không được đưa lính An Nam đi ngoại quốc và đưa lính ngoại quốc đến An Nam”...
Trước khí thế của quần chúng nhân dân, tên tri huyện Phan Thanh Kỷ phải cúi đầu, khúm núm ký vào bản yêu sách của quần chúng. Trên đà thắng lợi, nhân dân Xuân Lâm tiếp tục kéo về tập trung ở đình Nguyệt Bổng nghe diễn thuyết nói rõ ý nghĩa của cuộc biểu tình và nêu cao tinh thần đoàn kết tiếp tục đấu tranh.
Hòa mình vào phong trào đấu tranh của nhân dân, sau một thời gian hoạt động tích cực với nhiệm vụ rải truyền đơn và vận động quần chúng đoàn kết đấu tranh, ngày 14/7/1930, đồng chí Nguyễn Công Tá chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với lời thề sắt son suốt đời đi theo Đảng dưới lá cờ đỏ búa liềm, đồng chí đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Trong không khí rạo rực tinh thần đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh, Huyện ủy Thanh Chương đã tổ chức Hội nghị họp bàn thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An. Sau khi phân tích âm mưu của địch, những thủ đoạn nham hiểm của tri huyện Phan Sỹ Bàng, nêu rõ nhiệm vụ trước mắt là phải tổ chức quần chúng đấu tranh với mức độ và quy mô rộng hơn, Hội nghị đã quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930.
Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình này, cuối tháng 8/1930 đồng chí Nguyễn Công Tá cùng các đồng chí trong Chi bộ Đảng Xuân Lâm đã tổ chức một cuộc họp bàn kế hoạch đấu tranh, đòi chính quyền phong kiến tay sai thực hiện các yêu sách chúng đã cam kết. Tối ngày 31/8, Chi bộ Đảng đã cử mỗi làng 3 đảng viên xuống bến đò để ngăn cản không cho bọn địch qua sông. Đồng chí Nguyễn Công Tá và một số đồng chí khác đã tổ chức rải truyền đơn, đánh trống và cắm một cây cờ trên nóc đình làng để cổ vũ tinh thần của quần chúng nhân dân. Tự vệ tổng Xuân Lâm đã phá cầu Rào Gang và bao vây tổng lý của các làng Xuân Bảng, Tú Viên, Xuân Tường, Phong Nậm, Nguyệt Bổng, Ngọc Sơn...
Sáng ngày 1/9, hòa chung không khí sôi nổi của nhân dân các tổng, đồng chí Nguyễn Công Tá cùng nhân dân tổng Xuân Lâm đã hăng hái tham gia vào cuộc đấu tranh với quy mô lớn chưa từng có của Huyện. Đoàn người từ tổng Cát Ngạn vượt sông Giăng, sông Trai xuống nhập với đoàng tổng Võ Liệt, đoàn tổng Xuân lâm và Đại Đồng gặp nhau tập trung chật kín cả bến đò Nguyệt Bổng. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng nhân dân, binh lính bắn vào đoàn biểu tình làm đồng chí Nguyễn Công Thường hy sinh và hai người khác bị thương. Vừa lúc đó đoàn của tổng Bích Hào kéo đến khiến Phan Sỹ Bàng và binh lính thêm hoảng sợ bỏ chạy tháo thân. Đồng chí Nguyễn Công Tá và các đồng chí trong đoàn biểu tình bố trí một số người ở lại làm lễ mai táng đồng chí Nguyễn Công Thường, còn lại tiếp tục lên huyện đấu tranh. Nguyễn Công Tá cùng quần chúng nhân dân với khí thế sôi nổi đã xông vào huyện đường phá nhà lao giải phóng tù nhân, đập phá huyện đường, đốt nhà tri huyện Phan Sỹ Bàng rồi tiếp tục kéo lên đồn Thanh Quả đấu tranh. Để bảo vệ tri huyện đang trốn trong đồn, binh lính đã trút đạn như mưa buộc đoàn biểu tình phải giải tán tránh tổn thất về tính mạng của quần chúng nhân dân.
Cuộc biểu tình toàn huyện Thanh Chương ngày 1/9/1930 đã kết thúc thắng lợi, đây là sự kiện “chưa từng thấy ở An Nam đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ quyết liệt đấu tranh chống lại bọn tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do”(1). Chính quyền Xô viết được thành lập trong 65 làng xã. Nhiều nơi dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng, xã bộ nông thay mặt chính quyền mới làm việc công khai ngay giữa đình làng. Quần chúng ban ngày lo sản xuất, ban đêm hăng hái tham gia hội họp, học chữ quốc ngữ...
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, đồng chí Nguyễn Công Tá cùng các đồng chí trong chi bộ đảng Xuân Lâm đã tích cực ngày đêm tuyên truyền vạch rõ âm mưu khủng bố của chính quyền thực dân, phong kiến, kêu gọi nhân dân tiếp tục đoàn kết đấu tranh. Ngày 5/9/1930, Chi bộ Xuân Lâm tổ chức họp bàn kế hoạch tiếp tục đấu tranh. Tại cuộc họp này đồng chí Nguyễn Công Tá được đồng chí Phạm Văn Tình - Bí thư chi bộ giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng nông dân và tự vệ. Trong tháng 9, 10,11/1930 dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đ ảng, đồng chí Nguyễn Công Tá với nhiệm vụ mới được giao đã lãnh đạo quần chúng nhân dân tổ chức nhiều cuộc đấu tranh để bảo vệ thành quả của chính quyền Xô viết đã được xây đắp từ xương máu của biết bao người con ưu tú của quê hương.
Tháng 12/1930, trước chính sách khủng bố trắng của chính quyền thực dân, phong kiến hòng dập tắt phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, nhiều đảng viên tại Thanh Chương đã sa vào tay địch. Để đảm bảo an toàn, đồng chí Nguyễn Công Tá cũng thoát ly hoạt động. Đầu năm1931, đồng chí được Huyện ủy Thanh Chương giới thiệu sang phụ trách tổng Bích Hào làm Bí thư Chi bộ Cương Lam (tên gọi bí mật của Chi bộ Nguyệt Bổng) để củng cố phong trào của quần chúng tại đây.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Công Tá, chi bộ Cương Lam đã lãnh đạo quần chúng nhân dân Bích Hào tổ chức nhiều cuộc đấu tranh “vay” lúa của nhà giàu chia cho dân nghèo. Các cuộc đấu tranh giành thắng lợi, bọn phong kiến tay sai hoảng sợ đưa lính về lùng sục bắt đi 12 người đem về đồn tra tấn. Chi bộ tiếp tục họp bàn kế hoạch biểu tình đưa yêu sách... Đồng chí Nguyễn Công Tá đã triệu tập các đồng chí tự vệ đỏ tham gia bảo vệ cuộc biểu tình. Để bảo vệ các chi bộ đảng trước sự càn quyét ráo riết của kẻ thù, Tổng ủy Xuân Lâm đã chuyển về đóng tại nhà đồng chí Nguyễn Công Tá.
Trước các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, thực dân, phong kiến vừa khủng bố vừa dùng chính sách cải lương, bắt dân đầu thú, phát thẻ quy thuận, treo cờ vàng, ép dân lập sở luân lý đoàn thể... Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ chủ trương chống khủng bố, chống sưu thuế, chống cải lương. Tổng bộ Xuân Lâm chỉ thị cho các Chi bộ đảng lấy lực lượng quần chúng áp đảo tinh thần phản động, chống khủng bố. Thi hành chỉ thị cấp trên, đồng chí Nguyễn Công Tá đã triệu tập các đồng chí chi bộ làng Nguyệt Bổng bàn kế hoạch đấu tranh.
Tháng 6/1931, Chi bộ chỉ thị cho Thôn bộ nông và tự vệ tập trung quần chúng tại đình Nguyệt Bổng do đồng chí Cao Doãn Ân làm đội trưởng, đội tự vệ chỉ huy đưa quần chúng đi tuần hành, thị uy, hô vang khẩu hiệu, đi khắp làng rồi kéo ra điếm canh. Nhân dân đã xé cờ vàng, xé thẻ quy thuận, tổ chức treo cờ đỏ, rải truyền đơn, rồi kéo nhau xuống phong nậm mới giải tán. Đến chiều, tri huyện Phạm Ngọc Bích đưa lính về vây ráp hai làng Nguyệt Bổng và Phong Nậm, đi càn từng nhà tìm bắt cán bộ, đảng viên và lực lượng tự vệ. Để tránh tổn thất, Ban chấp hành Tổng Xuân Lâm do đồng chí Nguyễn Sỹ Đức làm Bí thư đã quyết định chuyển cơ quan vào Cồn Đình,và phân công các đồng chí trong Ban chấp hành phụ trách các chi bộ để duy trì phong trào như: đồng chí Nguyễn Công Tá phụ trách chi bộ Nguyệt Bổng; đồng chí Lê Cảnh Nhượng phụ trách Chi bộ Phong Nậm...
Với nhiệm vụ mới, đồng chí Nguyễn Công Tá cùng những chiến sỹ cộng sản Thanh Chương đã chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Lính đồn, bang tá thọc sâu vào các vùng rừng núi, truy nã ráo riết và chặn đường tiếp tế cho cán bộ. Huyện ủy không về liên lạc được với dân. Lương thực đều cạn, nguyên liệu in ấn cũng vơi dần, sống cảnh màn trời chiếu đất, phải liên tục di chuyển, phải chịu đói rét, ốm đau... nhưng các đồng chí vẫn không sờn lòng, nản chí vẫn quyết tâm không để gián đoạn mối liên hệ với dân, với Đảng. Nguyễn Công Tá cùng các đồng chí cán bộ Huyện ủy đã len lỏi chuyển truyền đơn về các làng xã, giữ vững tinh thần cho quần chúng và coi đó là tín hiệu để móc nối liên lạc với Tỉnh ủy.
Sự càn quyét, khủng bố của thực dân, phong kiến đã khiến cho các cơ sở Đảng tại Thanh Chương bị tổn thất và mất liên lạc với Huyện ủy, trước tình hình đó đồng chí Nguyễn Công Tá cùng một số đồng chí khác đã trực tiếp bắt mối liên lạc với Tỉnh ủy. Từ tháng 8/1931, Huyện ủy Thanh Chương bị địch bao vây, một số cán bộ bị sa lưới địch. Đồng chí Nguyễn Công Tá được Tỉnh ủy phái về củng cố lại Ban chấp hành Đảng bộ Huyện gồm ba ủy viên do đồng chí Nguyễn Quang Khởi làm Bí thư.
Sau khi bắt được liên lạc với một số huyện như Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, tháng 9-1931, đồng chí Lê Xuân Đào triệu tập Hội nghị ở động Cây Trường để bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh. Đồng chí Nguyễn Công Tá được tham dự hội nghị và được cử vào Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy.
Ngày 3/2/1932, Nguyễn Công Tá và Lê Văn Ban sa vào tay giặc, chúng đưa hai đồng chí về đồn Nam Đàn tra tấn 3 ngày đêm rồi chuyển về sở mật thám Vinh. Tra tấn, xét hỏi bằng nhiều thủ đoạn dã man nhưng vẫn không lấy được lời khai chúng đưa đồng chí vào giam tại Nhà lao Vinh. Cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Công Tá bị đày đi Lao Bảo. Tại đây, đồng chí vững nêu cao khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, đoàn kết với anh em tù tiếp tục đấu tranh. Sau 5 năm bị giam cầm tại Lao Bảo, tháng 12/1937 đồng chí bị chuyển vào giam tại Ban Mê Thuột. Năm 1941, đồng chí tiếp tục bị đày đi Đắc Min. Trước khi mãn hạn tù vào cuối năm 1944, đồng chí Nguyễn Công Tá đã bí mật liên lạc và tham gia vào tổ chức Việt Minh. Về đến quê hương, trước cảnh nhân dân đang phải sống lay lắt vì nạn đói, Nguyễn Công Tá cùng với đồng chí Lê Văn Địch đã lập Ban cứu tế gồm 9 thành viên, do đồng chí làm Trưởng ban để cứu đói cho dân...
Từ một thanh niên yêu nước được giác ngộ lý tưởng cách mạng, Nguyễn Công Tá đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành lãnh đạo cốt cán của Tỉnh ủy Nghệ An, ngày đêm lăn lộn với phong trào cách mạng của quê hương, bất chấp hiểm nguy, trải qua những cực hình tra tấn trong lao tù đế quốc nhưng đồng chí vẫn kiên tâm vững dạ nêu cao chí khí của người Cộng sản. Những hoạt động tích cực, không biết mệt mỏi của đồng chí đã góp phần làm nên những thắng lợi trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và trở thành tấm gương sáng ngời cho thế hệ con cháu noi theo./.
Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ Nghệ An tập I (1930-1945), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998
- Hồi ký của đồng chí Nguyễn Công Tá (lưu tại BTXVNT)