Đồng chí Ngô Trí Căn – từ thành viên Nông hội đỏ đến người cán bộ lão thành cách mạng

Tác giả: admin
Ngày 2023-05-25 06:52:17

“Anh em hỡi, chị em hỡi, đồng bào hỡi…

Việc gì chẳng có kết đoàn mà nên

Một dây dù có bền cũng đứt

Trăm người học mới to

Muốn cho tổ chức ra trò

Thì ta cũng phải chăm lo với làm…”

Đó là một trong những bài ca vận động cách mạng quen thuộc mà đồng chí Ngô Trí Căn cùng đồng chí của mình đã đồng thanh hô to trong những buổi nghe bình giảng sách báo những năm 1930-1931.

Đồng chí Ngô Trí Căn (1912-2012)[1] quê ở làng Nhân Trung, xã Bạch Ngọc, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn (nay là xã Lam Sơn, huyện Đô Lương), tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đồng chí Ngô Trí Căn đã sớm phải gác bỏ chuyện học hành để “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bươn chải duy trì cuộc sống. Trong thân phận của người nông dân phải chịu cảnh áp bức một cổ đôi tròng của chính quyền thực dân phong kiến, đồng chí Ngô Trí Căn đã sớm mang trong mình khát khao được cống hiến sức lực cho công cuộc giải phóng quê hương, đất nước.

Ảnh: Đồng chí Ngô Trí Căn (1912-2012)

Mùa hè năm 1927, đồng chí Tôn Quang Duyệt (quê ở Thanh Chương) là hội viên của hội Phục Việt được cử lên dạy học ở Nhân Trung để gây dựng cơ sở. Dưới hoạt động tích cực của đồng chí, năm 1927 đến cuối năm 1929, ở Anh Sơn đã có 37 hội viên thuộc tổng: Đô Lương, Thuần Trung, Bạch Hà... Trong thời gian này, đồng chí Ngô Trí Căn đã được tham gia những buổi dạy chữ và tuyên truyền văn thơ yêu nước do Hội tổ chức. Nhờ đó, tinh thần dân tộc càng được củng cố mạnh mẽ hơn bên trong người nông dân Ngô Trí Căn.

Cuối tháng 3 năm 1930, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn thành lập đã xúc tiến công tác phát triển Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tổng ủy lần lượt ra đời nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Phong trào đấu tranh của nhân dân Bạch Ngọc nằm dưới sự chỉ đạo của Tổng ủy Đô Lương do đồng chí Hoàng Trần Liễn làm Bí thư.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 28/5/1930, Phủ ủy Anh Sơn đã triệu tập cuộc họp bí mật với các bí thư Tổng ủy, ra quyết định tiến hành cuộc biểu tình với quy mô toàn phủ với mục đích đòi giảm sưu, hoãn thuế và ủng hộ cuộc biểu tình của công nhân, nông dân Vinh – Bến Thủy, Hạnh Lâm (Thanh Chương). Cuộc họp cũng đã thống nhất lấy ngày 1/6/1930 làm ngày tổng biểu tình.

Sau cuộc họp, Tổng ủy Đô Lương cắt cử các đồng chí đảng viên về các xã để truyền đạt chủ trương và vận động quần chúng nhân dân. Đồng chí Ngô Trí Căn đã tích cực tham gia công tác chuẩn bị cho cho cuộc biểu tình. Sáng ngày 2/6/1930, đồng chí hòa mình vào đoàn biểu tình của hai tổng vùng thượng huyện là Đô Lương và Đặng Sơn tiến về phủ lỵ đấu tranh đưa yêu sách. Khi qua bến cầu Rợ, học sinh trường Pháp – Việt Anh Sơn và người dân đi chợ Lường đã hưởng ứng nhiệt tình, gia nhập vào khiến đoàn biểu tình càng trở nên khí thế. Trước sức mạnh áp đảo của nhân dân, Tri phủ Anh Sơn là Hà Xuân Hải đã phải phê vào Bản yêu sách của dân. Cuộc biểu tình đã kết thúc thắng lợi. 

Để phù hợp với tình hình phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày một dâng cao, tháng 6/1930, chi bộ Đảng xã Bạch Ngọc cũng được xúc tiến thành lập với tên gọi Chi bộ Bạch Truật. Sự ra đời của chi bộ Bạch Truật nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng sâu rộng đến từng thôn xóm. Sau khi ra đời, các đồng chí đảng viên trong chi bộ tăng cường vận động và lãnh đạo nhân dân tham gia nhiều cuộc đấu tranh lớn. Trong không khí sục sôi của nhân dân Bạch Ngọc, đồng chí Ngô Trí Căn đã hăng hái tham gia nhiều cuộc đấu tranh lớn như: tham gia cuộc biểu tình ngày 8/9/1930 để buộc chính quyền phong kiến tay sai phải thực hiện những yêu sách của quần chúng mà tri phủ đã ký nhận từ tháng 6/1930; cuộc đấu tranh phá kho thóc nhà giàu chia cho dân để cứu đói vào cuối năm 1930… Với những hoạt động tích cực của mình, đồng chí Ngô Trí Căn đã được kết nạp vào tổ chức Nông hội đỏ.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, đồng chí Ngô Trí Căn và tổ chức Nông hội đã vận động nhân dân bỏ các hủ tục, tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ, hội giảng văn thơ… Nhờ đó, quần chúng nhân dân càng tăng thêm niềm tin với Đảng, với tổ chức Nông hội.

Trong năm 1931, tinh thần đấu tranh của nhân dân càng được dâng cao, nhiều cuộc đấu tranh lớn diễn ra và đạt được một số thành quả nhất định. Tháng 4/1931, đồng chí Ngô Trí Căn và nhân dân các làng Nhân Trung, Phúc Hậu, Trạc Thanh tập trung biểu tình nghe diễn thuyết tố cáo tội ác của chính quyền phong kiến tay sai. Tiếp nối hoạt động, đồng chí đã cùng nhân dân Bạch Ngọc phối hợp với nhân dân Vĩnh Giang (nay là xã Giang Sơn) tiến hành cuộc biểu tình có trên 700 người tham gia.

Trước sự lớn mạnh của phong trào quần chúng, thực dân Pháp và chính quyền tay sai tiến hành tăng cường chính sách khủng bố. Tại tổng Đô Lương, kẻ địch đã kéo về lập đồn ở  Đền Quả, đình Nhân Trung… Bên cạnh đó, chúng còn lập thêm hệ thống bang tá, điếm canh để theo dõi, kiểm soát an ninh. Kẻ địch nhiều lần ra quân càn quét bắt bớ khiến nhiều đồng chí đảng viên sa vào tay giặc, khiến các cơ sở Đảng bị tan vỡ. Trước tình thế cách mạng khó khăn, đồng chí Ngô Trí Căn cùng các đảng viên, quần chúng yêu nước khác tạm thời rút lui vào hoạt động bí mật.

Trong phong trào cách mạng dân chủ 1936-1939, tổ chức Đảng ở Bạch Ngọc dần được khôi phục, tiếp tục hoạt động, lãnh đạo quần chúng nhân dân đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi tự do, cơm áo, hòa bình theo chủ trương của Đảng. Thời gian này, để tập hợp lực lượng, các hội quần chúng hợp pháp lần lượt được ra đời. Hội Ái hữu làng Nhân Trung do đồng chí Bùi Đình Đạt làm Hội trưởng và đồng chí Ngô Trí Căn làm Hội phó được xem là tổ chức có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ngô Trí Căn và các cộng sự, hội đã tiến hành các công tác giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tổ chức phường trò diễn các vở tuồng nhằm khích lệ lòng yêu nước trong nhân dân. Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Trí Căn và tổ chức còn vận động nhân dân tiến hành đấu tranh trực diện với chính quyền thực dân phong kiến. Năm 1938, khi thực dân Pháp tăng 8% thuế đinh, thuế điền, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đồng chí Ngô Trí Căn đã tổ chức một cuộc họp ngay tại nhà và lập ra bản dự thảo kêu gọi giảm thuế. Bản dự thảo thu được trên 100 chữ ký gửi đến Tòa Khâm sứ...

Nhờ những hoạt động tích cực của mình, năm 1940, đồng chí Ngô Trí Căn được kết nạp vào chi bộ xã Bạch Ngọc, chịu trách nhiệm phụ trách công tác Đảng tại làng Nhân Trung[2]. Trong thời gian tiếp đó, đồng chí Ngô Trí Căn và chi bộ Đảng đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân Nhân Trung nói riêng và Bạch Ngọc nói chung tham gia các cuộc đấu tranh. Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Bạch Ngọc, thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường đàn áp, lùng bắt những đảng viên, quần chúng yêu nước. Biết đồng chí Ngô Trí Căn là cán bộ chủ chốt, kẻ địch đã bắt và giải đồng chí về giam tại nhà lao Vinh. Dù đối mặt với nhiều loại cực hình tra khảo nhưng đồng chí Ngô Trí Căn vẫn giữ vững ý chí của người cộng sản, không khai báo. Đồng chí đã bị Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản thúc theo Bản án số 26 ngày 30/1/1942.

Ngày 17/2/1945, đồng chí Ngô Trí Căn được trả tự do. Với khát vọng tiếp tục cống hiến trí lực cho công cuộc giải phóng quê hương, đồng chí đã trở về địa phương bắt liên lạc để hoạt động cách mạng. Đồng chí đã được tín nhiệm bầu làm Phó thủ lĩnh phong trào thanh niên làng Nhân Trung. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đồng chí Ngô Trí Căn  và nhân dân xã Bạch Ngọc đã chung sức đồng lòng, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Anh Sơn vào ngày 23/8/1945. Tiếp đó, đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc đã kéo về tổ chức mít tinh tại địa phương, nhận ấn triện do hào lý giao nộp. Ngay sau đó, Ủy ban Hành chính lâm thời các làng được thành lập và ra mắt nhân dân. Đồng chí Ngô Trí Căn được tín nhiệm trở thành là một trong 8 ủy viên Ủy ban Hành chính lâm thời làng Nhân Trung.

Thời gian tiếp theo, đồng chí Ngô Trí Căn tiếp tục cống hiến sức lực cho kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đến lúc nghỉ hưu. Với những đóng góp của mình cho phong trào cách mạng, đồng chí Ngô Trí Căn đã được Đảng, Nhà nước tôn vinh, tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày,…

Đồng chí Ngô Trí Căn là một tấm gương sáng về nghị lực phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Tên tuổi của đồng chí đã được in trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Lam Sơn như một sự ghi nhớ, tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao, đóng góp của đồng chí Ngô Trí Căn nói riêng và các những cán bộ lão thành cách mạng, các anh hùng, liệt sỹ nói chung trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc./.

                                                                                           Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Theo hồ sơ mật thám Pháp thì đồng chí sinh năm 1913

[2] Theo Tài liệu của Mật thám Pháp, đồng chí Ngô Trí Căn là Bí thư chi bộ Nhân Trung năm 1941.

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương 1930 - 1963, NXB Nghệ An 2005;

- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Lam Sơn (1930-2020), NXB Dân trí, 2020;

- Tài liệu mật thám Pháp về đồng chí Ngô Trí Căn;

- Tư liệu do gia đình đồng chí Ngô Trí Căn cung cấp.

Video