Đồng chí Ngô Đức Mậu - người con ưu tú của quê hương Can Lộc, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá năm 1931

Tác giả: admin
Ngày 2023-07-26 08:37:53

Đồng chí Ngô Đức Mậu (bí danh là Tùng Xuyên) sinh năm 1908 trong một gia đình trí thức, mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng, cha là ông Ngô Đức Chánh - chi 5 dòng Ngô Nước [1] ở xã Trảo Nha xưa, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ảnh: Đồng chí Ngô Đức Mậu (1908-1987)

Trên mảnh đất Can Lộc giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, dòng họ Ngô Trảo Nha đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Những tên tuổi làm rạng danh dòng họ Ngô Trảo Nha như Thế Quận Công Ngô Cảnh Hữu, Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, Tiến sĩ Khiêm Quận công Ngô Phúc Lâm, Đại Tư mã Chấn Quận công Ngô Văn Sở, Tiến sĩ Ngô Đức Kế, nhà thơ Ngô Xuân Diệu…Ngày 14/7/2016, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho họ Ngô Trảo Nha với 3 nội dung: dòng họ có nhiều Quận công nhất với 18 vị; dòng họ có nhiều đời liên tiếp được phong tước Quận công với 8 đời (từ đời thứ 5 đến đời thứ 12); dòng họ có ba anh em ruột được phong tước Quận công cùng một ngày (đồng nhật đồng phong).

Thuở nhỏ, Ngô Đức Mậu đã được cha mẹ cho đi học đầy đủ. Tiếp nối truyền thống quê hương, gia đình, Ngô Đức Mậu sớm chứng tỏ là một người con chăm ngoan, hiếu học, ham tìm hiểu văn thơ tiến bộ và có tư tưởng yêu nước. Năm 1925, sau khi học xong tiểu học ở trường Pháp - Việt, vì hoàn cảnh gia đình không cho phép học tiếp nên đồng chí xin đi dạy học tại quê nhà, một thời gian sau được phân công đi dạy học ở các huyện Thạch Thành, Hoằng Phú, Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

Cuối năm 1928, Phủ bộ Tân Việt Tĩnh Gia được thành lập tại làng Cầu Đông (nay thuộc phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn) do ông Nguyễn Trinh Thụ làm Bí thư [2]. Thời gian này đồng chí Ngô Đức Mậu tham gia tổ chức Tân Việt Tĩnh Gia, trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương. Trong điều kiện bí mật, vừa đi dạy học vừa vận động, tuyên truyền quần chúng, xây dựng tổ chức Đảng, vượt qua muôn vàn thử thách hiểm nghèo, đồng chí nỗ lực hoạt động gây dựng và đưa phong trào cách mạng Tĩnh Gia chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có tính bước ngoặt.  

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập. Tháng 8/1930, đồng chí Lê Tất Đắc (quê huyện Hoằng Hóa) – cán bộ Xứ ủy Trung Kì bắt mối liên lạc với đồng chí Ngô Đức Mậu để bàn kế hoạch vận động thành lập các cở sở Đảng ở Thanh Hóa.

Với vai trò là cán bộ chủ chốt của Đảng, đồng chí Ngô Đức Mậu đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng tỉnh Thanh Hóa. Công việc chắp nối với các đảng viên Tân Việt để thành lập các chi bộ cộng sản ở huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia... được đồng chí Ngô Đức Mậu tiến hành một cách khẩn trương. Tại Tĩnh Gia, Ban vận động thành lập Đảng được ra đời gồm 3 đồng chí là Ngô Đức Mậu, Nguyễn Văn Giảng và Nguyễn Trinh Thụ. Sau khi tiến hành thăm dò một số đảng viên Tân Việt tiên tiến như Lương Đình Đạm, Đỗ Khắc Toản, Lê Huy Tuần, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết, Ban vận động quyết định tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Phủ Tĩnh Gia.

Ngày 06/12/1930, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Giảng ở làng Hồ Thượng, xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Tĩnh Gia được tiến hành. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Đức Mậu, Nguyễn Văn Giảng, Nguyễn Trinh Thụ, Lương Đình Đạm, Đỗ Khắc Toản, Lê Huy Tuần. Trong không khí trang nghiêm, đồng chí Ngô Đức Mậu với vai trò chủ trì hội nghị đã trình bày chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ về thành lập chi bộ cộng sản, tuyên bố kết nạp năm đồng chí có mặt tại hội nghị vào Đảng Cộng sản. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Giảng làm Bí thư chi bộ và thảo luận quyết định những chủ trương vắn tắt của chi bộ: Tăng cường công tác xây dựng Đảng, chú trọng cả về số lượng và chất lượng, lựa chọn những đảng viên Tân Việt và thanh niên có xu hướng tiến bộ vận động giáo dục kết nạp vào Đảng; đồng thời tích cực xây dựng tổ chức quần chúng.

Tháng 01/1931, đồng chí Ngô Đức Mậu triệu tập hội nghị đại biểu các huyện tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Giảng để tái thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Hội nghị đề ra các nhiệm vụ quan trọng: phát triển đảng viên và cơ sở Đảng; coi trọng việc tổ chức các hội quần chúng. Hội nghị bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí: Ngô Đức Mậu (Bí thư), Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ, Nguyễn Văn Giảng, Phạm Tiến Năng.

Trung tuần tháng 4/1931, hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa mở rộng được diễn ra tại một địa điểm phía Nam bến Phà Ghép. Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Xuân Thúy truyền đạt chỉ thị của Xứ ủy. Đồng chí Ngô Đức Mậu được Hội nghị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách chung và có nhiệm vụ giữ liên lạc với đồng chí Nguyễn Tất Đắc để thực hiện việc báo cáo với Xứ ủy. Đồng thời, Hội nghị phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ủng hộ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, phân công Chi bộ Tĩnh Ga in truyền đơn và may cờ đỏ.

Ngày 1/5/1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và đồng chí Ngô Đức Mậu, cờ Đảng đã tung bay trên nóc nhà ga Thanh Hóa và trước huyện đường Vĩnh Lộc. Truyền đơn cách mạng với nội dung hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được rải ở nhiều địa điểm đông người qua lại ở thị xã Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia... Một số đảng viên đã được phân công vào các nhà máy, đồn điền để tổ chức Công hội đỏ, vận động công nhân đoàn kết đấu tranh đòi bọn chủ phải tăng tiền công, giảm giờ làm, không được đánh đập, cúp phạt vô lý.

Trước khí thế sục sôi của cao trào cách mạng và ngọn lửa Xô viết rực sáng, thực dân Pháp cùng tay sai đã tăng cường lực lượng đàn áp và tiến hành cuộc “khủng bố trắng” vô cùng tàn bạo, truy lùng các chiến sỹ cộng sản, đánh phá các cơ sở cách mạng ở Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc… Đồng chí Ngô Đức Mậu vẫn kiên trì bám trụ trong quần chúng cố gắng gây dựng lại phong trào. 

Tháng 6/1931, tại Lò Chum, thị xã Thanh Hóa (nay là phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa), đồng chí Ngô Đức Mậu bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhà lao Thanh Hóa, kết án khổ sai chung thân và đày đi nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Tuy bị bắt, bị giam cầm, đọa đày cả thể xác và tinh thần, đồng chí Ngô Đức Mậu vẫn luôn giữ nguyên tấm lòng kiên trung với dân với Đảng. Ở trong tù, đồng chí tích cực hoạt động, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, dùng những vần thơ của mình để động viên bạn tù cùng nhau vượt qua khó khăn, thắp sáng tinh thần lạc quan:

“Tù đừng kể tháng ngày dằng dặc

 Một ngày tù trí thức một tăng

Khi ra tù sẽ thung thăng

Nay mai thoát ách lao lung

Tù ra vùng vẫy vẫy vùng khắp nơi.”

(Bài thơ Khuyến khích được đồng chí Ngô Đức Mậu viết ở nhà lao Thanh Hóa )

Năm 1936, nhờ chính sách tiến bộ của Mặt trận Bình dân Pháp sau khi lên nắm quyền nên đồng chí Ngô Đức Mậu được trả tự do và tiếp tục làm nghề dạy học ở thành phố Vinh.

Năm 1937, trong vụ đình công của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, Nghệ An, thực dân Pháp lại bắt đồng chí vào tù lần thứ hai, nhưng vì không có bằng chứng nên chúng đã phải thả đồng chí ra.

Ngày 19/6/1937, tờ báo “Sông Hương tục bản” ra đời, chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạnh - một nhân sĩ dân chủ gần với Đảng, đồng chí Ngô Đức Mậu được phân công làm Thư ký tòa soạn. Trụ sở của tòa soạn được đặt tại số 68, phố Jules Ferry, Huế. Những bài vở chính được đồng chí Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt trực tiếp chỉ đạo, viết ở Huế rồi gửi ra Vinh cho Ngô Đức Mậu trình bày, viết thêm tin cho từng trang, sửa bản in và ấn loát tại nhà in Vương Đình Châu. Đến ngày 14/10/1937, Báo Sông Hương tục bản ra được 14 số thì bị chính quyền thực dân thu hồi giấy phép.

Ngày 6/7/1938, tờ báo Dân ra đời, được xuất bản thứ 4 hàng tuần tại Huế, do Nguyễn Đan Quế quản lý, đồng chí Phan Đăng Lưu, xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo biên tập. Tòa soạn báo đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế. Đồng chí Ngô Đức Mậu đã viết nhiều tin, bài, phóng sự rất có giá trị cho phong trào cách mạng đăng trên tờ báo Dân. Ngày 10/7/1938, toàn quyền Đông Dương Brévié ký quyết định thu hồi tờ báo Dân, đồng chí Ngô Đức Mậu trở về quê hương Can Lộc hoạt động theo sự phân công của Đảng.

Ngày 19/5/1945, Ban lãnh đạo Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh ra đời. Tháng 7/1945, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc cũng được thành lập, gồm các đồng chí: Ngô Đức Mậu, Trần Đại Quả, Lê Hồng Cơ, Mai Cát, Ngô Đức Thắng...

Ngày 16/8/1945, trong khí thế sục sôi tinh thần cách mạng, tổ chức Thanh niên cứu quốc ở Can Lộc đã vận động quần chúng nhân dân mang theo giáo mác, xông vào huyện đường bắt giữ tri huyện và chiếm huyện đường Can Lộc. Sau khi treo cờ tại huyện đường, nhóm thanh niên tiếp tục kéo lên đồn binh Nghèn để tước vũ khí của lính bảo an. Mặc dù, đồn trưởng và các binh lính đã được Việt Minh tuyên truyền giác ngộ, song chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nên không chịu giao súng và cử người đi gặp Ban lãnh đạo Việt Minh huyện để xin chỉ thị. Đồng chí Ngô Đức Mậu - thành viên Ban lãnh đạo Việt Minh huyện đã đến để giải quyết sự việc. Sau đó, lá cờ đỏ sao vàng lần thứ 2 tiếp tục được kéo lên tại cột cờ đồn binh thị trấn Nghèn.

Ngày 17/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Can Lộc và đồng chí Ngô Đức Mậu đã vận động lực lượng quần chúng biểu tình vũ trang tại huyện lỵ để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng huyện, đồng thời phát lệnh tổng khởi nghĩa ở các địa phương trong toàn huyện.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Ngô Đức Mậu được giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư chi bộ kiêm Phó trưởng Ty Thông tin tỉnh Hà Tĩnh, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, Chủ nhiệm báo ảnh Việt Nam, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam, Phó Tổng thư kí Hội nhà báo Việt Nam...

Năm 1972, đồng chí Ngô Đức Mậu về hưu và mất vào ngày 5/2/1987 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 79 tuổi.

Tuy chỉ có sáu năm gắn bó với mảnh đất xứ Thanh (1925-1931) nhưng đồng chí Ngô Đức Mậu đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng tổ chức Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa ngày một phát triển, kêu gọi nhân dân Thanh Hóa đấu tranh nhằm “chia lửa” với nhân dân Nghệ Tĩnh, sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên huyện Tĩnh Gia và là Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá (1931). Nặng tình với xứ Thanh và xem như là quê hương thứ hai của mình, đồng chí đã sáng tác một số bài thơ dành tặng cho nơi đây như: Tặng anh chị em báo Thanh Hóa (1971), Kính tặng huyện ủy Tĩnh Gia (1974), Thăm trường cũ Hà Đồ (Hoằng Hóa 1974,) Thăm trường Phú Khê…

 Ghi nhận công lao và những đóng góp của đồng chí Ngô Đức Mậu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng và huân, huy chương cao quý, tiêu biểu là được truy tặng Huân chương Độc lập Hạng nhất (2001); Đặc biệt vào năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định số 686/QĐ-CTN về việc điều chỉnh mức truy tặng từ Huân chương Độc lập hạng Nhất lên Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Ngô Đức Mậu. Đồng chí Ngô Đức Mậu mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào của bao lớp thanh niên và những người cộng sản trên quê hương Can Lộc.

   Nguyễn Vân Anh

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Cụ tổ Ngô Nước là một trong 11 con trai của Thanh Quốc công Ngô Khế. Từ nửa cuối Thế kỷ thứ 15, cụ Ngô Nước tránh sự truy đuổi của bọn gian thần đã lánh nạn đến xã Chỉ Châu phủ Thạch Hà (nay là xã Thạch Trị - Thạch Hà – Hà Tĩnh) sau đó dời ra  xã Đan Liên, sau đổi thành Trảo Nha, nay thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây Ngô Nước được coi là thuỷ tổ của dòng họ Ngô - Trảo Nha.

[2] Theo nguồn trang Thông tin điện tử Thị Xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh; tập 1; NXB Chính trị Quốc gia; 1993;

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tập 1 (1930-1954);

- Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Can Lộc, Tập 1, 1990.

Video