Đồng chí Mai Cát – người đảng viên tràn đầy nhiệt huyết, người con ưu tú của quê hương Tân Lộc, tấm gương cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: Trần Thị Hồng Nhung
Ngày 2024-11-05 08:04:00

Đồng chí Mai Cát hay còn gọi là Cố Nhương (bí danh Mộc Văn), sinh năm 1898 trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Đỉnh Lự, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc (nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) tỉnh Hà Tĩnh. Cha của đồng chí là ông Mai Hòe, có tên khai sinh là Mai Phồ (hay còn gọi là cụ Quyền Vinh, Quyền Thoại), một nhân sĩ nổi tiếng trong phong trào Cần Vương của cụ Phan Đình Phùng; mẹ là bà Nguyễn Thị Kim, một phụ nữ trung hậu, tần tảo, đảm đang, giàu lòng yêu nước. Ông bà sinh được 8 người con (5 trai, 3 gái), sau khi cụ bà Nguyễn Thị Kim mất, cụ Mai Hòe lấy vợ 2 là bà Diệp Thị Xuyến sinh thêm được 1 người con gái là Mai Thị Chín. Đồng chí Mai Cát là con thứ ba của cụ Mai Hòe.

Như bao miền quê xứ Nghệ, làng Đỉnh Lự xưa vốn là vùng đất nghèo khó nhưng mang trong mình truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học rất tiêu biểu của huyện Can Lộc. Những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ, gia đình, đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, tâm hồn, cốt cách của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Mai Cát. Lớn lên trong bầu không khí cách mạng của gia đình, lại được cụ Mai Hòe là một chí sỹ yêu nước thông thạo chữ Nho, kiến thức uyên thâm truyền dạy, với tố chất thông minh, càng lớn Mai Cát càng tỏ rõ là một thanh niên có bản lĩnh kiên cường, ham học hỏi và sớm được giác ngộ về tinh thần yêu nước và tham gia hoạt động cách mạng.

Ngày 14/7/1925, các trí thức yêu nước quê Nghệ Tĩnh như Lê Huân, Tôn Quang Phiệt, Trần Phú.… nhóm họp tại núi Con Mèo (Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) lập ra Hội Phục Việt (tiền thân của Đảng Tân Việt) với mục tiêu tập hợp lực lượng yêu nước trong Nhân dân, đánh đổ thực dân Pháp, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước. Dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Hội Phục Việt, các hội viên đã tiếp cận, xây dựng cơ sở tại nhiều địa phương, trong đó có Can Lộc, Hà Tĩnh. Tổ Phục Việt đầu tiên cũng được hình thành ở Can Lộc vào tháng 9/1925. 

Đến năm 1926, tổ chức Tân Việt ở làng Đỉnh Lự được thành lập gồm 7 người, do Hoàng Khoái Lạc phụ trách bao gồm: Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Liên, Hoàng Kỳ, Nguyễn Cứ, Mai Cát, Nguyễn Định, Nguyễn Biểu.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Khoái Lạc, các đảng viên Tân Việt ở Đỉnh Lự trong đó đồng chí Mai Cát đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia làm cách mạng, đấu tranh kiện hào lý chiếm đoạt ruộng đất công và chống phụ thu lạm bổ. Cùng với việc phát triển tổ chức và vận động Nhân dân đấu tranh, Mai Cát cùng các đồng chí trong tổ chức Tân Việt còn tích cực vận động thành lập các phường, hội như: phường lợp nhà, phường hiếu, phường hỷ, phường cày,… qua đó tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, cùng giúp nhau giải quyết những khó khăn trong đời sống.

Từ năm 1926-1929, hoạt động của đồng chí Mai Cát và tổ chức Tân Việt đã thu hút đông đảo tổ chức quần chúng Nhân dân tham gia. Các cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công của nông dân do Tân Việt lãnh đạo nổ ra liên tục. Kết quả, các làng trong xã đã giành được nhiều ruộng đất công từ tay bọn quan lại, cường hào, lý trưởng.

Cũng trong thời gian này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tích cực hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Hà Tĩnh. Nhiều đảng viên Tân Việt trong đó có đồng chí Mai Cát đã tiếp thu ảnh hưởng của Hội Thanh niên đã chuyển sang lập trường cách mạng vô sản.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Trần Hữu Thiều về Can Lộc, Hà Tĩnh để xây dựng tổ chức Đảng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Hữu Thiều, Huyện ủy lâm thời  huyện Can Lộc  được thành lập gồm 5 đồng chí do đồng chí Trần Châu làm Bí thư.

Cũng trong tháng 2 năm 1930, tại đình Đỉnh Lự, Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Can Lộc chính thức ra đời, gọi là chi bộ Đỉnh Lự, gồm 5 đồng chí: Hoàng Khoái Lạc (Bí thư), Hoàng Liên, Nguyễn Cứ, Mai Cát, Hoàng Kỳ.

Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ Đỉnh Lự, cùng các đảng viên trong đó có đồng chí Mai Cát đã tích cực hoạt động, thành lập các tổ chức quần chúng, tuyên truyền tinh thần yêu nước, đường lối cách mạng của Đảng đến với Nhân dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy, Tỉnh ủy về việc tổ chức kỷ niệm ngày  Quốc tế Lao động 1/5/1930, đồng chí Mai Cát cùng Chi bộ Đỉnh Lự đã treo cờ Đảng, rải truyền đơn ở một số làng trong tổng với nội dung vạch trần tội ác của địch và kêu gọi quần chúng đứng dậy đấu tranh, ủng hộ Đảng, ủng hộ cách mạng. Bên cạnh đó, đồng chí còn tích cực tham gia tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền đường lối của Đảng, từ đó tạo được niềm tin trong quần chúng.

Sau sự kiện ngày 1/5/1930, phong trào đấu tranh của Nhân dân Tân Lộc có bước phát triển mới. Ngày 6/6/1930, đồng chí Mai Cát cùng Chi bộ Đỉnh Lự tiếp tục tổ chức cuộc đấu tranh với sự tham gia của gần 200 người thuộc 4 xóm: Thượng Đông, Thượng Tây, Hạ Đông, Hạ Tây, bao vây đình Đỉnh Lự suốt từ sáng đến trưa, buộc bọn hào lý phải giao 36 mẫu ruộng công điền (bị chúng chiếm đoạt trước đây) cho Nhân dân.

Cuộc đấu tranh giành công điền ở làng Đỉnh Lự thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nông dân trong các làng, xã; đồng thời tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho những cán bộ, đảng viên tràn đầy nhiệt huyết như đồng chí Mai Cát trong cuộc đấu tranh với kẻ thù.

Cuối tháng 7/1930, Huyện ủy lâm thời mở Hội nghị bàn kế hoạch kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930, với chủ trương tổ chức quần chúng biểu tình kéo về huyện đường đưa yêu sách, đòi miễn sưu, giảm thuế, đòi chia lại công điền.

Mờ sáng ngày 1/8/1930, đồng chí Mai Cát cùng hơn 300 nông dân tổng Phù Lưu và Lai Thạch với tâm trạng háo hức và khí thế sôi nổi đã tập trung tại Truông Gió. Sau khi nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc diễn thuyết tố cáo âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và bè lũ tay sai cùng ý nghĩa của ngày 1/8, đoàn biểu tình đã kéo về huyện lỵ đấu tranh. Hoảng sợ, Tri huyện Trần Mạnh Đàn vội vã dẫn lính ra đối phó. Trước sức mạnh của quần chúng, hắn phải nhận bản yêu sách 10 điểm của Nhân dân và hứa báo cáo lên quan Tỉnh, 10 ngày sau sẽ trả lời.

Cuộc biểu tình giành thắng lợi, gây tiếng vang khắp các huyện trong Tỉnh. Với những hoạt động tích cực, năng nổ của mình, trong thời gian này, đồng chí Mai Cát đã được bầu làm Bí thư Chi bộ Đỉnh Lự.

Sau cuộc đấu tranh ngày 1/8/1930, địch đã đưa hàng chục lính có chỉ huy về đóng tại nhà ông Nguyễn Sính (làng Đỉnh Lự) để truy bắt những người có liên quan đến cuộc biểu tình. Một số cán bộ, đảng viên của Tân Lộc đã bị chúng bắt và tra tấn dã man nhằm uy hiếp tinh thần của Nhân dân.

Ngày 2/9/1930, Tri huyện Can Lộc dẫn 50 lính khố xanh về đóng đồn tại xóm Hạ Đông để đàn áp cách mạng. Trong đợt đàn áp này, chúng đã bắt giam các đảng viên và một số quần chúng cách mạng như: Nguyễn Cứ, Mai Cát, Nguyễn Kính, Nguyễn Biếu, Nguyễn Định, Nguyễn Trạc, Hoàng Liên…[1] Trong lao tù đế quốc, mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ bằng nhiều thủ đoạn nhưng Mai Cát cùng các đồng chí khác vẫn kiên trung, bất khuất giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau một thời gian bị giam cầm, tra tấn không lấy được lời khai, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí Mai Cát. Trở về quê nhà, người đảng viên ưu tú của Chi bộ Đỉnh Lự tiếp tục sát cánh cùng Nhân dân trong các cuộc đấu tranh với kẻ thù.

Đầu năm 1931, phong trào đấu tranh chống sưu thuế phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong đó có Tân Lộc. Trước hoàn cảnh thiếu thốn, cực khổ của Nhân dân, đồng chí Mai Cát và Chi bộ Đỉnh Lự đã đứng ra tổ chức quyên tiền, vay lúa nhà giàu để giúp những gia đình nghèo qua cơn túng thiếu. Kết quả, chi bộ đã quyên góp được 77 quan tiền, trên 10 tấn lúa đem chia cho Nhân dân. Phong trào tịch thu tài sản của địa chủ ở Đỉnh Lự diễn ra mạnh mẽ đã lan rộng ra các làng khác. Kẻ địch tìm mọi cách vẫn không thu được thuế. Đây là một thắng lợi lớn của Nhân dân Tân Lộc, trong đó có đóng góp không nhỏ của Chi bộ Đỉnh Lự và những người đảng viên như đồng chí Mai Cát trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong tháng 3 và tháng 4 năm 1931, nhiều cuộc đấu tranh của Nhân dân Tân Lộc đã diễn ra thu hút hàng trăm người tham gia. Đồng chí Mai Cát cùng chi bộ Đảng tiếp tục lãnh đạo quần chúng kéo đến nhà các cường hào, lý trưởng, đòi ruộng đất, thóc gạo chia cho dân nghèo. Trước khí thế của quần chúng, hương hào, lý trưởng, hương mục, phải nhượng bộ, không dám hống hách.

Để trấn an tinh thần quan lại, hào lý địa phương đang lung lay, rệu rã, đồng thời nhằm đối phó với tinh thần đấu tranh đang lên cao của Nhân dân, địch tiến hành xây đồn, tăng thêm binh lính trong một số làng xã để dễ bề đàn áp. Chúng tăng cường tuần tra, lùng sục cả ngày lẫn đêm, thẳng tay đàn áp dã man những người nghi ngờ hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, tại Tân Lộc phong trào đấu tranh của quần chúng vẫn diễn ra mạnh mẽ, nhiều làng chính quyền Xô viết được thành lập, thi hành nhiều chính sách mang lại quyền lợi thiết thực cho Nhân dân.

Trước sự phát triển của cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố trắng hòng dập tắt phong trào. Tại Tân Lộc, chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ, đảng viên của các tổ chức đoàn thể ở xã bị bắt gần hết. Bốn cha con ông Mai Đình Hòe, Mai Cát, Mai Đỉnh, Mai Trác đều bị bắt giam. Riêng đồng chí Mai Trác đã anh dũng hy sinh trong lao tù đế quốc.

Những ngày bị giam cầm tại Nhà lao Vinh, dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí Mai Cát và nhiều đồng chí khác vẫn nhất định không khai báo, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Chế độ lao tù khắc nghiệt, hay những đòn roi, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù càng tôi luyện thêm ý chí người cộng sản. Niềm tin vào Đảng như ngọn lửa luôn thắp sáng lý tưởng của người chiến sỹ trong ngục tù tăm tối.

Năm 1933, đồng chí Mai Cát ra tù. Trở về quê hương, đồng chí tiếp tục hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Từ năm 1934 – 1939, cùng với các đồng chí cán bộ, đảng viên ở Đỉnh Lự, đồng chí Mai Cát tích cực tham gia vận động quần chúng đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp, tổ chức lại các phường hội làm cơ sở để hoạt động. Các đồng chí đã tổ chức cho Nhân dân làm đơn kiện lý trưởng, cường hào để đòi lại ruộng đất công và các khoản phụ thu lạm bổ. Giữa lúc phong trào cách mạng đang dần được khôi phục và có nhiều khởi sắc thì hầu hết các cán bộ, đảng viên tại Tân Lộc đều bị khủng bố, bắt giam.

Năm 1940, đồng chí Mai Cát tiếp tục sa vào tay địch, bị kết án 10 năm[2] và đưa vào giam cầm tại Nhà lao Buôn Mê Thuột. Xa quê hương, gia đình, tiếp tục vào chốn ngục tù tại mảnh đất Tây Nguyên, nhưng những khó khăn, vất vả, đau đớn về thể xác và tinh thần vẫn không làm sờn lòng, nản chí người cộng sản ưu tú của quê hương Tân Lộc. Trong lao tù, đồng chí vẫn tích cực học tập, tham gia phong trào đấu tranh của anh em tù chính trị với niềm tin sẽ có ngày trở về quê hương, sống và chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Năm 1945, sau khi Nhật hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương, dựng lên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim ở nước ta, đồng chí Mai Cát và nhiều tù chính trị được trả tự do đã trở về địa phương tiếp sức cho cách mạng. Tháng 7/1945, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện được thành lập, ở Tân Lộc có 2 đồng chí Mai Cát và Nguyễn Cứ tham gia.

Dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh huyện, trực tiếp là hai đồng chí Mai Cát và Nguyễn Cứ, các cán bộ, đảng viên ở Tân Lộc sau khi ra tù đã nhanh chóng liên lạc với các đảng viên còn lại để xúc tiến, tập hợp lực lượng, thành lập Mặt trận Việt Minh. Tổ chức Việt Minh của Tân Lộc ra đời gồm các đồng chí: Mai Cát, Nguyễn Cứ, Trần Định, Mai Đỉnh, Nguyễn Xuân Đáp, Nguyễn Doãn Trấp, Nguyễn Doãn Tạo…

Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, các cán bộ, đảng viên đã phân công từng người, đến từng gia đình vận động Nhân dân đi biểu tình. Đêm ngày 17/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Tổng ủy Phù Lưu, 3 lá cờ đỏ búa liềm đã được 3 đồng chí: Nguyễn Xuân Đáp, Mai Cát, Hồ Thuyết bí mật treo lên 3 cây đa cao nhất ở các làng Kim Tân, Đỉnh Lự, Hồng Lộc.

Ngày 18/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Đỉnh Lự và Kim Chùy thành công, mỗi làng đã bầu ra một Ủy ban cách mạng lâm thời. Đồng chí Mai Cát được bầu làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời làng Đỉnh Lự.

Tháng 3/1946, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ IV được tổ chức tại nhà đồng chí Trần Trưng, làng Thượng Trụ. Hội nghị đã bàn những vấn đề quan trọng có tính chất quyết định đối với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền, mặt trận… và bầu Ban Chấp hành Huyện ủy chính thức do đồng chí Mai Cát làm Bí thư[3].

Phát huy vai trò của người đảng viên, từ năm 1948-1960, đồng chí Mai Cát đã lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Chủ tịch Ủy ban xã Hồng Yến (1948-1949); Hội thẩm huyện Can Lộc (1951-1952); Thường vụ Đảng ủy xã Tân Lộc (1953); Ban chấp hành Đảng ủy, Chủ tịch ủy ban xã Tân Lộc trong cải cách ruộng đất bị quy sai (1954-1956); Chủ tịch ủy ban xã Tân Lộc (1959-1960);[4]

Năm 1968, đồng chí Mai Cát nghỉ hưu tại quê nhà. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí mất năm 1978, hưởng thọ 80 tuổi.

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Mai Cát đã vinh dự được Nhà nước công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến Hạng Ba.

Vợ đồng chí Mai Cát là bà Bùi Thị Tín (nguyên ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Tân Lộc) cũng được công nhận là cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 (hoạt động cách mạng năm 1930, 1937 1938).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, đồng chí Mai Cát đã sớm được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, trở thành người đảng viên tràn đầy nhiệt huyết, người con ưu tú của quê hương Tân Lộc. Những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã in đậm trong trang sử quê hương và được thế hệ trẻ hôm nay nhắc nhở với lòng kính trọng, tự hào.

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT



[1] Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lộc 1930-2000, Nxb Lao động; 2012; tr55

[2] Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lộc 1930-2000, Nxb Lao động; 2012; tr79

[3] Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc; Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr115-116

[4] Theo lý lịch Đảng viên của đồng chí Mai Cát do gia đình cung cấp.

Video