Đồng chí Lê Hữu Viên - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Thạch Hà, Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-05-26 06:57:42

Đồng chí Lê Hữu Viên (bí danh là Đà Thủy) sinh năm 1900, tại xã Đông Bàn, huyện Thạch Hà (nay là xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học. Thân phụ là ông Lê Hữu Nhu học rất giỏi, được liệt vào hàng “Hà Tĩnh tứ hổ”, thi đậu Cử nhân thứ 2 trường Nghệ An (đồng khoa với cụ Giải Huân), được bổ nhiệm làm giáo học ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Bảy, người phụ nữ chịu thương, chịu khó, tần tảo làm ruộng nuôi chồng con ăn học.

Thuở nhỏ, Lê Hữu Viên học giỏi cả chữ Hán và chữ Pháp, tốt nghiệp Primaire. Được theo cha vào tận Quảng Bình, Quảng Trị để dạy học, Lê Hữu Viên thường được nghe cha kể về những tấm gương yêu nước, về khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám, về con đường cứu nước của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh… từ đó đã hun đúc trong Lê Hữu Viên tinh thần yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.

Năm 1925, Lê Hữu Viên rời quê hương ra vùng đất Thanh Hóa làm thư ký cho tòa án Thanh Hóa, vừa làm việc vừa tìm cách bắt mối liên lạc với các tổ chức yêu nước. Sau một thời gian làm việc, đồng chí làm quen với thầy Lê Thế Hiếu và được thầy giới thiệu cho làm nghề dạy học tại Thiệu Hóa. Qua sự giới thiệu của thầy Lê Thế Hiếu, Lê Hữu Viên được làm quen với thầy Trần Đình Nhị là một trong những đảng viên của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng tại Thanh Hóa sau này.

Từ năm 1926 -1929, các tổ chức yêu nước của tầng lớp tiểu tư sản trí thức Thanh Hoá lần lượt ra đời, đó là Phục Việt tức Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các cơ sở của tổ chức này phát triển nhanh chóng tại Thiệu Hoá, Thanh Hóa. Được sự giới thiệu của thầy Trần Đình Nhị, Lê Hữu Viên đã tham gia tích cực những hoạt động tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thiệu Hóa.

Năm 1929, Lê Hữu Viên được thầy Trần Đình Nhị giao nhiệm vụ rải truyền đơn để chuẩn bị cho sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng tại Thanh Hóa. Đến giữa năm 1929, tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng ở Thanh Hóa bị thực dân Pháp truy lùng và bắt bớ, thầy Nhị bị bắt, tổ chức Hưng nghiệp Hội xã ở Thanh Hóa giải tán. Sau 4 năm dạy học và làm việc ở Thanh Hóa, đồng chí  trở về quê hương vào đầu năm 1930.

Tại quê nhà, Lê Hữu Viên thường xuyên được đồng chí Nguyễn Thiếp[1]  trao đổi và nói chuyện thời cuộc. Sau một thời gian đồng chí Nguyễn Thiếp giới thiệu Lê Hữu Viên với đồng chí Nguyễn Trung Thiên[2].

Được sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Thiếp và đồng chí Nguyễn Trọng Hào,  tháng 3/1930, đồng chí Lê Hữu Viên được kết nạp vào Đảng tại Thạch Liên, với sự có mặt của đồng chí Nguyễn Trung Thiên về dự. Sau khi vào Đảng, đồng chí Lê Hữu Viên được giao nhiệm vụ tổ chức chi bộ Đảng ở Đông Bàn. Chi bộ lúc đầu có 3 đồng chí, sau đó phát triển nhiều lên và liên hệ được với các chi bộ ở Thạch Kênh, Thạch Minh.

Ngày 8/9/1930, chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy, một số xã trong huyện như: Đông Bàn, Thạch Việt, Thạch Minh, Thạch Long, Thạch Tiến… đã tổ chức biểu tình sôi nổi kéo vào thị xã chống lại sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, ủng hộ biểu tình tại Bến Thủy, Thanh Chương, Nam Đàn của tỉnh Nghệ An. Lợi dụng có phiên chợ tỉnh, đồng chí Lê Hữu Viên đã vận động, kêu gọi nhân dân tham gia rất đông. Nắm được tin quần chúng biểu tình, chính quyền địch đã bố trí roi vọt, súng ống và quân đội đón ở đầu đường. Đoàn biểu tình kéo vào ngã tư lúc 7 giờ sáng thì bị binh lính đàn áp… nhưng ban chỉ huy vẫn phất cờ kêu gọi nhân dân tiến bước. Một số tự vệ hăng hái như đồng chí Nguyễn Hào ở xã Thạch Minh đã dũng cảm xông lên xô lính để mọi người tiến lên. Hoảng sợ trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, thực dân Pháp dùng súng bắn làm nhiều người bị thương, đoàn biểu tình phải giải tán. Đồng chí Nguyễn Trọng Hào và nhiều đồng chí khác bị bắt trong đó có 5 chị em phụ nữ đi tiên phong.  Khoảng 3 ngày sau, thực dân Pháp cho lính xuống đốt cháy hết nhà cửa của đồng chí Nguyễn Trọng Hào. Đứng trước tình hình đó, đồng chí Lê Hữu Viên đã đứng ra kêu gọi bà con nhân dân trong làng góp tiền, của dựng lại nhà cho vợ con đồng chí Hào có chỗ nương thân. Mặt khác đồng chí còn tổ chức quyên góp tranh, tre, tiền, gạo… để giúp đỡ nhân dân ở Phù Việt.

Sau cuộc biểu tình, địch tiến hành khủng bố và đàn áp, chúng lập thêm các điếm canh ở khắp nơi, đốt trụi làng Bùi Xá ở Thạch Việt và nhà một số đồng chí ở Đông Bàn. Tình hình hoạt động ngày càng khó khăn, nguy hiểm. Để kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh, Huyện ủy đã cử đồng chí Lê Hữu Viên làm Bí thư chi bộ Hà Tây.

Nhân kỷ niệm ngày Quảng Châu Công xã (12/12), hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Thạch Hà tổ chức cuộc biểu tình lớn chống lại sự khủng bố của địch và hưởng ứng nhân dân Phù Việt, Đông Bàn… Nhờ những chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, mà trực tiếp của đồng chí Lê Hữu Viên, phong trào cách mạng đã phát triển rộng khắp trong toàn huyện. Bọn hương hào lý trưởng một số nơi đem triện giao nộp cho Nông hội đỏ. Nhiều xã ở Thạch Hà đã thành lập được chính quyền Xô Viết, Nông hội đỏ đứng ra quản lý xã thôn, các tổ chức quần chúng cũng ra đời như: hội tương tế ái hữu, hội cứu tế đỏ, hội phụ nữ giải phóng… Việc  đắp đường, khảo giếng cũng được tiến hành.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, kẻ địch vô cùng hoảng sợ, chúng tìm cách dập tắt phong trào cách mạng, hàng loạt đồn bốt mới như: Lâu Câu, Hợp Tiến, Đan Chế, Vĩnh Hòa… được lập nên, bên cạnh đó địch còn cử các bang tá đi càn quyét khắp nơi trong huyện. Trước tình hình đó để bảo toàn lực lượng, Đảng ta chủ trương rút rui vào hoạt động bí mật.

Tháng 1/1931, Đại hội Đảng bộ huyện được tổ chức tại xã Đan Chế, Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 5 đồng chí. Tại Đại hội này, đồng chí Lê Hữu Viên được bầu làm Bí thư.

Tháng 4/1931, Tỉnh ủy cử đồng chí Lê Hữu Viên làm ủy viên Ban tuyên truyền của huyện và chủ bút tờ báo “Tiếng gọi” nhằm tuyên truyền đấu tranh cách mạng, chống manh động, ám sát cá nhân…

Đến tháng 5/1931, phong trào cách mạng ở Thạch Hà bước vào thoái trào, nhiều cán bộ và đảng viên bị bắt đi đày và bị giết. Tháng 11/1931, đồng chí Lê Hữu Viên bị sa vào tay địch và bị kết án 3 năm tù giam ở nhà lao Hà Tĩnh. Trong tù đồng chí lại tìm cách tuyên truyền cho lính giảng và lính khố lục đi theo con đường cách mạng.

Năm 1934, đồng chí Lê Hữu Viên ra tù và tiếp tục bắt mối liên lạc để hoạt động cách mạng. Đồng chí đã liên hệ với đồng chí Bùi Tân lập ra những hội biến tướng như: hội lợp nhà, hội tương tế để giúp nhau khi khó khăn. Đồng chí đã đứng ra vận động bà con cắt lúa sương túc góp lại làm quỹ nghĩa thương đến tháng có để phân phát cho những gia đình nghèo khổ khỏi phải đi vay của địa chủ. Cũng từ quỹ nghĩa thương đó, đồng chí đã vận động bà con góp tiền chuộc lại một số ruộng đất chia lại cho bà con nhân dân cùng làm.

Từ năm 1936-1944, đồng chí tham gia vào tổ chức Liên thành thủ quán Hà Tĩnh để liên lạc với anh em cũ lấy sách về cho các đồng chí nghiên cứu; vận động quần chúng tham gia đón Gô Đa; tham gia cao trào kháng Nhật cứu nước.

Năm 1945, đồng chí Lê Hữu Viên tham gia Hội nghị Việt Minh ở Bắc Hà vận động tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8/1945, đồng chí tham gia Đại hội toàn huyện ở Thạch Việt, Đại hội đã nhận định tình hình và thời cơ để toàn huyện giành chính quyền. Đại hội bầu ra Ban khởi nghĩa gồm 5 người gồm: Lê Hữu Viên, Phan Thao, Trần Tướng, Bùi Bá Bính, Bùi Anh Hiền. Tối ngày 17/8/1945, hàng ngàn bà con nhân dân theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng ngũ chỉnh tề, tay cầm giáo mác, gậy gộc, giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu tiến vào huyện lỵ. Chỉ trong vòng 3 ngày từ ngày 17-19/8/1945, chính quyền cách mạng đã được thiết lập trên toàn huyện Thạch Hà .

Cách mạng tháng Tám thành công, Ban khởi nghĩa đổi thành Ủy ban Cách mạng lâm thời. Đồng chí Lê Hữu Viên được phân công làm Trưởng ban Tư pháp của huyện, sau đó là Phó Chủ tịch huyện Thạch Hà. Năm 1946, tổng tuyển cử thành công, đồng chí Lê Hữu Viên được bầu vào Hội đồng nhân dân huyện…

Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hữu Viên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, năm 1985, đồng chí được Chủ tịch nước Trường Chinh tặng Huân Chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương lão thành cách mạng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hữu Viên, người đảng viên cộng sản lớp đầu của Huyện ủy Thạch Hà đã không ngại hy sinh, gian khổ, luôn vững dưới lá cờ vẻ vang của Đảng là tấm gương sáng cho thế hệ chúng ta hôm nay học tập và noi theo./.

                                           Nguyễn Thị Hội

Trưởng phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Đồng chí Nguyễn Thiếp (1894-1932)  bí danh là Kim Đơn, Nguyễn Châu, Nguyễn Cầu, quê ở làng Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1927-1928, đồng chí phụ trách Đại tổ Tân Việt huyện Thạch Hà. Năm 1930, đồng chí được kết nạp Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ Đảng xã Phù Việt. Tháng 9/1930, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Thiếp được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa đầu tiên.

[2] Đồng chí Nguyễn Trung Thiên: tên thật là Trần Hữu Thiều (1906-1931), còn có bí danh là Trần Lan…  quê ở làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn, nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tháng Giêng năm 1930, Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Trung kỳ điều động đồng chí vào xây dựng cơ sở Đảng ở Hà Tĩnh. Cùng với các đồng chí Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung thành lập ra chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại Hà Tĩnh. Tháng 3.1930, tại Bến đò Thượng Trụ (tổng Nội ngoại, nay là xã Thiên Lộc) diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị bầu ra Ban chấp hành lâm thời do đồng chí Trần Hữu Thiều làm Bí thư lâm thời.

Video