Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác giả: admin
Ngày 2017-04-04 07:15:58

 Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07/4/1907 trong một gia đình lao đông có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta, người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước lầm than bởi ách đô hộ của giặc ngoại xâm, chứng kiến cảnh khốn cùng của người dân nô lệ, người thanh niên ưu tú Lê Văn Nhuận đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động trong các tổ chức yêu nước như: phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (1925), tham gia Hội Ái hữu ở Đà Nẵng (1926), Tân Việt cách mạng Đảng và sau đó gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hà Nội (1928).

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được ra đời, tháng 6/1930, Thành ủy Hà Nội  chính thức được thành lập. Được sự giới thiệu trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ – Bí thư Thành ủy, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành đảng viên cộng sản, sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố.

Năm 1931, đồng chí được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ làm Ủy viên Ban tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó, đồng chí bị địch bắt và kết án 20 năm tù giam. Trong thời gian bị địch bắt, đồng chí đã bị đày ải trong các nhà tù khắc nghiệt nhất của thực dân phong kiến, như: Nhà lao Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Dù bị tra tấn với mọi cực hình dã man nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn nêu cao khí tiết, bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên lãnh đạo anh em tù nhân, các đồng chí của mình tiến hành các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù, đồng thời tổ chức học tập, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin.

Tháng 10/1936, đồng chí Lê Duẩn được trả tự do. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ,  đồng chí đã hăng say tham gia hoạt động cách mạng tại các tỉnh miền Trung. Năm 1937, với các chủ trương, phương pháp lãnh đạo nhân dân  đấu tranh sáng tạo trên mặt trận dân chủ, đồng chí Lê Duẩn được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Năm 1939, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ TW Đảng. Tháng 11/1939, sau khi được điều động vào Nam Bộ, đồng chí đã cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị các văn kiện và chủ trì Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng, quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ. Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 và những địa danh lịch sử như Mười tám thôn Vườn Trầu, Hóc Môn - Bà Điểm, Sài Gòn - Chợ Lớn mãi mãi gắn liền với tên tuổi của đồng chí Lê Duẩn và những người con ưu tú của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, v.v..

Tại Nghệ An, với mạng lưới mật thám dày đặc, chỉ từ tháng 9 đến tháng 12/1939 đã có tới 285 đảng viên, cán bộ bị bắt giam. Đồng chí Lê Duẩn lúc còn là Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ và phụ trách liên lạc với Nghệ An, là người liên lạc, đặt nền móng cho đồng chí Trần Quỳ (Trần Mạnh Quỳ) - cán bộ Phủ ủy Hải Lăng ra Nghệ An tiến hành liên lạc với Nguyễn Thông ở làng Song Lộc, huyện Nghi lộc, Nghệ An để liên lạc với Nguyễn Đức Dương(Dựa theo Hồi ký của đồng chí Trần Quỳ). Tháng 3/1940, Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Dương làm Bí thư. Đồng chí Trần Quỳ phụ trách Vinh - Bến Thuỷ, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, sau đó giữ chức Bí thư khi đồng chí Nguyễn Đức Dương được điều vào Huế công tác.

Năm 1940 - 1945, đồng chí Lê Duẩn bị địch bắt tại Sài Gòn và kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền.

Năm 1946, đồng chí được Bác Hồ và TW Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.Trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, từ năm 1946 đến 1954, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó: trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.

Sau khi lãnh đạo nhân dân miền Nam kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại, từ năm 1954 đến 1957, trong những năm tháng khó khăn này, đồng chí đã kiên trì bám trụ ở tất cả các vùng miền để củng cố các cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức quần chúng nhằm chuẩn bị điều kiện cần và đủ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tháng 9/1960, với những đóng góp to lớn của mình, đồng chí Lê Duẩn đã được bầu vào Ban chấp hành TW Đảng và Bộ chính trị, giữ chức vụ Bí thư thứ nhất tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Từ năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hoạch định những vấn đề chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Năm 1970, đồng chí đã cho ra đời tác phẩm lý luận quan trọng mang tính chất tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm, đồng thời chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn mới: vừa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, xây dựng hậu phương vững mạnh của cả nước, vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc như: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới.

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi. Cuộc kháng chiến gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, gắn liền với tên tuổi và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn kính mến, người đã nhiều năm giữ trọng trách trong Bộ chỉ huy tối cao của Đảng ta và dân tộc ta.

Từ năm 1976, tiếp tục cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã tập trung nhiều công sức vào việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Đại hội lần thứ IV (1976), Đại hội lần thứ V (1982) của Đảng cũng như tại các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với việc hoạch định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong những điều kiện khác nhau, cả thời điểm thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn, cả khi những vấn đề lý luận và thực tiễn đã sáng tỏ cũng như khi những tư tưởng, quan điểm đang trong quá trình tìm tòi, đồng chí luôn tâm niệm và kiên trì phấn đấu là: “Tất cả vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân” . 

Đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, phong phú, sôi nổi, trong đó có 26 năm giữ các cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí không chỉ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc, mà còn là một nhà lý luận mácxít - lêninnít năng động, sáng tạo. Với đồng chí, bạn bè, đồng chí Lê Duẩn luôn son sắt thuỷ chung và luôn luôn được tin yêu, kính trọng. Với các tầng lớp nhân dân, đồng chí luôn gắn bó, thân mật, trung thực, giản dị, biết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.Với các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, đồng chí luôn cổ vũ tinh thần đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đánh giá công lao của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta đã khẳng định: “ Là một nhà mác xít-lêninnít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra.. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp, lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Tấm gương của đồng chí mãi mãi tươi sáng”.( Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam. NXB CTQG 2007. Tr:303)

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, công lao và những cống hiến to lớn  người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp để chúng ta học tập và noi theo tấm gương cao đẹp mà đồng chí Lê Duẩn và các bậc tiền bối đã để lại./. 

                                                                                                                Đặng Huyền Trang - BT XVNT

Video