Đồng chí Lê Đình Vỹ, tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Nghi Lộc

Tác giả: admin
Ngày 2022-10-31 03:25:06

Đồng chí Lê Đình Vỹ (bí danh: Lê Vi, Anh Hai, Hai) sinh năm 1911, quê ở làng Kim Khê Thượng, xã Kim Khê, tổng Kim Nguyên (nay là xã Nghi Long), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, một vùng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa.

Ảnh: Đồng chí Lê Đình Vỹ (1911-1968)

Đồng chí Lê Đình Vỹ lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Cha của đồng chí là cụ ông Lê Đình Nhường, một người học rộng, nổi tiếng khắp tổng với những bài thơ châm biếm, đả kích chế độ thực dân phong kiến dễ đi vào lòng người. Ngay từ nhỏ, đồng chí Lê Đình Vỹ đã được gia đình cho theo học chữ Hán tại trường làng và tiếp tục học các lớp chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Đến năm 1927, đồng chí Lê Đình Vỹ đã trở thành một trong số những học sinh tân học đầu tiên ở Kim Khê Thượng.

Trong thời gian này, các đồng chí đảng viên Tân Việt huyện Nghi Lộc có mở thêm lớp dạy chữ quốc ngữ tại đình Kim La. Đồng chí Lê Đình Vỹ đã được tiếp cận tư tưởng yêu nước tiến bộ thông qua các hoạt động đọc báo, mạn đàm trao đổi, tuyên truyền chủ trương… của các đồng chí đảng viên. Tuy lớp học chỉ tồn tại được đến cuối năm 1928 đầu năm 1929 nhưng đã khơi dậy trong lòng cậu học trò Lê Đình Vỹ khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng quê hương.

Tháng 4/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương và tỉnh ủy Vinh, Huyện ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc được ra đời do đồng chí Nguyễn Thức Mẫn làm Bí thư. Ngay sau đó, chi bộ Kim Khê cũng được thành lập nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương. Xác định các tổ chức quần chúng là cơ sở và là chỗ dựa cho chi bộ hoạt động, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyên Viết Thiện, Bí thư chi bộ Kim Khê, các hoạt động tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân ngày càng được đẩy mạnh. Những hoạt động tuyên truyền đó đã trở thành động lực thôi thúc đồng chí Lê Đình Vỹ đến với cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đồng chí Lê Đình Vỹ đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh của nhân dân Kim Khê. Ngày 25 tháng 6 năm 1930, dưới sự chỉ huy của đồng chí Đinh Văn Đệ, đồng chí Lê Đình Vỹ cùng quần chúng nhân dân Kim Khê tập trung ở chợ Đình, kéo xuống Cồn Vàng tham gia phối hợp biểu tình đòi khất sưu cùng nhân dân các tổng trong toàn huyện với  quy mô lực lượng lên đến hàng vạn người.

Tiếp đó, ngày 15 tháng 10 năm 1930, khi cơ quan Huyện ủy Nghi Lộc đóng ở làng Vạn Lộc (Nghi Tân) bị lính Pháp về khủng bố, Huyện ủy Nghi Lộc đã quyết định tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Kim Khê, đồng chí Lê đình Vỹ cùng quần chúng nhân dân đã tập trung tại chợ Đình, sau đó kéo xuống chợ Sơn phối hợp với đoàn biểu tình của toàn huyện. Tuy nhiên khi đoàn biểu tình vừa kéo đến trường Thượng Xá, tên đồn trưởng đồn Thượng Xá đã đưa lính đến chặn đoàn người. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, kẻ địch đã cho xả súng vào đoàn người khiến 7 người chết và một số người bị thương. Để hạn chế tổn thất, đồng chí Lê Đình Vỹ cùng quần chúng nhân dân đã tiến hành rút lui theo hiệu lệnh của tổ chức. Ngày 20 tháng 10 năm 1930, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, dưới sự chủ trì của chi bộ Kim Khê, đồng chí Lê Đình Vỹ và quần chúng nhân dân đã tập trung tại chợ Đình, cắm cờ, diễn thuyết, truy điệu những người đã hi sinh trong các cuộc biểu tình. Dưới lá cờ đỏ búa liềm, các đồng chí như thầm hứa phải cố gắng hơn nữa trong công cuộc đấu tranh giành tự do cho đất nước, cơm áo cho nhân dân.

Trong những thời gian tiếp theo, đồng chí Lê Đình Vỹ đã tiếp tục hăng hái tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương với tư cách là quần chúng yêu nước tiêu biểu. Các đồng chí đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh lớn như: cuộc mít tinh tổ chức kỷ niệm ngày cách mạng thn; cuộc mít tinh biểu tình ở chọ Đình phản đối chính sách khủng bố của chính quyền thực dân phong kiến tàn sát đồng bào Song Lộc vào ngày 4/1/1931; cuộc biểu tình với quy mô hàng trăm người kéo đến đền nhà Thánh đòi giao lại giấy tờ, ruộng đất cho nông dân ngày 31/3/1931… Phong trào đấu tranh kinh tế kết hợp đấu tranh chính trị đưa yêu sách của nhân dân chuyển dần sang tính chất “tiểu bạo động” làm tan rã từng mảng bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở các làng xã. Với những hoạt động tích cực của mình, năm 1931, đồng chí Lê Đình Vỹ đã được kết nạp vào chi bộ Kim Khê.

Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều phong kiến đã nhanh chóng tập trung lực lượng để phá cho được thành quả Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chúng dựng lên ở Nghi Lộc một hệ thống đồn bốt dày đặc. Ngoài đồn Thượng Xá (Cửa Lò) đã được lập từ trước, lúc này chúng lập thêm đồn Chính Vị, đồn Chợ Cọi… Riêng ở tổng Kim Nguyên, địch đã lập đồn Chợ Xâm ở làng Kim Khê Trung, xã Kim Khê (tức là xã Nghi Hoa ngày nay), với 40 đến 50 lính khổ xanh canh giữ. Ngoài hệ thống đồn khổ xanh, chúng còn lập thêm hệ thống bang tá từ huyện đến các làng xã. Mỗi xã, thôn đều có một viên bang tá và một số đoàn phu khoảng 30 – 40 người do chánh đoàn và phó đoàn chỉ huy. Các cựu tống lý, chức sắc và những người già cả, có thế lực trong các thôn xóm đều được bọn chúng tập hợp vào các tổ chức chống cộng như: Hội đồng hào mục, hội đồng tộc biểu, đoàn thể luân lý… Kẻ địch đã dựa vào các tổ chức này để khống chế đánh phá cách mạng từng vùng, từng xã thôn, từng hộ và từng gia đình.

Những chính sách khủng bố của chính quyền thực dân Pháp và Nam triều tay sai đã khiến cho hầu hết các tổ chức cơ sở đảng Nghi Lộc bị tan vỡ, cán bộ, đảng viên bị giết hoặc bắt giam. Chi bộ Kim Khê cũng bị tổn thất nặng nề. Trước tình thế ngặt nghèo đó, đồng chí Lê Đình Vỹ và các đồng chí khác trong chi bộ đã quyết định tạm thời rút lui hoạt động bí mật.

Đầu năm 1933, sau một thời gian chắp nối liên lạc, chi bộ Kim Khê Thượng đã được khôi phục. Đồng chí Lê Đình Vỹ là một trong 8 đảng viên của chi bộ. Trong điều kiện hoạt động bí mật và vô cùng khó khăn, đồng chí Lê Đình Vỹ cùng với chi bộ Kim Khê Thượng đã chung vai đoàn kết, tăng cường công tác tuyên truyền góp phần củng cố chi bộ đảng và các tổ chức quần chúng yêu nước địa phương.

Cuối năm 1936, đồng chí Lê Đình Vỹ thoát ly quê hương hoạt động cách mạng. Ngày 14/4/1938, Đảng bộ Nghệ An mở Đại hội lần thứ hai tại làng Đông Chử (nay là xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) đã bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An do đồng chí Nguyễn Đức Dương Bí thư. Đồng chí Lê Đình Vỹ vinh dự là một trong bảy đồng chí ủy viên Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Tiếp đó, đồng chí Lê Đình Vỹ được Đại hội cũng đã bầu là một trong ba đại biểu đi dự Đại hội thành lập Liên Tỉnh ủy Thanh – Nghệ - Tĩnh vào cuối tháng 5/1938.

Sau một thời gian hoạt động trên cương vị ủy viên tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Lê Đình Vỹ được Xứ ủy điều động ra hoạt động tại địa bàn Thanh Hóa. Theo tài liệu của mật thám Pháp lưu tại Cục hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an cho biết: “Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1939, đồng chí Lê Đình Vỹ bị địch bắt giam cùng với các đồng chí: Bùi Đạt, Lê Tiên Nhiệu, Lê Văn Thiệp vì là đảng viên đảng cộng sản Đông Dương, giữ chức vụ Tỉnh ủy viên tỉnh Thanh Hóa. Tháng 11/1939, đồng chí bị địch kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản thúc theo Bản án số 387 ngày 17 tháng 11 năm 1939 của Tòa án Nam triều tỉnh Thanh Hóa”.

Sau đó, đồng chí Lê Đình Vỹ bị địch đày đi giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong lao tù đế quốc, với nghị lực phi thường của một người con quê hương Xô Viết, đồng chí Lê Đình Vỹ đã nhiều lần đứng lên cùng anh em bạn tù của mình sử dụng mọi hình thức đấu tranh lúc hợp pháp, nửa hợp pháp, lúc dùng bạo động bất hợp pháp để bảo vệ và giữ vững phẩm chất, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu tẩy não chiêu hàng, phản cách mạng của địch ngay trong chốn lao tù.

Đầu tháng 6/1945, đồng chí Lê Đình Vỹ từ nhà đày Buôn Ma Thuột trở về quê hương. Với khát vọng tự do, ý chí cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước cháy bỏng cùng với một bản lĩnh chính trị nhạy bén, đồng chí Lê Đình Vỹ đã bắt liên lạc và triệu tập hội nghị thành lập Ban Vận động Việt Minh huyện Nghi Lộc. Tại nhà thờ họ Nguyễn Trương ở làng Nại (nay thuộc xã Nghi Xá, Nghi Lộc), hội nghị đã thảo luận về tình thế cách mạng và bàn về phương hướng thực hiện chủ trương của Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh.

Sau hội nghị, theo sự phân công, các đồng chí trong Ban Vận động Việt Minh huyện Nghi Lộc đã tỏa về các vùng, trở thành đầu mối chắp nối liên lạc xúc tiến thành lập Ban Vận động Việt Minh từng tổng, chuẩn bị các điều kiện cho khởi nghĩa giành chính quyền. Nhờ hoạt động tích cực của đồng chí Lê Đình Vỹ và Ban Vận động Việt Minh huyện, tổng, các cơ sở Việt Minh đã được xây dựng và nhanh chóng phát triển tại Nghi Lộc. Khoảng 10 giờ sáng ngày 26/8/1945, dưới sự chỉ huy của Việt Minh huyện Nghi Lộc, hàng ngàn người dân trong huyện rầm rập kéo đến biểu tình tại Rú Bứa (thuộc xã Nghi Hoa). Trước khí thế cách mạng, đề Hiến – một chức sắc của chính quyền bù nhìn ở Nghi Lộc đã trao con dấu chính quyền cho Việt Minh. Đồng chí Lê Đình Vỹ là người đứng ra trực tiếp nhận bàn giao. Ngay sau đó, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Nghi Lộc do đồng chí Lê Đình Vỹ làm Chủ tịch đã ra mắt nhân dân tại Rú Bứa, đánh dấu mốc thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Nghi Lộc.

Đầu tháng 10/1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Xuân Linh, hội nghị các đồng chí đảng viên cốt cán đảng bộ huyện Nghi Lộc đã được triệu tập tại nhà ông Ký Hoành ở làng Thượng Thị (thuộc xã nghi Quang). Cuộc họp đã bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời huyện Nghi Lộc gồm 11 đồng chí. Đồng chí Lê Đình Vỹ được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng.

Ngày 3/11/1946, đại hội Đảng bộ Nghệ An được triệu tập tại làng Yên Dũng (nay là phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh) với 45 đại biểu. Tại Đại hội, các đại biểu đã nhất trí bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 17 đồng chí ủy viên. Đồng chí Lê Đình Vỹ, người đảng viên ưu tú của quê hương Nghi Lộc một lần nữa đã được Đại hội được tín nhiệm giữ cương vị ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa IV.

Ngày 6/1/1948, Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng bộ tỉnh Nghệ An khai mạc tại xóm Vĩnh Yên (xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) đã đề ra mục tiêu tích cực chuẩn bị kháng chiến trường kỳ đi đến thắng lợi; đẩy mạnh việc phát triển và củng cố tổ chức đảng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 22 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Với uy tín của mình, đồng chí Lê Đình Vỹ lần thứ ba được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy.

Năm 1949, đồng chí Lê Đình Vỹ được Trung ương điều sang Thái Lan, tham gia công tác quốc tế của Đảng. Ngày 2/4/1968, do di chứng của những ngày tù đày tại nhà lao đế quốc, đồng chí Lê Đình Vỹ đã trút hơi thở cuối cùng khi đang làm nhiệm vụ tại Thái Lan.

Tham gia cách mạng từ năm 1930, một năm sau đó đồng chí Lê Đình Vỹ đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa mới tròn 20 tuổi. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đình Vỹ - ủy viên Tỉnh ủy Nghệ An không chỉ là sự cống hiến không mệt mỏi cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là sự nỗ lực phấn đấu cho công tác quốc tế cao cả của Đảng. Cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Đình Vỹ như một nốt thăng hòa nhịp trong bài ca cách mạng của thế hệ đảng viên lớp đầu tại Nghệ An. Những đóng góp của đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ta ghi nhận, ngày 22/3/2004, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã tổ chức trọng thể Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Lê Đình Vỹ theo Quyết định số 664 KT/CT ngày 30 tháng 9 năm 2003.

Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

 

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1954), NXB Nghệ An, 2018;

Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc, NXB Nghệ An, 1991;

Lịch sử truyền thống xã Nghi Long, NXB Nghệ An, 2005;

Tài liệu của mật thám Pháp lưu tại Cục hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an;

Tài liệu do gia đình đồng chí Lê Đình Vỹ cung cấp.

Video