Đồng chí Lê Đình Trợi – Người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của quê hương Lộc Hà, Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-05-31 07:17:57

“Còn một giờ cũng làm cách mạng đồng chí Dương ạ! ”… Đó chính là lời khẳng định một lòng theo Đảng làm cách mạng của đồng chí Lê Đình Trợi sau khi trải qua những năm tháng chịu bao cực hình tra tấn trong lao tù đế quốc.

Đồng chí Lê Đình Trợi (tức Hồng Quân) sinh năm 1903 tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Luật, tổng Vĩnh Luật, huyện Thạch Hà (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình nghèo giàu lòng yêu nước. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng với nghề thợ may, ông Lê Đình Bảo – bố đồng chí vẫn cố gắng chắt chiu cho con theo học chữ nho. Là một người thông minh, ham học, Lê Đình Trợi nhanh chóng học xong Tứ thư, Minh tâm, Khuyến hiếu.

Ảnh: Đ/c Lê Đình Trợi (1903-1983)

Năm 1913, vì điều kiện gia đình nghèo khó, Lê Đình Trợi đành phải nghỉ học và đi ở cho địa chủ, từ đây anh sớm nhận thức được cảnh đời lam lũ, cơ cực của những người dân mất nước.

Tháng 7/1925, Hội Phục Việt (sau đổi tên là Hưng Nam, Tân Việt) được thành lập tại núi Con Mèo, Vinh – Bến Thủy với tôn chỉ hoạt động nhằm đoàn kết các lực lượng tiến bộ yêu nước để làm cách mạng đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành tự do cho dân tộc. Giữa năm 1927, tổ chức yêu nước này phát triển mạnh tại Thạch Hà, lực lượng thanh niên trí thức ở đây chia nhau về các thôn trong huyện để xây dựng cơ sở thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, trong đó có Lê Đình Trợi.

Sau khi Tỉnh uỷ lâm thời Hà Tĩnh được thành lập (3/1930), nhiều chi bộ ở Can Lộc, Thạch Hà được hình thành. Huyện Can Lộc có chi bộ Đỉnh Lữ. Đồng chí Hồ Phối (ở Phù Lưu Thượng nay là xã Hồng Lộc, Can Lộc)  được Tỉnh uỷ lâm thời Hà Tĩnh bắt liên lạc và giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở Đảng ở hai tổng Canh Hoạch và Vĩnh Luật. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Hồ Phối đã trực tiếp bắt mối liên lạc với đồng chí Lê Đình Trợi và đồng chí Nguyễn Trạch để gây dựng cơ sở hoạt động. Sau một thời gian thử thách, hai đồng chí Lê Đình Trợi và Nguyễn Trạch được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Đỉnh Lữ do đồng chí Hồ Phối giới thiệu. Trong giây phút thiêng liêng đó, Lê Đình Trợi đã thề“suốt đời tiên phong, làm tròn mọi việc Đảng giao phó dù có chết….”. Sau khi được kết nạp, đồng chí Lê Đình Trợi nhận nhiệm vụ bắt nối liên lạc và tuyên truyền phát triển tổ chức Đảng ở tổng Vĩnh Luật. Từ đây, tổng Vĩnh Luật đã có những hạt nhân cộng sản đầu tiên.

Tháng 8/1930, Tỉnh uỷ lâm thời họp ở Vĩnh Hòa (Bình Lộc) để xem xét việc xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, phát triển phong trào đấu tranh và bầu huyện ủy lâm thời. Đồng chí Nguyễn Dương ở làng Hữu Phương (sinh hoạt tại Chi bộ Đa Lộc) được bầu vào Huyện uỷ, phụ trách 2 tổng Canh – Vĩnh. Đồng thời, Tổng uỷ Canh - Vĩnh cũng được thành lập do đồng chí Nguyễn Dương làm Bí thư và đồng chí Lê Đình Trợi làm Phó Bí thư.

Sau khi chi bộ Vĩnh Luật được công nhận chính thức (8/1930), Lê Đình Trợi được phân công làm Bí thư[1]. Nhận nhiệm vụ mới hết sức khó khăn, nguy hiểm bởi đây là nơi có phong trào đấu tranh mạnh, địch thường xuyên khủng bố gắt gao, mật thám lùng sục khắp nơi để bắt bớ những cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng và những người tham gia đấu tranh, nhưng đồng chí Lê Đình Trợi đã luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với sự nhanh nhạy và bản lĩnh, Lê Đình Trợi đã cùng với chi bộ thành lập nên các hội quần chúng như: cứu tế đỏ, hội thợ nề…..

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, Huyện uỷ Thạch Hà, Chi bộ Đảng tổng Vĩnh Luật ra đời đã mở ra bước phát triển mới cho phong trào cách mạng ở địa phương.

Ngày 7/11/1930, nhân kỷ niệm 13 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân dân tổng Vĩnh Luật (bao gồm các làng Mai Lâm, Vĩnh Luật, Triều Sơn, Vĩnh Tuy) cùng với nhân dân các xã Hộ Độ, Lộc Nguyên, Gia Thiện, Xuân Hoà… kéo về rú Bờng biểu tình thị uy, diễn thuyết nêu các khẩu hiệu: "Ủng hộ Liên bang Xô Viết"; "Giảm sưu thuế cho nhân dân"; "Đánh đổ đế quốc, phong kiến cường hào".

Ngày 16/l l/1930, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân tổng Vĩnh Luật đấu tranh đòi lúa sương túc, đồng thời hô vang các khẩu hiệu: “xóa bỏ trần canh và cùm kẹp nhân dân vô lý, hào lý phải trả lúa sương túc cho dân nghèo, phải xóa bỏ không được bắt dân đóng tiền mua bò heo cúng, nếu ai không theo hội thì trừng trị đúng mức”(Bản công khai).[2]

Nhân kỷ niệm ngày Quảng Châu Công xã (ngày 12/12/1930), Huyện uỷ đã chỉ đạo tổ chức quần chúng ở hai vùng Hà Đông - Hà Tây biểu tình thị uy. Riêng ở các làng của Mai Phụ, Đảng đã vận động phụ nữ và các gia đình khá giả chuẩn bị 200 vắt cơm phát cho lực lượng tham gia biểu tình .

Theo kế hoạch, quần chúng tập trung thành hai cụm (tại cây đa xóm Lòi và đình Triều Sơn) rồi kéo về tập kết tại Cồn Doòng (Thạch Mỹ). Đoàn biểu tình tiến về Đò Điệm, song người của tổng Canh Hoạch đang sang sông để tập trung ở rú Đòi, nên đoàn của hai vùng Hà Đông và Hà Tây phải lên đò Kênh Cạn để sang sông. Khi lên đến cầu Cày (Thạch Thượng) thì bị địch khủng bố, đoàn biểu tình cả hai tổng Canh - Vĩnh không vào được thị xã. Trong cuộc biểu tình này, đồng chí Lê Đình Trợi được giao nhiệm vụ chỉ huy quần chúng nhân dân tổng Vĩnh Luật kéo về đình Đa Phúc (Vĩnh Luật) nghe cấp trên diễn thuyết. Sau sự kiện này, khí thế cách mạng của quần chúng càng lên cao hơn trong các thôn xóm.

Để tố cáo tội ác của giặc và vận động quần chúng chống lại bọn cường hào, Huyện ủy Thạch Hà đã giao cho Chi bộ Vĩnh Luật tổ chức in ấn tài liệu, rải truyền đơn ở nhiều làng trong vùng. Lúc bấy giờ, nhà đồng chí Lê Đình Trợi là nơi hội ý chớp nhoáng của các đảng viên.

Từ tháng 12/1930, chính quyền thực dân và triều đình phong kiến đã thực hiện hàng loạt vụ càn quét, bắt bớ hòng đàn áp và dập tắt phong trào cách mạng. Mặc dù vậy, đồng chí Lê Đình Trợi vẫn tiếp tục lãnh đạo chi bộ đấu tranh. Để  hỗ trợ các đảng viên đang gặp khó khăn, Ban Nghĩa thương ra đời do đồng chí Lê Đình Trợi làm trưởng Ban, đồng chí Nguyễn Kinh làm phó Ban và cụ Phạm Bá Huyên làm thủ qũy. Ban đã bí mật quyên góp tiền bạc để cứu giúp cán bộ cách mạng. Lúc này, phong trào tạm lắng xuống, các đảng viên đi vào hoạt động bí mật, nhưng phong trào vẫn được giữ vững.

Tháng 4/1931, đồng chí Lê Đình Trợi được chỉ định làm Phó Bí thư phân tổng Canh, đồng thời giao nhiệm vụ lấy lúa ở những người có tinh thần đóng góp phân cấp cho người bị nạn.

Tháng 8/1931, đồng chí Lê Đình Trợi sa vào tay giặc. Mặc dù bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn cắn răng không khai. Sau một thời gian giam cầm tại nhà lao Thạch Hà, tháng 1/1932, đồng chí bị đưa đi đày tại ngục Kon Tum. Với ý đồ đè bẹp ý chí đấu tranh của các thế hệ tù chính trị, thực dân Pháp đã thi hành nhiều chính sách đàn áp tàn bạo. Tuy nhiên, sự xảo quyệt độc ác, đòn roi của kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần cách mạng kiên trung, ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản. Tại đây, đồng chí Lê Đình Trợi tiếp tục cùng anh em tù nhân đấu tranh với nhiều hình thức như: tuyệt thực, rải truyền đơn bằng chữ Hán, chữ Nho, chữ Quốc ngữ, giăng khẩu hiệu búa liềm…

Năm 1935, trước sự khủng bố đánh đập dã man tù nhân, đồng chí Lê Đình Trợi đã cùng các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Hồ Tùng Mậu làm một bản kiện xếp lao đến sứ. Sau đó địch bắt đồng chí Lê Đình Trợi và 11 đồng chí khác trong đó có Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh, Ngọc Danh, Nguyễn Tuân... giam riêng ở Ban Mê Thuật. Hết thời gian giam riêng, chúng đưa các đồng chí vào giam ở lao hai[3]. Những năm đấu tranh trong nhà tù đế quốc, đồng chí Lê Đình Trợi luôn nêu cao khí tiết, không ngừng học tập về sử Đảng, coi nhà tù là nơi rèn luyện nhân cách và phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng, kiên trung với lời hứa danh dự của người đảng viên.

Tháng 6/1936, Mặt trận Bình dân do Đảng cộng sản Pháp lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội và thực hiện một số chủ trương tiến bộ như: thả tù chính trị ở các nhà lao, thành lập Ban điều tra tình hình thuộc địa, thu thập nguyện vọng của nhân dân, thi hành một số cải cách xã hội cho nhân dân lao động. Nhờ đó hàng loạt chính trị phạm bị địch giam giữ được thả tự do, trong đó có đồng chí Lê Đình Trợi. Về nhà đồng chí tiếp tục hoạt động, bắt mối với các đảng viên cũ như đồng chí Nguyễn Chung Anh ở Kim Đôi, Nguyễn Mậu Quýnh ở Đồng Lưu, Nguyễn Dương ở Hữu Phương… nhằm gây dựng lại phong trào cách mạng, đồng thời xây dựng chi bộ ghép Việt Minh  ở Can Lộc[4].

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Thạch Hà, Tổng uỷ Canh - Vĩnh, trong đó có đồng chí Lê Đình Trợi, phong trào cách mạng ở tổng Vĩnh Luật được nhen nhóm trở lại. Các đảng viên và quần chúng ở đây hoạt động bí mật, dưới hình thức hợp pháp và bán hợp pháp, tuyên truyền chống mê tín dị đoan, truyền bá quốc ngữ, bí mật phổ biến thơ ca yêu nước.

Trong quá trình liên lạc với Tổng uỷ Canh Vĩnh, đồng chí Lê Đình Trợi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của cấp trên khi về hoạt động tại địa phương. Để che mắt địch, đồng chí đã tham gia vào tổ may tại nhà đồng chí Nguyễn Dương ở Hữu Phương. Thời gian này, đồng chí Lê Đình Trợi thường xuyên tham gia họp, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chỉ thị của cấp trên để tổ chức thực hiện ở Vĩnh Luật.

Sang năm 1939, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai càng đến gần. Chính phủ của Mặt trận bình dân Pháp bị đổ. Trong nước, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều mở chiến dịch khủng bố, ráo riết truy lùng bắt các chiến sỹ cộng sản, kể cả những người chúng vừa có lệnh thả ra. Tại Thạch Hà, tổ chức Đảng khôi phục chưa được bao lâu đã bị một số phần tử cơ hội tìm cách phá hoại. Do đó, nhiều đồng chí đảng viên cốt cán bị sa vào tay giặc, trong đó có đồng chí Lê Đình Trợi. Sau hai năm bị giam cầm tại nhà lao ở huyện Can Lộc, tháng 8/1941, đồng chí bị đày đi giam tại nhà nhà tù Ly Hy (Phú Bài – Huế ), tại đây đồng chí tiếp tục cùng anh em tù đấu tranh.

Ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp chiếm Đông Dương, nhiều cán bộ đảng viên thoát khỏi nhà tù, đồng chí Lê Đình Trợi cũng được thả trong giai đoạn này. Sau khi ra tù, không quản khó khăn, nguy hiểm đồng chí tiếp tục bắt mối hoạt động cách mạng. Lúc này, Lê Đình Trợi tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia Hội tương tế ái hữu, đấu tranh chống áp bức của bọn cường hào, lấy lúa chia cho nhân dân.

Ngày 19/5/1945, Ban vận động Việt Minh Liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập, nhằm tập hợp lực lượng và thống nhất hành động, chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Lê Đình Trợi hoạt động tích cực trong tổ chức Việt Minh, tham gia vận động cướp chính quyền.

Sáng 17/8/1945, mặt trận Việt Minh Thạch Hà họp truyền đạt mệnh lệnh của cấp trên và khẩn trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa trong toàn huyện. Ngay tối 17/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa huyện Thạch Hà tổ chức quần chúng biểu tình buộc tri huyện đầu hàng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Thái Văn Tuyết, mờ sáng ngày 18/8/1945, đồng chí Lê Đình Trợi được giao nhiệm vụ chỉ đạo hơn 50 người gồm cả đảng viên và quần chúng giương cao cờ đỏ sao vàng biểu tình thị uy đến nhà các Lý trưởng ở các làng bắt nạp mục triện. Chỉ trong thời gian ngắn, khởi nghĩa giành chính quyền ở các làng thuộc tổng Canh - Vĩnh đã giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu. Từ tháng 9/1945 đến tháng 9/1949, đồng chí Lê Đình Trợi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính xã Bắc Vinh.

Từ tháng 9/1949 đến năm 1952, đồng chí là cán bộ Công an Tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1983, đồng chí mất sau một cơn bạo bệnh, thọ 80 tuổi. Với những đóng góp của mình cho phong trào cách mạng, ngày 13/10/1997 đồng chí đã được Chủ tịch nước ra quyết định số 11KT/CT về việc “Truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba”. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đình Trợi mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.

Lương Thùy Vân

Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Hồi ký của đồng chí Lê Đình Trợi Lưu tại  Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

[2] Hồi ký của đồng chí Lê Đình Trợi Lưu tại  Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

[3] Hồi ký của đồng chí Lê Đình Trợi lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

[4] Lịch sử Đảng bộ xã Mai Phụ - NXB Hồng Đức, Hà Nội 2017

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồi ký của đồng chí Lê Đình Trợi lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
  2. Lịch sử Đảng bộ Xã Mai Phụ huyện Lộc Hà, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017
  3. Lịch sử Đảng bộ huyện Thạch Hà, NXB Chính trị Quốc gia, 1997
  4. Lý lịch do gia đình cung cấp

Video