Đồng chí Kiều Liêu - tấm gương cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2019-01-09 01:33:04

Đồng chí Kiều Liêu sinh năm 1905, trong một gia đình nghèo tại làng Đông Thái - tổng Việt Yên - phủ Đức Thọ. Trải qua tuổi thơ với chuỗi ngày cơ cực, vất vả phải đi ở cho Thông phán Tòa sứ ở Thái Nguyên và nhà địa chủ Ký Bào, đến năm 1928 không chịu nổi những áp bức bất công, Kiều Liêu đánh trả vợ Ký Bào rồi từ Phố Châu trở về mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Tại đây, Kiều Liêu được đồng chí Nguyễn Lê Tiệp giới thiệu về làm cho hiệu buôn Mỹ Lợi của gia đình ở huyện Hương Sơn. Trong thời gian này, đồng chí được gia đình ông Nguyễn Lê Khiêm (thân phụ của đồng chí Nguyễn Lê Tiệp) đối đãi tử tế. Từ câu chuyện của đồng chí Nguyễn Lê Tiệp về những nhà yêu nước như: cụ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám hay “Tiếng bom Sa Diện” của liệt sỹ Phạm Hồng Thái và nhiều câu chuyện về nước Nga, về cuộc cách mạng vĩ đại của những người nông dân… đã khắc sâu vào tâm trí chàng thanh niên trẻ tuổi, dần dần giác ngộ anh đi theo con đường cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), tỉnh Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh cũng được ra đời (3/1930), trở thành động lực to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng của nhân dân Hà Tĩnh tiến lên. 

Tại Hương Sơn, Chi bộ Đan Thụy (được ghép từ tên hai xã Đan Trai và Thụy Mai) cũng nhanh chóng ra đời. Hội nghị thành lập Chi bộ Đan Thụy gồm 5 đồng chí tham dự được tổ chức tại khu rừng hẻo lánh ở Đượng Ao. Hội nghị đã kết nạp hai đồng chí Kiều Liêu và Phạm Cần vào Đảng và bầu ra Ban Chấp hành Chi bộ gồm 3 đồng chí: Nguyễn Lê Tiệp (Bí thư); Đinh Văn Nghệ (Phó Bí thư); Nguyễn Mỹ Tài (Ủy viên). Đồng chí Kiều Liêu đứng vào hàng ngũ của Đảng với niềm tin sắt son làm cách mạng đem lại lợi ích cho nhân dân trong đó có bản thân mình.

Chi bộ Đan Thụy sau khi thành lập đã quyết định chọn Đượng Ao là vùng rừng núi giáp 3 huyện Hương Khê - Đức Thọ - Hương Sơn làm căn cứ hoạt động và là địa điểm xây dựng kinh tế. Chi bộ đã nhanh chóng triển khai kế hoạch khai hoang phát rẫy xây dựng cơ sở kinh tế ban đầu đồng thời vạch kế hoạch in truyền đơn, tài liệu của Đảng. Đến trung tuần tháng 4/1930, Chi bộ giao đồng chí Kiều Liêu và đồng chí Phạm Cần nhiệm vụ rải truyền đơn ở các vùng đồn điền: Sông Con, Voi Bổ, Hà Tân. Trong vai là những người đi gánh hàng thuê, hai đồng chí đã mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bất chấp sự lục soát ráo riết của kẻ thù.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ rải truyền đơn, đồng chí Kiều Liêu đã được Chi bộ tuyên dương và tin tưởng phân công lên các đồn điền và về một số vùng nông thôn như Sơn Phố, Sơn Hàm, Sơn Tây gây dựng cơ sở, tuyên truyền cho công nhân và nông dân tư tưởng mới, vạch ra phương hướng đấu tranh và kêu gọi họ đứng lên làm cách mạng, giành lại chính quyền. Tất cả những hoạt động này nhằm chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 1/8/1930 tại Hương Sơn.

Từ ngày 29/7/1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Lê Tiệp, gần 200 quần chúng đã tiến hành biểu tình kéo về nhà Án sát Nghệ An - Nguyễn Khắc Niêm ở Sơn Hà, Hương Sơn để truy bắt. Không bắt được Nguyễn Khắc Niêm, quần chúng đã tiến hành đốt phá nhà cửa. Hoảng sợ, thực dân Pháp đàn áp và điều máy bay đến uy hiếp, buộc cuộc biểu tình phải giải tán. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 1/8/1930, đồng chí Kiều Liêu và đồng chí Nguyễn Lê Tiệp được Chi bộ giao nhiệm vụ diễn thuyết và hô khẩu hiệu đấu tranh.

Khoảng 8 giờ tối ngày 30/7/1930, trống chiêng từ đầu làng đến cuối huyện nổi lên liên hồi. Nhân dân từ khắp nơi đổ ra đường, khí thế ào ào vang động khiến cho bọn lý hương hoảng sợ. Tất cả 4 phía, quần chúng đổ về Cầu Nầm, dừng lại tập trung nghe đồng chí Nguyễn Lê Tiệp diễn thuyết… Khí thế sôi sục căm thù giặc dâng lên, khoảng 4 giờ sáng, đoàn biểu tình kéo đến huyện lỵ. Tri huyện đã ra lệnh cho bọn địch bắn mấy loạt đạn chỉ thiên, sau khi bị quần chúng áp sát, chúng thẳng tay bắn vào đoàn biểu tình. Đồng chí Kiều Liêu đã dũng cảm cầm cờ tiến lên, bất chấp làn đạn của kẻ địch. Đồng chí đã trúng đạn, ngã xuống. Sau 10 phút, đoàn biểu tình phải giải tán trước sự đàn áp dã man của kẻ thù. Do bị thương  nên đồng chí  bị sa vào tay địch và được chúng chở thẳng ra nhà thương điều trị, tập trung chạy chữa để tra khảo lấy hồ sơ.

Sau một tháng điều trị, bọn mật thám đã tới nhà thương mang đồng chí Kiều Liêu vào phòng kín đánh đập, tra khảo. Sau ba ngày sử dụng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man vẫn không lấy được lời khai, chúng lại trả đồng chí cho nhà thương điều trị. Hai tháng sau, khi nhận thấy đồng chí Kiều Liêu đã bình phục, thực dân Pháp lại sử dụng thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất. Tuy nhiên, trước ý chí kiên trung của người con yêu nước, chúng đã không đạt được mục đích của mình.

Đến tháng 10/1930, thực dân Pháp tiếp tục đưa đồng chí Kiều Liêu ra Sở Mật thám để khai thác thông tin. Chúng sử dụng thủ đoạn cho đồng chí Kiều Liêu chứng kiến cảnh tra tấn các chiến sỹ khác ngay trước mặt, hòng trấn áp tinh thần yêu nước. Nhưng đứng trước những tấm gương cộng sản như hai anh em Nguyễn Tri Khôi, Nguyễn Tri Khai (người Thạch Hà) và nhiều đồng chí khác, dù bị đánh đập, dụ dỗ bằng nhiều thủ đoạn nhưng vẫn kiên quyết không khai, đồng chí Kiều Liêu như được tiếp thêm sức mạnh, quyết giữ vững chí khí của người cộng sản.

Thực dân Pháp đã đưa đồng chí ra đánh từ 7 giờ sáng đến 10 giờ trưa. Sau trận đánh này, do bị thương, mất máu nhiều nên đồng chí Kiều Liêu được đưa vào nhà thương điều trị suốt 13 tháng. Không lấy được lời khai để đưa vào hồ sơ làm căn cứ, mật thám Pháp đã chuyển về cho Tòa án Nam triều xét xử. Đồng chí đã bị kết án 3 năm tù vì có “âm mưu phá rối trị an để đánh đổ chế độ hiện thời”(2).

Từ tháng 7/1931, đồng chí Kiều Liêu bắt đầu những tháng ngày bị giam cầm tại Nhà lao Hà Tĩnh. Trong lao tù khắc nghiệt nhưng những người chiến sỹ cộng sản yêu nước như đồng chí Kiều Liêu vẫn đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau vượt qua những khó khăn thử thách. Các đồng chí vẫn bí mật tổ chức sinh hoạt, rèn luyện cho nhau ý chí, tổ chức tuyên truyền các bài hát yêu nước, chia sẻ những tin tức hàng ngày ở ngoài đưa vào và tổ chức các hình thức đấu tranh như: làm reo, gọi tên bọn Nam triều, mật thám; đấu tranh đòi thả cùm… Dù sau mỗi lần nổi dậy đấu tranh, các đồng chí lại bị khủng bố đánh đập, nhưng càng bị đánh đập thì phong trào càng lên mạnh và cuối cùng buộc chúng phải nhượng bộ.

Sau 3 năm bị giam cầm theo hạn tù, vì tội nặng nên đồng chí Kiều Liêu phải chịu giam thêm 2 tháng. Mãn hạn tù, thực dân Pháp cho lính giải đồng chí về quê giao cho tri phủ Đức Thọ và lý hương Đông Thái quản thúc một năm.

Cuối năm 1934, đồng chí Kiều Liêu lên Hương Sơn và gặp được đồng chí Đinh Văn Nghệ, còn các đồng chí khác trong Chi bộ vẫn còn bị bắt giam. Hai đồng chí đã bàn bạc quyết định lên vùng Sơn Tây, đến các đồn điền Voi Bổ, Sông Con để gây dựng cơ sở cách mạng. Đồng chí Kiều Liêu đã xin vào làm công nhân trong các đồn điền của thực dân Pháp. Tại đây, hàng ngày cùng làm việc, gần gũi với những người công nhân, đồng chí đã tích cực tuyên truyền về đường lối cách mạng, phân tích sự bóc lột trắng trợn sức lao động của thực dân - phong kiến đối với công nhân và quần chúng nhân dân lao động. Được tuyên truyền giác ngộ, những người công nhân đã cùng đứng lên đánh trả những tên cai gian ác khi chúng đánh đập.

Đến năm 1936, đồng chí Nguyễn Lê Tiệp được ra tù và đã bí mật triệu tập, nhóm họp các đồng chí Trần Bình, Trần Đoàn, Hồ Hảo và Kiều Liêu để thảo luận, vạch phương hướng hoạt động, mở rộng mạng lưới tuyên truyền, giác ngộ xuống cơ sở. Đồng chí Kiều Liêu đã cùng đồng chí Nguyễn Lê Tiệp và Hồ Hảo trở về vùng Đá Gân xem xét, lên kế hoạch đắp đập lấy nước, khai hoang làm ruộng để tạo công ăn việc làm cho nhân dân, phát triển sản xuất vừa gây dựng cơ sở cách mạng. Sau một thời gian hoạt động, đến năm 1939, đồng chí Kiều Liêu lại tiếp tục bị bắt, trong lúc người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Sau 4 ngày tra khảo đánh đập nhưng không khai thác được gì, sang ngày thứ 5 thì chúng dùng biện pháp tâm lý dụ dỗ đồng chí nếu khai ra sẽ tha về với vợ con và cho ăn uống... Nhưng cũng giống như những lần giam cầm trước, đồng chí vẫn kiên quyết không khai và tuyệt thực để tránh sự tra khảo của kẻ thù. Sau một tháng, đồng chí bị giải về giam tại Nhà lao Vinh và giao cho Tòa án Nam triều xét hỏi.

Vào tù được mấy ngày, Kiều Liêu cùng 30 đồng chí khác bị thực dân Pháp đưa lên đồn Linh Cảm - Đức Thọ để bốc gạo ở ga Thọ Tường. Sau một tháng, đồng chí bị lính khố xanh lên đưa về giam ở Nhà lao Hà Tĩnh. Tại đây, đồng chí cùng nhiều anh em tù bị bắt đi làm đường, đập đá ở sân vận động. Do có 3 tù kinh tế bỏ trốn nên thực dân Pháp bắt cả nhà lao phải cởi áo khi lao động, đồng chí Kiều Liêu đã vận động anh em tổ chức đấu tranh chống cởi áo nhưng kế hoạch bị lộ đồng chí đã bị đội Phương, bếp Mạo và nhiều tên lính đánh đập đến ngất lịm. Đồng chí được hai tên lính đưa vào bệnh viện cấp cứu, từ 6 giờ sáng tới 4 giờ chiều mới hồi tỉnh. Sau khi được băng bó vết thương, đồng chí bị chúng xiềng tay, cùm chân đưa vào xà lim gần hai tháng. Sức khỏe đồng chí Kiều Liêu dần yếu đi do vết thương bị đánh không lành, việc băng bó tiêm thuốc trong xà lim khó khăn nên đã được chúng đưa ra trường lao điều trị. Năm tháng sau, sức khỏe đồng chí dần hồi phục nhưng cánh tay trái bị đánh vẫn không cử động được. Chính vì lý do này nên đồng chí đã thoát khỏi án đày đi Buôn Mê Thuột và được thực dân Pháp bố trí lên làm ở kho gạo của nhà lao với nhiệm vụ giã gạo và sắp xếp các công việc trong kho.

Sáng ngày 10/3/1945, được tin thành phố Vinh (Nghệ An) đã bị Nhật chiếm, Công sứ Hà Tĩnh viết thư đầu hàng, cho người mang đến tận Sở Chỉ huy của Nhật ở Vinh, rồi cùng nhau ngồi chờ quân Nhật vào tiếp quản. Như rắn mất đầu, bộ máy phong kiến bù nhìn tay sai tê liệt, tan rã. Trong Nhà lao Hà Tĩnh, số người bị giam giữ và số có án từ 2 năm trở xuống được trả tự do. Nhân lúc chính quyền Pháp tê liệt, bộ máy cai trị của Nhật chưa hình thành, đồng chí Kiều Liêu và nhiều anh em tù chính trị đã phá nhà lao, trốn ra hoạt động.

Từ Nhà lao Hà Tĩnh, đồng chí Kiều Liêu đã về Đức Thọ, đến Kim Cương và cùng với đồng chí Trần Bình (Bí thư Huyện ủy lâm thời Hương Sơn) vào Sơn Hàm, vùng Khe Mơ, Khe Chè, Sơn Bình, Trị Yên, Sơn Diệm khảo sát địa hình để lập các chiến khu, vừa củng cố xây dựng kinh tế, vừa tổ chức du kích quân, huấn luyện đánh giặc… chuẩn bị cho cơ hội cướp chính quyền.

Đến tháng 7/1945, Đảng bộ Hương Sơn mở Đại hội vạch kế hoạch cho phong trào Tổng khởi nghĩa năm 1945, vận động nhân dân mở cuộc biểu tình kéo về huyện lật đổ chính quyền cũ xây dựng chính quyền mới. Đại hội đã thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hương Sơn, bầu đồng chí Trần Bình làm Chủ tịch.

Ngày 19/8/1945, Ủy ban Việt Minh huyện Hương Sơn vận động quần chúng biểu tình, thị uy kéo đến chiếm đồn lính bảo an, giành chính quyền ở huyện. Ủy ban khởi nghĩa đã buộc đơn vị quân Nhật ở đồn Ferey phải rút về Vinh, tạo điều kiện để thúc đẩy giành chính quyền ở các xã.

Thời gian này, đồng chí Kiều Liêu đã được chỉ định lên đồn điền Voi Bổ để làm công tác quản trị. Tại đây, đồng chí tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Ban Công an. Sau một thời gian, đồng chí được Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gọi về giao thêm trách nhiệm làm Tổ trưởng Công an danh dự, bảo vệ Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Năm 1946, đồng chí được giao nhiệm vụ lên xã Kim Cương thành lập Chi bộ Kim Cương gồm 4 đồng chí và được phân công làm Bí thư. Mặc dù kiêm nhiệm, đảm trách nhiều chức vụ nhưng ở cương vị nào, đồng chí Kiều Liêu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Năm 1947, đồng chí tiếp tục được điều về giao nhiệm vụ thành lập an toàn khu (ATK) tại Mò O. Sau khi ATK được thành lập, đồng chí tiếp tục được giao nhiệm vụ bắt liên lạc tác chiến ở các xã, mang danh sách liên lạc viên về báo cáo cho huyện.

Chiến dịch Điện Biện Phủ kết thúc, đồng chí Kiều Liêu được giới thiệu về xã Kim Hoa hoạt động. Tại đây, đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Chi bộ, Hội đồng nhân dân, làm Trưởng ban giảm tô. Ngày 2/9/1954, thực hiện chủ trương của cấp trên, xã Kim Hoa được tách thành 3 xã là: Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy. Đồng chí Kiều Liêu trúng cử vào Ủy ban hành chính xã Sơn Mai, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Sơn Mai. Ba tháng sau, vì lý do sức khỏe nên đồng chí Kiều Liêu xin nghỉ, Ban Chấp hành bầu đồng chí Lê Tấn lên thay.

Đến năm 1956, do tuổi cao sức yếu nên đồng chí đã nghỉ hưu. Năm 1988, đồng chí Kiều Liêu qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đồng chí Kiều Liêu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký tặng Huân chương Kháng chiến (1962); được Chủ tịch nước Trường Chinh ký tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (1986); Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Kiều Liêu là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo tiếp bước truyền thống Xô viết anh hùng trên mảnh đất núi Hồng, sông Lam địa linh nhân kiệt.

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

Video