Đồng chí Hoàng Lạc – tấm gương cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: Trần Thị Hồng Nhung
Ngày 2024-10-31 10:10:23

Tân Lộc là vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Can Lộc (nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước, với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, nhiều tên đất, tên người nơi đây đã để lại dấu ấn trong trang sử của quê hương. Đặc biệt, trong phong trào yêu nước và cách mạng của Nhân dân Nghệ Tĩnh  những ngày đầu có Đảng, nhiều người con ưu tú của quê hương Tân Lộc với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nước thiết tha đã đi theo tiếng gọi của Đảng, trở thành những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho dân tộc. Đồng chí Hoàng Lạc – người con ưu tú của quê hương Tân Lộc là một tấm gương như thế.

 Đồng chí Hoàng Lạc (1895-1935) tên thật là Hoàng Khoai hay còn gọi là Hoàng Khoái Lạc[1] (trong quá trình hoạt động còn có các bí danh Đào Viên, Tam, Khang, Thanh Quảng, Yến Sơn,…) sinh ra trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước tại làng Đỉnh Lự (nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Thân phụ là cụ Hoàng Hoan (còn gọi là cụ Quyền Hoan), một nhà Nho yêu nước thường cắt thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Ông cũng từng tham gia khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885-1896). Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thuộc, một người phụ nữ đảm đang, chịu thương, chịu khó.

Tuổi thơ Hoàng Lạc lớn lên trong sự kèm cặp, dạy dỗ của cha. Anh được cha dạy chữ Hán, rồi được học chữ Quốc ngữ. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến sự bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến và nỗi thống khổ của Nhân dân, ngọn lửa yêu nước, căm thù giặc sớm được thắp lên trong tâm hồn Hoàng Lạc. Cậu rất giỏi thơ văn, do đó từ năm (1920-1927), Hoàng Lạc đã sáng tác rất nhiều bài thơ nhằm nói lên tiếng lòng của người dân mất nước, châm biếm, đả kích bọn vua quan bán nước, kích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng Nhân dân như: “Ru con”, “Khuyên con”, “Con vạc mồi”, “Bài hát cải lương”,…

Hoàng Lạc cũng tiếp thu rất nhanh những thơ văn yêu nước của các bậc văn thân, sỹ phu yêu nước đương thời như Phan Bội Châu, Nguyễn Hàng Chi, Võ Liêm Sơn, Ngô Đức Kế…   

Những năm 1920-1925, tại Can Lộc cũng như nhiều địa phương ở Nghệ Tĩnh xuất hiện cuộc vận động thanh niên xuất dương tìm đường cứu nước. Khác với cuộc vận động Đông Du trước đây, hướng xuất dương lần này là sang Xiêm (Thái Lan) và Trung Quốc. Thời gian này, Can Lộc trở thành địa điểm đón tiếp thanh niên Nghệ Tĩnh trên đường vượt Trường Sơn sang Trại Cày ở Xiêm của cụ Tú Hứa (Đặng Thúc Hứa). Trại khẩn hoang ở phía nam Truông Bát của Hược Kiền (tức Nguyễn Kiền) người tổng Nga Khê là cơ sở liên lạc, đưa đón thanh niên đi ra nước ngoài.  

Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Hoàng Lạc cùng 8 thanh niên Can Lộc từ trại này đã lần lượt xuất dương, tìm đường cứu nước. Sau một thời gian lao động, học tập, rèn luyện tại Xiêm, Hoàng Lạc và các đồng chí đã trở về quê hương dạy học và tích cực tuyên truyền, kêu gọi Nhân dân đứng lên chống ách áp bức bóc lột của chính quyền phong kiến, thực dân.

Sau khi Hội Phục Việt (tiền thân của Đảng Tân Việt), được thành lập ở thành phố Vinh, mùa hè năm 1925, thầy giáo Ngô Đức Diễn, người xã Trảo Nha đã về huyện Can Lộc gây dựng cơ sở hội. Tháng 9/1925, tổ Phục Việt đầu tiên ở Can Lộc được tổ chức gồm một số trí thức yêu nước như: Ngô Đức Đệ, Hoàng Lạc, Lê Viết Lượng, Trần Đại Quả, Võ Tịnh. Sau một năm, tổ đã có cơ sở ở 5 tổng trong huyện. Hoàng Lạc tiếp tục vận động nhiều người trong làng đã từng tham gia Hội Phục Việt để thành lập tổ chức Tân Việt làng Đỉnh Lữ gồm 7 người bao gồm: Hoàng Lạc, Hoàng Liên, Hoàng Kỳ, Nguyễn Cứ, Mai Cát, Nguyễn Định, Nguyễn Biểu. Đồng chí được giao phụ trách chi bộ, tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân tham gia phong trào yêu nước bằng các hình thức như đàm đạo văn thơ, bốc thuốc chữa bệnh và dạy học tại nhà để dễ bề hoạt động.

Năm 1927-1928, Hoàng Lạc giác ngộ và kết nạp thêm Phan Thiều, Nguyễn Hán, Nguyễn Diến, Nguyễn Thản, Nguyễn Ái, Nguyễn Cu, Nguyễn Xích, Phạn Châu, Đào Hoan, Ngô Cự, Lê Văn Lâm vào tổ chức Tân Việt làng Đỉnh Lự. Đồng chí cùng các đảng viên Tân Việt đã tích cực tuyên truyền, vận động một số học sinh trường Quốc học Vinh tham gia cách mạng. Hoạt động của tổ chức Tân Việt đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhân dân trong và ngoài Tổng Phù Lưu. Nhiều nơi, quần chúng đã tổ chức đấu tranh kiện hào lý chiếm đoạt ruộng đất công và chống phụ thu lạm bổ như Hậu Lộc, Đỉnh Lự. Kết quả, các làng trong xã đã giành lại nhiều ruộng công từ bọn cường hào, lý trưởng, quan lại trong vùng.

Cùng với việc phát triển tổ chức và vận động Nhân dân đấu tranh, tổ chức Tân Việt ở Đỉnh Lự do đồng chí Hoàng Lạc phụ trách đã thành lập các phường hội như: phường lợp nhà, phường hiếu, phường hỷ, phường cày,… qua đó tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, cùng giúp nhau giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập như một luồng ánh sáng soi tỏ con đường cần đi tới của những thành viên tiên tiến trong tổ chức Tân Việt. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Nghệ Tĩnh tuyên truyền, vận động mở rộng Đông Dương Cộng sản Đảng, tổ chức này đã bắt liên lạc với đồng chí Hoàng Lạc rồi giao nhiệm vụ chuyển chi bộ Đảng Tân Việt ở Đỉnh Lự thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Một bộ phận đảng viên Tân Việt còn lại đã lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sau một thời gian, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Đỉnh Lự cũng chuyển thành chi bộ của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cuối năm 1929, ở Can Lộc ra đời 5 chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, đó là: Hữu Ngoại, Đỉnh Lự, Cải Lương, Trảo Nha, Yên Tràng gồm 18 đảng viên. Các chi bộ này đã góp phần tích cực giúp đỡ các đồng chí Ngô Đức kế, Lê Tiềm, Võ Quê, chuẩn bị Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 31/12/1929. Hội nghị họp trên một con đò đi từ chợ Thượng về Đò trai (Đức Thọ). Sau Hội nghị, khi về đến Đò Trai, bị lính chặn lại khám xét, đồng chí Hoàng Lạc đã bắn chết một tên lính cho các đại biểu trốn thoát[2].

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển cách mạng nước ta. Cuối tháng 2/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Trần Hữu Thiều (quê huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) về Hà Tĩnh để gây dựng các tổ chức cơ sở Đảng. Can Lộc là nơi đầu tiên đồng chí Thiều hoạt động. Trần Hữu Thiều đã liên hệ với các đảng viên cộng sản ở Can Lộc như đồng chí Võ Quê, Hoàng Lạc,… chuyển các chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức thêm hai chi bộ mới là Phù Lưu Thượng và Nguyệt Ao.

Cũng trong tháng 2/1930, tại đình Đỉnh Lự, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Can Lộc chính thức ra đời gọi là Chi bộ Đỉnh Lự, gồm các đồng chí: Hoàng Lạc (làm Bí thư), Hoàng Liên, Mai Cát, Nguyễn Cứ và Hoàng Kỳ. Trong chi bộ có hai người em ruột của đồng chí Hoàng Lạc là Hoàng Liên, Hoàng Kỳ và người anh vợ của Hoàng Kỳ là đồng chí Mai Cát.

Đến tháng 5/1930, đồng chí Hoàng Lạc đã liên lạc với đồng chí Nguyễn Quang Thong làng Kim Chùy để thành lập thêm chi bộ Đảng. Ngày 10/6/1930, Chi bộ Kim Chùy ra đời tại Miếu Đức Ông, do dồng chí Nguyễn Quang Thong làm Bí thư.

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, ở Tân Lộc đã hình thành các chi bộ Đảng, trong đó chi bộ làng Đỉnh Lự ra đời sớm nhất, cùng với người Bí thư Hoàng Lạc đầy nhiệt huyết đã có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chung của toàn huyện trong cao trào cách mạng 1930-1931.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh mở đầu bằng cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của công, nông Vinh – Bến Thủy. Cũng trong ngày hôm đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Hoàng Lạc cùng chi bộ Đảng làng Đỉnh Lữ, Kim Chùy và chi bộ Đảng hai tổng Lai Thạch, Phù Lưu đã chỉ đạo treo cờ, rải truyền đơn, diễn thuyết tuyên truyền đường lối của Đảng, kêu gọi quần chúng Nhân dân đấu tranh.

Sau sự kiện ngày 1/5/1930, phong trào đấu tranh của Nhân dân Tân Lộc có bước phát triển mới. Các cuộc đấu tranh sau đó với sự tham gia của hàng trăm người thuộc 4 xóm: Thượng Đông, Thượng Tây, Hạ Đông, Hạ Tây bao vây bọn hào lý ở đình Đỉnh Lự từ sáng đến chiều, buộc chúng phải giao 32 mẫu ruộng công điền cho dân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, ghi đậm dấu ấn của đồng chí Hoàng Lạc, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nông dân trong các làng, xã. Kết quả, trong thời gian này, cả xã đã giành lại được 68 mẫu ruộng công cho Nhân dân.

Cuối tháng 7/1930, Huyện ủy lâm thời mở Hội nghị bàn kế hoạch lãnh đạo thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy tổ chức biểu tình ở các địa phương trong toàn tỉnh nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (ngày 1/8) nhằm phát huy ảnh hưởng của Đảng và cổ vũ phong trào. Huyện ủy chủ trương tổ chức quần chúng biểu tình kéo tới huyện đường đưa yêu sách, đòi miễn giảm sưu thuế, chia lại công điền. Đồng chí Hoàng Lạc được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc biểu tình ở Truông Gió (xã Hồng Lộc), với hàng trăm quần chúng các xã Hạ Can, rồi kéo lên Hạ Vàng (xã Vượng Lộc) và xông tới huyện đường Can Lộc, đòi tri huyện thực hiện yêu sách của quần chúng. Được tin cấp báo “có biểu tình đang ở phía bắc cầu Nghèn”, Tri huyện Trần Mạnh Đàn vội vã dẫn 5 lính lệ ra đối phó. Trước uy thế của quần chúng, hắn ko dám đàn áp; dùng kế hoãn binh, thuyết phục đoàn biểu tình giải tán. Sau  khi trao đổi yêu sách gồm 10 điểm và buộc tên Tri huyện phải hứa “báo cáo lên quan tỉnh, 10 ngày sau sẽ trả lời”, nông dân đã kết thúc cuộc biểu tình.

Đây là cuộc biểu tình đầu tiên của Nhân dân Can Lộc và cũng là cuộc biểu tình đông người đầu tiên của nông dân Hà Tĩnh kéo lên huyện được tổ chức thắng lợi, địch không dám đàn áp. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đánh giá cao cuộc biểu tình này và nhận định: “nó mở đầu cho phong trào đấu tranh của nông dân Hà Tĩnh, chứng tỏ sức mạnh phi thường của dân cày buộc bọn đế quốc và phong kiến phải bó tay, Tri huyện phải khúm núm nhận yêu sách[3].

Cuối năm 1930, phong trào đấu tranh cách mạng ở Can Lộc bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn quần chúng nông dân vùng lên làm chủ nhiều làng, xã trong toàn huyện, thành lập chính quyền Xô viết. Trong những tháng đầu năm 1931, ở huyện Can Lộc có 73 làng lập Xô viết (trong tổng số 170 làng trên toàn tỉnh). Sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Hà Tĩnh nói chung, Can Lộc nói riêng đã đánh dấu một mốc son trong quá trình đấu tranh không mệt mỏi của quần chúng Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những người con kiên trung, bất khuất của quê hương như Hồ Lạc, Nguyễn Đình Mai, Võ Quê, Hồ Ngọc Tàng, Phan Gần, Trần Xu,…

Từ cuối tháng 8/1931, địch tập trung đàn áp, khủng bố nhằm dập tắt phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh. Ở Hà Tĩnh, cơ quan lãnh đạo các huyện, tỉnh liên tiếp bị địch phá vỡ. Hằng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên bị địch bắt, cầm tù. Trong thời gian này, đồng chí Hoàng Lạc được chọn tăng cường cho Huyện ủy làm cán bộ tuyên truyền, rồi làm cán bộ in ấn của Tỉnh ủy và trở thành ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ phụ trách công tác tài chính. Dù hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng đồng chí vẫn nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước phong trào, ngày đêm bám sát dân để duy trì ảnh hưởng của Đảng và hướng dẫn quần chúng đối phó với sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù.

Được phân công phụ trách tài chính của Xứ ủy, Hoàng Lạc đã cùng một số đảng viên chăm lo tìm kiếm, xây dựng các cơ sở, che giấu và nuôi dưỡng cán bộ. Gia đình đồng chí và các gia đình khác đã nhiều lần đảm nhiệm việc ăn, ở cho cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy về hội họp bí mật tại nhà, bất chấp sự đàn áp, vây ráp của địch. Thời điểm đó, nhà cố Quyền (Hoan) có năm người con trai, con gái đều tham gia cách mạng, là điểm nóng thực dân Pháp thường lui tới rất nhiều lần. Ông Hoan và bà Chước bị thực dân Pháp bắt về đồn dùng vũ lực tra khảo để lấy thông tin về hoạt động cách mạng nhưng bất thành, chúng đã phóng hỏa thiêu đi ngôi nhà yêu quý mà họ gây dựng.

Cũng trong thời gian này, hai người con trai của đồng chí Hoàng Lạc hoạt động rất tích cực. Năm 1931, Hoàng Mạnh Khang là Phó Bí thư Thanh niên của Xứ ủy Trung kỳ; Hoàng Cường phụ trách đội Tự vệ đỏ. Trước sự tầm nã của địch, cuối năm 1931, Hoàng Mạnh Khang cũng sa vào tay giặc khi mới 15 tuổi, bị bắt kết án 9 năm tù khổ sai, 4 năm rưỡi quản thúc theo bản án năm 1931 của Tòa án tỉnh Hà Tĩnh.[4]

Để ngăn chặn mật thám, binh lính về làng truy lùng và bố cáo truy nã toàn quốc, lấy biệt danh Yến Sơn, đồng chí Hoàng Lạc cùng một số đồng chí trong Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh về khu căn cứ trên núi Hồng Lĩnh, vận động Nhân dân góp cơm gạo, nuôi giấu cán bộ của Đảng. Đầu tháng 2 năm 1932, sau 10 ngày ngăn chặn các con đường tiếp tế của dân, địch đã tấn công vào căn cứ Hương Tích, bắt sống những cán bộ lãnh đạo cuối cùng của Đảng bộ Hà Tĩnh, trong đó có Trưởng ban tài chính của Xứ ủy Trung Kỳ là đồng chí Hoàng Lạc. Trong bức Điện tín của Bảo an Hà Tĩnh gửi Trưởng các Bảo an Huế, Vinh có nội dung như sau: Bang tá nhân viên bưu điện Yên Tri đã bắt Trần Huyền bí danh Kim Tiên và Hoàng Lạc thường gọi Đào Viên thành viên nhóm bạo loạn tuyên truyền huyện Can Lộc…”[5] Với các tội danh: “làm tại xưởng in của Tỉnh ủy, là tuyên truyền của Huyện bộ Can Lộc, là thành viên của Xứ ủy Thanh niên”, Hoàng Lạc bị kết án 9 năm tù, 4 năm rưỡi quản thúc theo bản án số 25 ngày 3/3/1933 của Tòa án tỉnh Hà Tĩnh.[6]

Trong những ngày tháng giam cầm tại Nhà lao Hà Tĩnh, đồng chí đã bị địch tra tấn dã man bằng nhiều hình thức như: dùng lưỡi cày nung đỏ dí lên toàn bộ thân thể, kẹp sắt, đánh dập, phơi nắng bất tỉnh nhiều lần, ngoài ra chúng còn đưa vợ con, cha mẹ để đe dọa, nhưng đồng chí vẫn kiên định chịu đựng, bất chấp mọi đau đớn, hy sinh thể xác nêu cao khí tiết của người cộng sản để bảo vệ Đảng và các đồng chí của mình. Địch giam không ngừng tra tấn bằng đủ mọi hình thức hành hạ đồng chí Hoàng Lạc đến kiệt sức. Trong khoảng thời gian Hoàng Lạc và các con bị bắt, vợ ông là bà Nguyễn Thị Sính, một người phụ nữ trung kiên, ngoan cường, vừa thay chồng tiếp tục hoạt động nuôi giấu cán bộ cách mạng, vừa chạy đi, chạy lại thăm nuôi chồng, con trong nhà lao. 

Với chế độ lao tù khắc nghiệt cùng với những đòn roi tra tấn dã man, đồng chí Hoàng Lạc đã mắc bệnh lao phổi. Trong Bản báo cáo số 201 ngày 03/4/1935 của Tuần Vũ, Hà Tĩnh gửi cho Bộ Tư pháp đã đề nghị thả tự do có điều kiện đối với 2 phạm nhân chính trị Hoàng Khoai và Lê Kiêm đã bị mắc bệnh lao: “Tôi rất vinh dự được thông báo cho ngài điều đó rằng Thường trú Hà Tĩnh vừa chuyển cho tôi một thông tin do thầy thuốc tỉnh có lợi cho 2 phạm nhân chính trị có tên trên:

1.     Hoàng Khoai bí danh là Khang, Số phạm nhân: 8, 30 tuổi, quê ở làng Đình Lưu, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), kết án 9 năm vì tội dẫn dắt cộng sản theo bản án số 25 ngày 3/3/1933 – đã bị giam tù ngày 15 tháng 2 năm 1932 được giảm án 3 năm vào Tết năm 1935.

2.     Lê Kiểm, Số phạm nhân: 180, 46 tuổi, quê ở làng Đình Lưu, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), kết án 13 năm vì tội dẫn dắt cộng sản theo bản án số 23 ngày 17-1-1932 – đã bị giam tù ngày 21 tháng 10 năm 1931 được giảm án 3 năm vào Tết năm 1934.

Căn cứ vào các quy định của Điều 58 số 10 ngày 30 tháng 4 về chế độ tù nhân và phạm nhân của An Nam và ý kiến thúc đẩy của bác sĩ tỉnh, tôi trân trọng đưa ra đề nghị với ngài, đồng ý với Ngài Thường trú, thả tự do có điều kiện cho hai tù nhân./.”[7]

Đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Lạc được giảm án và thả tự do do mắc bệnh lao phổi. Trở về quê nhà, đồng chí đã trút hơi thở của cuối trong niềm thương tiếc của gia đình và quê hương. Đánh giá về những đóng góp của đồng chí Hoàng Lạc (Hoàng Khoái Lạc) và các đồng chí khác, Huyện ủy Can Lộc đã khẳng định: “Các đồng chí Võ Quê, Phan Gần, Hồ Ngọc Tàng, Nguyễn Khiên Sức, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Đình Mai, Nguyễn Nhân và biết bao nhiêu đảng viên cộng sản Can Lộc đã đem xương máu của mình tô thắm cho trang sử huy hoàng của Đảng.”[8]

Dẫu biết dấn thân vào con đường cách mạng là phải đánh đổi nhiều thứ, là chông gai, tù tội và có thể đánh đổi cả tính mạng của mình nhưng đồng chí Hoàng Lạc vẫn lựa chọn, với ý chí quyết tâm một lòng với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng, của Nhân dân. Những công lao của   đồng chí Hoàng Lạc và gia đình đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận là gia đình có công với cách mạng: đồng chí Hoàng Lạc là liệt sĩ; em gái Hoàng Thị Lê là mẹ Việt Nam Anh Hùng; các em Hoàng Liên, Hoàng Kỳ, Hoàng Thị Thêu, em dâu Mai Thị Từ, Nguyễn Thị Nhiêu là đảng viên của Đảng năm 1930, bị tù đày và được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa. Các con của Liệt sĩ Hoàng Khoái Lạc là Hoàng Mạnh Khang, Hoàng Cường đều là cán bộ cách mạng lão thành, được nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Hiện nay, tại Di tích Lịch sử Quốc gia đình Đỉnh Lữ, có bia tưởng niệm những người cộng sản trung kiên đã đặt “viên gạch hồng” đầu tiên thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh, có khắc tên 5 đồng chí, trong đó có đồng chí Hoàng Khoái Lạc - Bí thư chi bộ.

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc hôm nay vẫn ngát hương thơm của thế hệ trẻ đến tưởng nhớ, tri ân công lao của các bậc tiền bối cách mạng và có ngôi mộ khắc hình bông hoa sen bằng đá khác biệt nằm trên cùng, đó là nơi liệt sỹ Hoàng Khoái Lạc yên nghỉ. Tấm gương về người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Xô viết - Hoàng Khoái Lạc vẫn sáng mãi cùng quê hương, đất nước.

                                                                                                 ThS. Trần Thị Hồng Nhung 

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT



[1] Tên trong gia phả họ Hoàng là Hoàng Lạc. Sở dĩ có tên Hoàng Khoái Lạc vì lúc đi hoạt động, ông dùng căn cước của người anh con bác tên là Khoái. Sau khi bị địch bắt, trong hồ sơ mật thám mới có tên gọi Hoàng Khoái Lạc.

[2] Theo Lịch sử Đảng bộ Huyện Can Lộc, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr38

[3] Theo Lịch sử Đảng bộ Huyện Can Lộc, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr44

[4] Theo hồ sơ tù của đồng chí Hoàng Mạnh Khang, lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

[5],6 Theo hồ sơ tù của đồng chí Hoàng Lạc lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

[7] Theo hồ sơ tiếng Pháp của đồng chí Hoàng Lạc, lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

[8] Theo Lịch sử Xô viết Can Lộc (Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh); Thường vụ Huyện ủy Can Lộc xuất bản, 1974

Video