Đồng chí Hồ Sỹ Thiều - Đảng viên ưu tú của quê hương Nam Đàn, Nghệ An

Tác giả: admin
Ngày 2023-08-14 00:48:46

Đồng chí Hồ Sỹ Thiều (bí danh Quang) sinh ngày 16/7/1905 trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước tại làng Xuân Liễu (nay thuộc xã Nam Anh) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Hồ Viết Giao, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Kiên, gia đình ông bà có 6 người con và Hồ Sỹ Thiều là con cả trong gia đình.

Ảnh: Đồng chí Hồ Sỹ Thiều

Sinh ra và lớn lên trên làng quê giàu truyền thống hiếu học, có nhiều vị đỗ đạt cao như: Tiến sĩ Nguyễn Quý Song, Phó bảng Lê Trọng Phan, Nguyễn Thúc Dinh... nên ngay từ lúc còn nhỏ mặc dù nhà nghèo nhưng Hồ Sỹ Thiều vẫn được cha mẹ cho theo học chữ quốc ngữ với các thầy giáo trong làng. Sau đó, anh thi đỗ vào trường Quốc học Vinh. Trong thời gian học tập tại đây, Hồ Sỹ Thiều được học tập và tiếp xúc với sách báo và các tư tưởng tiến bộ, từ đó hình thành trong anh lòng căm thù giặc và chí hướng cứu nước, cứu dân.

Thời gian học tại trường Quốc học Vinh, nhận thấy Hồ Sỹ Thiều là người thông minh, nhanh nhẹn lại có chí hướng, đồng chí Nguyễn Đức Nguyên (tức nhà văn Hoài Thanh) đã trực tiếp tuyên tuyền, giác ngộ cách mạng và giao nhiệm vụ chuyển tài liệu, báo của Sinh hội cho đồng chí Nguyễn Trọng Tốn - đảng viên Đảng Tân Việt, phụ trách công đoàn bí mật của nhà máy x e lửa Trường Thi. Do hoạt động năng nổ, nhiệt tình, năm 1927 Hồ Sỹ Thiều được kết nạp vào Sinh hội tại trường Quốc học Vinh do đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư. Hồ Sỹ Thiều đã cùng với các đồng chí Thái Can, Trần Đệ Qua, Nguyễn Duy Lợi, Trần Lộc, Nguyễn Thị Quang Thái ... hoạt động sôi nổi, tích cực.

Những hoạt động của Hồ Sỹ Thiều không thể qua mắt được kẻ địch. Mặc dù không có chứng cứ nhưng bọn chúng vẫn tìm cách ra lệnh cho trường Quốc học Vinh đuổi học anh.

Về quê, Hồ Sỹ Thiều tìm cách bắt mối liên lạc với tổ chức Tân Việt và xây dựng cơ sở Tân Việt ở ngay xã mình. Sau thời gian triển khai hoạt động, tổ chức Tân Việt ở làng Xuân Liễu được thành lập do đồng chí Thành Nhàn làm Bí thư, trụ sở họp thường ở đền Chợ Vạc, có khi là núi Đại Huệ. Cùng với Nguyễn Tiềm và Bùi Hải Thiệu, Hồ Sỹ Thiều đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng cơ sở Đảng Tân Việt ở Nam Đàn.

Cuối năm 1929, được các đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Võ Mai giới thiệu, Hồ Sỹ Thiều vinh dự được kết nạp vào tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng.

Đầu năm 1930, để tránh sự truy lùng ráo riết của thực dân Pháp và bọn tay sai ở Vinh, đồng thời thực hiện chủ trương ‘vô sản hóa’ ‘lao động hóa”, nhiều đảng viên đã phân tán về các cơ sở công nghiệp, trà trộn vào các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền... để tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở Đảng. Thời gian này, Hồ Sĩ Thiều được Xứ ủy Trung kỳ điều động vào Đà Nẵng làm nhiệm vụ ấn loát cho Phân Xứ ủy nhằm tuyên truyền, vận động mở rộng cơ sở Đảng ở khu vực miền Trung. Với tinh thần và nhiệt huyết làm việc hết mình, ngày 3/3/1930, Hồ Sĩ Thiều vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 11/1930, những hoạt động cách mạng của Hồ Sĩ Thiều bị lộ, đồng chí bị địch bắt và kết án 9 năm tù khổ sai theo bản án số 153 ngày 31/12/1931 của tỉnh Quảng Nam vì hoạt động cộng sản và đày đi nhà tù Lao Bảo. Tại đây, Hồ Sĩ Thiều thường xuyên phải chịu đựng những cuộc tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù. Nhưng với bản lĩnh cách mạng kiên trung, đồng chí vẫn không hé răng khai báo nửa lời.

Trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Lao Bảo, được sự dìu dắt, bồi dưỡng của các đồng chí Trần Văn Cung, Trần Hữu Dực, Võ Mai, Hồ Sĩ Thiều càng được bồi đắp thêm bản lĩnh chính trị và nhiệm vụ của người đảng viên, thêm vững tin vào thắng lợi của cách mạng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1934, đồng chí Hồ Sĩ Thiều được ra tù nhưng lại bị giải về Nghệ An chịu án quản thúc trong 4 năm. Về quê, đồng chí xin vào làm việc tại xa trưởng Đềpô ga xe lửa Vinh và đã được đồng chí Hà Huy Giáp giao nhiệm vụ tiếp tục tìm hiểu, giới thiệu những công nhân tốt để giác ngộ cách mạng.

Đầu năm 1937, phong trào đón Gô - đa diễn ra mạnh mẽ tại Vinh, hàng ngàn công nhân trong đó có đồng chí Hồ Sĩ Thiều cùng nhân dân lao động ở các huyện tập trung giơ cao biểu ngữ, đưa bản dân nguyện cho phái viên. Lo sợ trước sự chuẩn bị có tổ chức của các đoàn đại biểu, thực dân Pháp và tay sai ở Vinh đã huy động lính khố xanh và cảnh sát về đàn áp.

Năm 1942, khi mặt trận Bình dân Pháp bị tan rã, Pê - tanh lên cầm quyền thi hành chính sách “Thanh tảo” loại trừ tất cả những người có xu hướng “bài Pháp” trong mọi công sở. Hồ Sỹ Thiều bị đuổi việc ở Đềpô ga xe lửa Vinh và chịu sự quản thúc của mật thám Pháp.

Về quê nhà Hồ Sĩ Thiều bí mật tìm cách liên lạc với các đảng viên ở làng Xuân Liễu, tổ chức mặt trận Việt Minh, chuẩn bị tiến tới kham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Sĩ Thiều được bầu giữ chức Bí thư chi bộ kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Xuân Liễu.

Năm 1947, Hồ Sĩ Thiều được điều động làm công tác dân vận, sau đó làm Trưởng Ban Thi đua tỉnh Nghệ An.

Từ năm 1950-1958, đồng chí đảm nhận các vai trò: Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn, trưởng bộ phận an ninh tại ga Hàng Cỏ (Hà Nội), cán bộ Ngân hàng Vinh… Dù ở vị trí công tác nào, đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đến năm 1963, đồng chí nghỉ hưu và qua đời tại quê nhà ngày 18/9/2010, hưởng thọ 105 tuổi.

Với những cống hiến to lớn của mình, đồng chí Hồ Sĩ Thiều được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác. Có thể nói, cùng với các đồng chí Nguyễn Tiềm, Nguyễn Phong Sắc, Võ Mai, Hà Huy Giáp… Hồ Sĩ Thiều vinh dự là một trong những đảng viên ưu tú lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Sĩ Thiều xứng đáng cho các thế hệ chúng ta hôm nay học tập và noi theo./.

ThS.Nguyễn Thị Hội

Trưởng phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồ sơ tù lưu tại Kho Bảo quản Bảo tàng XVNT.
  2. Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đàn.
  3. Nghệ An Những tấm gương cộng sản (tập 5)

Video