297
739
2067
19355
34073
6827800
Đồng chí Hồ Sĩ Văn sinh năm 1904, trong một gia đình nông dân nghèo, đông con tại làng Ngọa Trường, tổng Hoàng Trường (nay là xã Quỳnh Diễn), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hồ Sĩ Văn là con trai cả trong gia đình có 5 anh chị em, có cha là ông Hồ Sĩ Thịnh và mẹ là bà Nguyễn Thị Soa. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, hàng ngày phải chứng kiến sự điêu đứng lầm than của người dân nô lệ, Hồ Sĩ Văn đã sớm hình thành tư tưởng tiến bộ, nuôi chí lớn làm cách mạng để cứu dân, cứu nước.
Năm 1927, ở Quỳnh Hồng, đồng chí Nguyễn Hữu Giảng và Dương Đình Thúy đã liên lạc với đồng chí Chu Trang, Chu Huệ ở tổng Hoàng Trường thành lập ra tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” tại Quỳnh Lưu với các hình thức lập Trại như: Trại cày ở Eo Nghẹt do Hồ Tựu tổ chức, Trại cày Truông Vên (Quỳnh Diễn) do Lê Kỳ lập ra, gồm các đồng chí: Chu Toàn, Chu Trang, Chu Thị Khuyên, Hồ Sĩ Văn, Nguyễn Tộ. Đồng chí Hồ Sĩ Văn và Nguyễn Tộ được phân công nhiệm vụ tuyên truyền, vận động mở ra các lớp học chữ Quốc ngữ, bình văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh từ nước ngoài gửi về.
Ngày 3/2/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hòa nhịp và phong trào chung của cả nước, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh cũng dâng lên cuồn cuộn, lôi kéo mọi tầng lớp Nhân dân vào mặt trận chống đế quốc, phong kiến. Mở đầu là cuộc mít tinh, biểu tình nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của công nông Vinh - Bến Thủy, sau đó phong trào đấu tranh đã lan rộng ra các địa phương ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tháng 8/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, bí danh Bình Định - đặc phái viên của Tỉnh ủy về Diễn Châu bắt liên lạc với các hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội thành lập nên Phủ ủy lâm thời do Nguyễn Duy Trinh làm Bí thư, Phủ ủy phân công Hồ Tựu về phụ trách Hoàng Trường.
Ngày 14/9/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hồ Tựu - Phủ ủy viên, Chi bộ Hoàng Trường tổ chức đoàn biểu tình kéo lên Phủ Diễn, đòi giảm sưu, hoãn thuế, phản đối đế quốc phong kiến khủng bố tàn sát cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Thái Lão (Hưng Nguyên) và công nhân Vinh - Bến Thủy. Đồng chí Hồ Sĩ Văn đã cùng với Nhân dân làng Ngọa Trường, Nhân Huống, Vĩnh Lộc và Tam Khôi với khoảng 100 người nhập vào đoàn các làng của tổng Hoàng Trường. Đoàn biểu tình mang theo cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu với nội dung “đả đảo đế quốc phong kiến”. Khi đến chợ Duông để nghe cán bộ diễn thuyết nói về mục đích của cuộc đấu tranh, 9 giờ tối đoàn đến Mỹ Quang (Diễn Yên) thì bị lính ở đồn Vạn Phần dùng súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm đồng chí Hồ Sĩ Tiến hy sinh và nhiều người bị thương. Trước tình thế không cân sức, để bảo toàn lực lượng, cuộc biểu tình tạm thời rút lui. Cán bộ Nông hội tổ chức lễ truy điệu cho đồng chí Hồ Sĩ Tiến, phát động quyên góp tiền gạo động viên chia sẻ những gia đình gặp nạn. Đây đồng thời cũng là buổi phát động lòng căm thù giặc trong quần chúng nhân dân.
Tiếp đến, nhân kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/1930), dưới sự chỉ đạo của Phủ ủy, tổng Hoàng Trường đã triển khai kế hoạch đấu tranh, vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình, bố trí cán bộ may băng cờ, khẩu hiệu và rải truyền đơn…
Đúng theo kế hoạch, sáng ngày 7/11/1930, hiệu lệnh của tiếng trống tại các làng quê vang lên dõng dạc từng hồi, thôi thúc mọi người nhanh chóng về nơi tập trung. Đồng chí Hồ Sĩ Văn cùng Nhân dân làng Ngọa Trường của tổng Hoàng Trường đã tập trung ở cánh đồng Nu làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần tập trung ở ga Yên Lý, tổng Lý Trai tập trung ở ga chợ Si. Hơn 2000 nông dân Diễn Châu mang theo gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ sao vàng tạo thành một dòng chảy hùng dũng tiến thẳng về phủ lị đưa yêu sách. Vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ chính quyền Nga Xô viết”. Khi đoàn biểu tình kéo đến khúc sông Bùng, đoạn qua xã Diễn Ngọc đã bị địch bao vây xả súng, 30 người đã ngã xuống, rất nhiều người bị thương. Buổi chiều cùng ngày, chúng còn mang 8 người bị thương ra xử bắn tại Bến Tải (khúc sông cạnh quốc lộ 1A) để uy hiếp tinh thần của nhân dân. Cuộc biểu tình tuy thất bại nhưng đã đánh dấu mốc son chói lọi của phong trào cách mạng.
Đầu năm 1931, Tổng ủy Hoàng Trường tổ chức đại hội và ra nghị quyết phát triển chi bộ ở các làng. Chi bộ Ngọa Tràng có ký hiệu là chi bộ “Đ”, được thành lập do Chu Trang, Lê Ty về tổ chức gồm 5 đồng chí: Hồ Sĩ Văn, Vũ Quảng, Nguyễn Đạn, Hồ Hấn, Nguyễn Phết, đồng chí Hồ Sĩ Văn được bầu làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng ngày một đông và thành lập nhiều nơi, như nông hội đỏ, hội phụ nữ,…
Phong trào đấu tranh ngày càng sôi sục, khẩn trương, các thôn xã không có ngày nào là không có hội họp, mít tinh, biểu tình. Ở Quỳnh Diễn, chính quyền Xô viết do chi bộ và Nông hội đỏ nắm quyền, công khai điều hành mọi việc về kinh tế - xã hội. Các đoàn thể như nông hội, thanh niên, phụ nữ đã tích cực vận động nhân dân bãi bỏ những hủ tục lạc hậu. Thôn xóm thực sự bình yên, không còn cảnh: “nửa đêm, thuế thúc, trống dồn…”. Các lớp học chữ quốc ngữ được mở tại các làng (ở Ngọa trường có 3 lớp, do đồng chí Hồ Sĩ Văn, Nguyễn Trị, Hồ Đan tổ chức). Thơ ca cách mạng được tuyên truyền rộng rãi và thấm sâu vào mọi tầng lớp Nhân dân…
Hoảng sợ trước cơn bão táp của cách mạng, thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều đã tìm mọi cách dồn hết lực lượng với ý đồ “hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần”. Từ tháng 7/1931, nhằm dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương đang dâng cao, chúng lập ra hàng loạt đồn bốt, rào làng, dựng điếm, canh gác, tăng cường chính sách bắt bớ và khủng bố, khiến nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày, một số đồng chí khác lui vào hoạt động bí mật (riêng xã Quỳnh Diễn có 36 chiến sỹ bị bắt giam ở các nhà lao, 17 đồng chí hy sinh, hàng trăm ngôi nhà bị đốt trụi).
Vào cuối tháng 10/1931 đồng chí Hồ Sĩ Văn bị địch bắt giam và bị kết án 3 năm tù khổ sai với tội danh hoạt động cộng sản, đày đi nhà tù Đà Lạt cùng các đồng chí Hồ Hấn, Nguyễn Đô, Nguyễn Tình, Võ Nghệ… Trong lao tù đế quốc, dù bị bọn địch tra tấn rất dã man, nhưng các đồng chí vẫn luôn nêu cao khí phách của người chiến sỹ cộng sản, giữ trọn một niềm tin bất diệt vào cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Năm 1934, sau khi ra tù, đồng chí Hồ Sĩ Văn đã tìm cách liên lạc với đồng chí Nguyễn Vương ở nhà tù Kim Nhan về và đồng chí Nguyễn Trị, thành lập lại Chi bộ Ngọa Trường do đồng chí Nguyễn Trị làm Bí thư. Chi bộ đã vận động quần chúng lập nên các hội: hội sách báo, hội cày, hội làm nhà, mở lớp dạy chữ,…
Cuối năm 1939, đồng chí Hồ Sĩ Văn bị bắt giam lần thứ 2 cùng với Nguyễn Chung, Nguyễn Bốn... Sau một thời gian bị giam cầm, tra khảo nhưng không có lời khai nào, đồng chí được trả tự do trở về cùng gia đình sinh sống và tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương như tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Năm 1961, tại Đại hội Đảng bộ xã Quỳnh Diễn lần thứ I,II: (1961-1965), đồng chí Hồ Sĩ Văn được bầu vào Ban Chấp hành, phụ trách công tác Đảng.
Năm 1997 do tuổi cao, sức yếu, đồng chí từ trần ở tuổi 93, để lại tình yêu thương vô hạn cho đồng chí, bạn bè, quê hương và gia đình. Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Hồ Sĩ Văn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều chế độ ưu đãi khác./.
Đoàn Cẩm Tú
Phòng TBTTGD – Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Sách LSĐB Diễn Châu 1930 – 2005 (sơ thảo)
- Sách LSĐB xã Quỳnh Diễn.
- HS tù lưu tại Bảo tàng của các đ/c bị bắt giam cùng đợt.
- Lời kể của người thân đ/c Hồ Sĩ Văn.