ĐỒNG CHÍ ĐẶNG THỌ TRỊ – NGƯỜI CHIẾN SỸ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG CỦA QUÊ HƯƠNG NGHI LONG – NGHI LỘC TRONG PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH NĂM 1930 – 1931

Tác giả: admin
Ngày 2022-09-30 08:11:19

Nghi Long là một xã đồng bằng ven biển phía Bắc của huyện Nghi Lộc, nằm trên trục đường giao thông huyết mạch của cả nước. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931, rất nhiều người con ưu tú của Nghi Long đã góp phần tô thắm truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương.

Ảnh: Đồng chí Đặng Thọ Trị

Đồng chí Đặng Thọ Trị (bí danh là Học, Trị) sinh năm 1896 tại làng Kim Khê Thượng (Tổng Kim Nguyên), nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Với những truyền thống tốt đẹp của quê hương và gia đình, Đặng Thọ Trị sớm được học hành và tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, đi theo con đường yêu nước của các bậc tiền bối.

Năm 1926, lớp thanh niên Tân học như Đặng Thọ Trị, Nguyễn Viết Thiện, Đặng Doãn Xán, Trần Văn Tăng, Trần Văn Cung… là những đảng viên Đảng Tân Việt đầu tiên đi vận động nhân dân, chống cường quyền, áp bức, bóc lột bằng cách: giảm bớt ruộng rẽ, bớt “xã Văn”, “xã Bộ”, giảm nợ công để thành lập nghiệp thương, vận động cắt tóc ngắn, để răng trắng, mặc áo ngắn và mở trường dạy học chữ Quốc ngữ ở đình Kim La, đặt tên là “La đình tráng học”. Hàng tuần, các đồng chí lại tổ chức đọc báo “Tiếng dân”, báo “Việt Nam hồn”… nhằm tuyên truyền chủ trương của Đảng Tân Việt.

Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Xứ ủy Trung Kỳ và các Tỉnh ủy lâm thời cũng lần lượt được thành lập ở Nghệ Tĩnh. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An, Huyện ủy Lâm thời Nghi Lộc được thành lập vào tháng 4 năm 1930. Ngay sau đó, chi bộ Nghi Long (Kim Khê) cũng được thành lập gồm các đảng viên: Đặng Thọ Trị, Lê Huy Điệp, Hoàng Văn Mỹ, Đinh Văn Thọ, Đinh Văn Đệ, Đặng Khắc Thiệp, Đặng Văn Tuất, Nguyễn Viết Nguyên, Trần Ngọc Chúc do đồng chí Nguyễn Viết Thiện làm Bí thư. Từ đây, chi bộ đã tiến hành giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là dân cày nghèo và xây dựng các tổ chức: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Hội phụ nữ, Hội thanh niên…

Trở thành người đảng viên Cộng sản, đồng chí Đặng Thọ Trị hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh. Tiêu biểu như cuộc biểu tình ngày 29/5/1930 được tổ chức tại Chợ Đình. Để hưởng ứng cuộc vận động đấu tranh toàn huyện, đồng chí Đặng Thọ Trị, Lê Huy Điệp, Hoàng Văn Mỹ, Đinh Văn Đệ, Đặng Khắc Thiệp, Nguyễn Viết Thiện… đã chỉ đạo, vận động 80 quần chúng nhân dân trong toàn xã kéo lên huyện buộc Tri huyện Nghi Lộc hoãn nợ và giảm sưu.

Cuộc biểu tình thắng lợi, khí thế đấu tranh của quần chúng càng phát triển sâu rộng trong toàn huyện, cờ đỏ búa liềm xuất hiện nhiều nơi như tại Chợ Đình, trên ngọn cây cao..., truyền đơn được nhân dân chuyền tay nhau đọc thuộc lòng, những bài vè, bài thơ kêu gọi quần chúng được phổ biến rộng rãi.

Phát huy những thắng lợi đã đạt được nhằm đưa phong trào tiến lên một bước mới, tháng 8/1930, nhân dân các làng thuộc chi bộ Kim Khê (Nghi Long) dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Đặng Thọ Trị, Nguyễn Viết Thiện… đã tập trung tại chợ Đình để nghe diễn thuyết và chặn đường đánh lính đoan. Hoảng sợ, Tri huyện Tôn Thất Hoàn phải báo lên tỉnh là có giặc nổi ở Kim Khê (Nghi Long). Thực dân Pháp cho máy bay ra thám thính. Tổng đốc Phạm Bá Hổ đem lính khố xanh về tận chợ tra khảo, nhưng mọi người đều trả lời rằng: “Không thấy chi hết… chợ vẫn họp như mọi ngày”. Tên Tổng đốc khiển trách Tri huyện là vu cáo rồi kéo lính về.

Tiếp đến là cuộc đấu tranh, biểu tình ngày 8/10/1930, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng và tổ chức Nộng hội đỏ, Tự vệ đỏ…, các đồng chí Đặng Thọ Trị, Nguyễn Viết Nguyên, Nguyễn Viết Thiện đã lãnh đạo quần chúng nhân dân tập trung đến nhà trừng trị tên Cựu Lược, lý trưởng làng Kim Khê Thượng và đập phá một số điếm canh của bọn hào lý lập ra để chống cộng sản. Phong trào cách mạng lan rộng trong xã, khí thế đấu tranh của nhân dân ngày càng sôi nổi.

Ngày 15 tháng 10 năm 1930, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Nghi Lộc tập trung quần chúng nhân dân phá đền chợ Thượng để giải thoát cho cán bộ đảng viên và đồng bào bị lính Pháp bao vây bắt giam tại làng Vạn Lộc (Nghi Tân), dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các đồng chí Đặng Thọ Trị, Nguyễn Viết Nguyên, Nguyễn Viết Thiện… đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn với hàng trăm người, già trẻ, gái trai, lương giáo, trong tay gậy gộc, dây thừng, cờ đỏ, búa liềm tung bay. Tiếng hô vang khẩu hiệu, hò reo như sấm dậy hòa vào dòng người tập trung tại chợ Đình sau đó kéo xuống chợ Sơn phối hợp với đoàn của huyện kéo xuống phá đền chợ Thượng (Nghi Quang). Đoàn vừa kéo đến trường Thượng Xá thì bị lính đồn chợ Thượng chặn đánh, chúng đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và hàng chục người bị thương.

Tối ngày 20/10/1930, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành  Huyện ủy, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Kim Khê, đồng chí Đặng Thọ Trị cùng với Đoàn thanh niên và Đội tự vệ đỏ lãnh đạo quần chúng nhân tập trung tại chợ Đình cắm cờ, diễn thuyết, mít tinh, truy điệu những đồng chí, đồng bào đã hy sinh, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và Nam triều, góp tiền của giúp đỡ những gia đình bị nạn.

Đầu năm 1931, trước những thắng lợi của phong trào đấu tranh của nhân Nghi Long và các địa phương khác ở Nghệ Tĩnh, bọn cường hào lo sợ, tìm mọi cách cấu kết với thực dân Pháp để dập tắt. Chúng ra sức khủng bố, tăng cường lính khố xanh, nhân viên mật thám, những tên quan lại khét tiếng gian ác về đàn áp hòng dìm phong trào Xô Viết trong biển máu.

Để thực hiện âm mưu trên, chúng đã cho lập thêm nhiều đồn bốt, điểm canh. Tại đồn chợ Xâm, nhà bang tá Nguyễn Quang Phan là nơi giam cầm, tra tấn các chiến sỹ cách mạng. Với chúng “một ngày không đánh đã tay là chúng ăn không ngon, ngủ không yên”, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị chúng bắn giết hoặc tù đày, một số đồng chí khác lui vào hoạt động bí mật. Riêng xã Nghi Long có 7 đảng viên bị bắt và bắn chết tại đồn chợ Xâm, 5 đảng viên bị bắt giam chết tại nhà tù Kon Tum, 12 đồng chí bị tù ở các nhà giam của Pháp, nhiều gia đình có cha con, anh em ruột đều tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn, tù đày, nhiều ngôi nhà bị đốt trụi. Chi bộ và các  tổ chức Nông hội đỏ, Đội tự vệ gặp khó khăn, thử thách trước sự vây ráp, bắt bớ của kẻ thù. Để bảo toàn lực lượng, đồng chí Đặng Thọ Trị cùng với các đồng chí trong chi bộ đã phải tạm lui vào hoạt động bí mật để duy trì phong trào cách mạng.

Năm 1933, đồng chí Đặng Thọ Trị, Lê Đinh Vỹ… đã liên lạc với một số tù chính trị ở các nhà lao được thả về địa phương như Nguyễn Viết Nguyên, Lê Huy Trù, Lê Văn Anh, Đặng Khắc Thiệp và giác ngộ một số quần chúng tích cực như Trần Ngọc Minh, Nguyễn Gia Nên, Nguyễn Đình Lý… lập lại chi bộ Kim Khê Thượng (Nghi Long), đồng chí Đặng Thọ Trị được bầu làm Bí thư (từ năm 1933-1936).

Năm 1937-1938, đồng chí Đặng Thọ Trị cùng một số đồng chí khác đã thoát ly, tích cực hoạt động bí mật ở huyện, tỉnh.

Tháng 10 năm 1939, đồng chí bị bắt giam, sau đó được tha vì không đủ chứng cứ để kết tội nhưng bị coi là phần tử nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Ngày 11 tháng 6 năm 1940, đồng chí bị bắt lần 2 vì lãnh đạo cao trào đặc biệt của những người lao động ở Đakley phản đối Quyết định số 2712 ngày 5 tháng 6 năm 1940 của Khâm sứ Trung Kỳ. Ngày 16 tháng 6 năm 1940, đồng chí bị đưa đi giam tại ngục Kon Tum.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chính quyền phong kiến hoang mang, lợi dụng tình hình chính trị rối ren, đồng chí Đặng Thọ Trị, Lê Anh, Lê Đình Vỹ, Lê Huy Trù…đã vượt ngục thành công và trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia vào phong trào Việt Minh bí mật.

Tháng 6 năm 1945, đồng chí được bầu vào Ban vận động Mặt trận Việt Minh của huyện Nghi Lộc để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 5/9/1945, sau khi giành chính quyền về tay cách mạng, Ủy ban Nhân dân cách mạng được thành lập, đồng chí giữ chức Bí thư Hội Nông dân cứu quốc huyện Nghi Lộc. Tháng 10 năm 1945, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời…

Với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Đặng Thọ Trị đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 2 (Quyết định số 1576 ngày 19/10/1998) và nhiều phần thưởng cao quý khác./.      

          Đoàn Cẩm Tú

Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

  • Sách lịch sử Đảng bộ xã Nghi Long; NXB Báo Nghệ An, năm 2005.
  • Sách Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc. Nxb Nghệ An 1991.
  • Hồ sơ tù lưu tại Bảo tàng XVNT.

Video