Đồng chí Đặng Quỳnh Anh - nữ chiến sỹ cách mạng ưu tú của quê hương Thanh Chương

Tác giả: admin
Ngày 2020-03-30 03:48:05

Những năm đầu thế kỷ XX, đi theo tiếng gọi xuất dương của cụ Phan Bội Châu,  nhiều người con yêu nước của Thanh Chương đã vượt núi băng rừng qua Xiêm (Thái Lan) hoạt động, tiêu biểu phải kể đến đồng chí Đặng Quỳnh Anh - người đã có công nuôi dưỡng nhiều lớp cán bộ, đặc biệt là lớp măng non trong suốt 40 năm trên đất Thái.

Đồng chí Đặng Quỳnh Anh (bà Nho, Mè Nho) sinh năm 1888 tại làng Lương Điền, tổng Bích Triều nay là xã Thanh Xuân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Lương Điền là vùng quê nghèo khó, nằm ở mạn núi huyện Thanh Chương, bên dòng sông Lam, dưới chân ngọn núi Thai Sơn, thuộc dãy Thiên Nhẫn, nơi có thành Lục Niên là căn cứ của nghĩa quân Lê Lợi, có đồn Nu nơi rộn rã tiếng trống trong những ngày Cần Vương cứu nước. Khi phong trào Cần Vương trong cả nước đã lắng hẳn thì ở Đồn Nu vẫn diễn ra những trận đánh cuối cùng của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Người dân Lương Điền rất tự hào với lời đánh giá của Văn Thân Nghệ Tĩnh: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn chiến đấu, Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chưa chịu hàng.”

Đặng Quỳnh Anh được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Thân sinh là ông Đặng Thái Văn, một sỹ phu yêu nước đã đi xây đồn Nu cho quân lính của Đề Thắng, và theo ông Đề Định phò vua Hàm Nghi chống Pháp. Năm Quỳnh Anh lên 6 tuổi thì mất mẹ, ông Đặng Thái Văn ở vậy nuôi 4 con nhỏ. Lúc bấy giờ làng Lương Điền các sỹ phu yêu nước thường lui tới nhà ông Đặng Văn Hài (là nhà bác của Đặng Quỳnh Anh) có con là Đặng Nguyên Cẩn đỗ phó bảng và con thứ hai là Đặng Thúc Hứa, đậu tú tài đầu xứ, rất hăng say trong phong trào Duy Tân chống Pháp. Ông Đặng Thái Văn cũng thường xuyên qua nhà Đặng Nguyên Cẩn và Đặng Thúc Hứa, Đặng Thái Xương đàm đạo việc nước. Thời kỳ này Quỳnh Anh được cha và các anh giao công việc đưa thư cho “bạn bè” ở vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên và Hà Tĩnh.

Từ năm 1907, Ông Đặng Nguyên Cẩn cùng với cụ Ngô Đức Kế (ở Hà Tĩnh) và một số sĩ phu mở “Triêu Dương Thương  Quán” ở Vinh để tuyên truyền vận động cách mạng trong vùng và làm nơi liên lạc của Duy Tân Hội. Quỳnh Anh thường xuyên được giao nhiệm vụ đem thư từ, tin tức cho các sĩ phu ở Lương Điền xuống Vinh và từ Vinh lên Lương Điền.

Năm 1910, Đặng Quỳnh Anh được cụ Đặng Thúc Hứa giao nhiệm vụ đưa tiền từ trong nước sang Xiêm để mua súng. Vì tình hình nguy cấp nên phải đi gấp. Sau hơn 2 tháng trời lưu lạc, vượt núi, xuyên rừng, đói rét, thú dữ, hiểm nguy luôn rình rập, cuối cùng bà cũng đến được Bản Thầm - đại bản doanh của cụ Đặng Thúc Hứa. Tại đây bà nhận công việc nuôi dạy trẻ và chăm lo cho các em, các đồng chí của mình như tình cảm của người chị hiền.

Từ năm 1911-1916, ngoài trại cày Bản Thẩm, cụ Đặng Thúc Hứa còn giao cho Đặng Quỳnh Anh đi xây dựng thêm cơ sở ở Bản Đông, thuộc huyện Phi - Chịt, tỉnh Phi- sa- Nu- lốc (nay là tỉnh Phi chịt, Thái Lan), gọi là “Trại các em” nhằm xây dựng ý thức hợp quần, ý thức con rồng cháu tiên. Mục đích là thu nhận, nuôi dạy con em những gia đình có chí hướng giải phóng dân tộc từ trong nước gửi ra và con em các gia đình Việt kiều yêu nước Lào, Xiêm gửi tới.

Những năm 1922-1923, thanh niên yêu nước Việt Nam sang Xiêm ngày càng đông, trong số đó có các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng….Thấy anh em sang phải vất vả làm thuê để sinh sống, đồng chí Đặng Quỳnh Anh đã bàn với chồng nhường tất cả cơ nghiệp lại cho anh em để có điều kiện hoạt động “ ...Chúng ta nhường toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn để lập trại cày cho anh em làm chung với nhau.Thóc, gạo, lợn gà trong nhà đã có sẵn. Lúa ngoài đồng cũng sắp đến ngày ăn được. Dựa trên cái vốn liếng này anh em có cái ăn, cái để mà làm thêm ra... Phải có nơi chốn để anh em sống quây quần lại với nhau, cùng làm ăn, cùng bàn bạc, học hành thì mới tấn tới được”(1).

Từ cuối 1927, đầu năm 1928, hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được mở rộng, ngoài chi bộ Phi chịt ra, còn có thêm các chi bộ ở U- Đon, Xa-Khôn, Na - Khon. Các tổ chức đoàn thể khác do Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội lãnh đạo như: “Dân cày ái hữu”, “Bảo trợ hội học”... Đồng chí Đặng Quỳnh Anh được giao phụ trách “Phụ nữ Ái hữu hội” làm nhiệm vụ vận động chị em Việt kiều vào tổ chức cách mạng. Nhờ vậy, tổ chức Việt kiều ở Xiêm được lãnh đạo chặt chẽ, hoạt động có nề nếp, tích cực hơn, đóng vai trò như trạm trung chuyển giữa Quảng Châu (Trung Quốc) về trong nước.

Ngày 20 tháng 04 năm 1930, tại khu Hủa - lăm - phông (Băng Cốc), Nguyễn Ái Quốc tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Xiêm.

Tháng 4 năm 1934, Đặng Quỳnh Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khỏn-  Kèn. Cuối mùa xuân 1934, chính quyền Xiêm ban luật cấm cộng sản hoạt động. Thực dân Pháp cấu kết với chính quyền Xiêm khủng bố những gia đình Việt kiều mà chúng nghi ngờ tham gia hoạt động cách mạng, chúng tăng thuế chợ, tăng thuế ngoại kiều cư trú. Trước tình hình đó, Đảng bộ Khỏn - Kèn chủ trương tập hợp lực lượng các chị em ngoại kiều đứng lên biểu tình chống thuế. Chỉ trong mấy ngày vận động đã có đông đảo chị em chủ yếu là bà già và phụ nữ của các dân tộc tham gia.  Đồng chí Đặng Quỳnh Anh và bà Sót đã giương cao biểu ngữ dẫn đầu đoàn biểu tình kéo vào thị xã, vừa đi đoàn vừa hô vang khẩu hiệu: “Phản đối thuế khóa nặng nề”. Hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, bọn cảnh sát và lính quân cảnh ào vào giữa đoàn dùng dùi cui đánh vào đầu những người tham gia. Nhưng tiếng hô vẫn râm ran: “đả đảo đánh đập, đả đảo đánh đập”… Đáp lại những tiếng hô đó là tiếng dùi cui đánh vào đầu người. Đoàn biểu tình rối loạn, lính và cảnh sát xiết chặt vòng vây. Đồng chí Đặng Quỳnh Anh và một số đồng chí khác bị bắt giam và kết án 13 năm 4 tháng tù, giam tại nhà giam Băng Khoảng. Vì còn 2 con nhỏ không có ai chăm sóc nên cả ba mẹ con Đặng Quỳnh Anh đều bị đưa vào giam tại đây. Lúc này chồng đồng chí là ông Sáu Tùng đang bị giam tại nhà tù Lao Bảo, người con trai đầu là anh Thung tham gia hoạt động cách mạng, bị bắt và đang bị giam ngay tại nhà tù Băng Khoảng. 

Cuối năm 1944, nhà cầm quyền Thái Lan hạ lệnh thả những người nữ chính trị phạm án tù từ 10 năm trở lên, đồng chí Quỳnh Anh được ra tù. Trở về bản Na – Khon đồng chí lại tìm cách  bắt liên lạc với Đảng bộ Na-Khon tiếp tục hoạt động cách mạng và phụ trách công tác phụ vận.

Tháng 3/1946, “Tổng hội Việt kiều” được thành lập. Đồng chí Đặng Quỳnh Anh được bầu vào Ban chấp hành Tổng hội.

Năm 1953, khi đang công tác ở  U-Đon, đồng chí nhận được giấy báo của Tổng hội Việt kiều “Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triệu tập về nước”. Sau 40 năm xa Tổ quốc, quê hương, lúc này bà đã 65 tuổi nhưng vẫn xin TWHLHPNVN cho nhận công tác nuôi dạy trẻ. Cuộc đời hoạt động  của đồng chí Đặng Quỳnh Anh được Bác Hồ đánh giá rất cao: “…Lão đồng chí Đặng Quỳnh Anh đã có công lao nuôi dưỡng nhiều lớp cán bộ, đặc biệt là lớp tuổi măng non, bổ sung cho đội ngũ cán bộ cách mạng nước ta. Nhiều đồng chí cán bộ cao cấp hiện nay đang công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội đã từng được lão đồng chí Quỳnh Anh nuôi nấng hoặc săn sóc, giúp đỡ lúc hoạt động ở Thái Lan. Trong đó  có cả Bác nữa”(2)

 Cảm phục trước một tấm lòng kiên trung, một nữ chiến sỹ cách mạng của những năm tiền khởi nghĩa, nhà văn Sơn Tùng đã ghi chép lại những mẩu chuyện của bà Đặng Quỳnh Anh kể để cho ra mắt bạn đọc tác phẩm “Con người và con đường”, trong đó nhà văn Sơn Tùng đã từng viết: “ Bà là người sớm biết chọn cho mình con đường đi vào đời đúng hướng. Bà không chọn con đường êm đềm, phẳng lặng như bao người cùng thời với mình, vì đất nước đang dâng lên những cơn bão táp. Bà chọn con đường bão táp và đã đi suốt trên con đường ấy không nghỉ một chặng nào. Con đường của bà đã đi như một dấu nối từ thời Cần Vương cuối thế kỷ trước đến thời đại Hồ Chí Minh!”( 3)

Gần trọn cuộc đời hoạt động, đồng chí Đặng Quỳnh Anh được tổ chức giao làm nhiệm vụ “trồng người”cho Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, cho Đảng cộng sản Đông Dương và sau này về nước bà lại dành nốt những ngày cuối đời cho công việc “trồng người” trong vườn trẻ của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đặng Quỳnh Anh là một tấm gương tiêu biểu về khát vọng được hiến dâng nhiệt huyết trái tim mình cho Đảng, cho tổ quốc, cho quê hương, để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo./.

Nguyễn Thị Hội - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1. Sơn Tùng. Con người và con đường. NXB Giao thông vận tải, 2006. Tr. 124.

2. Sđd. Tr.27

3.Sđd. Tr.20

Video