Đồng chí Chế Đình Bành – Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Đảng

Tác giả: admin
Ngày 2020-06-22 10:55:19

Đồng chí Chế Đình Bành (còn gọi là Nguyễn Chế Bành) sinh năm 1895 tại làng Thu Lũng, tổng Thượng Xá (nay là phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An) trong một gia đình nông dân nghèo. Cha là ông Chế Đình Pháp - một nhà nho từng hoạt động trong phong trào văn thân chống Pháp, mẹ là bà Hoàng Thị Thực, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, yêu chồng thương con.

Mặc dầu gia đình nghèo khó nhưng từ nhỏ, đồng chí đã được cha mẹ cho ăn học đầy đủ. Cha thường kể về sự tàn ác của bọn thực dân xâm lược và những tấm gương hy sinh vì đất nước. Từ đó, trong đồng chí luôn sục sôi lòng căm thù giặc. Khi Chế Đình Bành lớn lên thì cũng chính là lúc phong trào cách mạng trong nước có nhiều chuyển biến tích cực.  

Tháng 4/1930, Đảng bộ huyện Nghi Lộc được thành lập do đồng chí Nguyễn Thức Mẫn làm Bí thư. Giữa năm 1930, chi bộ Đảng làng Thu Lũng được thành lập, gồm 5 đồng chí thì có ba đồng chí là người họ Chế (Chế Đình Nhiếp, Chế Đình Trượng, Chế Đình Điếng). Dựa vào mối quan hệ họ hàng, các đồng chí đã vận động nhiều người trong họ Chế cùng tham gia hoạt động cách mạng như: ông Chế Đình Bành, Chế Đình Ban, Chế Đình Dao, Chế Đình Huyến, Chế Đình Quát… Chi bộ đã chỉ đạo các đồng chí đi vào các xóm lựa chọn những quần chúng tích cực lập ra tổ chức Nông hội đỏ và Tự vệ đỏ làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh. Đồng chí Chế Đình Bành được tín nhiệm cử làm đội trưởng đội Tự vệ đỏ.

Với vai trò là đội trưởng của đội Tự vệ đỏ, đồng chí Chế Đình Bành đã chỉ huy các đội viên thực hiện nhiều nhiệm vụ mà chi bộ giao phó như: bảo vệ các cuộc hội họp bí mật, trấn át các thành phần tay sai, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn hiệu triệu và vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình của toàn huyện kéo lên huyện đường Nghi Lộc vào ngày 02/6/1930, bảo vệ quần chúng đi biểu tình ngày 29/8/1930 tại cồn Má Nường, làng Kỳ Trân (xã Nghi Trường) và cuộc biểu tình ngày 28/9/1930 của nhân dân ba tổng Thượng Xá, Đặng Xá, Kim Nguyên tại làng Long Trảo (xã Nghi Khánh).

Tháng 9/1930, chi bộ Đảng và Nông hội đỏ ở các làng đã vận động nhân dân tiếp tục đấu tranh, mít tinh, biểu tình. Lúc bấy giờ đồng chí Chế Đình Bành nổi tiếng là một đội trưởng gan dạ, dũng cảm, mưu trí, đã ra lệnh bắt trói những tên tổng lý tay sai đắc lực của thực dân, phong kiến đàn áp cách mạng, không được nhũng nhiễu nhân dân, yêu cầu hủy bỏ việc kiểm soát và thu thuế thuyền bè của ngư dân ra vào Cửa Hội.

Cuối năm 1931, tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng vùng Vinh - Bến Thủy - Cửa Hội bị địch phá vỡ. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Thành ủy Vinh, Huyện ủy Nghi Lộc và Xứ ủy Trung Kỳ bị sa lưới địch. Trong một chuyến đi công tác, đồng chí đã bị bọn mật thám theo dõi và bắt vào ngày 29/10/1931 tại Nghi Lộc. Sau đó địch giải Chế Đình Bành về Nhà lao Vinh để giam giữ.

Ở trong nhà lao, dù bị tra tấn với đủ loại nhục hình nhưng đồng chí vẫn kiên trung, không hề khai báo nữa lời. Biết không thể khai thác được gì, đầu năm 1932, chúng đưa Chế Đình Bành ra xét xử và kết án với mức án 11 tháng tù giam, 05 tháng quản thúc. Sau chúng tăng 01 năm tù giam và 06 tháng quản thúc vì hoạt động cộng sản, theo bản án số 44 ngày 09/01/1932 của Tòa án Nam Triều. Mức án này được Hội đồng Cơ Mật chuẩn y tại Quyết định số 639 ngày 24/5/1932 và Khâm sứ Trung Kỳ chuẩn y tại Quyết định ngày 11/8/1932. Trong tù, đồng chí vẫn tiếp tục vận động anh em tù binh phải vững tin vào tương lai của cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống lại các phần tử chiêu hồi, phản cách mạng.    

Đầu năm 1933, sau khi mãn hạn tù, đồng chí Chế Đình Bành trở về quê ở làng Thu Lũng. Mặc dầu đang chịu án quản thúc, sống trong vòng kìm kẹp và hàng tháng phải đến trình diện với chính quyền tay sai nhưng đồng chí đã tìm mọi cách bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng để tiếp tục hoạt động. Đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào mặt trận dân chủ, nhiều lần lôi kéo những người hoạt động chính trị trong vùng.  

 Năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp bị lật đổ, chính phủ mới lên nắm chính quyền tiến hành nhiều chính sách phát xít. Cũng như ở chính quốc, mọi hoạt động dân chủ ở các nước thuộc địa đều bị chúng thẳng tay đàn áp. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương lập “Mặt trận chống chiến tranh, chống phát xít” thay cho Mặt trận dân chủ. Tại làng Thu Lũng, đồng chí Chế Đình Bành là một trong những đảng viên chủ chốt, hoạt động tích cực nhất trong việc thành lập “Mặt trận chống chiến tranh, chống phát xít”, vận động được nhiều quần chúng tham gia cách mạng. Hồ sơ mật thám ghi như sau: “Tháng 01/1939, ông đã tham gia tuyên truyền thành lập hội kín, thúc đẩy người nghèo chống lại chủ của họ và kêu gọi người dân chống lại chính quyền cấp cao, ông là người lôi kéo quần chúng hoạt động cộng sản trong vùng”.[1]     

Để ngăn chặn sự nổi dậy của nhân dân Đông Dương khi chiến tranh xẩy ra, chính quyền thực dân Pháp càng khủng bố khốc liệt. Đến giữa năm 1941, các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng nhiều nơi bị phá vỡ. Thực dân Pháp và tay sai ra sức lùng sục những người được cho là “phần tử nguy hiểm”, trong đó có Chế Đình Bành.

Hầu hết các đảng viên làng Thu Lũng đều bị chúng bắt và kết án tù từ một năm trở lên. Cũng trong thời gian này, Chế Đình Bành bị địch bắt lần hai, chúng đánh giá ông là thành phần “nguy hại” nên phải cách ly với các tù chính trị địa phương “việc đưa ông ta vào trại an trí là hết sức cần thiết” [2].  Trại an trí là nơi giam giữ những người bị Pháp cho là gây nguy hiểm với chính quyền Pháp nhưng thiếu chứng cứ để kết án. Sau đó, đồng chí Chế Đình Bành bị dẫn giải đến trại an trí Ly Hy, Thừa Thiên ngày 28/9/1943 để giam giữ căn cứ theo Quyết định số 3044 ngày 08/9/1943 của Khâm sứ Trung Kỳ.       

Mặc dầu bị địch đưa vào trại an trí nhưng đồng chí vẫn không chịu “ngồi yên ăn cơm tù”. Càng bị tù đày tinh thần cách mạng lại càng cao, đồng chí cùng với các bạn tù là những người cộng sản trung kiên đã biến nhà tù thực dân làm trường học cách mạng, tôi luyện ý chí chiến đấu. Các đồng chí thường xuyên nghe ngóng tình hình bên ngoài, thành lập các tổ chức trong tù để động viên nhau vượt qua những khó khăn. Biết đồng chí Chế Đình Bành là thành phần “cứng đầu khó cải tạo”,  năm 1944, địch lại chuyển đồng chí sang trại an trí Phú Bài, Thừa Thiên Huế. Trong công hàm số 1153 ngày 23 tháng 10 năm 1944 của Tòa Công sứ Vinh gửi Chánh Sở Cảnh sát Trung Kỳ tại Huế viết như sau:Tôi đồng ý với ngài Tổng đốc An Tĩnh, tôi cho rằng đây không phải nơi để nêu lên những lý do như trong công hàm của Cảnh sát đặc biệt Vinh, được đưa ra sau khi bà Hoàng Thị Thân đề nghị trả tự do cho ông Chế Đình Bành, người đang bị giam giữ tại Trại an trí Phú Bài (trước đây là Ly Hy) bởi quyết định số 3044 ngày 08/9/1943”. [3]

Ở trong trại an trí Phú Bài, đồng chí bắt liên lạc với các chiến sĩ cộng sản khác và càng hoạt động tích cực hơn, tham gia thành lập Ủy ban Việt Minh cứu quốc.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp, chiếm độc quyền cai trị Đông Dương. Tại trại an trí Phú Bài, nhờ sự lãnh đạo của Ủy ban Việt Minh cứu quốc, nhiều tù chính trị đã thoát được ra ngoài, trong đó có đồng chí Chế Đình Bành. Được các đồng chí Nguyễn Trường Bờn (ở Nghi Xá) và Lê Huy Trù (ở Nghi Long) là cán bộ lãnh đạo Việt Minh huyện Nghi Lộc bắt liên lạc và hướng dẫn, đồng chí Chế Đình Bành vừa ra tù đã cùng với các đồng chí hoạt động trong các thời kỳ trước đứng ra tập hợp lực lượng thành lập tổ chức Việt Minh ở làng Thu Lũng để tổ chức và tuyên truyền vận động nhân dân “kháng Nhật cứu quốc” theo chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh.

Ngày 25/8/1945, nhận được chỉ thị của Việt Minh huyện Nghi Lộc, Việt Minh làng Thu Lũng đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân đi giành chính quyền ở huyện Nghi Lộc. Sau khi giành thắng lợi ở huyện, Việt Minh làng Thu Lũng vận động nhân dân mít tinh tại đình làng, cho Tự vệ đòi hào lý mang mộc triện và sổ sách ra giao nạp. Ủy ban lâm thời làng Thu Lũng được thành lập và ra mắt nhân dân, gồm 5 ủy viên. Đồng chí Chế Đình Bành tiếp tục được anh em, đồng chí và nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách Tư pháp.

Sau khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, đồng chí tiếp tục tham gia kháng chiến và làm nhiều nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Đến năm 1967, do tuổi cao sức yếu cùng với những vết thương bị tra tấn trong tù tái phát, đồng chí trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trong sự thương tiếc của gia đình, Đảng bộ và nhân dân. Phần mộ của đồng chí được an táng tại nghĩa trang làng Thu Lũng.

Đồng chí Chế Đình Bành là một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, một người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Đảng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bao lần vào tù ra tội dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng chí luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Bản thân đồng chí đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước, là tấm gương cho các hậu thế noi theo.

Hồ Thị Hải Liễu - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1, 2, 3. Theo Hồ sơ mật thám của thực dân Pháp, lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

 

 

Video