Đồng chí Cao Tiến Lân - tấm gương cộng sản kiên trung trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-07-12 08:01:53

Đồng chí Cao Tiến Lân sinh năm 1895 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Bạch Ngọc, tổng Bạch Hà, phủ Anh Sơn (nay là xã Lam Sơn, huyện Đô Lương), Nghệ An. Thân sinh của đồng chí là ông Cao Tiến Vân và bà Lê Thị Khởn. Xã Bạch Ngọc xưa nằm dọc tả ngạn dòng sông Lam, nổi tiếng với những dòng họ lớn như họ Lê Văn, họ Cao Tiến, nhân dân nơi đây vốn có truyền thống hiếu học, yêu nước, bảo vệ tổ quốc.

Sau khi cha mất, cậu bé Cao Tiến Lân phải đi ở cho nhà giàu trong làng đến năm 16 tuổi với công việc chủ yếu là đi cày và chăn trâu. Năm 27 tuổi, Cao Tiến Lân lập gia đình với bà Lê Thị Tụy, cuộc sống vất vả, ruộng đất không có, lại phải đóng nhiều sưu cao thuế nặng nên gia đình vẫn phải đi cày cuốc thuê, vào rừng kiếm củi bán lấy tiền.

Tháng 7/ 1925, Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh và cử hội viên về Đô Lương để gây dựng tổ chức. Năm 1927, tổ chức Tân Việt ở tổng Bạch Hà, Thuần Trung… cũng được thành lập, gồm các đồng chí như Cao Tiến Tuệ ở Lam Sơn, Nguyễn Tất Ất ở Bồi Sơn, Nguyễn Khắc Phú quê Thanh Hóa, Trần Lộc quê Hà Tĩnh… Các hội viên đã tích cực rải truyền đơn tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân đấu tranh.

Đồng chí Cao Tiến Lân lớn lên, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân cơ cực bần hàn trước sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai nên đã sớm nung nấu ý chí, khát vọng thoát khỏi gông xiềng nô lệ, vùng dậy giành lấy cuộc sống ấm no hạnh phúc. Được đồng chí Cao Tiến Tuệ vận động đi theo cách mạng, giao cho nhiều nhiệm vụ để thử thách như đi rải truyền đơn, treo cờ nên Cao Tiến Lân đã sớm trở thành tuyên truyền viên tích cực, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà các đồng chí cấp trên giao cho.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930 Ban chấp hành lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam tại Nghệ An cũng được thành lập. Cuối tháng 3/1930, Phủ ủy Anh Sơn được thành lập. Tháng 4/1930, đồng chí Hoàng Trần Thâm quê Anh Sơn, cán bộ của Phủ ủy được cử về xã Bạch Ngọc để xây dựng phong trào, phát triển lực lượng cách mạng, kết nạp đảng viên, đồng chí Cao Tiến Lân cũng được kết nạp vào Đảng trong thời gian này.

Tháng 6/1930, Chi bộ Đảng ở Bạch Ngọc được thành lập lấy tên là Chi bộ Bạch Truật gồm có 5 đảng viên: Cao Tiến Tuệ làm Bí thư, Cao Tiến Lân, Nguyễn Cảnh Khả (Nhân Bồi), Đào Văn Uân, Lê Khắc Cơ (Tập Phúc). Các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ Giải phóng phát triển nhanh chóng khắp các làng.

Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân làng Bạch Ngọc dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhiều cuộc vận động đi kêu sưu đánh trống, tuần hành thị uy kéo về nhà lý trưởng đốt phá liên tục nổ ra, bọn hào lý phải nằm im, không dám công khai phá hoại cách mạng. Đồng chí Cao Tiến Lân được giao phụ trách đội cứu tế của xã, có nhiệm vụ đi quyên tiền góp phần làm quỹ mua tài liệu ấn loát, cung cấp tiền gạo cho đội xích vệ và giúp các gia đình nghèo khổ nhất trong vùng.

Thực hiện chỉ thị của cấp trên, ngày 7/9/1930, Chi bộ Bạch Truật tổ chức treo cờ Đảng ở các đình làng, rải truyền đơn, chuẩn bị biểu ngữ để tiến hành một cuộc biểu tình vào sáng ngày hôm sau một cách chu đáo. Đồng chí Cao Tiến Lân đã vận động quần chúng tham gia biểu tình và bố trí lực lượng tự vệ đỏ đi bảo vệ, phát hiện và trừng trị những phần tử phản cách mạng phá hoại cuộc biểu tình. Sáng ngày 8/9/1930, nhân dân các tổng Thuần Trung, Bạch Hà, Đặng Sơn đồng loạt nổi trống, mõ kéo đến địa điểm tập trung tiến về phủ Anh Sơn, đòi bọn thống trị giải quyết những yêu sách như: xóa bỏ sưu thuế, cấm bắt bớ, đánh đập nhân dân, cấm lục soát nhà dân. Đoàn biểu tình kéo đến truông Cồn Đọi thì bị bọn Pháp và tay sai xả súng bắn, cho máy bay ném bom làm 7 người chết. Đoàn biểu tình của Bạch Ngọc kéo xuống tới cầu Hói Quai cũng bị ném bom làm 2 người chết, địch khủng bố dữ dội.

Phủ ủy Anh Sơn lúc này phải di chuyển về xã Bạch Ngọc, ở nhà đồng chí Cao Tiến Lân để tiếp tục chỉ đạo đấu tranh. Gia đình đã đem một số đồ dùng trong nhà như mâm gỗ, bát, đĩa, khay gỗ ra để để phục vụ các đồng chí cán bộ về họp hành và nghỉ ngơi.

Ngày 1/2/1931, Huyện ủy tổ chức một cuộc biểu tình trong toàn huyện kéo về phủ Anh Sơn đòi giảm sưu thuế, đồng chí Cao Tiến Lân cùng đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc vừa kéo đến cầu Hói Thong thì gặp phải toán lính đến đàn áp, chúng đã điên cuồng nổ súng bắn vào đoàn biểu tình làm 1 người hy sinh.

Phong trào cách mạng xã Bạch Ngọc lên cao, thực dân Pháp tăng cường khủng bố trắng, tàn sát dã man, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Huyện ủy mở một cuộc họp để kiểm điểm ở làng Xuân Thi. Bang tá và cai tổng kỳ ở Đặng Sơn lập tức huy động lính đến vây bắt. Nghe tiếng động của bọn lính, đồng chí Cao Tiến Lân liền đốt một số tài liệu quan trọng, rồi nhanh chóng ẩn nấp. Sau đó đồng chí Cao Tiến Lân nhận được chỉ thị Huyện ủy đi họp ở rừng Vĩnh Giang (Giang Sơn), được giao nhiệm vụ phụ trách hội cứu tế của huyện.

Trong thời gian phụ trách hội cứu tế, đồng chí Cao Tiến Lân phải sống trong rừng, đời sống hết sức vất vả, thiếu thốn.  Ở các làng lính Tây về đóng đồn khắp nơi, bọn bang tá, lý trưởng thừa cơ đàn áp quần chúng, bắt nhân dân ra đầu thú. Chúng thường cải trang thành thường dân, trá hình thành người đi buôn để lùng bắt cán bộ và quần chúng cách mạng, phá hoại các cơ sở bí mật của Đảng. Do sự đánh phá ngày càng ác liệt của địch, cơ sở của Đảng phải di chuyển liên tục. Đời sống khó khăn nhưng đồng chí Cao Tiến Lân vẫn không nản chí, bắt tay vào củng cố và xây dựng lại phong trào.

Tháng 10/1931, đồng chí Cao Tiến Lân trên đường về Bạch Ngọc thì gặp một toán lính của bang tá đi tuần, bị bắt và đưa về đồn Nhân Trung tra tấn 1 ngày, hôm sau giải lên đồn bang tá Lê Khắc Khuyên ở Phúc Yên giam một đêm, sáng sớm chúng lại đưa về đồn Yên Lĩnh. Tuy bị tra tấn, đánh đập với các hình thức dã man như: treo ngược người lên xà nhà rồi đánh bằng roi gân bò, lấy dùi trống đập vào đầu, hai hàm răng bị gãy gần hết nhưng đồng chí Cao Tiến Lân vẫn kiên quyết không khai báo và bị kết án 3 năm tù tại nhà lao Vinh.

Năm 1932-1933, cơ sở Đảng ở Bạch Ngọc bị vỡ. Đến năm 1934, một số đảng viên ra tù, về xã tiếp tục hoạt động cách mạng như đồng chí Cao Tiến Lân, Đào Văn Ba, Lê Đăng Giang….

Tháng 6/1936, Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Tất Thắng – Bí thư Phủ ủy về xây dựng lại cơ sở và phục hồi sinh hoạt đảng cho các đồng chí sau khi bị giam về như đồng chí Đặng Sỹ Đối, Cao Tiến Lân, Ngô Trí Anh, Cao Tiến Tuệ…

Đến năm 1942, đồng chí Cao Tiến Lân bị bắt lần nữa, bị kết án 1 năm tù giam tại nhà lao Vinh và 1 năm quản thúc cho hưởng án treo (Bản án số 26 ngày 30 tháng 1 năm 1942 của Tòa án ngụy quyền tỉnh Nghệ An và bản án số 506 ngày 03/4/1942 của Bộ Tư pháp ngụy).

Năm 1945, đồng chí tham gia Hội Việt Minh bí mật ở xã Bạch Ngọc, làm Trưởng Ban vận động để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời làng Nhân Trung.

Thời gian sau này gia đình đồng chí Cao Tiến Lân vẫn là nơi nuôi giấu cán bộ Đảng về hoạt động trong làng và tiếp tục tham gia vào các phong trào đấu tranh, công tác xã hội tại địa phương. Năm 1983, do tuổi già sức yếu nên đồng chí qua đời. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, đồng chí đã được Nhà nước công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, truy tặng huân chương Độc lập Hạng Ba (2004) cũng như nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí Cao Tiến Lân là tấm gương của một người con giàu lòng yêu nước, người cộng sản kiên trung đã góp phần làm nên những thành tích vẻ vang cho quê hương và Đảng bộ xã Lam Sơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT 

Video