17
1641
3508
15893
34073
6824338
Trong thành cổ Nghệ An hiện còn dấu tích của Nhà lao Vinh. Nhà Lao Vinh hình thành từ năm 1804, là nơi chính quyền phong kiến, thực dân từng giam giữ nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Nơi đây đã diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt chống chế độ hà khắc trong nhà tù. Những thế hệ tù nhân tại đây nhất là tù chính trị, mặc dù phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian” thế nhưng họ đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, nghị lực phi thường trong đấu tranh cách mạng.
Sau khi hoàn chỉnh việc thiết lập bộ máy thống trị ở Đông Dương, Nhà lao Vinh đã trở thành một trong những nhà lao trọng yếu trong hệ thống nhà tù của thực dân, sau Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn) và Thừa Phủ (Huế). Từ năm 1928-1929, Nhà lao Vinh đã trở thành công cụ đắc lực của thực dân - phong kiến hòng đối phó với tình hình chính trị mới khi quần chúng lao khổ sẵn sàng đứng lên để chống lại ách áp bức bóc lột.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra và phát triển mạnh mẽ ở nhiều huyện trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, sau khi chính quyền Xô viết được thành lập ở một số địa phương, chính quyền thực dân - phong kiến đã điên cuồng tiến hành khủng bố trắng, hòng dập tắt phong trào cách mạng. Tính đến năm 1932, tỉnh Nghệ An có 6.681 người bị bắt giam và 1.500 người bị giết chết. Chưa bao giờ Nhà lao Vinh lại chật chội, ô uế, ngột ngạt như lúc này “Không kể xà lim,các buồng giam tù chính trị khác không dưới một trăm rưỡi người mà được phát 6 chiếc mâm gỗ, 36 cái bát sành và 4 ấm đất đựng nước uống. Anh em tù nhân không đủ chỗ đứng cũng như không thể giơ cánh tay lên mà đút nổi miếng cơm vào miệng” (1)
Tù chính trị tại Nhà lao Vinh phải đi lao động khổ sai khắp nơi. Công việc chủ yếu của họ là đi hốt rác, dọn vệ sinh, chăn nuôi bò, ngựa, dê, gánh đất, đào đá, chuyên chở vật liệu, xây dựng đồn trại, công sở. Hầu hết anh chị em tù đều xuất thân từ công nông cho nên ai cũng có sức lực và kỹ năng lao động thuộc nhiều nghành nghề. Ngay trong khi ra hành dịch, dưới sự điều khiển bằng roi vọt và canh giữ chặt chẽ, thì các tù nhân cũng không được hoàn toàn tự do về thân thể, nếu không bị xích tay, thì cũng chịu xiềng chân. Ở đâu cần mồ hôi và gân cốt của con người, bọn mật thám và cai ngục đã giải người đến đó.
Không những phải lao động khổ sai, tạp dịch mà tù nhân còn bị đánh đập hết sức thậm tệ. Chính quyền thực dân - phong kiến đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn tàn bạo như: sử dụng các loại roi cao su, vặn thừng, roi gân bò, dùi cui, roi xương cá sấu thay nhau đánh đập; lấy điện dí vào người; bắt tù nhân lột trần, sau đó đổ xà phòng lên bụng rồi dùng giày đinh dẫm lên bụng cho máu mồm, máu mũi tuôn chảy ra mới thôi; dùng đèn cồn đốt mười đầu ngón tay; lấy mâm đồng nung đỏ rồi bắt người tù ngồi lên; dùng sắt nung đỏ dí vào bẹn của tù nhân nữ… Đánh bằng roi vọt không lấy được tin tức gì, chúng đã dùng đinh đóng vào gậy để đánh người tù, mỗi lần quất gậy xuống nhấc gậy lên là thịt da của người tù móc ra theo roi, máu từ chỗ bị đánh chảy ra thấm ướt cả sàn nhà. Với các chị em “gan cóc tía” liệt vào danh sách cứng cổ, cứng đầu chúng đã bắt các chị lột trần rồi bắt đứng phơi nắng giữa trưa hè nóng bỏng… Trường hợp nữ đồng chí Nguyễn Thị Xân là một trong những điển hình tiêu biểu: “…Chị Nguyễn Thị Xân được Tỉnh ủy phái đi xây dựng phong trào ở phủ Anh Sơn. Không may chị bắt mối nhầm một tên phản bội. Hắn đã chỉ điểm cho bọn mật thám đem lính vào tận chiến khu để vây bắt chị và một số đồng chí khác. Biết chị là cán bộ lãnh đạo, nắm trong tay nhiều đầu mối quan trọng của Đảng, chúng đã dùng mọi cực hình tra tấn hết sức dã man để khai thác. Chân tay chị đều bị chúng đánh gãy nát. Nhiều vết thương trên đầu, trên cổ và sau lưng không được băng bó, bị nhiễm trùng, bưng mủ hôi thối. Sau mấy tháng hành hạ đủ cách, đánh chị chết đi sống lại mấy lần, chẳng khai thác được gì, chúng chẳng buồn giam giữ chị nữa, liền gọi cho tri huyện Trần Mậu Trinh, lý trưởng và gia đình vào Nhà lao Vinh để khiêng chị về nhà chờ chết”(2).
Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt và ăn uống của người tù cũng hết sức thâm độc và nghiệt ngã. Để tránh dư luận và sự lên án của xã hội cũng như tránh sự phản đối về việc ngược đãi tù nhân của một nước mệnh danh là đi “khai hóa văn minh”, thực dân Pháp đã cho phép chính quyền phong kiến Nam triều tại Nghệ An quy định về chế độ ăn uống và những “tiêu chuẩn” mà tù chính trị nhà lao Vinh được hưởng. Theo quy định thì mỗi người tù chính trị được hưởng 0,5 kg gạo, thức ăn được đổi món trong tuần. Khi ốm đau đều được đi khám và nếu bệnh nặng thì được đưa đến nhà thương để chữa, hằng tuần có y sỹ hoặc y tá vào nhà lao khám bệnh theo định kỳ cho tù nhân. Ngoài ra, mỗi năm người tù còn được phát hai bộ quần áo dài, chăn chiếu… Thế nhưng, trên thực tế thuốc men, quần áo và đặc biệt các bữa ăn đều bị cắt xén về khẩu phần, chất lượng thức ăn không đảm bảo, chúng đã sử dụng các loại lương thực, thực phẩm kém chất lượng. Đến bữa ăn, tù nhân không nuốt nổi, phải lấy nước chan vào để nuốt cho khỏi xót dạ dày. Họ phải nhắm mắt ăn cho qua ngày đoạn tháng chính vì vậy đồng nghĩa với việc chấp nhận nhiều loại bệnh tật hoành hành. Đồng chí Tôn Thị Quế (Tỉnh ủy viên năm 1931) kể lại: “ …Chế độ nhà tù của thực dân Pháp vô cùng khắc nghiệt. Nói sao hết được nỗi đau đớn, khổ cực của người tù chính trị ở một nước không có Độc lập, Tự do. Cơm toàn gạo hẩm và nhan nhảm những sạn, thóc, trấu. Thức ăn chỉ có muối và nước mắm thối. Bữa nào có con cá ve thì ruồi bọ nhung nhúc, ngủ trên nền xi măng, bên cạnh hố đái, hố ỉa. Mùa đông về lạnh ngắt, mùa hè nóng như nung như đốt. Thiếu không khí, thiếu ánh sáng, chúng tôi sống ngột ngạt đến lởm mửa. Đã thế, hơi một chút là chúng đánh đập. “Đối với tù Cộng sản,đập chết từng nào đỡ đạn từng ấy” – bọn chúng đã từng tuyên bố như vậy… ”(3)
Về chế độ ăn uống tại Nhà lao Vinh, đồng chí Trần Ân cũng đã kể lại: “….Cá thì bữa cá mắn thối, bữa cá khô mục nát… Nếu người đau ốm xin cháo ăn thì chúng cho cháo suông, chẳng có thức ăn gì……
Nằm trên hai dãy gần xà lim, mùa hè nóng như hơ lửa, mùa đông thì lạnh buốt xương.
Mặc: mỗi người một bộ quần áo đen, vải thưa như vải màn, có đóng dấu chữ số màu trắng sau lưng áo.
Ốm đau: Khai báo với y sỹ, nó khám cho có lệ và gọi vào cho thuốc thôi, chả ăn nhằm gì cả. Bởi vậy ai ốm đau nặng là bỏ mạng tại nhà lao”(4).
Với chế độ giam cầm hà khắc, lao dịch nặng nề, môi trường sống thiếu vệ sinh, chế độ ăn uống kham khổ đã nhanh chóng vắt kiệt sức lực của tù nhân, nhiều người đã chết tại nhà tù khi chưa hết thời hạn bị giam giữ.
Trong cảnh sống tù ngục với bao gian lao, thử thách, trước kẻ thù xảo quyệt và hung bạo, nhưng các chiến sĩ yêu nước, cách mạng vẫn không nản chí, nản lòng, luôn giữ vững ý chí cách mạng, còn sống, còn chiến đấu. Vượt qua trăm ngàn khó khăn và nguy hiểm, với sự theo dõi, giám sát suốt ngày đêm của bọn cai ngục, dựa vào sức mạnh trí tuệ của tập thể, tháng 6/1930 Chi bộ Đảng tại Nhà lao Vinh đã ra đời, do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư. Hoạt động của Chi bộ Nhà lao Vinh đã củng cố niềm tin cho tù chính trị; lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ dã man của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều; là nguồn cổ vũ, động viên phong trào cách mạng ở bên ngoài rất lớn.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Nhà lao Vinh, phong trào đấu tranh trong nhà lao phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức như: làm reo, tuyệt thực, đấu tranh đưa yêu sách đòi cải thiện đời sống cho tù nhân… Trong những ngày bị giam cầm tại Nhà lao Vinh, các chiến sỹ cách mạng đã sáng tác hàng trăm bài thơ hay. Những bài thơ đó vừa có tác dụng động viên, vừa có tác dụng vạch trần những âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều. Đặc biệt là sự ra đời của tờ báo miệng, “một tờ báo không cần in, không cần viết mà đến với bạn đọc rất nhanh, rất nhạy” như càng tiếp thêm sức mạnh, và được đông đảo anh em tù chính trị trong nhà lao hết sức hoan nghênh. Từ tờ báo miệng, các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh đã sáng tác cuốn tiểu thuyết Giọt Máu Hồng, sau được chuyển thành kịch bản và được các đồng chí diễn trong Nhà lao Vinh rất thành công, gây ấn tượng sâu sắc và có tác dụng cao trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước và tình cảm cách mạng…
Tiêu biểu trong lớp tù chính trị bị bắt giam phải kể đến đồng chí Lê Viết Thuật – Bí thư Xư ủy Trung Kỳ năm 1931. Trong khi hoạt động cách mạng để khỏi liên lụy gia đình, đồng chí đã phải uống một loại thuốc khiến khuôn mặt biến dạng. Bọn mật thám đã vây bắt đồng chí tại một túp lều ở giữa cánh đồng Trẻn, làng Hưng Dũng (Vinh). Trước những thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc tra tấn không moi được tin gì. Chúng đã đê hèn bắt người cha là thầy giáo Lê Văn Hiến vào nhận mặt con. Thực dân phong kiến đã tra tấn cả hai cha con trước mặt nhau, hòng lung lạc ý chí của Lê Viết Thuật. Thế nhưng, khi đứng trước người con trai bị đánh đập và tra tấn, ông đã nén nỗi đau, mở mắt thật to nhìn vào người con trai yêu quý như muốn nhắn gửi bức thông điệp: “Hãy cứng rắn lên con trai của cha! Đừng mềm lòng để không mắc mưu kẻ địch”, sau đó quay sang kẻ thù dõng dạc nói to rằng: “Người này không phải con trai tôi! Các ông nhầm rồi, con trai tôi là Lê Viết Thuật đã chết đuối ở sông Lam năm ngoái rồi. Tôi không biết người này là ai cả”(5). Khi nghe nói vậy, bọn mật thám tức lồng lộn và cho tay chân đánh đập ông ngay trước mặt đồng chí Lê Viết Thuật. Ông đã bị giam cầm và tra tấn tại Nhà lao Vinh đến tàn phế. Tinh thần chiến đấu và sức chịu đựng của hai cha con đồng chí Lê Viết Thuật đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Tin này đã được lan truyền khắp Nhà lao Vinh khiến cho tù chính trị rất khâm phục, và đã trở thành tấm gương sáng cho họ noi theo.
Ngoài ra chúng ta phải kể đến một tấm gương tiêu biểu khác là đồng chí Nguyễn Thị Nình (Vi Nình) – nữ chiến sỹ liên lạc xuất sắc của Xứ ủy Trung Kỳ. Trong thời gian bị bắt giam tại nhà lao Vinh, thực dân phong kiến đã sử dụng những hình thức tra tấn hết sức tàn bạo. Chúng đã dùng 4 sợi dây buộc hai tay và hai chân đồng chí rồi rút cho thân thể lơ lửng giữa phòng và buộc xít đu cho va đập vào tường. Bốn góc phòng có 4 tên lính cầm roi chực sẵn thỉnh thoảng lại vụt roi kèm theo tiếng thét hỏi bắt khai báo.
Hành động dã man của bọn quỷ dữ tàn phá cơ thể đồng chí Vi Nình một cách kinh khủng, tưởng chừng không còn sự sống nữa. Toàn thân chị bị phù nề, hai chân ứ máu tím bầm, hai cánh tay sưng tấy đến mức không thấy đoạn dây trói, da thịt lầy loét, dòi bọ lúc nhúc, máu rỉ ra nhiều làm cho chị lả đi, đầu tóc rũ xuống như người bị treo cổ, miệng há to, hai mắt sâu hoắm, trông thật đau xót. Cảnh lao tù khổ ải được đồng chí Vi Nình diễn tả như sau:
“Tay khóa chân cùm thân ê ẩm
Áo bê quần bết da đớn đau
Nhìn mớ cơm tù rùng mình mãi
Với đàn muỗi đói thức đêm thâu”(6)
Chị đã phải chịu đựng kiểu tra tấn “xít võng” đó suốt 1 tháng 20 ngày nhưng chị vẫn khai những điều địch muốn biết. Vì tay sưng tấy, Vi Nình không thể tự ăn cơm được, chị em trong tù thay nhau giúp chị ăn cơm và thay quần áo. Những khi bị giam riêng ở xà lim, chị phải cúi xuống cạp cơm để duy trì sự sống và tiếp tục chiến đấu.
Nhìn thấy hình hài đầy thương tích của Vi Nình, kẻ thù đã rùng mình nghiến răng thốt lên: “Chà, con giặc cộng sản này gan thật ! Ông chưa thấy người đàn bà nào gan như thế này, đến chết vẫn không chịu hé răng”(7).
Khi đánh đập không moi được tin gì, chúng quay sang tung tin là Vi Nình đã khai báo ra các cơ sở của Đảng, để gây chia rẽ và nghi ngờ lẫn nhau làm mất lòng tin trong Đảng và quần chúng cách mạng, làm cho một số tù chính trị nhẹ dạ, cả tin đã hoang mang lo lắng. Khi đồng chí Nguyễn Lợi (Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ) bị bắt và đưa vào hỏi cung, chúng đã đưa Vi Nình ra để nhận diện. Nhưng khi vào phòng hỏi cung, thấy Vi Nình bị chúng đánh đập, tra tấn, máu me be bết, bầm tím, ánh mắt sáng đầy tự tin đang nhìn thẳng vào mình, thì nỗi hoài nghi đã tiêu tan tất cả. Mắt của Vi Nình như thầm báo với đồng chí Nguyễn Lợi rằng: “Hãy giữ vững tinh thần, đừng mắc phải âm mưu của kẻ thù”.
Và còn rất nhiều những tấm gương tù chính trị khác tại Nhà lao Vinh như: Lê Cảnh Nhượng, Lê Cảnh Cải, Nguyễn Duy Trinh, Siêu Hải, Nguyễn Thị Phúc, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thiu… Mặc dù bị giam cầm, xiềng xích, tra tấn, trên người mang đầy thương tích, ăn uống kham khổ đói rét, bệnh tật luôn hành hạ, nhưng các chiến sỹ Cộng sản trong Nhà lao Vinh vẫn luôn lạc quan, tin tưởng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để cùng đấu tranh, chiến thắng kẻ thù và chiến thắng bản thân mình.
Khí tiết của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại Nhà lao Vinh đã để lại những dấu ấn đặc biệt, với những tấm gương bất khuất kiên cường của những người con ưu tú trên mảnh đất Hồng Lam. Tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi vì nền đc lập của Tổ quốc, vì cuộc sống bình an ấm no, hạnh phúc của nhân dân của các chiến sỹ tại Nhà lao Vinh mãi mãi trường tồn, như ngọn lửa thiêng chiếu sáng con đường cách mạng cho đến mai sau.
Lương Thùy Vân – Bảo tàng XVNT
Chú thích:
1. Nhà lao Vinh. Nxb Nghệ An Tr.42
2. Nữ chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh, NXB Phụ nữ, Hà Nội 1980. Tr.38
3. Chỉ một con đường- Ban nghiên cữu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An 1972. Tr88
4. Hồi ký về nhà lao Vinh của đồng chí Trần Ân, lão thành cách mạng nguyên Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu IV
5. Trích Nhà lao Vinh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ An, 2005, tr83
6. Phường Bến Thủy- Lịch sử đấu tranh cách mạng, NXB Nghệ An 1994, Tr.65.