Đình Trụ Thạch

Tác giả: admin
Ngày 2013-10-16 01:16:24

Đình Trụ Thạch thuộc xóm 6 xã Lý Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ thời Nguyễn, đình được các vị chức sắc và nhân dân làng Trụ Thạch xây dựng nên đình được gọi theo tên làng là đình Trụ Thạch.

Năm Thành Thái thứ 10 (1900), di tích thuộc làng Trụ Thạch, tổng Vân Tụ, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, di tích thuộc làng Trụ Thạch, xã Thái Xá, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ năm 1953 đến nay di tích thuộc làng Trụ Thạch, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Dù trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi, địa danh có thay đổi nhưng di tích vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu.

Đình Trụ Thạch cách thành phố Vinh khoảng 70km về phía Tây Bắc. Đến di tích du khách đi theo 2 đường sau: theo quốc lộ 1A tuyến Vinh – Hà Nội, đến ngã tư Diễn Châu rẽ trái theo quốc lộ 7A, đến ngã tư Công Thành, rẽ phải theo quốc lộ 538 đi tiếp 2km, tiếp tục rẽ trái theo đường Liên – Lý – Thành 3km là đến di tích.
Từ thành phố Vinh, du khách đi theo quốc lộ 1A tuyến Vinh – Hà Nội đến thị trấn Nghi Lộc, rẽ trái theo quốc lộ 534 đến quốc lộ 7A rẽ trái đi tiếp đến ngã tư Công Thành, theo chỉ dẫn trên là đến di tích.
Đình Trụ Thạch thờ Cao Sơn, Cao Các và phối thờ Bạch Y công chúa.

Thần Cao Sơn quê ở Bảo Sơn, quận Quảng Nam, nước Tống, họ Cao, tên Hiển, tên chữ là Văn Trường. Ngài sinh ngày 16 tháng 3 năm thứ 9 niên hiệu Tường Phù, triều đại vua Chân Tông. Ngài là nười có chí lớn, tinh thông sử truyện, giỏi về ngũ kinh. Năm 29 tuổi, dưới triều vua Chân Tông, Ngài trúng hương thí, 2 năm sau đỗ Tiến sỹ, làm quan đến chức Thừa tướng.
Gặp lúc Đông di và Tây Nam không quy thuận, bỏ triều cống, Ngài được lệnh đi đánh dẹp, về sau còn lập được nhiều công trạng. Ngài đã được Vua nước Tống phong đến chức Thừa tướng kiêm Nguyên soái Đại tướng quân và được triều đình cử sang trấn thủ nước Nam. Ngài nhận chức ở trấn Nghệ An, trên đường qua trang Phúc Bội, huyện Lương Giang, thấy thế đất tốt ở núi Đại Liễu đã cho lập cung đài gọi là Bến Tiên và ở lại giúp nhân dân trồng trọt chăn nuôi, xua đuổi thú dữ và phát triển sản xuất… Ngài đã được vua nước Tống phong tặng “Cao Sơn quốc chủ hiển ứng đại vương”, phong là Thượng đẳng thần và giao các nước chư hầu phải lập đền thờ, bốn mùa hương khói…

Thần Cao Các người làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Thanh Đô, mẹ là Lê Thị Điềm, bố là Cao Trạch. Thần sinh ngày 06 tháng 01 năm 938, là nười thông minh, có sức khỏe phi thường, dung mạo hơn người được nhân dân gọi là thần đồng. Với tài thao lược, dụng binh, Cao Các đã giúp Đinh Bộ Lĩnh lần lượt dẹp yên loạn 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh năm 969. Ngài đã được vua Đinh Tiên Hoàng ban trấn thủ vùng đất An Ninh. Tại mảnh đất này, Ngài đã cho quân sỹ lập doanh trại, vừa tiến hành khai khẩn ruộng đất vừa luyện tập võ nghệ giúp triều đình bảo vệ đất nước.
Khi giặc Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, Cao Các đã thống lĩnh 5 vạn tinh binh đuổi quân giặc ra khỏi vùng đất biên cương. Sau khi Ngài mất, triều đình nhà Đinh cho lập miếu thờ, đến đời vua Lý Thái Tổ được truy phong mỹ hiệu “Đại Vương”, các triều đại tiếp theo gia phong là “Thượng thượng đẳng, tối linh tôn thần”. Đến thời Cảnh Hưng, lúc đất nước bị nạn lụt lớn, nhân dân làm lễ cầu đảo nhờ thần Cao Sơn – Cao Các phù hộ quả nhiên linh ứng, dân lấy đó làm tin và rước bài vị về lập đền nhiều nơi để thờ phụng.
Hiện tại đình Trụ Thạch còn lưu giữ 7 sắc phong của các vương triều phong kiến Việt Nam phong Cao Sơn, Cao Các là Thành hoàng làng Trụ Thạch.

Theo “Thần linh Việt Nam” của Gs Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo thì Bạch Y công chúa là một biến thân của Thượng ngàn công chúa. Có thuyết lại cho rằng bà là con gái Hồ Quý Ly, là hóa thân của mẫu Liễu Hạnh trông coi việc cai quản các vùng núi rừng…
Ở Nghệ An và Thanh Hóa, Bạch Y công chúa đã hóa thân giúp Lê Lợi thoát khỏi sự truy đuổi của quân Minh.
Như vậy, Bạch Y công chúa cũng là Mẫu Thượng ngàn – là nhiên thần đã được nhân thần hóa, lịch sử hóa, luôn trông nom, thuần hóa muôn loài chốn rừng xanh. Ngoài ra, thần còn giúp đỡ, phù trợ các anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương, bờ cõi.

Cũng như hiện tượng thờ Mẫu Thượng Thiên, người dân Nghệ An nói chung và người dân làng Trụ Thạch nói riêng, thục thờ Bạch Y công chúa (Mẫu thượng ngàn) cũng để cầu được phù trợ, bình an, ban phúc, ban lộc. Hiện nay, tại đình Trụ Thạch còn lưu giữ được 4 đạo sắc phong thần cho Bạch Y công chúa…

Di tích đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử:
Trong kháng chiến chống Pháp, làng Trụ Thạch là căn cứ địa của phong trào Cần Vương tổng Vân Tụ, điển hình là cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Nguyễn Lĩnh Ngợi. Thời kỳ này, nghĩa quân đã lấy làng Trụ Thạch làm nơi ẩn náu, lấy đình Trụ Thạch làm địa điểm liên lạc.

Năm 1931, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng tổng Vân Tụ, nhân dân làng Trụ Thạch và các vùng lân cận đã tập hợp tại đình để biểu tình. Lá cờ đỏ búa liềm đã được cắm trên ngọn cây đa phía trước sân đình.
Tháng 9 năm 1931, tại đình Trụ Thạch, Nông hội đỏ xã Lý Thành gồm 30 hội viên được thành lập, trong đó làng Trụ Thạch có 16 hội viên.

Tháng 10/1937, lễ kết nạp Đảng của Chi bộ đảng xã Lý Thành được tổ chức tại đình Trụ Thạch. Chi bộ đã kết nạp được 9 Đảng viên gồm các đồng chí: Tô Thuyên, Tô Sỹ Chung, Phan Thị Liễn, Hoàng Cừ…
Ngày 14/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Yên Thành, nhân dân làng Trụ Thạch tập hợp trước sân đình nghe quân lệnh số 1. Lá cờ đỏ sao vàng đựơc treo trên cây đa trước đình. 9 giờ cùng ngày, nhân dân Trụ Thạch kéo về các ngả lật đổ chế độ thực dân – phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong kế hoạch phá hoại miền Bắc bằng B52 của đế quốc Mỹ năm 1964, đình Trụ Thạch là trạm giao liên quản quân đoàn 1 – Bộ Quốc phòng, là hậu cứ, điểm dừng chân của một số đơn vị thuộc Sư đoàn bộ 320, 305, Sư đoàn 10… trên đường vào Nam đánh Mỹ.
Trong suốt 7 năm từ 1965 – 1972, đình là nơi làm việc của Ty Tài chính Tỉnh Nghệ An.

Đình Trụ Thạch xưa gắn với tục thờ Thành Hoàng làng của nhân dân bản xứ. Đình làng là nơi người dân nơi đây thể hiện lòng tri ân đối với các vị thần, đồng thời cầu xin các thần ban phúc cho mưa thuận gió hoà, tránh thiên tai, địch họa…
Trước đây, lễ hội chính được diễn ra trong 3 ngày (từ 19 đến 20 tháng Giêng hàng năm).
Lễ chính được tổ chức trang trọng với các trình thức truyền thống như lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ tế, lễ tạ.
Lễ khai quang được tiến hành từ sáng ngày 19 tháng Giêng, chiều cùng ngày là lễ yết cáo: Báo cáo với trời đất, thần linh, về thời gian, nội dung lễ… xin cho trời quang mây tạnh, đồng thời mời các vị thần linh về tham dự lễ hội.
Lễ tế được tiến hành trang trọng, linh thiêng, kéo dài trong thời gian 2 giờ ngày 20 tháng Giêng âm lịch với các trình tự, nghi thức theo truyền thống.

Trong phần lễ có nghi thức rước Thành Hoàng vi hành trong làng dưới sự chủ trì của các vị chức sắc cùng sự tham dự của toàn thể nhân dân. Sau khi rước kiệu về đình là nghi thức tế lễ thần để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng, các vị thần linh, cầu xin trời đất, thần linh tiếp tục phù hộ cho con cháu, quê hương đất nước những điều tốt đẹp.
Buổi chiều ngày 20 tháng Giêng tổ chức lễ tạ các thần linh về dự lễ, trực tiếp ban phúc và phù hộ cho nhân dân có một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Từ chiều ngày 20 đến hết ngày 21 là các hoạt động hội.
Ở phần hội, nhiều hoạt động dân gian được tổ chức như kéo co, đẩy gậy, hát tuồng, hát đối, đấu vật… thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự.

Hiện nay, vào dịp chính lễ và ngày Rằm, mồng Một hàng tháng, nhân dân trong vùng thường đến thắp hương, lễ thần khá đông. Vào những ngày này, những người con xa quê trở về làng thường đến đình thắp hương, dâng vật phẩm, lễ tế cổ truyền đến nay vẫn chưa được khôi phục.

Đình Trụ Thạch được xây dựng trên một vùng đất có tổng diện tích là 2676m2. Di tích gồm hai nhà, bố cục kiến trúc kiểu “chuôi vồ”. Theo trình tự từ ngoài vào di tích có: ao, cổng, sân, bái đình, hậu cung và vườn di tích.
Ao đình gồm 2 ao có tổng diện tích 787m2 năm đối xứng nhau phía trước đình. Nguyên xưa, khi chưa có đường liên thôn, 2 ao nằm trong khuôn viên di tích. Sau này, để thuận tiện cho việc lưu thông, đường liên thôn đã được nắn thẳng tách 2 ao về phía ngoài khuôn viên di tích.

Cổng đình gồm 2 trụ có kích thước, chiều cao là 3,6m. Đôi trụ được xây giật cấp bằng gạch nung, phía ngoài láng xi măng. Phía trước hai cột trụ là hai câu đối:
                                                                   “Lễ nhạc y quan văn hiến địa
                                                                       Âu ca cổ vũ đại bình thiên”

Sân di tích hình chữ nhật, có diện tích 282m2, láng xi măng, xung quanh xây tường bao cao 1,4m.
Bái đình có kiến trúc thời Nguyễn. Công trình gồm một nhà 3 gian 2 hồi với tổng diện tích là 98,8m2. Ba phía Đông, Tây, Bắc xây tường bao. Ba gian giữa để thông với sân di tích, hai hồi văn còn lại xây tường bao. Nền láng xi măng, chiều cao từ nền đến đỉnh là 4,72m.
Mái đình lợp ngói âm dương, nhà gồm 4 mái, 2 mái chính rộng phủ toàn bộ công trình, 2 mái bên nhỏ hơn che kín 2 hồi văn. Giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu vào hình tượng hổ phù đội mặt trời. Trên bờ giải bái đình là các khúc nguỷnh nhằm liên kết các mái và bờ nóc để tạo đọ bền vững. Hai đầu hồi xây vôi vữa và không trang trí. Bốn góc đầu đao trang trí đề tài hoa cúc cách điệu. Phía dưới lớp ngói âm dương là hệ thống thượng lương, hoành, rui bản.
Bái đình được cấu tạo bởi 4 bộ vì, 2 vì kèo hai phía đầu hồi có kết cấu theo kiểu “ván mê”, 2 vì kèo giữa kết cấu kiểu “giá chiêng”, 4 vì kèo liên kết bởi hệ thống cột. Trên đỉnh nóc là thượng lương tỳ ngực lên thanh kẻ suốt chạy dọc theo chiều dốc của mái được liên kết bởi hệ thống câu đầu, quá giang và trụ trốn ăn mộng vào thân cột cái tạo thành các bộ vì vững chắc.
Nâng đỡ toàn bộ khung và hệ mái bái đình là hệ thống các cột gỗ và các trụ hiên bằng bê tông. Các cột gỗ gồm 22 cột gỗ lim, hình trụ tròn, bào nhẵn được liên kết với nhau bởi hệ thống các xà, hạ, oai, bẩy, xà nách. Toàn bộ các cột gỗ được đặt trên 22 chân tảng vuông bằng đá xanh. Các trụ hiên bê tông gồm 6 cột hình chữ nhật cùng hệ thống tường bao bằng vôi vữa.
Nhìn chung trang trí trên chất liệu vôi vữa ở di tích khá đơn giản, trên bờ nóc đình là một đường thẳng ôm dải viền gờ chỉ trang trí đề tài “rồng chầu hổ phù” và hoa cúc cách điệu trên bốn góc đao.

Trên kiến trúc gỗ, ở các điểm nối tiếp giữa các vì kèo, kẻ, cổ ghé, tam oai, ván nong, phần tiếp giáp các xà, hạ, xà nách được chạm trổ một số đề tài điêu khác sinh động như: hoa sen, hoa cúc, vân mây, long ẩn vân, chim phượng cách điệu…
Trên xà thượng, bằng kỹ thuật chạm lộng, các nghệ nhân đã chạm nổi đề tài hoa cúc cách điệu. Tại điểm nối giữa quá giang, cổ nghé và cột hiên, những người thợ dân gian đã khéo léo kết hợp kỹ thuật vát hình sống khế cùng kỹ thuật chạm nổi khắc hoạ đề tài hoa sen cách điệu. Trên 8 bẩy hiên 2 phía Bắc và Nam, bằng kỹ thuật xoi chỉ, chạm chong kênh, các nghệ nhân đã thể hiện sinh động 2 đề tài long ẩn vân và chim phượng cách điệu với những đường nét chạm trổ tinh tế, mềm mại. Trên ván ấm của vì kèo phía Tây di tích có khắc chìm dòng lạc khoản “Hoàng triều Khải Định lục niên lục nguyệt nhị thập nhật tạo tác, Khải Định thất niên, ngũ nguyệt hoàn công” (Năm Khải Định thứ 6, tháng 6 ngày 12 xây dựng đến …tháng 5 năm 1922 hoàn thành).
Với khả năng sáng tạo phong phú, các nghệ nhân xưa đã kết hợp, lồng ghép các mảng điêu khắc một cách nhuần nhuyễn, tạo nên một bức tranh tổng thể giàu tính nghệ thuật.

Trong đình có một bia đá, nguyên xưa bia được đặt trước “Văn hội của làng”. Từ sau năm 1921, “Văn hội” xuống cấp nên bia đá được chuyển về bái đình di tích cho đến nay. Hiện nay, bia được đặt ở gian thứ 3 bên trái của bái đình bằng đá xanh nguyên khối. Bia gồm 3 phần: đế, thân và trán bia. Mặt trước bia khắc ghi về ngày, tháng thành lập Văn hội, Văn từ làng Trụ Thạch, trình tự các khoa thi và những người đỗ đạt được nhân dân ngưỡng vọng, tôn thờ… Mặt sau ghi ngày tạo dựng bia, người soạn văn, ghi lại nội dung bia ký. Bia do cử nhân Nguyễn Bưu, tri huyện Tiên Du soạn và cử nhân Trần Đăng Thiểm ghi. Phía trên trán bia khắc chìm đề tài “lưỡng long tranh châu” với những đường nét chạm khắc trên đá tinh xảo, uyển chuyển sinh động.

Hậu cung của đình được xây dựng năm 2006, gồm một toà một gian thờ dọc, kết cấu theo kiểu “gác tường bít đốc”. Ba phía xây tường bao, phía trước để thông với bái đình. Nhà có tổng diện tích 10,8m2, mái lợp ngói Tây, nền láng xi măng, phía trước có cửa ván dật. Ở giữa Hậu cung bài trí một hương án gỗ mít sơn son thiếp vàng, phía trên đặt một bộ long ngai, bài vị, hai bên là đôi hạc gỗ trong tư thế đối nhau. Ở giữa ngoài cùng đặt một bát hương bằng sứ, bên trái để hòm đựng sắc phong của các thần.

Vườn di tích có tổng diện tích là 1497,4m2, trồng một sso cây cảnh như phượng, đa, bồ đề… vừa tạo cảnh đẹp, vừa tạo bóng mát cho di tích.

Trước đây, đình Trụ Thạch có nhiều đồ thờ và đồ tế khí nhưng do biến động của lịch sử và thời gian nên những đồ tế khí có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã bị mất hoặc bị thất lạc. Hiện nay di tích còn 11 hiện vật bằng nhiều chất liệu như: đá, gốm, sứ, gỗ, giấy dó…

Đình Trụ Thạch là nơi cố kết cộng đồng. Qua lễ hội truyền thống hàng năm, người dân nơi đây bày tỏ lòng biết ơn các vị thần đồng thời là dịp để các vị cao niên, tiền bối ôn lại truyền thống, giáo dục các thế hệ trẻ tiếp bước cha ông và giữ gìn các giá trị văn hóa. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật riêng có, đình Trụ Pháp là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu trên mảnh đất Yên Thành giàu truyền thống cách mạng.

Video