Đình làng Thượng

Tác giả: admin
Ngày 2011-06-09 08:51:42

Đình Làng Thượng là tên di tích được nhân dân gọi theo địa danh của làng mình trước đây thuộc làng Thượng, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Hạnh Lâm xưa có 2 làng, đó là làng Thượng và làng Hạ. Thời Nguyễn, vùng đất di tích có địa danh là xã Man Lâm, tổng Cát Ngạn, nằm trong miền thung lũng sông Giăng được khai phá từ rất sớm. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, trên cơ sở 5 tổng toàn huyện Thanh Chương đã phân chia thành 12 xã, đình Làng Thượng thuộc xã Minh Sơn. Năm 1954, huyện thanh Chương trên cơ sở 12 xã chia thành 41 xã, di tích thuộc xã Thanh Đức. Năm 1967, xã Thanh Đức tách thành 2 xã là Thanh Đức và Hạnh Lâm, đình Làng Thượng thuộc xã Hạnh Lâm. Năm 1969, Thanh Đức và Hạnh Lâm hợp nhất thành một xã có tên là Hạnh Lâm. Năm 2000, Hạnh Lâm lại chia thành hai xã Thanh Đức và Hạnh Lâm, di tích thuộc xóm 8, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương. Tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay.

Đình Làng Thượng cách Thành phố Vinh 75km về phía Tây. Du khách có thể đến tham quan di tích bằng 2 đường:
Đường bộ: xuất phát từ Vinh theo quốc lộ 46 (tuyến Vinh – Thanh Chương) đến thị trấn Dùng, du khách rẽ trái đi theo đường 533 khoảng 10 km gặp ngã ba chợ Chùa, tiếp tục rẽ trái theo đường liên xã khoảng 15km là đến di tích.

Đường thuỷ: từ chân cầu Bến Thuỷ, du khách đi thuyền ngược sông Lam đến ngã ba đò Dùng rẽ trái theo dòng sông Giăng khoảng 17km gặp địa phận xóm 8 xã Hạnh Lâm, du khách lên bờ đi bộ khoảng 300m về phía tay trái là đến di tích.

Nằm ở địa đầu của huyện, Hạnh Lâm là địa bàn chiến lược quan trọng. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống vất vả, khó khăn cộng thêm ách áp bức bóc lột nặng nề của thực dân phong kiến đã tôi luyện nên những con người Hạnh Lâm có tinh thần đấu tranh giữ làng, giữ nước kiên cường.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cũng như trên phạm vi toàn huyện Thanh Chương, ở Hạnh Lâm thực dân Pháp ra sức xây dựng cơ sở xã hội làm chỗ dựa cho hệ thống cai trị thuộc địa. Chúng biến bộ máy cai trị của giai cấp phong kiến từ huyện, tổng đến làng, xã làm tay sai để đàn áp bóc lột nhân dân.

Năm 1920, tại Thanh Chương, tên Sapanho bao chiếm cả một vùng rộng lớn Lạc Sơn. Năm 1923, Tri huyện Thanh Chương Nguyễn Khoa Nghi cho tên Nguyễn Tường Viện (thường gọi là Ký Viện) mở đồn điền 2 hecta ở xã Hạnh Lâm. Được sự che chở, dung túng của bọn quan lại, hào lý, Ký Viện thực hiện lấn chiếm hàng trăm hecta, kể cả đường đi lối lại của nhân dân.

Ngoài việc cướp đoạt ruộng đất, bọn thực dân phong kiến thực hiện một chế độ thuế khóa hà khắc, chúng bày đặt ra nhiều thứ thuế: thuế ruộng đất, thuế lâm sản, thuế chợ, thuế đò… Sưu thuế ngày một tăng, tô tức ngày một nặng đè lên đầu, lên cổ người dân lao động, gây bao cảnh đói nghèo, đau khổ, ly tán trong nông thôn hồi bấy giờ: “Đêm năm canh, trống giục, mõ dồn, nỗi sưu thuế, chồng than thở, vợ lăn lóc. Ngày sáu khắc, làng đòi xã bắt, việc lính phu anh trốn ngược,chú trốn xuôi”.

Ngày 20/3/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương được thành lập là kết quả của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác- Lê nin với phong trào yêu nước sôi nổi của nhân dân trong huyện. Sự ra đời của Đảng bộ đã thống nhất về tổ chức và hoạt động, mở ra bước ngoặc đối với phong trào đấu tranh cách mạng của Thanh Chương.

Ngày 24/4/1930, Tỉnh ủy Nghệ An mở hội nghị kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và bàn kế hoạch phát động quần chúng đấu tranh nhân ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1/5. Đồng chí Đinh Thốc- Huyện ủy viên và đồng chí Nguyễn Như Cầu - Ủy viên Ban chấp hành Sinh hội được cử đi dự hội nghị này để về truyền đạt ý kiến.

Ngay sau đó, Huyện ủy đã họp để tiếp thu chủ trương của Hội nghị Tỉnh ủy và bàn kế hoạch vận động quần chúng. Hội nghị quyết định: tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn trong toàn huyện, nơi nào có điều kiện thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đưa yêu sách. Nhân dân các làng Hạnh Lâm, Cát Ngạn, Đức Nhuận, La Mạc đã hưởng ứng và tổ chức đọc những dòng truyền đơn của Đảng và treo cờ đỏ búa liềm trong vùng.

Đồng chí Nguyễn Thế Toại- Bí thư Tổng ủy Cát Ngạn đã triệu tập một hội nghị quan trọng tại Hạnh Lâm vào ngày 27/4/1930, để bàn kế hoạch tổ chức mít tinh biểu tình kỉ niệm ngày 1/5/1930 và vận động quần chúng đấu tranh đòi Ký Viện trả lại ruộng đất và đường đi cho nhân dân.

Nghị quyết của Hội nghị được khẩn trương thực hiện. Đảng viên và hội viên Nông hội Hạnh Lâm đã sử dụng những chiếc gươm gỗ làm vũ khí thị uy bọn cường hào gian ác. Gươm được cắm ngay trước cổng nhà của chúng. Gươm còn được buộc chéo dưới những cây cao có treo cờ (cây bàng chợ Tán, cây đa chợ Hội, cây nhãn chợ Đồn), bên cạnh viết thêm dòng chữ “Từ hào mục chí thứ dân, không ai được hạ cây cờ này”. Đêm 30/4/1930, tiếng rao khắp làng “Ai thương nước thương dân hãy vùng lên tham gia đoàn biểu tình để đòi quyền lợi”. Nhân dân nghe vậy rất náo nức đốt lửa cổ động khắp cả làng suốt đêm chờ giờ xuất phát. Truyền đơn rải khắp các ngả đường, cờ Đảng được cắm trên mái đình Làng Thượng và các cây cao. Từ 2 giờ sáng ngày 1/5/1930, sau hồi trống phát lệnh tại đình làng của đồng chí Nguyễn Đình Sòng, tiếng trống ngũ liên và tiếng rao làng vang lên dọc vùng sông Giăng. Tiếng rao làng vừa báo tin vừa kêu gọi “Những ai con Lạc chấu Hồng sáng mai nghe tiếng trống ngoài đình ra đi biểu tình cho sớm”.

Sáng ngày 1/5/1930, 3000 nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc và Đức Nhuận mang theo giáo mác, cuốc, xẻng kéo về đình Làng Thượng nghe đại diện Huyện uỷ nói rõ ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động và vạch tội ác của tên địa chủ kiêm tư sản Nguyễn Tường Viện. Sau đó, những người tham gia mít tinh được chia làm hai đoàn kéo về đồn điền Ký Viện. Ký Viện hoảng sợ bỏ trốn, nhân dân triệt phá toàn bộ cơ ngơi của hắn. Sau tiếng nổ vang trời phát ra từ kho mìn, nhà cửa, chuồng trâu, kho tàng, đồn điền chìm trong khói lửa.

Chiều ngày 1/5/1930, Chi bộ Hạnh Lâm họp bàn việc tổ chức mít tinh để tuyên truyền thắng lợi và phổ biến kế hoạch đối phó với sự khủng bố của địch.

Sáng 2/5/1930, 500 quần chúng Hạnh Lâm đang mít tinh tại đình Làng Thượng thì máy bay của thực dân Pháp từ Vinh bay lượn lên quan sát tình hình. Sự xuất hiện bất thần của kẻ địch làm cho quần chúng dự mít tinh càng thêm cảnh giác.

Sáng 3/5/1930, giám binh Vinh là PơTy, thương tá Hồng Quang Địch và tri huyện Thanh Chương- Phan Thanh Kỷ trực tiếp chỉ huy binh lính thực hiện cuộc đàn áp. Bọn chúng huy động 100 lính khố xanh ở Vinh và các đồn từ Thanh Quả, Đô Lương, Con Cuông đến đóng chốt ở đình Làng Thượng. Chúng cho hào lý mang địa bạ ra bắt dân làng bồi thường cho tên Ký Viện. Hào lý lo sợ trước áp lực của quần chúng, nhất là khi tây đồn và tỉnh huyện đã rút đi không còn ai bảo vệ chúng, nên đã không dám thi hành lệnh của quan trên. Chúng bắt giam hào lý. Chi bộ Đảng ở đây liền tổ chức ngay một cuộc biểu tình đòi thả hào lý, đồng thời nêu các khẩu hiệu đấu tranh: miễn sưu, hoãn thuế, cấp công điền, điền thổ. Bọn cầm quyền hèn nhát thực hiện yêu sách, phải thả hào lý nhưng lại trắng trợn bắt giam một số người mà chúng cho là cầm đầu cuộc đấu tranh. Vì thế, cuộc biểu tình lại tiếp tục, quần chúng bao vây đình Làng Thượng, giữ bọn tây đồn lại, thả những người bị bắt, đòi trục xuất Ký Viện ra khỏi địa hạt. Suốt hai ngày đêm, hết dụ dỗ đến hăm doạ, bọn chúng vẫn không sao phá được vòng vây ngày càng khép chặt của 1500 quần chúng để mở đường rút lui. Ký Viện không dám trở lại, người dân tự thực hiện những yêu sách của mình. Nhiều làng xã đã quyên góp tiền bạc, thóc gạo gửi đến trợ giúp những gia đình có người bị nạn.

Sáng ngày 4/5/1930, giám binh PơTy ra lệnh cho lính bắn xả vào quần chúng làm 17 người bị thương và 18 người bị chết tại đình. Những giọt máu hồng của họ đỏ xuống tại sân đình làng Thượng mãi toả hương chính khí và tô thắm thêm truyền thống anh hùng cho quê hương.

Sau cuộc biểu tình Vinh – Bến Thuỷ và Thanh Chương, kẻ địch đã phải thú nhận: “ở Bến Thuỷ, Hạnh Lâm cuộc biểu tình chấm dứt bằng đổ máu, điều ấy kích động mạnh mẽ và sâu sắc dư luận của công chúng. Công chúng thức tỉnh và phong trào do đó mà càng rộng hơn và mạnh mẽ hơn...”

Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của nhân dân Hạnh Lâm cùng với Vinh- Bến Thuỷ là chiến công đầu tiên của công nông Nghệ Tĩnh. Sự kiện này ghi vào lịch sử Việt Nam một cột mốc quan trọng, mở đầu cho phong trào cách mạng 1930 – 1931 trên toàn quốc. Mặc dù bị dìm trong biển máu nhưng thành quả của cuộc đấu tranh là giành lại số ruộng đất về tay nông dân. Tinh thần đấu tranh hy sinh dũng cảm của nông dân Hạnh Lâm và các chiến sĩ Xô Viết trong ngày đầu ra quân đã cổ vũ nhân dân các huyện vùng lên. Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Nghệ An phát truyền đơn và đưa tin trên báo Người Lao Khổ: “kêu gọi các tầng lớp nhân dân noi gương công nhân, nông dân Vinh – Bến Thuỷ và Thanh Chương hãy mít tinh biểu tình, bãi công, bãi khóa, phản đối chính sách khủng bố của địch”. Nhận xét về cuộc đấu tranh, biểu tình tại Hạnh Lâm, Gs Trần Văn Giàu đánh giá: “Cũng từ cuộc đấu tranh đó, Thanh Chương là một trong những nơi ngọn lửa đấu tranh bốc cao mãi”.

Không chỉ là nơi đã ghi dấu sự kiện lịch sử tiêu biểu, đình Làng Thượng còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng của nhân dân. Hàng năm cứ đến ngày lễ, bà con trong làng tụ hội về đây “ôn cố tri tân” và tổ chức hoạt động văn hoá, đốt đuốc trong Hội khoẻ Phù Đổng, nơi kết nạp đảng viên, đoàn viên, tổ chức lễ hội mừng xuân, nơi tiễn đưa con em lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là những việc làm tôn vinh giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân địa phương.

Qua khảo sát kết cấu kiến trúc đình Làng Thượng, các bài viết, công trình nghiên cứu của nhiều tác giả và đặc biệt theo lời kể của các cụ cao niên trong làng cho biết, Đình làng Thượng được khởi công xây dựng do sự đóng góp và công đức của nhân dân, sau đó thuê cụ Ấm Vĩ làm ( cụ là người làng Nguyệt Bổng, nay thuộc xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, nơi có nghề mộc nổi tiếng). Trên một tấm ván mê ở đại đình còn lưu giữ được dòng chữ ghi lại niên đại xây dựng ngôi đình như sau: “Duy Tân nguyên niên trọng đúng đạo tác trọng xuân khánh thành” tức là “giữa mùa đông năm Duy Tân 1907 khởi công xây dựng, giữa mùa xuân năm sau khánh thành”.

Đình toạ lạc trên một gò đất cao, nằm quay mặt hướng Nam, khuôn viên có tổng diện tích 1270 m2. Phía trước đình là con đường liên xã và đồng ruộng, ba phía còn lại liền kề khu dân. Vị trí địa lý và không gian cảnh quan đình Làng Thượng rất đẹp, vừa rộng rãi vừa thoáng mát nhưng vẫn là chốn linh thiêng. Trải qua bao thời gian, thiên tai, chiến tranh nhưng đình Làng Thượng vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính.

Cổng đình trước đây gồm 2 cột trụ, hình nghê. Năm 1995, cổng đình được phục dựng trên nền cũ. Cổng có chiều cao 4,55m, dài 9,4m. Cửa chính phục dựng theo kiểu chồng diêm, có chiều rộng 3,2m. Hai cửa phụ phục dựng theo kiểu vòm cuốn, rộng 1,6m, cao 1,15m.

Qua khỏi cổng là sân đình. Sân có diện tích 119,6m2 ( dài 16,85m, rộng 7,1m) được làm bằng vữa tam hợp. Giữa sân đình là bia dẫn tích bằng đá xanh, nền bia giật hai cấp lát bằng gạch đỏ đất nung. Bia chia làm hai nửa, phần nửa trên đầu bia là bức phù điêu khắc hoạ hình ảnh đấu tranh của quần chúng nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phía dưới là dòng chữ: “Ngày 1-5-1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng, 3000 nông dân các làng Hạnh Lâm - La Mạc- Nhuận Trạch - Lạc Sơn - Yên lạc- Đức Nhuận đã biểu tình kéo đến đồn điền Ký Viễn. Viễn bỏ chạy, đoàn biểu tình đã đốt phá dinh cơ của hắn. Ngày 3-5-1930, trên 100 lính Pháp và lính khố xanh do tri huyện dẫn đường đến đàn áp suốt hai ngày đêm. Tại đây đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch. Kẻ thù đã điên cuồng bắn vào đoàn biểu tình làm 18 người hy sinh và 17 người bị thương. Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, của nông dân Hạnh Lâm đã gây một tiếng vang lớn góp phần mở đầu cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh”.

Từ sân đình chúng ta bước vào đại đình. Mặt bằng kiến trúc đại đình cao hơn sân là 0,30m. Đây là công trình kiến trúc chính, có niên đại xây dựng sớm nhất trong toàn bộ kiến trúc đình Làng Thượng.

Đại đình có diện tích 93,09m2 (dài 12,84m, rộng 7,25m), mặt trước để trống, ba phía còn lại xây tường.

Mái đình lợp ngói âm dương. Bộ mái xoè rộng ra bốn phía và kéo dài xuống chiếm 2/3 chiều cao toàn bộ nhưng không nặng nề mà rất duyên dáng, uyển chuyển. Lối cấu trúc 4 mái nên nhìn từ hướng nào cũng như chính diện, chắc chắn dứt khoát mà không cứng nhắc, gò bó.

Trên những cạnh mái gặp nhau- các đường bờ nóc, bờ giải được đắp cao như những đường gân chắc chắn, được trang trí hình rồng đuổi nhau. Trên phần chính diện được phân bố cân đối, tất cả như có tụ điểm là hình tròn và những tia sáng bốc lên làm cho bộ mái sinh động và nhẹ hẳn lên.

Mặt bằng kiến trúc đại đình hình chữ Nhất (-). Đại đình được xây dựng bằng gỗ lim, chò chỉ, săng lẻ. Nền nhà lát gạch đỏ đất nung cỡ 0,20m x 0,20m. Đại đình là một tòa nhà lớn dàn ngang kéo dài về hai bên, có số gian lẻ 3 gian, thêm hai trái ở hai đầu.

Nâng đỡ toàn bộ phần mái và các bộ phận khác là hệ thống cột gồm có 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc bằng gỗ lim chắc chắn, có 2 cột hiên xây bằng gạch trát vữa xi măng. Các cột được kê trên hệ thống chân tảng bằng đá xanh cỡ 0,40m x 0,40m.

Hoành mái có kích thước 0,80m x 1,20m. Rui mái là những thanh gỗ lim mỏng, rải nằm vuông góc trên các thân hoành và chạy theo chiều dốc của mái. Vì kèo được kết cấu kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”. Nâng đỡ bộ phận giá chiệng là hệ thống câu đầu và nằm trên trung điểm xà thượng và xà hạ ăn mộng vào hai đầu cột cái. Từ đó là hệ thống kẻ truyền chui qua hai đầu cột cái xuống tận cột quân và nối liền với đường bẩy vươn ra tận phía ngoài hiên nâng đỡ tàu mái. Nối liền các bộ vì lại với nhau là hệ thống xà dọc và hệ thống hoành có độ dài trườn ứng với khẩu độ của từng gian. Ở 2 gian giữa có sự thay đổi theo xu hướng mở rộng không gian bằng cách sử dụng cột cái trốn chân.

Kỹ thuật điêu khắc chạm trổ trên đình làng Thượng chủ yếu là chạm bong kênh. Các bẩy được trạm trổ hình ảnh hoa lá (tùng, cúc, trúc, mai) và các tầng mây cuộn vào nhau. Các vì kèo chạm trổ hình hổ phù, phượng bay. Xà hạ gian giữa chạm hình lưỡng long chầu nguyệt.

Đình Làng Thượng là một công trình văn hoá có giá trị nghệ thuật cao, là nơi ghi dấu sự kiện đấu tranh anh dũng của nhân dân Thanh Chương nói chung, Hạnh Lâm nói riêng trong cao trào cách mạng 1930 – 1931. Năm 2007, đình Làng Thượng được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh. Đây là nơi để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương. Đồng thời là điểm du lịch văn hoá tâm linh độc đáo nằm trên tuyến tham quan thủy bộ: Vinh- Nam Đàn- Thanh Chương.

Video