Đình làng Quỳnh Đôi

Tác giả: admin
Ngày 2010-01-07 02:39:59

Đình làng Quỳnh Đôi thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Từ Vinh theo đường quốc lộ 1A đến thị trấn Cầu Giát rẽ phải khoảng 5km là đến di tích.

Quỳnh Đôi được thành lập năm 1378. Xưa làng có tên là Thổ Đôi Trang. Người dân Quỳnh Đôi sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và dệt lụa.

Quỳnh Đôi nổi tiếng là đất văn vật. Tính từ năm 1444 đến năm 1725 Quỳnh Đôi có 707 người đỗ từ đầu xứ đến tam giáp, nhị giáp, tiến sĩ. Trong số đó có nhiều đại thần, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, sử học mà cả nước biết đến. Đó là tiến sĩ - đông các đại học sĩ Hồ Sĩ Dương; tiến sĩ - hoàng giáp Hồ Phi Tích; tiến sĩ - hoàng giáp Hồ Sĩ Đống... Rồi giải nguyên Hồ Sĩ Tôn, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân... Sau này có Hồng lô tự khanh Phạm Đình Toái đã hoàn thiện tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca.

Quỳnh Đôi là quê hương của nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ nôm của Việt Nam, là quê hương của các tiến sỹ, văn sỹ nổi tiếng…

Quỳnh Đôi còn là vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đã cống hiến cho dân tộc nhiều anh hùng hào kiệt qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Từ thế kỷ XV, người Quỳnh Đôi như các ông Hồ Hân, Trần Bá Đắc, Phan Hoàng Nhiễu đã có mặt ở cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đứng dưới cờ Lê Lợi. Trong phong trào Tây Sơn, đã có các ông Hồ Phi Tứ, Phan Chí Tùy.. .gia nhập nghĩa quân. Hai chị em bà Nguyễn Thị Phát đã tự nguyện xuất tiền, xuất gạo nuôi quân Quang Trung.

Khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, đa số sĩ phu, nhân dân Quỳnh Đôi đứng về phe chủ chiến. Tiêu biểu nhất là các cụ Văn Đức Giai, Dương Doãn Hài, Hồ Bá Ôn. Thời Cần Vương, sĩ phu Quỳnh Đôi như các ông Phan Duy Phổ, Hồ Trọng Miên... đều nhiệt liệt hưởng ứng. Tham gia khởi nghĩa chống Pháp có các cụ giải nguyên Nguyễn Quý Yêm bỏ quan theo Tống Duy Tân rồi bị Pháp bắt và xử tử nãm 1891 hay như cụ giải nguyên Dương Quế Phổ chống Pháp ở Quỳ Châu bị bắt giải về Vinh đã uống thuốc độc tự tử để giữ tròn danh tiết (1887). Cũng trong phong trào chống Pháp sau đó ít lâu nổi bật lên những gương mặt khí tiết của người Quỳnh Đôi như bà Lụa (Trần Thị Trâm), vợ ông Hồ Bá Trị, em ruột án sát Hồ Bá Ôn. Bà Lụa đã bôn ba từ Việt Nam sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn... và làm liên lạc cho các chí sĩ cách mạng. Bà bị giặc bắt, dụ dỗ, tra tấn song không hé răng một lời. Đình làng Quỳnh Đôi đã trở thành nơi gặp gỡ của các sỹ phu yêu nước trong phong trào Văn Thân Cần Vương.

Trong phong trào xuất dương cứu nước nhiều thanh niên Quỳnh Đôi đã hăng hái ra đi như Hồ Học Lãm, Nguyễn Nhu, Hồ Ngọc Chương, tiêu biểu là đồng chí Hồ Tùng Mậu, một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Quỳnh Lưu được chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1924. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1925 trở về sau, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lên cao, đình Quỳnh Đôi trở thành nơi tập trung các cuộc đấu tranh, hội họp bí mật của các tổ chức cách mạng như: Tân Việt và Thanh Niên. Những thanh niên yêu nước làng Quỳnh thường tổ chức các hoạt động văn hoá tại đình làng, diễn kịch, tuồng, trò Trưng Trắc, Trưng Nhị, bình thơ để tuyên truyền, cổ động trong quần chúng nhân dân.

Trên cơ sở sự phát triển của các tổ chức Tân Việt và Thanh Niên, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào tháng 3-1930 chi bộ Đảng làng Quỳnh được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều cuộc diễn thuyết, mít tinh biểu tình đã được tổ chức tại đình làng lôi kéo nhân dân các làng đến tham dự.

Tại Đình làng đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu trong thời kì 1930-1931. Ngày 20-6-1930 nhân dân Quỳnh Đôi cũng tham gia tích cực trong cuộc biểu tình tại xã Quỳnh Thuận. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình tối hôm trước đó, chi bộ Quỳnh Đôi đã tổ chức treo cờ và diễn thuyết tại đình làng để biểu dương lực lượng và cổ vũ khí thế cách mạng.

Ngày 1-8-1930 nhân kỷ niệm ngày thế giới đứng lên đấu tranh chống đế quốc chi bộ Đảng Quỳnh Đôi đã tổ chức treo cờ, rải truyền đơn tại đình làng và các địa điểm trọng yếu.
Đầu tháng 10-1930 chi bộ Quỳnh Đôi đã tổ chức cho nhân dân tham gia vào phong trào đấu tranh ở Quỳnh Yên. Tự vệ đỏ đã tổ chức treo cờ tại đình làng để cổ vũ tinh thần cho nhân dân.

Đội tự vệ đỏ làng Quỳnh hàng đêm tập trung diễn tập tại đình làng để chuẩn bị tinh thần cho các cuộc đấu tranh. Trong các cuộc biểu tình, tiếng trống lệnh được phát ra từ Đình làng đã kêu gọi, thúc dục quần chúng nhân dân tập trung tập hợp lực lượng tại đình rồi kéo lên phủ huyện đấu tranh, đưa yêu sách đòi quyền lợi. Khi chính quyền Xô Viết ra đời ở các thôn xã thì đình trở thành nơi làm việc của các chính quyền xã Bộ Nông. Mọi hoạt động chính trị, xã hội, văn hoá, quân sự, kinh tế và văn hoá đều được quy tụ tại đình làng. Chính quyền Xô Viết ra đời đã đem lại một cuộc sống mới no ấm, tươi vui cho nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, tại ngôi đình làng Quỳnh Đôi, chính quyền Xô viết đứng ra gánh vác công việc như một chính quyền cách mạng theo gương cách mạng tháng Mười Nga. Tại đây chính quyền đã đứng ra tuyên bố xoá bỏ địa tô, bãi miễn vụ mùa cho nhân dân. Các lớp học chữ quốc ngữ, lớp học văn hoá được tổ chức ngay tại đình làng.

Không chỉ vậy Đình làng Quỳnh Đôi còn là chứng tích tố cáo tội ác dã man của kẻ thù. Tại nơi đây đã diễn ra nhiều hành động trắng trợn tàn bạo của bọn thực dân phong kiến. Sau các sự kiện đấu tranh và sự ra đời của chính quyền Xô Viết. Bọn đế quốc tay sai vô cùng căm tức, chúng mở nhiều cuộc khủng bố trắng để đàn áp cách mạng. Từ tháng 1-1931 tại Quỳnh Đôi thực dân Pháp kéo về đóng đồn tại Đình làng Quỳnh và đặt 9 điếm canh ở những nơi có phong trào mạnh. Suốt ngày bọn lính lùng sục bắt bớ những người hoạt động cách mạng đem về tra khảo, giam giữ. Để uy hiếp tinh thần cách mạng của quần chúng, thực dân Pháp và lũ tay sai đã tra tấn dã man các chiến sỹ ngày tại đình làng. Chúng dùng vũ lực, dụ dỗ, mua chuộc cũng không làm lay chuyển được ý chí cách mạng của những người con làng Quỳnh gang thép, kiên cường, thuỷ chung. Giữa tháng 2 năm 1931, chúng đã đem bắn 9 chiến sỹ cách mạng trước cửa đình làng, đó là các đồng chí: Dương Ngọc Liễn, Hoàng Văn Hợp, Hồ Sỹ Nam, Hồ Phi Phồn, Hồ Sỹ Hoan, Phan Minh Khang…

Trong cách mạng tháng 8 năm 1945, đình làng Quỳnh cũng là nơi hội họp làm việc của Mặt trận Việt Minh.
Đình được xây dựng từ năm 1850, nhưng bị chiến tranh và thiên tai tàn phá làm hư hỏng nhiều. Năm Tự Đức thứ 17 (1854) đình được thiết kế sửa chữa lại. Ông Phạm Đại Phu giúp làng đá, một số người cùng lo việc xây dựng đình như ông Hồ Văn Viễn - cựu lý trưởng, Dương Đức Quán, Phạm Đình Uyển, Phạm Đình Toái (cụ Hường Phạm) làm quan trong triều đình Huế. Toàn bộ số gỗ lim làm đình và ngói lợp đều do cụ Phạm Đình Toái bỏ tiền ra để lo liệu. Đến năm Tân Hợi 1861 toàn bộ công trình ngôi đình được hoàn thành. Cột đình 3 người ôm, đình cao hơn cả điện Thái Hòa triều Nguyễn ở Huế. Đình làng cao ráo thoáng mát, xung quanh có nhiều cây cối làm cho đình càng thêm vẻ uy nghiêm.

Đình làng Quỳnh Đôi khá đồ sộ, mặt ngoảnh hướng Đông Nam, gồm có 5 gian, 2 hồi có 6 vì kèo, 24 cột, cột cao 5,3m có đường kính một người ôm không xuể. Đình xây theo kiểu tứ trụ, mái chuông, lợp ngói nam ta, vì kèo được chạm trổ hoa văn hoa lá. Trước sân đình dựng 2 bia đá nói về lịch sử xây dựng và trùng tu đình.

Đình làng là trung tâm hành chính, văn hoá của làng. Đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của cả làng, hàng năm nhân dân thường tổ chức các kỳ tế lễ, vui chơi sinh hoạt trong các lễ hội như Lễ kỳ yên, lễ kỳ phúc.... Các lễ hội tổ chức tại đình khá long trọng, nhất là Lễ rước Thần từ Đền về đình làng. Sau các nghi thức tế lễ dân làng tổ chức các trò vui chơi, ca hát.
Đình làng Quỳnh Đôi còn là một di tích cách mạng trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1978 đình làng đã được chính quyền địa phương dùng làm nhà truyền thống của xã để phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho con em địa phương. Trong đó có trưng bày một số tài liệu hiện vật liên quan đến phong trào cách mạng Quỳnh Đôi như báo Lao Động, mâm chè, mác, gậy mun, va ly, sắc lệnh của Hồ Chủ Tịch…..

Với những ý nghĩa đó đình làng Quỳnh Đôi đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991.

Video