Đình Chợ Xâm

Tác giả: admin
Ngày 2009-10-05 03:23:28

Đình Chợ Xâm thuộc làng Kim Khê Trung, xã Kim Khê, tổng Kim Nguyên, nay là xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Di tích nằm về phía Tây Bắc của huyện Nghi Lộc, cách thành phố Vinh 15 km.

Trước năm 1930, làng Kim Khê Trung là một làng lớn của tổng Kim Nguyên. Dân cư có cả lương và giáo, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Hai họ Đặng và Nguyễn, cách đây trên 500 năm đến khai hoang lập ấp Kim Ngọc, Ngọc Đình, Kim Trung, sau này thành đất Kim Khê Trung, tổng Kim Nguyên.

Kim Khê Trung là làng quê nghèo, song từ xưa đã có truyền thống văn hoá. Trong làng có 13 tú tài, 9 cử nhân, Phó bảng Nguyễn Văn Huyên, được nhà vua cử làm Đốc học tỉnh Khánh Hoà và quan võ Đặng Văn Đẳu được phong hàm Lục phẩm chức Chính quân.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cả Nghệ Tĩnh dấy lên phong trào chống Pháp. Hoà chung không khí sôi động đó, nhân dân tổng Kim Nguyên tích cực góp tiền, gạo tiếp tế cho nghĩa quân, chặt tre, rào làng ngăn chặn quân giặc, xây thành đắp luỹ tại chân núi Thần Vũ làm căn cứ lâu dài. Các chí sỹ như Đinh Văn Chất, Ngô Quảng, Đặng Thọ Ngợi đã chọn địa điểm, tập hợp quân sỹ. Đình Chợ Xâm là nơi Tiến sỹ Đinh Văn Chất cùng các sỹ phu đàm đạo thơ văn và bàn định thời cuộc, kêu gọi mọi người theo Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp. Nghi Hoa là quê hương của nhiều nhà cách mạng tiền bối làm rạng danh cho mảnh đất Xứ Nghệ, tiêu biểu có Trần Văn Tăng, Trần Văn Cung, Trần Văn Quang, Trần Văn Bành, Trần Thị Liên...

Vào những năm 1925- 1926, thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu và các sỹ phu lớp trước được Hội Phục Việt tuyên truyền sâu rộng, tạo điều kện cho quần chúng tiếp cận với trào lưu tư tưởng mới. Nhiều thanh niên của tổng Kim Nguyên tham gia hoạt động và trở thành hội viên của Phục Việt. Trần Văn Cung, người con ưu tú của làng Kim Khê được tổ chức Phục Việt cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Về quê, anh đi tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước ở nhiều dịa phương hai huyện Nghi Lộc và Anh Sơn.

Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 4/1930, Huyện uỷ Nghi Lộc được thành lập tại nhà thờ cụ Nguyễn Thức Tự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức quần chúng: nông hội, phụ nữ giải phóng, tự vệ ra đời là chỗ dựa vững chắc cho Đảng tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh. đến tháng 6- 1930, tổng Kim Nguyên có 5 Chi bộ ghép với 40 đảng viên.

Đình Chợ Xâm có địa thế thuận lợi, cây cối rậm rạp, tĩnh mịch linh thiêng trở thành trung tâm liên lạc, hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng trong cao trào cách mạng 1930- 1931. Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu lạc với những dụng cụ in ấn thô sơ, hàng trăm tờ truyền đơn về tin đấu tranh, chỉ thị nghị quyết của Đảng được in ra. Khi tài liệu chưa kịp chuyển đi thì được cất trong bệ thờ và đồ tế khí.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng tổng Kim Nguyên, phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra liên tiếp trong 2 năm 1930- 1931.

Ngày 26- 6- 1930, 300 nông dân tập tại đình Chợ Xâm, kéo đi phối hợp với các tổng Đặng Xá, Vân Trình, Thượng Xá lên huyện lỵ đòi giảm sưu thuế, chia ruộng công điền cho dân cày nghèo. Trước sức mạnh của quần chúng tri huyện Nghi Lộc Tôn Thất Hoàn phải nhượng bộ.

Ngày 15- 9-1930, tại đình Chợ Xâm, đồng chí Đinh Văn Thọ lãnh đạo trên 200 quần chúng mít tinh truy điệu những người đã hy sinh trong ngày 12/9 ở Hưng Nguyên với khẩu hiệu “ Không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh, không được tàn sát ném bom nhân dân biểu tình, bồi thường cho các gia đình hy sinh ở Thái Lão”. Sau đó, họ cùng phối hợp với đoàn của xã Phúc Thọ, Tân Hợp, Song Lộc bắt lý trưởng Đặng Văn Thuần ra cảnh cáo, phá đại lý rượu, phá nhà xi phan, cắt dây điện thoại, buộc quan võ phụ trách đồn trấn thủ bỏ thuế chợ, thuế thuyền của dân.

Từ đình Chợ Xâm, nhân dân Kim Khê tham gia cuộc biểu tình toàn huyện ngày 28- 9- 1930. Đoàn 4000 người đã phá chợ Sơn, nhà cửa, tài sản của tên Đỗ Toàn- chủ thầu thu thuế chợ Sơn. Đỗ Toàn hoảng sợ xin tha tội và hứa từ nay về sau không dám ức hiếp nhân dân.

Sau cuộc đấu tranh ngày 2- 1- 1931, Chi bộ Đảng Kim Khê tổ chức cuộc họp tại đình Chợ Xâm bàn biện pháp vay lúa của nhà giàu cứu đói cho dân, chống lại mọi thủ đoạn tổ chức rước cờ vàng, phát thẻ qui thuận của  địch. Được tin tri huyện Tôn Thất Hoàn đưa lính đến nhà làng Song Lộc bắt 2 gia đình cách mạng, cuộc họp giải tán và giao nhiệm vụ cho đồng chi Bí thư Chi vận động quần chúng hợp sức với nhân dân các làng đấu tranh. 3 giờ sau, hơn 200 bà con Kim Khê mang giáo, mác, gậy gộc kéo tới cùng trừng trị tri huyện và 5 tên lính tại cây đa Chính Vị.

Để đối phó với cuộc khủng bố trắng của kẻ địch trả thù vụ Tôn Thất Hoàn bị giết, Chi bộ Đảng tổng Kim Nguyên ngay đêm hôm sau họp tại đình Chợ Xâm bàn cách đối phó, ngăn chặn bọn lính xuống đàn áp và kêu gọi nhân dân giúp đỡ 320 gia đình Song Lộc bị thiêu trụi nhà cửa. Tri huyện Tôn Thất Kiều lên thay, đã cho lập thêm đồn bốt và tăng cường lính khố xanh mỗi đồn 40-50 tên. Riêng đồn Chính Vị và đồn Chợ Xâm chúng đưa lính lê dương đến chỉ huy khủng bố rất khốc liệt. Chưa đầy 3 tháng sau, 19 chiến sỹ cách mạng đã bị xử bắn ở cây đa đồn Chợ Xâm ( cạnh đình ). Đến tháng 6/1931, rất nhiều cán bộ, đảng viên ở Kim Khê và Tổng Kim Nguyên bị băt tù đày, hy sinh. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Đến năm 1933, 10 chi bộ Đảng trong huỵên được khôi phục.

Ngày 13- 9-1936, thực hiện Nghị quyết của tỉnh, Huyện uỷ Nghi Lộc họp đại biểu các Chi bộ tại đình Chợ Xâm bầu ra BCH gồm 5 đồng chí : Đặng Thọ Trị ( Nghi Long ), Nguyễn Thị Xân ( Nghi Trường ), Trần Văn Quang ( Nghi Hoa ), Nguyễn Trọng Kiên ( Nghi Xuân ), Nguyễn Đình Điền (Nghi Thạch ). Đầu năm 1937, Chi bộ độc lập làng Kim Khê Trung ra đời tại đình Chợ Xâm. Từ đây, phong trào cách mạng Nghi Hoa tiếp tục phát triển. Đình Chợ Xâm là nơi sinh hoạt, hội họp của Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến, đình Chợ Xâm được dùng làm kho chứa vũ khí và hàng hoá của nhà nước; nơi diễn ra lễ tiễn đưa con em Nghi Hoa lên đường nhập ngũ; khi các đơn vị về đóng quân trong xã đã chọn đình làm địa điểm sinh hoạt văn hoá, văn nghệ.

Đình Chợ Xâm được xây dựng năm 1841, trên một gò đất cao bằng phẳng ở phía Đông của làng. Khu vực di tích trước đây gồm có: phía Nam là giếng Chùa, một nhà chùa để thờ Phật ở phía Tây, cạnh chùa là nhà thờ Khổng Tử và Mạnh Tử, một thiên đài thờ thần Nông dựng giữa trời.

Đình Chọ Xâm có hai nhà Thưọng điện và Hạ điện. Hiện nay chỉ còn nữa nhà Thượng điện.Thượng điện gồm một gian hai hồi, cấu trúc đơn giản - kiểu tứ trụ, có 4 cột gỗ lim cao 2,78m, đường kính 0,70m, mái đình lợp ngói âm dương, trên đỉnh đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt, trước cổng có tắc môn. Xung quanh đình được xây một dãy tường dài. Cứ mỗi khoảng tường đắp các con ngựa, voi và những người lính cầm gươm dứng gác. Hai bên cổng có hai cột nanh cao 3,5m, trên đắp nổi hình đoá sen. Giữa sân đình có một cây đa cổ thụ, càng tôn cao vẻ uy nghi cổ kính của di tích.

Đình Chợ Xâm hàng năm tổ chức các lễ hội : lễ Thượng nguyên vào ngày 7 tháng Giêng, lễ Trung nguyên ngày Rằm tháng Bảy, Hạ nguyên vào Rằm tháng Chạp, cùng với nhiều trò chơi truyền thống như đánh cờ, vật, chơi cù, diễn tuồng, hát bội...

Đình Chợ Xâm đã gắn liền với nhiều sự kiện trong lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghi Hoa, nhất là thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931. Với ý nghĩa đó, đình Chợ Xâm được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, Quyết định số 95, ngày 24/1/1998.

Video