Đi tìm nguồn gốc của những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-13 03:20:48

Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Liền đó một cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản được dấy lên khắp toàn quốc, khởi đầu từ cuộc đình công của 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, của 4000 công nhân nhà máy dệt Nam Định, của 400 công nhân nhà máy Diêm, nhà máy Cưa Bến Thủy. Từ ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 phong trào được đẩy mạnh bởi hoạt động của công nhân từ các nhà máy, hầm mỏ ở Hà Nội, Hải Phòng, Cẩm Phả, Hòn Gai, Vinh - Bến Thủy, Sài Gòn, Chợ Lớn lan tỏa về các vùng quê Thái Bình, Hà Nam, Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Định, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Cần Thơ, Long Xuyên, Trà Vinh, Thủ Dầu Một và Mỹ Tho. Có thể nói kể từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ trước, trên đất nước ta chưa có một cuộc vận động chính trị nào có quy mô rộng lớn và cường độ mạnh như vậy. Phong trào chống thuế 1908, chẳng hạn, chỉ diễn ra ở một số tỉnh Trung Kỳ hoặc cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng chỉ nổ ra rời rạc rạc ở một vài tỉnh Bắc Kỳ. Cả hai biến cố trọng đại đó tồn tại trong vài tháng, còn cao trào cách mạng do những người Cộng sản chủ trương kéo dài trên một năm, diễn ra trên 25 tỉnh thành khắp 30 đất nước và đạt tới điểm đỉnh, ở Nghệ Tĩnh bằng việc thiết lập chính quyền Xô viết - chính quyền của số đông những người bị áp bức bóc lột, khác xa với chính quyền đương thời và trước đó. Một vấn đề đặt ra là sự ra đời của chính quyền Xô viết - một kiểu chính quyền hợp lòng dân, sao lại chỉ đứng vững được trong một thời gian ngắn? Trong các công trình khảo cứu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của các tác giả không phải ta đã tập trung lí giải những căn nguyên cơ bản : đó là cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch, đó là sự ấu trĩ buổi đầu ra quân của Đảng cộng sản. Hoàn toàn đúng. Bám sát chủ đề của cuộc hội thảo khoa học này - Nhận thức mới về phong trào Xô viết, trong bài viết này tôi mạnh dạn bàn đôi điều nhằm rọi sáng nguồn gốc của những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - một trong những căn nguyên làm cho chính quyền Xô viết tồn tại không lâu mà chúng ta chưa kịp đề cập tới. 

Nghiên cứu tiến trình phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ta có một nhận xét khái quát: Những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh chỉ xuất hiện những lúc phong trào có những dấu hiệu đi xuống. Điều đó có nhiều lí do nhưng lý do chủ yếu là sự phản ứng của những người cộng sản trước sự tấn công điên cuồng của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Trong lúc gay cấn nhất đó, để tiếp tục đưa phong trào tiến lên, lẽ ra những người cộng sản cần phải tỉnh táo, thì trái lại, như ta đã biết, đã có những giải pháp sai lầm - đề ra khẩu hiệu quá tả: “Trí phú Địa Hào; đào tận gốc, trốc tận rễ”, từ đó dẫn tới những hành động như triệt phá đền chùa miếu mạo - một sự tuyên chiến, đọan tuyệt với văn hóa cũ và xây dựng một nền văn hóa mới trên nền đất được dọn sạch. Sự thái quá trong chủ trương và hành động trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh không phải xa lạ, mà thuộc căn bệnh thường gặp trong phong trào cộng sản quốc tế từ sau 1919. Căn bệnh đó đã được V.I.Lê nin nhận diện trong một tác phẩm mang tên Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản xuất hiện vào tháng sáu năm 1920. Trong tác phẩm ấy Người đã từng căn dặn những người cộng sản ; “Chỉ có thể thắng một kẻ địch mạnh hơn bằng một lò lực hết sức lớn, và với điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng hết sức tỉ mỉ, hết sức chăm chú, hết sức cẩn thận, hết sức khôn khéo bất cứ một “rạn nứt’’ bé nhỏ nhất nào giữa các kẻ thù …cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh tạm thời bấp bênh, có điều kiện, ít chắc chắn và đáng tin cậy” Căn dặn đó đều bắt nguồn từ sự nhận thức không thấu đáo lý luận mác – xít về chuyên chính vô sản và việc vận dụng máy móc nó vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng nước. Sự nhận thức không thấu đáo ấy đã dẫn tới hai dạng: “ Tả khuynh” khác nhau ở hai vùng của thế giới. Ở khu vực các nước tư bản phát triển lúc đầu xuất hiện khuynh hướng “tả”, rồi dần dần tới “cực tả” được biểu hiện đầy đủ trọn vẹn trong chủ nghĩa Trốt- xki, đề cao quá mức vị trí, vai trò của giai cấp vô sản trong tiến trình cách mạng vô sản, điều đó đã dẫn tới chủ nghĩa biệt lập. Ở khu vực thuộc địa và phụ thuộc xuất hiện một khuynh hướng quá nhấn mạnh yếu tố giai cấp, lãng quên yếu tố dân tộc trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc định hướng xã hội chủ nghĩa. Căn bệnh đó đã không trừ được tiệt nọc, vẫn tiềm ẩn trong phong trào cộng sản quốc tế để rồi có dịp tái phát dưới những dạng thức không giống nhau ở những điểm khác nhau, ở những nước và khu vực khác nhau trên thế giới. 

Ở Việt Nam căn bệnh đó được biểu hiện sớm nhất trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Một vấn đề đặt ra ở đây là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh về tư tưởng chịu ảnh hưởng của lực lượng chính trị nào, của chính đảng nào? Từ trước tới nay trong các công trình nghiên cứu về cao trào cách mạng 1930-1931 chỉ thấy nói một cách chung chung là Đảng cộng sản Việt Nam. Nói như vậy có lẽ chưa hoàn toàn chính xác, chúng ta đều biết các tổ chức cộng sản ở Việt Nam hợp nhất với tên gọi Đảng cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 2-1930. Thời điểm đó trùng khớp với thời điểm nổ ra cuộc đấu tranh đầu tiên của cao trào cách mạng 1930-1931. Đó là cuộc đình công của 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Tử Bình - một trong những đảng viên thuộc chi bộ đầu tiên ở Nam Kỳ, được Ngô Gia Tự, phái viên của Đông Dương Cộng sản, tổ chức. Tiếp đó là cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định ( tháng 3/1930) ở Vinh - Bến Thủy (tháng 4/1930). Nam Định và Vinh - Bến Thủy là hai trung tâm công nghiệp lớn ở Bắc và Trung, địa bàn hoạt động của Đông Dương Cộng sản Đảng. Lịch sử đã thừa nhận ba cuộc đình công của công nhân ở ba miền đó là khúc dạo đầu của cao trào cách mạng 1930-1931. Chúng ta cũng đã biết sau khi thành lập ở Hà Nội tháng 6/1929 Đông Dương cộng sản đảng đã cử những phái viên của mình vào Trung và Nam Kỳ tuyên truyền tổ chức các chi bộ Cộng sản. Ấy là khởi điểm của quá trình “đỏ hóa” tiến từ quy mô miền sang quy mô cả nước. Kích thích sự xuất hiện của An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Những phái viên của Đông Dương cộng sản có mặt đầu tiên ở Vinh - Bến Thủy là Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc, tiếp đó là Nguyễn Đức Cảnh. Họ không phải là ai xa lạ mà chính là những ngưòi sáng lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước và Đông Dương cộng sản Đảng. Như vậy, cao trào cách mạng 1930-1931- quy mô toàn quốc và phong trào Xô Viết – quy mô địa phương đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng Đông Dương Cộng sản Đảng, chứ không phải của Đảng cộng sản Việt Nam. Vậy tư tưởng chỉ đạo của Đông Dương cộng sản Đảng là gì? Để hiểu cặn kẽ vấn đề này có lẽ phải trở về xuất phát điểm của tổ chức Đảng này. 

Chúng ta đều biết, phong trào công nhân nước ta cuối những năm 20 phát triển không đồng đều, mạnh nhất là phong trào công nhân Bắc Kỳ. Điều đó có lý do của nó. Kỳ bộ thanh niên ở Bắc Kỳ đông về số lượng hội viên, mạnh về chất lượng và hoạt động thực tiễn. Tính đến năm 1928 Kỳ bộ này có “700 hội viên chính thức và 1000 người cảm tình” (Các tổ chức tiền thân của Đảng. Ban NCLSĐTW – Hà Nội 1997.Tr 278) đã phát triển tổ chức trong khắp 17 tỉnh, có 2 thành bộ (Hà Nội, Hải Phòng) 3 tỉnh bộ (Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh). Hơn thế nữa ở đây có những học trò xuất sắc nhất của Nguyễn Ái Quốc như: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cữu, Nguyễn Đức Cảnh… Những người lăn lộn với phong trào công nhân. Trên cơ sở bám sát phong trào, nhạy bén thời cuộc, nắm bắt được đòi hỏi của hiện thực khách quan họ đã tìm cho phong trào công nhân những hình thức thích hợp, tạo điều kiện cho nó phát triển. Vì thế trên địa bàn này sớm nảy sinh ra phong trào “ Vô sản hóa” góp phẩn đẩy mạnh quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác – Lê nin với phong trào công nhân. Cũng từ thực tiễn sinh động ấy, những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ đã sớm nhận ra sự cần thiết phải thành lập Đảng cộng sản. Và thế là chi bộ cộng sản 5D Hàm Long ra đời vào tháng 3-1929. Chi bộ cộng sản đầu tiên chỉ có 8 đảng viên nhưng thực sự là đột phá khẩu làm giải thể tổ chức Thanh niên đã hết vai trò lịch sử. Sau khi rút khỏi Đại hội I. Thanh niên ngày 1-6-1929 các đại biểu Bắc Kỳ ra Tuyên ngôn giải thích cho hội viên lý do không tiếp tục dự Đại hội. 

“Đại hội này là của Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí thì bất luận việc gì can luận đến công nông, đến vô sản giai cấp đều phải bàn cả. Thế mà Đại hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí lại không bàn đến vấn đề tổ chức Đảng cộng sản là vấn đề cần thiết cho vô sản giai cấp và nông dân nghèo ở Việt Nam, tức là Đại hội này không phải là Đại hội đại biểu của Vô sản giai cấp, không phải là đại hội chân chính cách mạng…phải tổ chức ngay một Đảng cộng sản thì mới dần tạo cho vô sản giai cấp làm cách mạng được”. 

Nửa tháng sau Tuyên ngôn đó, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập và thông qua những văn kiện nền tảng như Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ. Tuyên ngôn của Đông Dương cộng sản Đảng xác định tính chất của Đảng là : “Đảng cách mệnh đại biểu cho tất cả anh chị em vô sản giai cấp (tức là thợ thuyền ) ở Đông Dương… Đảng cộng sản là Đảng bênh vực lợi ích cho toàn giới vô sản giai cấp, dân cày nghèo và tất cả những người làm lụng bị bóc lột và đè nén”. 

Những vấn đề lý luận trình bày trong các văn kiện có tính chất cương lĩnh của Đông Dương cộng sản Đảng về cơ bản là đúng, nhưng có nhiều điểm còn đơn giản và chưa thật chính xác. Điều đáng lưu tâm ở đây là Đông Dương cộng sản đảng đã không thấy được yếu tố dân tộc, chỉ nhấn mạnh yếu tố giai cấp (công nông liên hiệp) trong thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản. Ở điểm này kém xa so với những điểm đề ra trong Chánh cương vắn tắt…do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất tháng 2/1930. Và sự kiện thiên lệch đó đã dẫn tới những biểu hiện “tả khuynh” và biệt lập trong đường lối và hành động thực tiễn. Điều này được biểu hiện rõ nét trong thái độ của Đảng đối với các giai tầng khác ngoài công nông. Chẳng hạn, đối với giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản không có sự phân biệt rạch ròi địa chủ yêu nước, địa chủ phản động, tư sản mại bản, tư sản dân tộc để có thái độ và chính sách nhằm phân hóa họ, lôi kéo họ về phía cách mạng, hoặc với trí thức tiểu tư bản đã có những nhận định không đúng, cho rằng “ cách mạng càng tiến hành, thì tụi đó cứ dần dần lui về” nên đã có thái độ hẹp hòi đối với tầng lớp quan trọng này. Với những tư tưởng chỉ đạo đó Đông Dương cộng sản Đảng giỏi lắm chỉ xây dựng được khối liên minh công nông, không thể nào xây dựng được một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống đế quốc và phong kiến giành độc lập dân tộc. Chúng ta hoàn toàn hiểu và thông cảm với họ, bởi lẽ Đông Dương cộng sản đảng vừa mới thoát thai từ Thanh niên cách mạng đồng chí hội phải tỏ ra là cộng sản, lấy tính giai cấp làm tiêu chí phân biệt giữa cộng sản và quốc gia mà không thấy được vấn đề cốt tử là những người cộng sản ở các nước thuộc địa đang lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chứ không làm cuộc cách mạng vô sản như những người cộng sản ở các nước tư bản phát triển, vì thế yếu tố dân tộc ở đây là trước hết, trên hết sau đó mới đến yếu tố giai cấp - chỉ thấy yếu tố giai cấp mà xem thường, lãng quên yếu tố dân tộc sẽ dẫn tới khuynh tả và chủ nghĩa biệt lập. Ngược lại, chỉ thấy yếu tố dân tộc mà xem thường yếu tố giai cấp sẽ rơi vào chủ nghĩa dân tộc tư sản. Vận dụng sáng tạo hay rập khuôn máy móc chủ nghĩa Mác- Lê nin vào những hoàn cảnh lịch sử của từng nước cũng được biểu hiện ở điểm cốt tử này. 

Tóm lại, những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bắt nguồn từ sự vận dụng máy móc những vấn đề chiến lược và sách lược của quốc tế cộng sản vào hoàn cảnh nước. Người truyền đạt đó là Đông Dương cộng sản Đảng. Đó cũng chính là nguồn gốc lý luận của vấn đề. 

Những cao trào cách mạng 1930-1931 đã diễn ra trên 25 tỉnh thành khắp ba miền đất nước lại không có một nơi nào có những biểu hiện như trên đất Nghệ Tĩnh? Tại sao? Vậy thì nó có thể bắt nguồn từ nguồn gốc thứ hai nữa - nguồn gốc thực tiễn, tức là mảnh đất phát sinh nó. Vì vấn đế này ta có thể xem xét hai yếu tố - Địa và Nhân. 

Nghệ Tĩnh một dải đất nằm kẹp giữa, một bên là giải Trường Sơn, một bên là Biển Đông, bị rang nóng bởi gió mùa Tây – Nam, bị bào mòn bởi bão tố lụt lội. Nói gọn lại, đó là vùng đất có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Diện mạo của đất, tức yếu tố địa quy định khá lớn diện mạo và tính cách của những con người quần tụ, sinh sống ở nơi đây. Để tồn tại và phát triển con người nơi đây phải vượt lên trên tất cả những điều kiện tự nhiên nghiệt ngã đó. Dần dà trong tiến trình lịch sử đã hình thành ở đây những nét đẹp của riêng nó và rồi được lịch sử bồi đắp mãi lên thành những truyền thống đẹp - Sự cố kết của cộng đồng người ở các cấp độ khác nhau, chủ nghĩa nhân văn, kiên cường và bất khuất. Những nét đẹp truyền thống của con người Nghệ Tĩnh được cô đúc lại trong những cuộc chiến đấu chế ngự thiên nhiên, trong những trận giao tranh chống bất công, chống ngoại xâm vì cuộc sống tốt đẹp hơn. Chỉ riêng lịch sử xứ Nghệ thời cận đại cũng đã chỉ rõ điều đó. Năm 1874 giặc Pháp chưa tới đất nhà, dân Nghệ Tĩnh đã nổi lên trong cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai với lời thề chém đá 

“ Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”, góp phần quan trọng vào sự chuyển biến về nội dung của phong trào chống Pháp giữa thế kỷ XIX để rồi dẫn đến sự hưởng ứng phong trào Cần Vương rầm rộ nhất, dẻo dai nhất với những gương mặt rạng danh như Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Nguyễn Xuân Ôn mà không một địa phương nào có thể sánh kịp. Hoặc phong trào chống thuế đầu thế kỷ, lúc đầu nó nổ ra ở Quảng Nam còn ôn hòa, nhưng càng lan ra phía Bắc, khi đến mảnh đất này đã thấy xuất hiện dấu hiệu vũ lực. Gần ta hơn, có một Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái chủ trương dùng bạo lực để giành lại quyền độc lập đã mất… mảnh đất này đã sinh ra những con người đó. Lịch sử xứ này đã cho thấy mảnh đất này không dung nạp cải lương, chỉ hợp với tiến hóa và cao hơn là cách mạng. Truyền thống bất khuất và quý báu đó của dân Nghệ Tĩnh đã được Bác Hồ gọi bằng một từ dân giã “cứng đầu”. Sự bất khuất, sự cứng đầu luôn tiềm ẩn trong nó một xu thế hướng tả. Tính cách này là nét chung là “tài sản” chung của người dân Nghệ Tĩnh, từ dân đến quan, từ người bị trị đến kẻ cai trị, từ người cách mạng đến kẻ phản cách mạng. Sự đụng độ của hai phía cùng một tính cách làm cho nó trở nên quyết liệt hơn. Hệt như mặt trận quyết đấu, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở đoạn cuối, hai bên đã tung ra những ngón đòn quyết liệt nhằm đè bẹp và tiêu diệt lẫn nhau. Phía kẻ thù, tính chất tàn bạo, đã được biểu hiện ngay từ đầu, trong việc đàn áp các cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy, ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) … và cuối cùng sự quyết liệt đó được bộc lộ một cách đầy đủ, trọn vẹn trong lời tuyên bố của Tôn Thất Đàn: “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, Vô Nghệ Tĩnh bất bần” (có ý kiến cho rằng câu này của Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ). Phía những người trỗi dậy cũng đáp lại bằng những hành động như ta đã thấy. 

Từ những điều đã trình bày ở trên ta có thể rút ra một nhận định khái quát là: Những biểu hiện ấu trĩ “ tả khuynh” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc một căn bệnh thường gặp ở thời kỳ đầu của nhiều Đảng cộng sản trên thế giới, nhưng đồng thời cũng là sự phản ánh một cá tính đặc thù của cư dân nơi đây. 

V.I.Lê nin cho rằng sai lầm này là của chủ nghĩa giáo điều tả khuynh trong phong trào cộng sản, nhưng nó không nguy hiểm, không trầm trọng bằng sai lầm của chủ nghĩa giáo điều hữu khuynh bởi vì chủ nghĩa cộng sản tả khuynh là một tư trào vừa mới hình thành, vừa mới phát sinh nên bệnh này có thể dễ chữa và phải kiên quyết chữa cho bằng được (Xem V.I.Lê nin – Toàn tập, tập 41, tr 111). Cũng như chữa một căn bệnh, việc sửa chữa sai lầm cần phải có thời gian. Trong cuộc đấu tranh một mất, một còn với quân thù mạnh hơn ta gấp bội dần dần Đảng ta đã nhận rõ những sai lầm đó và cũng tích cực sửa chữa nó bằng việc điều chỉnh chiến lược và sách lược của mình. Sự điều chỉnh đó bắt đầu từ Hội nghị Trung ương VI và được hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương VIII, dẫn thẳng tới thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám - thành lập Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á đến nay đã tròn nửa thế kỷ

PTS. Phạm Xanh
(Đại học Quốc gia Hà Nội)

Video