38
1641
3529
15914
34073
6824359
Tràng Kè hay còn gọi là Thung Cổ Hùng ở xã Mỹ Thành huyện Yên Thành, nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sỹ cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Từ Thành phố Vinh, theo quốc lộ 1A về phía Bắc, đến thị trấn Diễn Châu, rẽ trái theo quốc lộ 7 đến km 22 nhìn về bên phải là Đài tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng bị thực dân pháp bắn trong những năm 1930-1931.
Mỹ Thành là miền quê nghèo, đất đai cằn cỗi, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông tuy vậy con người nơi đây lại rất cần cù, chịu thương, chịu khó. Cũng như mọi miền quê khác nhân dân ở đây có lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Từ năm 1419, Nguyễn Vĩnh Lộc – một vị tướng giỏi của nghĩa quân Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã xây dựng nơi đây thành căn cứ địa chống lại quân Minh. Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp, nhân dân Mỹ Thành tích cực tham gia dưới sự chỉ huy của Lĩnh Ngợi (Tấc Bảy) một tướng lĩnh nổi tiếng của Nguyễn Xuân Ôn.
Đầu thế kỷ XX, khi cả nước đang sôi nổi đi theo tiếng gọi xuất dương của cụ Phan Bội Châu, những thanh niên tiến bộ của Mỹ Thành cũng vượt núi băng rừng sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Xiêm học tập, chờ thời cơ sang Quảng Châu – Trung Quốc.
Từ năm 1927-1929, tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập ở Mỹ Thành, trên cơ sở đó Chi bộ Đảng Ngọc Luật ra đời. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, phong trào đấu tranh của nhân dân ngày một dâng cao. Trong cuộc biểu tình kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930), nổ ra tại cầu Dinh –Yên Thành và Cầu Bùng ở Diễn Châu, nhân dân Mỹ Thành tham gia đấu tranh rất sôi nổi. Sau cuộc biểu tình này, thực dân và phong kiến ra sức đàn áp bằng cách lập ở đây một đồn binh mạnh nhất huyện, xây dựng hệ thống bang tá huyện và bang tá tổng để chống phá cách mạng tại chỗ của nhân dân . Bọn chúng còn sử dụng Thung Cổ Hùng (một gò đất cao cạnh quốc lộ 7, gần chợ Tràng Kè) làm nơi bắn giết các chiến sỹ cách mạng để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Từ ngày 7/11/1930 đến tháng 9/1931 bọn chúng đã xử bắn 72 chiến sỹ Xô Viết, họ là những người con của vùng đất Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, riêng xã Mỹ Thành 20 đồng chí đã ngã xuống.
Đi đôi với việc lập đồn bốt, thực dân và phong kiến còn sử dụng thủ đoạn mới “rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận” để gây chia rẽ trong nội bộ Đảng và phá hoại phong trào cách mạng. Sáng ngày 7/2/1931 bọn chúng tập trung đông đảo nhân dân tại chợ Tràng Kè để phát thẻ quy thuận. Buổi lễ được tiến hành trước sự có mặt của Tổng đốc An - Tĩnh Nguyễn Khoa Kỳ, công sứ Vinh, tri huyện Yên Thành Phạm Minh Bật. Để tăng uy lực cho buổi lễ chúng còn điều về đây một lực lượng lớn giám binh và lính đồn. Lễ đài được trang hoàng tôn nghiêm có tán lọng, hương án, lư hương... Nắm được âm mưu thâm độc của kẻ thù, huyện ủy Yên Thành quyết tâm phá buổi phát thẻ quy thuận của địch và mượn tay kẻ thù để giết tên chỉ điểm Nguyễn Loan. Tại buổi lễ, khi Nguyễn Khoa Kỳ bắt đầu hiểu dụ, truyền đơn của Đảng đã tung bay khắp chợ, cả trên xe ô tô của công sứ Pháp, và tổng đốc. Quần chúng bắt đầu lộn xộn, lợi dụng tình hình đó, bằng sự dũng cảm và mưu trí, đội tự vệ đỏ đã bỏ truyền đơn vào người Nguyễn Loan sau đó bí mật báo với lính đồn chính Nguyễn Loan đã rải truyền đơn trong buổi lễ. Ngay lúc đó, bọn địch xông vào bắt tên chỉ điểm, khám người thấy có truyền đơn thật, lập tức binh lính giải Nguyễn Loan lên cầu Khè Ngọng bắn chết. Hành động mưu trí dũng cảm của lực lượng cách mạng địa phương đã biến buổi lễ phát thẻ quy thuận của kẻ thù thành ngày biểu dương lực lượng và tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân. Từ đây nhân dân phấn khởi tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng. Cuộc đấu tranh ở Tràng Kè thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong toàn tỉnh. Báo “Người lao khổ” của Xứ ủy Trung Kỳ, báo “Tiếng Dân” và một số báo khác đã tường thuật tỷ mỉ cuộc đấu tranh. Hiện tại phòng trưng bày số 7 của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có trưng bày bức ảnh buổi lễ phát thẻ quy thuận này. Đây là một trong những minh chứng cho âm mưu thâm độc của thực dân và phong kiến.
Vào cuối năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp đẫm máu, các cơ sở cách mạng ở Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương bị tan vỡ thì Mỹ Thành là nơi Tỉnh bộ và Huyện bộ rút lui vào hoạt động bí mật.
Ngày nay, tại di tích Tràng Kè chính quyền địa phương đã xây dựng bia tưởng niệm các liệt sỹ cùng với 3 ngôi mộ còn lại trên gò. Để tỏ lòng thành kính với những người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, hàng năm vào các ngày lễ 3/2,27/7, 12/9, tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động như: nói chuyện truyền thống, cắm trại, tổ chức cho bà con nhân dân trong vùng và các cháu thiếu niên, nhi đồng đến đài tưởng niệm thắp hương, đặt vòng hoa... Sự kiện đó được đưa vào chương trình lịch sử địa phương cho học sinh góp phần hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Với ý nghĩa to lớn đó, di tích Tràng Kè đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng Quốc gia năm 1990.