Di tích nhà thờ Nguyễn Tất Thự

Tác giả: admin
Ngày 2013-10-25 07:32:55

Nhà thờ Nguyễn Tất Thự là nơi thờ Ông Nguyễn Văn Thự, người đã có công khai hoang lập làng ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương.

Từ Thành phố Vinh, du khách ngược đường 1A, hướng Vinh- Hà Nội đến ngã ba Diễn Châu rẽ trái đi khoảng 28km, đến cầu Khuôn, tiếp tục rẽ trái, theo đường liên xã Tân Sơn-Minh Sơn, khoảng 2km là đến xóm 13, xã Tân Sơn, nơi có nhà thờ họ Nguyễn Tất nằm bên trái đường.

Nguyễn Tất Thự, tên chữ là Nguyễn Tất, huý Lê Giáp, con của Đại lý thừa thiếu Khanh Nguyễn Văn Lự và Bùi Thị Phan, sống dưới triều Hậu Lê.
Theo gia phả và truyền thuyết ở vùng Tân Sơn, huyện Đô Lương: Lê Giáp sinh ra ở làng Bàu Cốc , huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, trong gia đình dòng dõi ‘Thế tộc Công thần” của nhà Lê. Sinh ra và lớn lên trong gia đình quan lại, nên Nguyễn Văn Thự có điều kiện học tập và rèn luyện. Từ nhỏ, ông đã lanh lợi, thông minh. Lớn lên được cha dạy dỗ nên Lê Giáp sớm bộc lộ tài năng và ý chí hơn người thường. Ngoài học tập văn chương, hàng ngày Lê Giáp chăm chỉ khổ công rèn luyện võ nghệ, binh pháp. Ông được gia đình cho vào học trường Quốc Tử Giám ở Thăng Long. Sau khi ra trường ông được bổ dụng làm “Tả chấn cơ cai đội” dưới triều nhà Lê.

Khi chiến tranh Lê-Mạc nổ ra, đất nước rơi vào cảnh loạn lạc. Nguyễn Văn Lự (cha của Lê Giáp) rất lo sợ, vì vợ ông, bà Bùi Thị Phan, là con gái của Bùi Đình Khuê, tướng của nhà Mạc. Ông Nguyễn Văn Lự đã cho hai con trai của mình là Nguyễn Văn Dự và Nguyễn Văn Thự di tản đến nơi hoang vắng tìm cách lập nghiệp. Nguyễn Văn Dự cùng vợ con chạy ra vùng Sơn Nam (Nam Đinh, Ninh Bình ngày nay). Còn Nguyễn Văn Thự dắt díu vợ con chạy về phương Nam, nơi có đất rộng để sinh sống.

Thuở ấy, vùng Lê Lảu, Kiết Nghi Trang còn hoang sơ, cư dân thưa thớt. Thấy đây là nơi sông núi hiền hoà, nhiều vượng khí nên ông đã quyết định ở lại làm ăn sinh sống. Từ đây, ông đổi tên là Nguyễn Văn Thự.
Để mưu cầu cuộc sống lâu dài, ông bỏ công tìm hiểu phong thổ, địa lý trong vùng. Lại thấy ở đây còn nhiều núi đồi, thung lũng, khe hói chưa được khai phá, sẵn có tiền của mang theo và kiến thức sâu rộng , ông xin chính quyền sở tại cho tổ chức lực lượng khai hoang. Ông huy động gia quyến, bạn bè, mang gạo, muối, dao cuốc, búa rìu...đến các thung lũng, cồn, lọi dựng lều, chăn nuôi, săn bắn, vỡ đất làm nương. Mặt khác, ông chiêu tập những người nghèo đói, lưu tán vì chiến tranh, thiên tai ở các vùng lân cận về lập trại khoang hoang. Những lúc rãnh rỗi, Nguyễn Tất Thự cùng trai tráng trong làng săn bắn chim muông thú rừng để có thêm thực phẩm cho gia đình. Sau một thời gian dài lao động vất vả, các vùng đất hoang hoá, rậm rạp từ Tân Sơn, Minh Sơn đến tận Hoà Sơn, đã có nhiều xóm trại mới. Người dân đã có ruộng đất, nương rẫy để trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi gia súc.

Là người biết trông rộng nhìn xa, Nguyễn Tất Thự đã mở mang kiến thức cho dân chúng thông qua các buổi dạy chữ và dạy võ. Vốn là người nhân hậu, am hiểu về y thuật chữa bệnh, Nguyễn Tất Thự thường giành thời gian đi thăm hỏi sức khoẻ của bà con trong trang, sách, tự tay bốc thuốc chữa bệnh cho nhiều người.

Công lao nối tiếp, khai mở dòng họ Nguyễn Văn từ Thanh Hoá vào Nghệ An thành dòng họ Nguyễn Tất ở Tân Sơn, Đô Lương của Nguyễn Tất Thự được lịch sử và nhân dân truyền tụng. Trong sách lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Sơn viết “Tiêu biểu cho tinh thần khai hoang, từ thế kỷ XV là ông Nguyễn Văn Thự, ông là người đi đầu trong việc khai cơ mở nghiệp cùng bà con khai phá đất đai, biến một vùng hoang vu thành cánh đồng rộng lớn hàng trăm mẫu”.

Năm 80 tuổi, Nguyễn Tất Thự mất, người dân Kiết Nghi Trang tập trung về cồn Ngãi, Tiên Sơn để tiễn đưa người về nơi yên nghỉ ở cồn Ngãi (cách nhà thờ khoảng 20m). Ghi nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân ở Kiết Nghi Trang đã lập đền Đệ Tam (thường gọi đền Làng Lê) thờ phụng và tôn ông làm Thành Hoàng làng vì ngài đã có công "Bảo quốc hộ dân". Xét công lao khai hoang, mở đất của Nguyễn Tất Thự, nhà Nguyễn đã ban Sắc "Bảo Sơn Thạch cơ hiển ứng thành hoàng, gia tặng Dực bảo trung hưng đôn ngưng linh phù tôn thần". Năm 1890, vua Thành Thái đã trao tặng đền hai bức hoành phi "Bảo ngã lê dân", "vạn cổ anh linh" để bày tỏ sự kính trọng đối với ông và nhắc nhở con cháu đời sau phải sống xứng đáng với quê hương, đất nước.

Nhà thờ Nguyễn Tất là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử:
Được xây dựng ở vùng đất đẹp, kín đáo. Trước mặt là ao hồ, đồng ruộng thoáng đãng, sau lưng là rừng cây, hai bên là làng mạc. Với vị trí như vậy nhà thờ Nguyễn Tất rất thuận lợi cho việc hội họp của dòng họ và cộng đồng. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra năm 1930-1931, nhà thờ Nguyễn Tất là nơi hội họp, nơi in ấn tài liệu bí mật cho Đảng. Vào sáng ngày 8/9/1930, nhân dân quanh vùng đã tập trung đông đủ trước nhà thờ, sau đó kéo xuống đường cùng với nhân dân khắp tổng Đô Lương biểu tình…
Ông Nguyễn Tất Ngạn là Bí thư Chi bộ đầu tiên ở địa phương thường lui tới đây để vận động con cháu tham gia phong trào cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (1945-1975), nhà thờ họ Nguyễn Tất được nhiều lần sử dụng làm nơi hội họp của bộ đội, chính quyền địa phương để bàn kế hoạch củng cố hậu phương và chi viện cho chiến trường. Hơn 70 năm qua, dòng họ Nguyễn Tất có 54 liệt sỹ đã anh dũng xả thân cứu nước, bảo vệ tổ quốc.

Từ xưa đến nay, di tích đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của con cháu trong họ và nhân dân trong vùng. Vào các ngày sóc vọng (ngày Rằm, mùng Một), con cháu đến nhà thờ để dâng lễ cầu phúc, cầu yên, cầu lộc, cầu tài…Đặc biệt vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, con cháu trong dòng họ Nguyễn Tất lại tụ họp đông đủ tại nhà thờ để tổ chức lễ tế Tổ. Lễ tế Tổ được tiến hành trong hai ngày, ngày 14 tháng Giêng tổ chức khai quang tẩy uế, làm tổng vệ sinh ở khu vực nội và ngoại thất, làm các lễ như: lễ mộc dục, lễ thay quan, lễ yên vị, lễ yết cáo. Lễ chính được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng gồm có lễ đại tế và lễ tạ.

Nhà thờ được xây dựng vào thời nhà Nguyễn (năm 1869). Đây là công trình kiến trúc cổ, quý, có cảnh quan đẹp, được xây theo hình chữ Tam gồm có các hạng mục sau: Sân, cửa, nhà Hạ đường, Trung đường, Thượng đường.

Sân ngoài là nơi đậu xe, có diện tích 480m2. Ba phía Đông, Tây, Nam có hàng rào bằng gạch, phía Bắc là cửa nhà thờ.
Cửa vào nhà thờ được xây bằng gạch, đá vôi vữa, quy mô không to nhưng khá đẹp. Phía trước trụ chính đặt đôi sư tử bằng đá màu trắng. Cửa nhà thờ được kết nối với nhau bằng các trụ chính, trụ phụ, tường gạch bền vững. Đỉnh trụ đắp nổi hai con nghê cẩn sứ chầu vào cửa nhà thờ, mặt trước có hai câu đối:
                                                                                          "Lập công đức cổ vị bất hủ
                                                                                       Thiên cao địa hậu kỳ hữu hưng"
Mặt trong có hai câu đối:

                                                                                       " Nhập đắc kiến tôn miếu mĩ
                                                                                          Vọng như úy môn địa cao"

Phần nối giữa trụ chính và trụ phụ là bức tường giả mái. Phần tường gần trụ chính đắp nổi hai ông Hộ pháp trấn giữ nhà thờ. Tiếp giáp với mảng tường có thần Hộ Pháp là bức tường giả mái, mặt trước đắp nổi hai con ngựa có yên cương, lục lạc.
Các trụ phụ ở hai bên kiểu giống trụ chính nhưng đỉnh trụ không có con nghê, thân trụ có kích thước nhỏ hơn, thấp hơn. Mặt trước có câu đối:
                                                                                           "Tác quang minh chúc
                                                                                               Niệm đế tạo công"
Sân trước có diện tích 20.21m2, mặt sân lát gạch vuông. Trước sân có tắc môn nhỏ hình chữ nhật được trang trí hổ và câu đối.
Nhà Hạ đường có diện tích là 51.6m2, gồm 3 gian, 2 hồi. Mái lợp ngói âm dương, bờ nóc thẳng được trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt, vân mây, tia lửa. Toàn bộ khung nhà được làm bằng gỗ lim, vì kèo kết cấu theo kiểu tiền trụ kẻ chuyền. Để tạo sự hài hòa, ở các đầu kẻ, cuối thân xà, hạ được chạm nổi hình long, ly, quy, phượng, vân mây, dây hoa.
Từ nhà Hạ đường sang nhà Trung đường là khoảng sân giữa có diện tích 20,21m2.

Nhà Trung đường kiểu dáng giống với nhà Hạ đường, diện tích là 51,6m 2 gồm 3 gian, 2 hồi, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc đắp thẳng được trang trí hình rồng nguyệt. Thềm nhà Trung đường hẹp, lối vào giật hai cấp. Hai bên là các mảng tường trang trí Hộ Pháp. Sát chân Hộ pháp là một bệ thờ bằng gạch vữa nhỏ, phía trên bày bát hương, mâm cỗ bồng, nậm rượu, chén.

Ở phía trên gian giữa có trang trí Hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của tổ tiên, sự linh thiêng của nhà thờ, đồng thời nhắc nhở con cháu phải giữ gìn truyền thống của dòng họ.
Bức hoành phi thứ nhất khắc chữ hán "Viện bản nguyên" nghĩa là "Luôn giữ nếp nhà '
Bức hoành phi thứ hai có nội dung: "Vạn cổ anh linh" nghĩa là "muôn đời linh thiêng"
Đồ thờ trang trí ở phía dưới hoành phi là hương án và bàn thờ hai cấp được sơn son thiếp vàng giống với bàn thờ ở nhà Hạ đường. Trên hương án bày bày lư hương, cọc nến đồng…

Từ nhà Trung đường đi qua một khoảng sân nhỏ có diện tích là 20.21 m2 là vào nhà Thượng đường.
Nhà Thượng đường có kiến trúc chính thời Nguyễn Tất. Đây là nơi thờ cúng thần tổ Nguyễn Tất Thứ và các vị tổ có công.
Nhà Thượng đường được làm bằng gỗ lim, vì kèo kết cấu theo kiểu tiền trụ kẻ chuyền. Tổng thể có 4 cột cái,12 cột con, 2 trụ hồi và nhiều xà, hạ, hoành, rui….ở các đầu kẻ cuối thân xà, hạ được chạm nổi hình vân mây, dây hoa. Phần rường đấu nâng đỡ thượng lương, được tạo dáng kiểu rường bụng lợn, đế trụ chạm nổi hình cánh sen.

Phía trước nhà Thượng đường là thềm, tường gạch, trụ đỡ góc mãi. Các trụ ở phía trước và phía sau xây kiểu thân thẳng, đến chờm hình đấu vuông, phía ngoài có gờ lồi. Mặt trong ghi câu đối:
                                                                     "Đan nam tế phó đồng thân nguyệt
                                                                       Tích thiện bằng cơ lịch đại công"

Ở gian bên trái đặt một bàn thờ, thờ ông Nguyễn Viết Thạnh, vị Tổ thứ hai của dòng họ Nguyễn Tất
Bàn thờ phía sau có hai cấp, làm bằng gỗ sơn đỏ, phía trước đặt lư hương. Cấp cao hơn bày mâm bồng, long ngai, kiếm gỗ… thờ ông Nguyễn Thế Ngữ, con của ông Nguyễn Tất Thự, người "có công khai hoang, vỡ hóa ruộng, ao vườn trên 100 mẫu".

Phía bên trái đặt bàn thờ thờ ông Nguyễn Tất Lự, vị tổ thứ ba của dòng họ Nguyễn Tất. Long ngai phía sau thờ ông Nguyễn Chân Tính, cháu đích tôn ông Nguyễn Tất Thự. Người "có công cầm quân dẹp giặc, phòng thủ địa phương, giữ vững an ninh trật tự, được triều đình phong thưởng chức Huyện Thừa".

Gian giữa đặt một hương án và một bàn thờ hai cấp. Thờ ông Nguyễn Văn Lang, vị Tổ thứ Nhất của dòng họ Nguyễn Tất . Bàn thờ phía sau đặt long ngai thờ Nguyễn Tất Thự. Long ngai sơn son thiếp vàng, chạm khắc tuyệt đẹp. Chân ngai tạc kiểu chân quỳ, mặt ván bao quanh trang trí long, ly, quy, phượng, Sen, cúc, trúc, mai. Thân ngai mô phỏng dáng người ngồi, tay ngai bằng gỗ uốn cong được cách điệu bằng hai đầu rồng. Nâng đỡ tay ngai là những tiện tròn chạm rồng. Ở phía trên đầu mô phỏng đầu người cách điệu bằng một mặt nguyệt tròn được viền các tia hào quang. Trên đầu ngai đội mũ trang trí rồng nguyệt. Long ngai là đồ thờ tượng trưng cho thần tổ, thành hoàng Nguyễn Tất Thự, người có công khai mở vùng đất Lê Lảu Kiết Nghi Trang, mở mang dòng họ Nguyễn Văn từ Thanh Hóa thành dòng họ Nguyễn Tất ở Đô Lương Nghệ An.

Ghi nhận những cống hiến của dòng họ đối với quê hương, đất nước và giá trị lịch sử văn hóa của nhà thờ, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã có quyết định số 563/2005/QĐ/CTN ngày 07/06/2005 tặng Huy Chương Kháng chiến hạng Nhì cho nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Tất ở Đô Lương, Nghệ An.

Video