Di tích nhà thờ họ Võ đại tôn

Tác giả: admin
Ngày 2011-08-11 08:27:55

Nhà thờ họ Võ đại tôn xóm 3, làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Từ thành phố Vinh, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Nghệ An, theo quốc lộ IA về phía Bắc, đến ngã ba Diễn Châu rẽ trái theo đường 7 đến km số 6 rẽ phải theo đường liên xã khoảng 300m hướng Đông Bắc, khách tham quan sẽ đến di tích này.

Nhà thờ họ Võ đại tôn được con cháu trong họ xây dựng để thờ các vị tiên tổ họ Võ ở làng Hậu Luật, xã Diễn Bình. Họ Võ làng Hậu Luật vốn có nguồn gốc từ đất Bắc, thuộc dòng Vũ Hồn ở làng Mộ Trạch, xứ Đông Hải, quận Thái Nguyên ( nay là tỉnh Hải Dương). Vào giữa thế kỷ XV, để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, nhà Lê chủ trương kêu gọi nhân dân vùng ngoài Bắc di cư về phía Nam để khai phá đất đai. Một nhánh thuộc họ Võ ở làng Mộ Trạch do cụ Võ Phước Thiện cùng con cháu lên thuyền về phương Nam lập nghiệp. Đoàn thuyền chở những gia đình đầu tiên đã quyết định dừng chân tại vùng đất Phủ Diễn vì xét thấy đây là nơi có thế đất " long chầu hổ phục", có thể xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài.

Trong số các vị tiên tổ họ Võ được thờ tại nhà thờ này, nhân vật có công trạng và được thờ chính là thủy tổ Võ Phúc Sơn, thần tổ Võ Chính Đạo cùng 75 vị danh khoa khác.

Cụ Võ Phúc Sơn sinh ra trong một gia đình túc nho ở làng Mộ Trạch, là người có sức khỏe, mưu lược, am tường thiên văn, địa lý. Năm 1416, cụ cùng cha và những gia đình họ Võ đầu tiên di cư vào đất Vạn Phần để lập nghiệp. Qua 6 năm định cư ở vùng đất này, những gia đình Võ tộc đã tiến hành khai hoang phục hóa một vùng đất rộng để canh tác. Nhưng do địa hình thấp lại thường xuyên bị triều cường xâm thực nên cuộc sống của mọi người buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 1423, sau nhiều lần khảo sát thực địa, thủy tổ Võ Phúc Sơn đã quyết định đưa 12 gia đình rời Vạn Phần lên định cư tại xứ Cồn Nhà lập nên Trang Ngọc Luật. Sau khi lập trang ấp và tạo dựng được cơ sở ban đầu để ổn định cuộc sống lâu dài, vì sức yếu nên cụ Võ Phúc Sơn đã giao mọi việc cho con là Võ Chính Đạo. Năm 1427, cụ mất tại làng Hậu Luật.

Cụ Võ Chính Đạo sinh năm 1359, là con trai trưởng của thủy tổ Võ Phúc Sơn, thuộc đời thứ 2 họ Võ ở Diễn Bình.

Vốn xuất thân từ dòng họ có truyền thống khoa bảng, là người có tư chất thông minh nên cụ Võ Chính Đạo đã sớm thành danh.Năm Kỷ Mùi 1401, cụ thi đỗ tú tài. Năm 1416, cụ cùng gia đình vào Diễn Châu lập nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của cụ Võ Chính Đạo, 12 gia đình đầu tiên của họ Võ đã tiến hành thay chua rửa mặn, xây dựng hệ thống nông giang. Họ đã biến một vùng đất hoang hóa thành những cánh đồng màu mỡ rộng lớn, tạo ra nguồn lương thực để ổn định cuộc sống lâu dài. Không chỉ khai khẩn ruộng đất ở làng Hậu Luật, cụ Võ Chính Đạo còn khuyến khích con cháu đến định cư và khai hoang phục hóa các vùng đất khác như Hà Đông, Hà Cát, Trang Hà ở xã Diễn Cát. Cụ Võ Chính Đạo đã lập ra hương ước rất nghiêm để bảo đảm trật tự trị an và răn dạy mọi người tuân thủ các truyền thống tốt đẹp như người trong dòng tộc không được lấy nhau, không được xâm phạm đến đền chùa, miếu mạo…

Sau khi tạo dựng tiền đề căn bản để xây dựng và phát triển kinh tế, cụ Võ Chính Đạo lại tập trung vào việc nâng cao dân trí cho nhân dân và con cháu trong vùng như xây dựng trường học, dựng nhà hội họp… Ngày 24 tháng 4 năm 1444, cụ Võ Chính Đạo mất tại làng Hậu Luật, hưởng thọ 85 tuổi. Để ghi nhớ công ơn của cụ, nhân dân làng Hậu Luật tôn là thành Hoàng làng và lập đền thờ (1475), dựng bia (1849) ở xứ Cồn Nhà để thờ.

Xét thấy cụ Võ Chính Đạo là người có nhiều công lao với nhân dân, các triều đại phong kiến về sau đã có những đạo sắc phong thần cho cụ và giao cho làng Hậu Luật "tòng tiền phụng sự".

Võ tướng Võ Phúc Tuy, húy là " Cố Hùng" sinh năm Quý Vị (1403) ở làng Hậu Luật, là con trai thứ 4 của Tú tài Võ Thiện Sinh, là cháu của cụ Võ Chính Đạo, thuộc đời thứ 4 họ Võ ở làng Hậu Luật cũng được thờ tại nhà thờ họ Võ Đại Tôn. Võ Phúc Tuy là người đầu tiên trong vùng tham gia nghĩa quân Lê Lợi, có mặt trong nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là trận hạ thành Diễn Châu, đánh bại đội quân với hơn 300 chiến thuyền của giặc Minh. Sau chiến thắng vang dội này, Lê Lợi đã tin tưởng giao cho ông trọng trách chỉ huy nhiều trận đánh lớn khác.

Đánh bại giặc Minh, vua Lê lên ngôi, đại xá thiên hạ. Tướng Võ Phúc Tuy xin vua Lê về quê sống bình dị với " ba gian nhà lá, làm trùm trưởng cùng con cháu hàng ngày đi khai hoang ruộng đồng". Ngày 15/6/1501, ông mất tại làng Hậu Luật thọ 98 tuổi. Nhân dân và con cháu đã lập đền thờ tại xứ Cồn Đền.

Ông Võ Khang Tế sinh năm 1833 tại làng Hậu Luật, là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Võ vùng này.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi, cụ Nguyễn Xuân Ôn đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh trên địa bàn vùng Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Ông Võ Khang Tế được cụ Nguyễn Xuân Ôn phong làm " tương tán quân vụ", chỉ huy cánh quân tổng Thái Xá từ Vĩnh Tuy đến Hòa Lạc, xã Diễn Bình, đã có hàng trăm người tham gia phong trào. Dưới sự chỉ đạo của ông Võ Khang Tế, nhân dân làng Hậu Luật đắp 2 ụ súng thần công ở Điếu Trung và cây Đa để phòng thủ. Ngoài ra các làng còn tổ chức rào làng, cắm chông để chống giặc. Do cuộc chiến không cân sức nên nghĩa quân đã bị đàn áp.

Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, ông Võ Khang Tế đã bắt mối liên lạc với ông Vương Thúc Oánh và Đặng Thúc Hứa (lúc này đang hoạt động ở Thái Lan) để đưa những thanh niên yêu nước ra nước ngoài hoạt động. Sau khi thực dân Pháp lùng bắt ráo riết, ông trở về Hậu Luật hoạt động và trở thành cầu nối quan trọng của các chiến sĩ cách mạng trong vùng. Năm 1919, do tuổi cao sức yếu, ông đã mất tại quê nhà, hưởng thọ 86 tuổi.

Ông Võ Nguyên Hiến ( còn có các tên khác là Võ Thiện Kế, Võ Khắc Đạo) sinh năm 1890, là con trai trưởng của cụ Võ Khang Tế.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lại được cha dìu dắt, được gặp gỡ nhiều chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc nên ông đã sớm giác ngộ cách mạng và quyết tâm đi theo con đường mà cha ông đã lựa chọn - con đường giải phóng dân tộc.

Năm 1928, Võ Nguyên Hiến đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Diễn bình. Từ Hậu Luật, tổ chức Thanh niên đã phát triển sang các vùng khác như Đệ Nhất ( Diễn Nguyên), Nho Lâm (Diễn Thọ). Đầu năm 1929, nhóm Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Diễn Bình xuất bản tờ báo " Vầng hồng".

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ( 3/2/1930), nhóm Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Diễn Bình đã tự nguyện gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Võ Nguyên Hiến được Trung ương chỉ định vào Cấp ủy Lâm thời của Tỉnh ủy Nghệ An.

Được sự đồng ý của cấp trên, ông Võ Nguyên Hiến đã lựa chọn những cán bộ ưu tú như: Võ Thiện Thuật, Võ Thiện Mùi, Lê Vân, Võ Giá…, thành lập 2 Chi bộ Đảng là: Chi bộ Hậu Luật và Chi bộ Đệ Nhất. Đây là 2 chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Diễn Châu được thành lập trong thời kỳ địch khủng bố trắng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 10 năm 1934, Tỉnh ủy Nghệ An chuyển về hoạt động ở làng Hậu Luật. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Hiến cùng với Ngô Tuân đã triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ họp bàn kế hoạch củng cố tổ chức, ổn định tình hình. Đại hội đã bầu ra BCH Tỉnh ủy mới. Đồng chí Võ Nguyên Hiến được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 3 năm 1935, đồng chí Võ Nguyên Hiến đi dự Đại hội lần thứ nhất Đảng cộng sản Đông Dương tại Ma Cao. Tại Đại hội này, đồng chí đã được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ từ năm 1935- 1936.

Tháng 6/1936, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù chung thân . Trong suốt thời gian bị giam cầm, đồng chí đã bị chuyển hết nhà lao này đến nhà giam khác. Mặc dù bị tra tấn với mọi cực hình nhưng đồng chí vẫn luôn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Cuối năm 1944, đồng chí đã cùng với một số tù chính trị ở nhà lao Buôn Ma Thuột vượt ngục trở về quê tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí đã trực tiếp tham gia lãnh đạo nhân dân địa phương đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã giữ các chức vụ như: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Nghệ An, chủ tịch an toàn Liên khu IV, Chánh Thanh tra Nhà nước đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Đồng chí đã được phong tặng nhiều Huân, Huy chương và danh hiệu cao quý như: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Sau khi cụ Võ Chính Đạo mất, nhân dân đã lập đền thờ cụ (1475), gọi là đền Triệu Cơ. Trong những năm 1960, đền bị hư hỏng nặng do chiến tranh tàn phá. Con cháu đã sửa đền thành nhà thờ Võ Chính Đạo (vì nguyên đền là nơi thờ Triệu Cơ Võ Chính Đạo). Ngoài ra, nhà thờ còn phối thờ các hậu duệ của ông. Đền triệu Cơ trở thành nhà thờ họ Võ từ đó.

Nhà thờ họ Võ Đại tôn là nơi đã diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng sau:
- Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, nhà thờ đã trở thành nơi tiếp nhận những thanh niên yêu nước vùng Nam tổng Thái Xá tham gia nghĩa quân cu Nguyễn Xuân Ôn, nơi tiếp nhận lương thực, thực phẩm của nhân dân trong vùng.

- Thời kỳ Đông Du, cụ Phan Bội Châu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đến nhà thờ họ Võ gặp sĩ phu Võ Khang Tế, Võ Đăng Thanh để bắt liên lạc với các sĩ phu yêu nước khác.

- Năm 1928, tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội xã Hậu Luật được thành lập tại nhà thờ. Tại đây, tổ chức đã làm lễ tuyên thệ và định ra chương trình hành động.

- Tháng 10/1935, tại nhà thờ họ Võ, Tỉnh ủy Nghệ An mở Hội nghị Đại biểu các huyện để đề ra chương trình hành động trong tình hình mới.

- Tháng 3/1945, nhà thờ họ Võ Đại Tôn là trụ sở của Tổng bộ Việt Minh tổng Thái Xá chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng ngày 17/8/1945, toàn thể nhân dân tập hợp trước nhà thờ họ Võ chờ lệnh của Tổng bộ Việt Minh tỏa về các ngả đường tham gia cướp chính quyền.

- Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ là nơi đóng quân của trạm giao liên Bộ Quốc phòng, trạm trung chuyển của Tổng cục Hậu Cần đi Lào và đi vào Nam, là nơi đóng quân của Binh đoàn Công binh Bộ Quốc phòng. Trong thời gian này, do phải tập trung cho kháng chiến nên việc tế lễ của nhà thờ không được tổ chức. Từ năm 2004, sau khi nhà thờ được tôn tạo, các hoạt động tế lễ truyền thống như: lễ khai quang, yết cáo, lễ tiến cúng…đã được khôi phục và duy trì cho đến hôm nay. Ngày 24/4 âm lịch hàng năm, con cháu Võ tộc khắp cả nước cũng như nhân dân trong vùng lại tề tựu về nhà thờ gặp gỡ nhau và cùng thắp nén hương tri ân đối với tổ tiên.

Nhà thờ họ Võ đại tôn là một công trình văn hóa được xây dựng trên một khuôn viên rộng, nằm ở trung tâm Hậu Luật, cách trụ sở UBND xã Diễn Bình khoảng 600m về phía Đông Bắc. Xung quanh di tích là những thôn xóm dân cư đông đúc. Nhà thờ có tổng diện tích 835m2, gồm các hạng mục: cổng, sân vườn, Hạ điện, Trung điện và Thượng điện.

Cổng nhà thờ được tạo bởi 2 cột trụ chính. Đôi cột trụ cao 3,2m, kích thước 40 x 40cm, được xây bằng gạch vôi vữa theo kiểu thót đáy.

Sân nhà thờ được lát bằng gạch chỉ với diện tích 60m2. Trong vườn có một số cây cảnh để tạo bóng mát và tôn thêm vẻ đẹp uy nghiêm cho nhà thờ.

Hạ điện có kiến trúc thời Nguyễn được xây dựng năm 1943, gồm 3 gian 2 hồi với tổng diện tích là 68,2m2. Khung Hạ điện được làm bằng gỗ dổi, mái rải rui bản, hoành, xà ngang, thượng lương, lợp ngói âm dương. Nền nhà lát gach Bát Tràng, hai hồi xây tường bằng gạch, vôi vữa. Phía trước hạ điện để trống, phía sau thông với trung điện. Hạ điện gồm 4 vì kèo cấu trúc kiểu " thượng giao nguyên, hạ kẻ chuyền", vì kèo thiết kế kiểu cột trốn. Hạ điện gồm có 8 cột quân, mỗi cột cao 3,43m. Trên bờ nóc Hạ điện đắp hình " lưỡng long triều nguyệt", bốn đầu đao uốn cong đắp hình vân mây, rồng lượn vừa tạo vẻ uy nghiêm vừa tạo nét mềm mại cho nhà thờ. Chính giữa Hạ điện đắp một bia đá, mặt ngoài ghi công trạng của Cụ tổ Võ Chính Đạo, mặt trong lưu danh những người có công trong việc lập bia và thời gian dựng bia. Gian giữa Hạ điện treo một bức đại tự với nội dung " phụng tổ đường" ( nhà thờ tổ). Hạ điện là nơi để tiếp khách và con cháu mỗi khi có dịp lễ tết nên không bài trí thờ phụng.

Trung điện nằm sát Hạ điện có kiến trúc thời Nguyễn, gồm 3 gian 2 hồi gác tường, bít đốc với diện tích 58,4m2. Trung điện có 3 cửa: cửa chính giữa cao 1,9m, rộng 2,4m gồm 4 cánh; hai cửa hai bên bằng nhau: cao 1,9m, rộng 2,2m. Trung điện có 2 bộ vì kèo kết cấu theo kiểu "Trung giao nguyên, hạ kẻ chuyền", mỗi vì trốn 2 cột cái nhằm tạo cho lòng nhà rộng và thoáng mát. Trung điện có 4 cột quân, mỗi cột cao 3,04m, đường kính 0,24m.

Gian giữa của Trung điện được dùng để đặt các đồ lễ cúng như hương án, bát hương, hạc, bình hoa, mâm chè… phục vụ các dịp tế lễ của nhà thờ. Gian bên phải treo 5 bức đồ phả bằng gỗ ghi lại các chi của dòng họ từ khi khai sinh đến nay. Gian bên trái là nơi đặt các đồ nhạc khí như trống, kèn,…phục vụ các dịp tế lễ trong năm.

Hai bên cột cái và phần mái gian giữa trang trí câu đối và bức đại tự cổ có nội dung: " Tổ tông công đức thiên niên thịnh. Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh". Tạm dịch là: (tổ tiên công đức ngàn năm thịnh. Con cháu thảo hiền vạn năm vinh)

Thượng điện gồm 3 gian 2 hồi với diện tích 39,54m2, ba phía xây hệ thống tường bao, phía trước để trống. Khung nhà được làm bằng gỗ lim, mái rải rui bản, hoành, xà ngang, thượng lương, lợp ngói âm dương , nền lát gạch Bát Tràng.

Gian giữa thượng điện đặt một hương án cổ sơn son thiếp vàng, phía trên hương án đặt một lư hương cổ, phía sau hương án là một bàn thờ gỗ 2 cấp lớn. Phía trên bàn thờ đặt một mâm cổ bồng và một khám thờ. Hai bên khám thờ có 2 long ngai. Khám thờ là nơi thờ 4 đời họ Võ gồm: Thủy tổ Võ Phúc Sơn ( đời 1), Cụ tổ Võ Chính Đạo ( đời 2), Võ Thuận Nghĩa, Võ Phúc Trí, Võ Thiện Thiên (đời 3), Võ Phúc Tuy (đời 4).

Gian bên phải đặt một hương án cổ có kích thước: dài 1,64m, rộng 9,7m, cao 9,3m. Phía trên hương án đặt một bát hương sứ cổ, hai bên có hai cọc nến. Sau hương án là một giường thờ 3 cấp sơn son thiếp vàng dài 1,64m, rộng 1,06m. Phía trong cùng của giường thờ đặt một bộ ngai bài vị sơn son thiếp vàng dài 0,64m, rộng 0,60, cao1,0m. Đây là nơi thờ các vị tiên tổ đời thứ 5.

Gian bên trái đặt một hương án cổ sơn son thiếp vàng chạm khắc đề tài tứ quý( tùng, cúc, trúc, mai) có chiều dài 1,17m, rộng 0,62m, cao 1,23m. Trên hương án đặt một lư hương bằng sứ và 2 cọc sáp, 1 bình hoa cổ. Phía trước hương án là một bàn thờ gỗ lim dài 1,64m, rộng 0,83m, cao 0,70m. Phía sau hương án là một giường thờ cổ 1 cấp dài 1,20m, rộng 0,67,. Cao 1,15m. Đây là nơi thờ 42 danh khoa chí sỹ họ Võ như: Võ Phiên, Võ Lung, Võ Khang Tế, Võ Nguyên Hiến,…

Nhà thờ họ Võ Đại Tôn hiện nay vẫn còn lưu giữ được những hiện vật có giá trị như: gia phả, sắc phong, câu đối,… nó đã phản ánh phần nào thân thế, sự nghiệp của các vị tiên tổ từ trước đến nay.

Với những giá trị có ý nghĩa lịch sử trên đây, nhà thờ họ Võ Đại Tôn đã được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh.

Video