Di tích nhà thờ họ Nguyễn Duy xã Thanh Phong, Thanh Chương, Nghệ An

Tác giả: admin
Ngày 2010-01-27 01:16:35

Nhà thờ Nguyễn Duy ở thôn Diên Tràng, thuộc xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ thành phố Vinh theo đường quốc lộ 49 lên thị trấn Dùng, qua 4km theo đường quốc lộc 15A là đến di tích.

Thanh Phong là một vùng đất hẻo lánh, cây cối rậm rạp ít người qua lại. Với vị thế như vậy, Tỉnh uỷ Nghệ An đã chọn làm cơ sở hoạt động bí mật từ tháng 9 năm 1930 đến tháng 2 năm 1931.

Nhà thờ Nguyễn Duy được xây dựng năm 1923, kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm thượng điện và hạ điện. Đồng chí Nguyễn Tiềm – Bí thư Tỉnh uỷ được gia đình bố trí làm việc ở nhà thượng điện - nơi thờ cụ tổ dòng họ. Hạ điện là nơi Ban thường vụ hội họp tiếp xúc với các Thường trực Huyện uỷ về báo cáo tình hình và nhận chủ trương để thực hiện. Tại đây nhiều Chỉ thị Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã được ra đời để hướng dẫn phong trào cách mạng quần chúng; đồng thời đề ra những chủ trương sát thực, uốn nắn những sai lầm của các cơ sở Đảng trong quá trình đấu tranh.

Thường vụ Tỉnh uỷ làm việc ở nhà thờ Nguyễn Duy thì cơ quan ấn loát của Tỉnh uỷ ở tại nhà thờ họ Nguyễn Ích bên cạnh. Các tài liệu truyền đơn được phát hành kịp thời gửi về các địa phương để chỉ đạo phong trào cách mạng. Bảo vệ cơ quan Tỉnh uỷ lúc đó là đội Tự vệ đỏ địa phương gồm có các đồng chí: Nguyễn Duy Thọ, Trịnh Đằng….Đồng chí Nguyễn Đình Phan, bí danh là Liễu làm giao thông cho Xứ uỷ Trung kỳ và Tỉnh uỷ Nghệ An có nhiệm vụ đưa công văn hoả tốc và nhận những Chỉ thị của Xứ uỷ về; vợ đồng chí có nhiệm vụ nấu ăn và phục vụ cho cán bộ Đảng.

Hàng ngày đồng chí Nguyễn Tiềm xuống nhà ăn cơm sinh hoạt chung với gia đình ông tộc trưởng dòng họ Nguyễn Duy. Lúc rỗi rãi đồng chí đi thăm một số bà con trong xóm và tham gia lao động sản xuất. Những lúc bị động các đồng chí được nhân dân che chở; người và tài liệu truyền đơn đều được đưa lên trốn và cất giấu ở cây sui Diên Tràng trên đỉnh núi Tròn cách nhà thờ Nguyễn Duy 50mét. Cây sui có đường kính 2mét, cao 30 mét có tán lá rộng, gốc cây có một hốc lớn là nơi ẩn náu của các đồng chí khi cơ sở bị lộ, trong hốc cây được đóng nhiều đinh để cất dấu tài liệu của cơ quan Tỉnh uỷ.

Tháng 2/1931 địch tiến hành khủng bố gắt gao vùng Thanh Chương. Chúng cho xây dựng các đồn Đại Định, Lương Điền và nhiều điếm canh. Lùng bắt cán bộ đảng viên, đốt nhà cửa, bắt lợn, bò, trâu. gà và lấy đồ đạc của dân…Về Thanh Phong chúng đốt đền Thái Phó. Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo buộc phải dời cơ quan Tỉnh uỷ lên vùng Anh Sơn.

Cụm di tích lịch sử Thanh Phong gồm nhà thờ Nguyễn Duy, nhà thờ họ Nguyễn Ích, nhà thờ họ Nguyễn Bá, cây Sui Diên Tràng cùng với nhân dân Thanh Phong đã có nhiều đóng góp trong phong trào cách mạng 1930-1931. Di tích nhà thờ Nguyễn Duy nằm trên vùng đồi thấp của núi Tròn xã Thanh Phong. Kiến trúc nhà thờ kiểu chữ nhị đơn giản, lợp ngói vảy, mái nhà trang trí hình đầu rồng uốn lượn. Vách giữa gian chính điện trang trí hình hai con công. Trong nhà có hương án thờ tự và một số tài liệu hiện vật như yên thư làm việc, cặp đựng tài liệu của đồng chí Nguyễn Tiềm và các cán bộ Tỉnh uỷ.

Di tích nhà thờ Nguyễn Ích nằm phía bên trái nhà thờ Nguyễn Duy, được xây dựng năm 1921 gồm 3 gian nhà gỗ. Nhà xây theo kiểu kiến trúc bình thường, lợp ngói vảy. Đây là nơi làm việc của cơ quan ấn loát Tỉnh uỷ. Trưởng ban ấn loát là đồng chí Hoàng Văn Tâm (bí danh là Thanh) người Nghi Lộc. Các tài liệu truyền đơn được phát hành tại đây bằng kỹ thuật in bản thạch đơn giản kịp thời chuyển về các địa phương chỉ đạo phong trào đấu tranh.

Nhà thờ Nguyễn Bá nằm phia Tây - bắc nhà thờ Nguyễn Duy xây dựng năm 1922, kiến trúc đơn giản gồm 3 gian 2 chái, lợp ngói vảy. Hiện còn nguyên vẹn. Tại nhà thờ Nguyễn Bá đã diễn ra Hội nghị kiện toàn tổ chức, triển khai Nghị quyết Thanh đảng của Xứ uỷ Trung kỳ. Hội nghị kéo dài 7 ngày vào trung tuần tháng 12 năm 1930 do đồng chí Nguyễn Phong Sắc - uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ chủ trì. Hội nghị có đến 50-60 đại biểu của tỉnh và các huyện về dự. Hội nghị đã bầu đồng chí Tôn Gia Chung (bí danh là Sâm) làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Đình Phan – tỉnh uỷ viên phụ trách Nông hội, đồng chí Nguyễn Thuận- công nhân Vinh- Bến Thuỷ phụ trách công hội, đồng chí Phan Đình Đồng, Tôn Thị Quế phụ trách tài chính, kinh tế.

Chính trong thời gian cơ quan Tỉnh uỷ Nghệ An làm việc tại đây thì dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ phong trào đấu tranh của các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn lên cao.

Xét công lao của nhân dân thôn Diên Tràng, xã Thanh Phong đối với sự nghiệp cách mạng, Nhà nước đã tặng bằng có công cới nước cho nhà thờ họ Nguyễn Duy, nhà thờ họ Nguyễn Ích, nhà thờ họ Nguyễn Bá cùng 15 gia đình cơ sở bảo vệ cách mạng.

Di tích nhà thờ Nguyễn Duy đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 1288 QĐ –VH ngày 16 tháng 11 năm 1988. Đó là chứng tích của một giai đoạn lịch sử oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Phong.

Video