Di tích Nhà thờ họ Nguyễn Bá (chi 2) (Tràng Sơn, Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).

Tác giả: admin
Ngày 2011-06-02 02:33:03

Nhà thờ họ Nguyễn Bá do bà con họ Nguyễn Bá lập nên để thờ thủy tổ Nguyễn Bá Hừu và các bậc tiên tổ của dòng họ. Đây cũng là cơ sở hoạt động của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1939 – 1931.

Nhà thờ cách thành phố Vinh 75km về phía Tây bắc. Khách từ Bắc vào hay Nam ra, đến ngã ba thị trấn Diễn Châu rẽ theo Quóc lộ 7 khoảng 30km đến địa phận Thị trấn Đô Lương, theo đường 15 khoảng 1,5 km, qua bara Đô Lương đi tiếp 1,5km đến ngã ba Trường Thành rẽ phải 2km là đến di tích.

Nhà thờ họ Nguyễn Bá được xây dựng trên một khu đất cao có tên là Động Bằng, xa xa phía trước là dòng sông Lam thơ mộng. Cách 1km về phía Tây là đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, cách 1,5 km về phía nam là Nhà thờ họ Nguyễn Cảnh và đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, những di tích đã được xếp hạng Di tích Lich sử - Văn hóa quốc gia. Khuôn viên nhà thờ rộng 365m2 ngoảnh mặt về hướng Đông Nam gồm có các công trình: cổng, tường bao, tắc môn, sân, vườn và Nhà thờ.

Nhà thờ có kết cấu kiến trúc triều Nguyễn một nhà ba gian làm bằng chất liệu gỗ lim, xây tường bịt đốc, kích thước 8,15m X 6,6m ( 53,79m2);ái nhà rui bản lợp ngói âm dương. Kết cấu vì kéo theo kiểu chuyền chụp; hệ thông cửa ván gồm 2 cửa nách và một cửa chính. Nền nhà lát gạch đất nung. Bao quanh khuôn viên nhà thờ có cổng và hàng rào được xây bằng gạch chỉ. Nhà thờ hiền nay thuộc sở hữu của dòng họ.

Các nhân vật chủ yếu được thờ tại đây bao gồm các vị chủ yếu sau:
Nguyễn Bá Hừu:
Theo gia phả dòng họ, nguồn gốc xưa kia của dòng họ Nguyễn Bá xã Tràng Sơn xuất phát ở Cửa Sót, huyện Kim Đôi( Can Lộc – Hà Tĩnh). Cuối thế kỷ XVII, ông Nguyễn Bá Lan theo thuyền buôn nước mắm đến làng Thanh Lâm, huyện Lương Sơn ( Nghệ An) định cư, lập nghiệp. Ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Dậu, sinh được 3 người con trai, trong đó có Nguyễn Bá Hừu và lập ra dòng họ Nguyễn Bá ở đây. Đến nay dòng họ này đã có 11 đời.

Nguyễn Bá Hừu, tự Trọng Hài, sinh đầu thế kỷ XVII, là một người nông dân cần cù chịu khó làm ăn. Ông đã có công trong việc xây dựng đình làng Thanh Lâm, bắc cầu đa cạnh sông Đào…góp phần mở mang phát triển kinh tế cho làng. Ông mất năm 38 tuổi. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hướn ( sinh năm 1723), ở vậy thờ chồng, nuôi con. Bà mất năm 1828, thọ 105 tuổi, được vua Minh Mạng ban tặng biển “Trinh Thọ”, 30 lạng bạc, 5 tấm lụa hồng, 5 tấm lụa đỏ.

Nguyễn Bá Trứ:
Nguyễn Bá Trứ sinh cuối thế kỷ XIX, hậu duệ đời thứ 7 của ông Nguyễn Bá Hừu. Sinh ra trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược ký hòa ước công nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam. Nhiều phong trào kháng chiến chống Pháp nổi dậy và lần lượt thất bại. Nhưng một làn gió mới đang thổi vào Việt nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Sau khi bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc đã tiếp thu Chủ nghĩa Mác Lênin và tổ chức truyền bá vào Việt Nam thông qua việc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1926, tiểu tổ Hội VNCM thanh niên được thành lập ở Trung Kỳ. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, trong đó có tổ chức Hưng Nghiệp hội xã ở Yên Xuân ( Anh Sơn), Mỹ Sơn ( Đô Lương)…

Là một thanh niên yêu nước, hiểu biết, Nguyễn Bá Trứ đã nhanh chóng giác ngộ và được kết nạp vào Hội VNCM thanh niên, được giao làm công tác tuyên truyền. Ông đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin, cuốn Đường cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tác phẩm Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu cho các tầng lớp nhân dân.

Năm 1929, ông được bầu làm Bí thư Thôn bộ nông, tích cực vận động thành lập các tổ chức : Thanh niên xích sắt, Nông hội đỏ.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ông được bầu làm Bí thư chi bộ Bạch Chỉ. Nhà thờ họ Nguyễn Bá trở thành nơi hội họp của chi bộ.

Nguyễn Bá Trứ đã tham gia lãnh đạo nhan dân Thanh Lâm tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi giảm sưu, hoãn thuế, kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5…Tháng 7/1931, ông bị bắt giam tại đồn Yên Lĩnh ( Lĩnh Sơn, Anh Sơn). Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man nhưng ông vẫn vững vàng, không khai báo gì. Không có chững cứ buộc tội, địch buộc phải thả ông.

Trong thời kỳ khủng bố trắng, ông đã vận động gia đình bán ruộng, lấy tiền lập ra các hội nhà trò, hát tuồng để chi bộ tổ chức hoạt động bí mật. Ông còn mua chức Hương bộ để che mắt địch dễ bề hoạt động cách mạng, đưa xưởng in thạch của Đảng về Nhà thờ họ để in ấn.

Từ năm 1943, do sức khỏe yếu, ông chuyển sang làm nghề dạy học tại quê nhà và mất ngày 12 tháng 10 năm 1953.

Nguyễn Bá Hồ:
Nguyễn Bá Hồ sinh năm Nhâm Dần (1902) là hậu duệ đời thứ 8 của ông Nguyễn Bá Hừu. Với tinh thần yêu nước sâu sắc, bất chấp sự bắt bớ của thực dân Pháp và tay sai, ông đã tổ chức nuôi đấu các cán bộ Đảng, chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển cơ sở in ấn của Đảng và tổ chức in ấn, truyền đơn, tài liệu trong Nhà thờ họ Nguyễn Bá mà ông là tộc trưởng.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Nguyễn Bá Hồ là đội trưởng đội tuyên truyền Việt Minh, đã cùng chú là Nguyễn Bá Trứ giương cao cờ đỏ sao vàng, hô to khẩu hiệu “Toàn thể đồng bào hãy theo Việt Minh đứng dậy, đánh đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng!”, tiên phong dẫn bà con bao vây dinh phủ, buộc chúng phải trao ấn tín cho cách mạng. Sau Cách mạng tháng 8, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, ông được bầu làm Trưởng ban tài chính của xã.

Nguyễn Bá Yêm:
Nguyễn Bá Yêm sinh năm 1911, là em trai Nguyễn Bá Hồ.

Sớm tham gia hoạt động cách mạng, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của chi bộ Thanh Lâm.

Những năm 40 thế kỷ XX, thực dân Pháp truy lùng khủng bố gắt gao các chiến sỹ cộng sản, ông đã đón các đồng chí lãnh đạo Phủ ủy Anh Sơn về hoạt động bí mật tại nhà thờ họ Nguyễn Bá, tổ chức in ấn tài liệu tại nhà thờ.

Năm 1944, ông là người lãnh đạo Việt Minh, Thanh niên cứu quốc xã ở Đô Lương. Ngày 1/5/1945, Chấp ủy Việt Minh ở Anh Sơn ra đời và tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Nguyễn Bá Yêm được phân công phụ trách đội tự vệ của xã bí mật bảo vệ đoàn biểu tình ở 3 làng Cẩm Ngọc, Thanh Lâm và Tràng Thịnh.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông được cử làm Trưởng ban bình dân học vụ xã và tham gia nhiều hoạt động ở địa phương.

Ông mất năm 1990, thọ 79 tuổi, được tặng Kỷv niệm chương 50 năm tuổi Đảng.

Nhà thờ họ Nguyễn Bá là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con trong họ. Từ ngày xây dựng đến nay, nhà thờ là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc và địa phương.

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và trong thời kỳ khủng bố trắng, thời kỳ Mặt trận dân chủ cũng như thời kỳ củng cố lực lượng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8 – 1945, nhà thờ họ Nguyễn Bá là cơ sở cách mạng của Đảng. Đây là cơ sở in ấn báo chí, tài liệu, truyền đơn của Đảng và là nơi tập hợp quần chúng đi mít tinh, biểu tình, đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Phần lớn truyền đơn, tài liệu, khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình ở Anh Sơn đều được in ấn tại nhà thờ họ Nguyễn Bá.

Ngày 18/8/1945 và 22/8/1945, quần chúng Thanh Lâm, Tràng Thịnh, Cẩm Ngọc tập trung tại nhà thờ họ Nguyễn Bá rồi đổ về huyện lỵ Đô Lương hô to các khẩu hiệu: “Đả đảo chính phủ bù nhìn Nhật”, “Ủng hộ Việt Minh”, “ Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm”…

Nhà thờ họ Nguyễn Bá là nơi nuôi dấu và tổ chức hoạt động cho nhiều cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy Anh Sơn như Nguyễn Phong Sắc, Võ Mai, Nguyễn Hữu Tiêu, Phan Hoàng Tiêm, Ngô Trí Giao…

Nhà thờ cũng là nơi thường tổ chức biểu diễn tuồng, trò nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

Nhiều người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Bá đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng và anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Với những giá trị lịch sử và cống hiến cho dân tộc, Nhà thờ họ Nguyễn Bá chi 2 xã Tràng Sơn, Đô Lương đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh.

Nguyễn Xuân Thủy-BT Xô viết Nghệ Tĩnh

Video