Di tích Nhà thờ họ Chu ( Hoa Thành, Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) .

Tác giả: admin
Ngày 2011-06-02 02:40:45

Nhà thờ họ Chu xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An do bà con họ lập nên để thờ thủy tổ Chu Thường Yêm và các bậc tiên tổ của dòng họ. Đây cũng là cơ sở hoạt động của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1939 – 1931.

Nhà thờ cách thành phố Vinh 53km về phía Tây bắc. Khách từ bắc vào hay Nam ra, đến ngã ba cầu Bùng rẽ theo tỉnh lộ 538 đến km 11 rẽ phải là gặp di tích nhà thờ họ Chu.

Nhà thờ họ Chu được xây dựng trên một vùng đất văn vật có lịch sử lâu đời, ghi dấu nhiều dấu vết, chứng tích lịch sử. Đây là mảnh đất “ Thượng truông Đồi, hạ Đất đỏ”, vừa có núi, có sông, vừa có đồng bằng. các thôn làng ở vào thế tọa sơn, vọng thủy,lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra cách đồng bát ngát, có rông chầu, hổ phục, có thủy tụ, long bồi “ rồng bay, phượng múa, tay tiên chầu về”. Xung quanh di tích là khu dân cư trù mật, có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như; Chùa Bảo Lâm, Đền Cả, Khu lưu niệm Phan Đăng Lưu, Nhà thờ Thám hoa Phan Duy Thực, Phan Tất Thông… những di tích đã được xếp hạng Di tích Lich sử - Văn hóa quốc gia.

Khuôn viên nhà thờ rộng 794,8m2 gồm có các công trình: cổng, tường bao, tắc môn, sân, hạ điện, trung điện, sân lộ thiên và thượng điện.

Nhà hạ điện xây dựng năm 1902 có kết cấu kiến trúc triều Nguyễn ba gian hai hồi có kích thước 7,95m x 3,95m làm bằng chất liệu gỗ táu, mái nhà rui bản lợp ngói âm dương. Kết cấu vì kèo theo kiểu giao nguyên, 4 vì kèo. Nền nhà lát gạch đất nung.

Nhà trung điện cũng xây dựng năm 1902, kiến trúc triều Nguyễn, kiểu tứ trụ, ba gian hai hồi, kích thươvs 9,55m x 5,33m, chiểu cao 4m. Bộ khung nhà làm bằng gỗ lim, mái rui bản lợp ngói âm dương. Nền nhà lát gạch hoa, cửa kiểu ván dật, hai phía xây tường gạch dày 0,15m. Kết cấu vì kèo đôi kiểu chữ Đinh.

Nhà Thượng điện xây dựng năm 1902, kiến trúc thời Nguyễn, gồm 3 gian hai hồi bít đốc. độ cao 3,95m, kích thước 7,84m x 5,35 m. Khung nhà bằng gỗ lim, mái rui bản lợp ngói âm dương, hệ thống cửa kiểu bàn khoa. Thượng điện có 4 vì kèo làm theo kiểu giá chiêng, kẻ chuyền. Nghệ thuật chạm khắc khá tinh tế, trang trí đề tài Cá chép hóa rồng, Tứ linh, hoa lá, vân mây cách điệu…

Nội thất bài trí 138 hiện vật trong đó có 25 hiện vật cổ, 30 hiện vật cũ, 83 hiện vật mới.

Các nhân vật chủ yếu được thờ tại đây bao gồm các vị chủ yếu sau:
Chu Thường Yêm:
Hiệu Chất Phác Phủ quân, gốc người làng Long Ân, tổng Hoàng Trường, Phủ Diễn Châu, sinh khoảng đầu thế ký XVII, là hậu duệ cụ Chu Hồng nguyên, người được phong chức Chinh vụ uy lĩnh thủy lục Đại tướng quân Đô chỉ huy sứ thời Lê Sơ. Được học hành đến nơi, đến chốn nhưng do bản tính thanh liêm, cương trực nhưng gặp thời buổi Chúa Trịnh chiếm ngôi Vua Lê gây cảnh nồi da nấu thịt, ông không theo đói khoa bảng, làm quan cho Chúa Trịnh mà đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Năm 1635, nơi ông đến là làng Nam ( Hoa Thành ngày nay) cùng với bà con họ Đậu, họ Lê, họ Đào cùng nhau khai khẩn đất hoang, làm đường sá, cầu cống, thủy lợi..tạo nên một vùng dân cư trù phú. Với hiểu biết của mình, ông lại tạo lập cho làng nghề thủ công mới là trồng mía, kéo che, nấu mật, tạo nên sản phẩm mật làng Nam nổi tiêng. Nhờ vậy đời sống bà con ngày càng phát triển. Vì vậy sau khi ông mất, nhân dân làng Nam đã tôn ông làm thành hoàng là lập bài vị thờ ông tại Đền Cả. Ông cũng trở thành vị Đệ nhất thế tổ của dòng họ Chu xã Hoa Thành. Các triều đại phong kiến có nhiều sắc phong như: “ Bản cảnh Triệu cơ Chu Yêm tướng công tối linh tôn thần” (Thành Thái 15-1903); “Bản cảnh Triệu cơ Chu Yêm tướng công chính trực tôn linh, tôn thần” (Khải Định 9 – 1924).

Năm 1969 do chiến tranh, đền Cả bị hư hại, con cháu đã xin rước bài vị, đồ tế khí ông về thờ tự tại Nhà thờ họ.

Chu Trạc:
Ông sinh năm 1849 trong một gia đình nông dân yêu nước tại làng Nam xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành).
Thời nhỏ ông được cha mẹ cho đi học chữ Hán và võ nghệ, vốn có sức khỏe và giàu nghĩa khí, ông đã thị đậu cử nhân võ ở trường thi Thanh Hóa và vào Huế dự thị Tạo sỹ ( tiến sỹ võ). Nhưng gặp lúc Kinh thành Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, ông từ bỏ con đường khoa cử, về quê làm nghề bốc thuốc và buôn bán nông lâm, thổ sản và tham gia hoạt động trong phái Ám Xã thuộc tổ chức Hội Duy Tân và Quang Phục hội của Phan Bội Châu. Ông cùng cử nhân Hồ Xuân Trang ra bắc liên kết với Hoàng Hoa Thám, đơcj Hoàng Hoa Thám tin tưởng giao nhiệm vụ tuyển mộ quân sỹ, mua sắm vũ khí, chuẩn bị lực lượng ở Nghệ An.

Ngày 26/2/ Mậu Thân (1908) Chu Trạc cùng nghĩa quân tổ chức lễ tế cờ ra quân tại nương Mạ Su. Sau đó ông cho dán yết thị ở Vinh, cử người sang Xiêm mua sắm thêm vũ khí. Ở nhà ông cùng cộng sự chuẩn bị mọi điều kiện để cùng các nhóm nghĩa quân khác đánh chiếm phủ lỳ Yên Thành, Nghi Lộc và thành Nghệ An. Nhưng do ké hoạch bị bại lộ, đêm 10/4/1908, ông và 25 cộng sự bị bắt giải về giam tại Nhà lao Vinh. Chu Trạc và Hồ Xuân Trang bị địch kết án tử hình. Do cảm phục tinh thần yêu nước của ông nên Tổng đốc Nghệ An đã xin cho được giảm án xuống khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo. Trong tù, ông đã dùng hiểu biết y học để chữa bệnh, cứu giúp nhiều bạn tù. Ông cũng chữa khỏi bệnh cho người nhà cai ngục nên được giảm án nhiều lân và được thả vào ngày 7/8/1927.

Tuy sự nghiệp không thành nhưng tinh thần yêu nước, dám hy sinh vì nước của ông được nhân dân ghi nhớ. Tên của ông đã được đặt cho địa danh, tổ chức ở quê ông như: xóm Chu Trạc, Hợp tác xã Chu Trạc, bàu Chu Trạc…

Chu Văn Biên:
Chu Văn Biên sinh ngày 15/10/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Từ nhỏ, ông theo học chữ Hán ở quê, sau đó học quốc ngữ tại Trường tiểu học Yên Thành và Quốc học Vinh.

Cuối năm 1926, Chu Văn Biên gia nhập Hội Phục Việt và tích cực hoạt động trong chi hội Trường Quốc học Vinh. Những dịp được nghỉ học ông thường liên hệ cùng Phan Đăng Lưu về Yên Thành xây dựng cơ sở cho Hội.

Tháng 9/1929, Chu Văn Biên được đồng chí Nguyễn Phong Sắc giới thiệu kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng tại chi bộ trường Quốc học Vinh, trở thành một trong những thế hệ đầu tiên của Đảng ta.

Đầu năm 1930, ông được bổ sung vào Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền. Ông đã bám sát các cuộc đấu tranh của quần chúng ở Vinh – Bến thủy và các vùng xung quanh, tổ chức in ấn truyền đơn, khẩu hiệu, diễn thuyết tuyên truyền góp phần thổi bùng ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh.

Cuối năm 1931, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp khốc liệt, Chu Văn Biên bị bắt giam ở Nhà lao Vinh, bị kết án 7 năm tù khổ sai và đày đi nhà tù Lao Bảo. Trong tù, ông đã vận động thành lập chi bộ Đảng, tuyên truyền giáo dục và dạy chữ cho anh em đồng chí. Kẻ địch đánh giá ông thuộc diện nguy hiểm nên tăng án lên chung thân và đày đi nhà tù Ban mê thuột. Tại đây ông đã gặp lại Phan Đăng Lưu, cung cấp nhiều thông tin ở nhà tù Lao Bảo để Phan Đăng Lưu viết bài gửi ra công khai tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù thực dân.

Năm 1943, nhờ áp lựu của phong trào cách mạng trong nước và quốc tế, nhiều tù nhân chính trị được thả, trong đó có Chu Văn Biên. Ra tù ông liên lạc ngay với đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Xuân Linh nắm bắt tình hình để tham gia khôi phục phong trào cách mạng.

Tháng 2 năm 1945 ông về Tràng Thành cùng đồng chí Mười Uyển khôi phục tổ chức, đưa thanh niên lên vung Ngọc Luật, Đông Yên tham gia đội vũ trang, tổ chức luyện tập quân sự.

Sau khi Ban vận động Việt Minh tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh được thành lập (5/1945) Chu Văn Biên được phân công phụ trách thành lập ban vận động Việt Minh khu vực Diễn –Yên- Quỳnh.

Ngày 21/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An thắng lợi, Chu Văn Biên được bầu vào Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An.

Sau cách mạng tháng Tám, ông được bầu vào Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, từ đó được giao giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước: Chính ủy Mặt trận Bình Trị Thiên, Chính ủy Quân khu IV, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật, Thứ trưởng, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp TW kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Ấn Độ kiêm nhiệm Băng la đet và Srilanca…Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Vì vậy ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…

Nhà thờ họ Chu là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con trong họ. Hàng năm thường tổ chức lễ tế tổ, ôn lại và giáo dục con cháu những tấm gương tiêu biểu của cha ông. Từ ngày xây dựng đến nay, nhà thờ là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc và địa phương. Đây được chọn làm nơi làm việc, hội họp của các cơ quan huyện Yên Thành trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Nhà thờ cũng là nơi thường tổ chức biểu diễn văn nghệ, liên hoan tiễn chân con em lên đường nhập ngũ… nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

Nhiều người con ưu tú của dòng họ Chu đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng và anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Với những giá trị lịch sử và cống hiến cho dân tộc, Nhà thờ họ Chu xã Hoa Thành, Yên Thành đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh.

Nguyễn Xuân Thủy - BT Xô viết Nghệ Tĩnh

Video