372
601
4464
16849
34073
6825294
Di tích huyện đường Đức Phổ thuộc thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 8/10/1930 của hơn 5000 quần chúng nhân dân chiếm phá huyện đường ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Từ thị xã Quảng Ngãi theo Quốc lộ 1A về hướng nam 40 km, huyện đường Đức Phổ nằm bên trái quốc lộ 1A (nay là UBND huyện Đức Phổ).
Huyện Đức Phổ nằm về phía nam Tỉnh lỵ Quảng Ngãi, đông giáp biển Đông, tây giáp huyện Ba Tơ, nam giáp tỉnh Bình Định, bắc giáp huyện Mộ Đức. Đức Phổ là huyện đồng bằng ven biển, đồng ruộng xen kẽ núi đồi, có sông Trà Câu đổ ra biển. Bờ biển dài 42km có cửa biển Mỹ Á, Sa Huỳnh, có đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy dọc theo chiều dài của huyện tạo nên một vị thế thuận lợi cho phát triển nền kinh tế - văn hóa của huyện.
Đức Phổ còn là một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Đức Phổ đã nhiều lần nổi dậy chống thực dân Pháp và tay sai. Năm 1885 tham gia cuộc khởi nghĩa chiếm thành Quảng Ngãi do Lê Trung Đĩnh lãnh đạo, năm 1886-1886 tham gia cuộc khởi nghĩa Nguyễn Bá Loan. Hương ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, các nhà yên nước Quảng Ngãi đã lập Hội Duy Tân, vận động thanh niên xuống đường, mở trường dạy học…..Ở Đức Phổ có trường ở Tân Hội, Hùng Nghĩa (Phổ Phong), trường Lộ Bàn ở Phổ Ninh, xuất bản tờ báo “dân cày”, “thanh niên”, phổ biến những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được in thành sách “Đường cách mệnh”.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), vào mùa xuân 1930 Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập, do đồng chí Nguyễn Nghiêm người làng Tân Hội (xã Phổ Phong) làm Bí thư. Sau khi Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập, tháng 4/1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của Đức Phổ ra đời tại làng Tân Hội, do đồng chí Nguyễn Suyền (người thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong) làm Bí thư.
Sau thời gian được thành lập, chi bộ cộng sản Đức Phổ đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân trong huyện tiến hành cuộc đấu tranh mới với nhiều hình thức đấu tranh như mít tinh, biểu tình thị uy, rải truyền đơn, treo cờ cách mạng nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, qua đó đem lại niềm tin cho quần chúng bị áp bức bóc lột và làm cho kẻ địch phải kiêng dè.
Đặc biệt trong cao trào XVNT, hưởng ứng cao trào cách mạng 1930-1931 và chia lửa với nhân dân Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ Quảng Ngãi, Đức Phổ được chọn làm điểm đấu tranh chống địch vì đây là huyện có phong trào tương đối mạnh và cơ quan đầu não Tỉnh bộ lâm thời Quảng Ngãi được thành lập tại đây (làng Tân Hội, Đức Phổ). Nhận được chỉ thị của Phân cục Trung ương Trung kỳ, các đồng chí trong Ban chấp hành tỉnh bộ lâm thời tỉnh Quảng Ngãi đã triệu tập ngay cuộc họp Tỉnh uỷ để thống nhất kế hoạch chỉ đạo cuộc đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuộc họp nhất trí chủ trương phát động điểm, lấy Đức Phổ làm điểm khởi đầu có phối hợp với các huyện khác để rút kinh nghiệm rồi triển khai dần ra các phủ huyện khác theo sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ và quyết định biểu tình toàn huyện vào ngày 8/10/1930.
Đúng giờ quy định, đêm mồng 7 rạng sáng mồng 8/10/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Nghiêm –Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, huyện ủy, các chi bộ Đảng, ban chỉ huy đấu tranh và Nông hội đỏ quần chúng Đức Phổ đã vùng lên đấu tranh. Phía Tây bắc vùng Hùng Nghĩa, Vạn Lý (Phổ Phòng), rồi phía bắc vùng Mỹ Thuận, Kim Giao sáng bừng lên. Tiếp theo là phía đông vùng Thanh Hiếu, Tân Tự (Phổ Minh), rồi tiếp tục ở phía tây, phía nam cũng lần lượt bừng sáng. Cả Đức Phổ như rực lên trong lửa đỏ. Nhiều chỗ đoàn biểu tình đi qua cánh đồng trống, hàng trăm, hàng nghìn ánh đuốc bập bùng, chuyển động như con rồng lửa dài vô tận, di chuyển lần lượt về phía trước. Tiếng trống dục giã hoà lẫn với tiếng hô vang khẩu hiệu náo động vang dội khắp nơi. Cuộc biểu tình lúc đầu chỉ khoảng 3000 người ở cả 5 ngã kéo đến. Đến đâu, nhân dân ở đó lại nhập thêm vào, điều đặc biệt là khá nhiều đoàn phu, đoàn thập và một số lý hương cũng tham gia, lúc đến huyện con số lên đến 5000 người. Các cánh phối hợp nhịp nhàng, lực lượng tự vệ đỏ bảo vệ tốt đội ngũ biểu tình, lực lượng phòng triệt được bố trí ở tất cả các ngả; bọn chánh tổng, lý hương ở các làng xã hoảng sợ nằm im hoặc chạy trốn. Trước đông đảo quần chúng, các đồng chí trong Tỉnh ủy (Phan Thái Ất và Nguyễn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) đã vạch rõ tội ác của đế quốc Pháp và Nam triều, tuyên truyền đường lối của Đảng và kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh. Buổi diễn thuyết đã kích động mạnh mẽ tinh thần cách mạng của nhân dân, đoàn biểu tình với khí thế hừng hực rầm rộ kéo nhau về huyện đường Đức Phổ đưa yêu sách.
Bốn giờ sáng ngày 8/10/1930 đoàn biểu tình kéo về bao vây huyện đường. Vào đến nơi thì cổng huyện đường đã mở, tên tri huyện Phan Lang bỏ trốn, lính tráng chạy dạt khắp nơi. Lá cờ Đảng lớn nhất được treo lên trụ cờ chính trước huyện đường. Đoàn biểu tình xông vào đốt phá công văn giấy tờ, hồ sơ, ấn triện, thả tù nhân, dán áp phích, rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm, hô vang các khẩu hiệu cách mạng: “Chống khủng bố đồng bào Nghệ Tĩnh! Không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh”. Sau khi làm chủ huyện đường, đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành xung quanh huyện lỵ và các xã lân cận đến 8 giờ sáng mới giải tán.
Phối hợp hành động với Đức Phổ, các nơi khác trong tỉnh cũng đã tổ chức rải truyền đơn, treo cờ Đảng và khẩu hiệu đấu tranh. Sau Đức Phổ, nhân dân các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức cũng liên tiếp nổi dậy biểu tình.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Đức Phổ đã thu được nhiều thắng lợi rực rỡ, tinh thần cách mạng của quần chúng được cổ vũ, lực lượng cách mạng được bảo toàn, mở rộng và phát triển, có ảnh hưởng vang dội trong cả nước.
Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân trong huyện đòi tự do dân chủ, chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng diễn ra liên tục dưới sự lãnh đạo của Đảng và cho đến cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đức Phổ cũng như các huyện khác của Quảng Ngãi đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, cùng với cả tỉnh và Khu V tạo nên thắng lợi trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, chiến thắng mùa khô 1965 – 1966, chiến thắng mùa khô năm 1967 đến đại thắng mùa xuân 1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Đức Phổ đã vượt qua mọi khó khăn, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Với những thành tích đạt được qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Đức Phổ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 16 đơn vị, 8 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 431 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Huyện đường Đức Phổ năm xưa nay được sử dụng làm nơi làm việc của UBND huyện Đức Phổ, nằm trung tâm huyện lỵ, thuộc thị trấn Đức Phổ.
Huyện đường Đức Phổ với diện tích 5576m2, dài 90m, rộng 62m, mặt quay về hướng tây (đường quốc lộ IA), bao bọc xung quanh huyện đường là một bờ tường gạch thấp, chính giữa là cổng ra vào, phía tay trái cổng có bốt gác nhỏ để kiểm tra, kiểm soát người ra vào, hai bên cổng là hai vây nhãn, giữa sân có một trụ cờ.
Trụ sở huyện đường nhà xây bằng gạch theo kiểu nhà xưa có 3 gian 2 chái với diện tích 60m2, dài 10m, rộng 6m, có bốn cửa ra vào, phía trước hai cửa hai hồi, hai bên hai cửa; 4 mái lợp ngói âm dương.
Phía bên sân phải huyện đường có một miếu nhỏ gọi là miếu âm hồn để các quan thắp hương cúng lễ. Bên trái sân có một căn nhà 3 gian làm trại giam tù nhân và trại lính để bảo vệ huyện đường, quản lý tù nhân. Nhà của vợ chồng tri huyện cũng được xây dựng làm 3 gian, lợp ngói âm dương nằm phía bên trái sân, phía sau là nhà bếp và giếng nước.
Đến khoảng năm 1960, huyện đường Đức Phổ được sử dụng làm trung tâm trụ sở chính của huyện và được xây dựng lại hoàn toàn trên nền nhà cũ với ngôi nhà lớn 7 gian, dài 30m, rộng 16m, nhà gỗ lợp ngói, kiến trúc 1 tầng. Xung quanh trụ sở được xây dựng 9 ngôi nhà cấp 4 làm nhà làm việc cho các phòng ban.
Năm 1985 ngôi nhà trụ sở chính của huyện được nâng lên thành nhà 2 tầng. Cùng đó, một bức phù điêu cờ đỏ búa liềm phía trước mặt tiền ngôi nhà được xây dựng. Bức phù điêu cao 10m, chân đế vuông, tái hiện lại hình ảnh cuộc biểu tình đánh chiếm huyện lỵ năm 1930 của nhân dân Đức Phổ, dưới chân là tấm bia đá tóm tắt nội dung lịch sử cuộc đấu tranh ngày 8/9/1930 tại di tích huyện đường Đức Phổ.
Di tích huyện đường Đức Phổ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.