Di tích Đền Trìa

Tác giả: admin
Ngày 2011-03-30 14:05:11

Đền Trìa nằm ở làng Lộc Đa (nay thuộc xã Hưng Lộc – thành phố Vinh), cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía Đông Bắc. Theo đường quốc lộ Vinh – Cửa Hội – Cửa Lò du khách có thể đến tham quan di tích này bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Đền Trìa (còn có tên gọi là Đền Lộc Đa) được xây dựng vào năm 1893 để thờ vị tướng có công trong sự nghiệp chống quân Thanh đã được phong là Thượng Đẳng Thần. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghiêm. Mặc sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh khiến di tích này không còn nguyên vẹn như xưa nhưng, nhưng nó vẫn giữ được những giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật quý báu.

Đền gồm ba tòa: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, hai bên là nhà Tả vu và Hữu vu. Cổng đền uy nghi, xây vòm cao có 4 con rồng chầu lại.

Thượng điện lợp ngói nam, các cột bằng gỗ lim, gồm ba gian, gian giữa được chạm khắc họa tiết đầu rồng ở xà dọc chính. Các kèo bên trong cột sau đều chạm khắc họa tiết rồng chầu nguyệt. Trên dàn đỡ mái có những cột bổng được tiện tròn kê trên những gối cơm dẹt (tượng tưng cho bánh gì và bánh chưng xanh) theo văn hóa làm nông nghiệp của vùng. Các cột chính đều được sơn son và vẽ hình long ẩn vân.

Thượng điện có 14 cột gồm 6 cột chính và 8 cột phụ và 14 viên đá tảng lớn...

Tòa Hạ điện cũng được lợp bằng ngói nam, có 14 cột lim giống Thượng điện nhưng ở xà dọc chính lại có họa tiết rồng chầu nguyệt…

Không chỉ là di tích mang giá trị văn hóa kiến trúc, mỹ thuật, đền Trìa còn là một di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trên mảnh đất mảnh đất Hồng Lam trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Tháng 7 năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (cán bộ lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng) bắt mối với đồng chí Hoàng Trọng Trì (người con ưu tú của mảnh đất Lộc Đa) và một số đảng viên Tân Việt, hội viên Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng lập ra Chi bộ “Đông Dương Cộng sản Đảng nông thôn phía Đông Bắc Vinh – Bến Thủy”. Chi bộ gồm 7 đảng viên: Hoàng Trọng Trì, Hoàng Bá, Trần Cảnh Bình, Nguyễn Tiến Nhoạn, Nguyễn Lung, Nguyễn Văn Sử và Nguyễn Xuân Thâm. Hoàng Trọng Trì được cử làm Bí thư. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Hoàng Trọng Trì được cử vào Ban chấp hành Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy, chi bộ ghép này tách ra hai chi bộ riêng: Chi bộ Lộc Đa, Đức Thịnh và chi bộ Yên Dũng Thượng.

Ngày 21/4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy có cuộc họp tại nhà đồng chí Hoàng Trọng Trì quyết định lấy ngày 1/5/1930 (ngày Quốc tế lao động) làm ngày phát động quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh. Tại Lộc Đa, Đức Thịnh chỉ có 7 đảng viên lo toan phong trào quần chúng trong 7 làng nhưng các đồng chí đã hoạt động khôn khéo không quản ngày đêm bám đất băng đồng, đến tận các mái tranh nghèo, những bếp lửa đêm, những gò mối, bãi tha ma, từ cầu Tiên đến Đền Trìa để tuyên truyền chủ trương, kế hoạch của các cấp bộ Đảng.

Khoảng 3h sáng ngày 1/5/1930, sau khi nhận được tín hiệu, đông đảo nhân dân Lộc Đa và các vùng lân cận đã tập trung tại chợ Cọi và Đền Trìa để đi đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của đội trưởng tự vệ đỏ Phạm Ngọ, với khí thế sục sôi, đoàn biểu tình kéo về khu vực Bến Thủy phối hợp với công nhân trong các nhà máy thực hiện các yêu sách: “Giảm thuế chợ, bỏ thuế thân; tịch thu công điền, công thổ trong tay địa chủ cường hào chia cho dân nghèo; tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân…” Mặc dù bị đàn áp đẫm máu nhưng nhân dân Lộc Đa, Đức Thịnh đã góp phần vào sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi “Vẻ vang thay, thực là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công, nông, binh bắt tay nhau giữa trân tiền”. Và Đền Trìa cũng đã trở thành địa điểm ghi dấu tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân Hồng Lam trong cuộc đấu tranh mở đầu cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Sau khi chính quyền Xô Viết ra đời tại Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng…thực dân Pháp cấp tốc dung sức mạnh quân sự để đối phó. Riêng Lộc Đa, Đức Thịnh, chúng đem lính khố đỏ và lính khố xanh đóng 3 đồn tại đền Trìa, đến làng Tháp và quán Cố Kham trên đường Vinh – Cửa Hội đồng thời chúng buộc bọn hào lý lập ra nhiều điếm canh trong các xóm nhỏ. Mặc dù bị địch vây ráp và giở nhiều thủ đoạn đê hèn nhưng Đảng bộ Lộc Đa, Đức Thịnh vẫn lãnh đạo quần chúng tham gia nhiều hoạt động ngay trước mặt kẻ thù đó là cuộc mít tinh tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã giết hại các chiến sỹ cộng sản trong cuộc biểu tình ở Vinh – Bến Thủy.

Theo chủ trương của Xứ ủy và Tỉnh ủy, đêm 26/12/1930 đã diễn ra cuộc mít tinh lớn ở đền Trìa gồm hàng nghìn nhân dân Lộc Đa, Đức Thịnh, công nhân các nhà máy Vinh – Bến Thủy cùng nhân dân các xã vùng nam Nghi Lộc với ý nghĩa kỷ niệm Công xã Quảng Châu và tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong các cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo. Tại cuộc mít tinh này có sự tham gia của nhiều cán bộ lãnh đạo Xứ ủy và Tỉnh ủy Vinh như đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật. Chỉ huy chung buổi lễ là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Trong bài “Nghệ An Đỏ” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Bộ phương Đông Quốc tế Cộng sản (ngày 19/12/1931) đã mô tả cuộc mít tinh như sau: “…ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2kilomet, 4000 công nhân thành phố Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã đến dự lễ truy điệu những chiến sỹ đã hy sinh, một lá cờ búa liềm được chăng ra trên một chiếc bàn thờ đầy hương hoa. Người chủ trì lên đọc điếu văn, sau đó đại biểu Công hội, Nông hội và đại biểu các làng lên nói chuyện. Một đoàn đại biểu đề nghị ngày hôm sau tất cả các chợ ở Hưng Nguyên và Nghi Lộc đều bãi thị. Đề nghị đó được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày hôm sau, đúng như lời cam kết, tất cả các chợ đều vắng tanh. Trong lúc buổi lễ đang tiến hành, anh em công nhân cắt điện làm cho cả thành phố Vinh – Bến Thủy chìm ngập trong bóng tối…”

Trong cuộc mít tinh này mặc dù số lượng người tham gia rất lớn, gồm nhiều địa phương quy tụ lại nhưng đã được tổ chức khá chặt chẽ: vòng trong giành cho phụ nữ và người cao tuổi, vòng giữa là đông đảo nông dân theo đơn vị xóm làng, ngoài cùng là lực lượng tự vệ và xích vệ đỏ để bảo vệ trật tự an ninh trong buổi lễ. Hàng nghìn ngọn đèn và cờ đỏ của đảng đã thắp sáng cả khu vực đền Trìa. Cuộc mít tinh kỉ niệm Quảng Châu công xã đã kết thúc trong không khí đấu tranh sục sôi nhưng vẫn an toàn trước sự vây ráp của kẻ thù. Từ đền Trìa quần chúng nhân dân chia thành từng đoàn đã đi diễu hành khắp trong làng để biểu dương lực lượng.

Sau cuộc mít tinh kỷ niệm Quảng Châu Công xã, khí thế và sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày càng lên cao ở nhiều nơi như vùng đông nam Nghi Lộc. Ngày 2/1/1931, tại Song Lộc, tri huyện Tôn Thất Hoàn cùng 5 tên lính bị tự vệ đỏ và quần chúng tiêu diệt. Thực dân Pháp đã điên cuồng khủng bố giết hại nhân dân và thiêu trụi hàng trăm nóc nhà. Trước sự mất mát đó, tại đền Trìa, các chi bộ Lộc Đa, Đức Thịnh, Hưng Dũng đã phối hợp với nhau tổ chức cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân trong vùng để phản đối thực dân tàn sát nhân dân Song Lộc và vận động ủng hộ các nạn nhân…

Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa Việt quý báu thể hiện trong từng nét kiến trúc, những nét chạm trổ tinh xảo, nét sơn son bay bổng… đền Trìa còn là chứng tích ghi dấu thời kỳ đấu tranh rung trời chuyển đất của nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Với những giá trị to lớn đó, di tích đền Trìa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 26/6/1995.

Hiện nay đền Trìa cần được tu bổ, tôn tạo để phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân Hồng Lam nói chung và Lộc Đa nói riêng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Video