Di tích Đền Phượng Cương – Nơi làm việc của Xứ ủy Trung kỳ.

Tác giả: admin
Ngày 2010-08-31 03:53:03

Di tích đền Phượng Cương thuộc xã Nghi phong, cách huyện lỵ Nghi Lộc 12km về phía Đông Nam. Từ thành phố Vinh theo tỉnh lộ 5 Vinh-Cửa Hội đến km số 6 rẽ đường liên hương khoảng 2km là đến đền Phượng Cương.

Tên đền Phượng Cương được gọi theo địa danh của làng, đền là nơi thờ “Đức Thánh Trần”. Vào thế kỷ 13, tại đây diễn ra trận thủy chiến của quan quân nhà Trần với quân Toa Đô từ phía Nam tiến ra Bắc. Khi đất nước thái bình, để tưởng nhớ công lao của các vị tướng triều Trần tiêu biểu nhất là Trần Hưng Đạo, nhân dân đã lập đền thờ và tôn ông làm vị Thành hoàng làng. Các vương triều nhà Lê, nhà Nguyễn đã lần lượt truy phong Ngài ba đạo sắc:
                    Thượng đẳng thần linh tôn vị tiền.
                    Thượng-thượng đẳng thần linh tôn vị tiền
                    Thượng-thượng-thượng đẳng thần linh tôn vị tiền.

Đền Phượng Cương nằm trong một khuôn viên đẹp, mặt ngoảnh về hướng Tây, với lối kiến trúc truyền thống mang dáng vóc cổ xưa, trên đỉnh nóc có các đường nét chạm trổ hình lưỡng long chầu nguyệt theo thể thức cân đối với chất liệu vôi vữa rồi ghép mảnh sứ như ta thường thấy ở kiến trúc triều Nguyễn. Ở bốn đầu đao đắp nổi hình chim ly; kèo, xà, hạ có họa tiết hoa lá sắc sảo. Trang trí nội thất lẫn kiến trúc đền thờ thể hiện bàn tay khéo léo của người con quê hương xứ Nghệ. Đền có cổng, sân và 2 tòa nhà: Hạ điện và Thượng điện.

Hạ điện còn gọi là nhà bái đường, có kiến trúc theo kiểu tứ trụ tam tòa gồm 5 gian 2 hồi văn được lợp ngói âm dương. Nhà cao 5,5m dài 15m, rộng 6m, có 24 cột ni văng đều được làm bằng gỗ lim khắc hình nghê, rồng và hoa lá sắc sảo.

Thượng điện cao 4m, dài 8,6m, rộng 5,5m gồm 3 gian 2 hồi văn, có 14 cột được đặt trên 14 tảng đá xanh có rãnh chống mối. Đền có kết cấu ngang: 0,5m-2,5m-2,6m-2,5m-0,5m và kết cấu dọc 0,8m-0,9m-1,4m-0,9m-0,8m.

Trên cửa đền treo bức đại “Phúc đồng du” nhũ vàng bằng chữ Hán nghĩa là đồng lòng làm việc nghĩa, hai bên cửa đền treo 4 câu đối có chạm khắc hoa văn.

Đền có 3 hương án còn gọi là yết thư được sơn son thiếp vàng: hương án giữa thờ Đức Thánh Trần, hai hương án hai bên để long đao của Ngài và hạc hương đứng trên lưng rùa.

Nghi Phong là một vùng quê có tiếng văn vật và khoa bảng, là quê hương của tiến sỹ Phạm Nguyễn Du, làng có 4 người đậu cử nhân, 4 tú tài…

Cùng với tinh thần hiếu học, làng Phượng Cương sớm có truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm.
Thế kỷ 13, dưới sự lãnh đạo của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, nhiều làng như Phượng Cương, Mỹ Chiêm, Văn Trạch, Phú Ích, Yên Lạc (thuộc xã Nghi Phong) cùng đoàn kết nổi lên chiến đấu làm quân Toa Đô thất bại.

Thế kỷ 15, hưởng ứng lời kêu gọi của Lê Lợi, nhân dân ở đây hăng hái tham gia khởi nghĩa góp phần chiến thắng quân Minh.

Năm 1885-1896, hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhiều sỹ phu yêu nước đã chiêu tập nghĩa binh, tổ chức rào làng chiến đấu như Đinh Văn Chất, Ngô Quảng…

Năm 1905-1910 khi phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu phát triển, xã Nghi Phong có 3 chú cháu họ Đặng là Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Đặng Thái Chương và cụ Phạm Tĩnh hăng hái tham gia. Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê Nin, đồng chí Đặng Thái Thuyến là con trai cụ Đặng Thái Thân được lựa chọn dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tổ chức.

Sau ngày Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 4 năm 1930 huyện ủy Nghi Lộc được thành lập tại nhà thờ Nguyễn Thức Tự do đồng chí Nguyễn Thức Mậu làm Bí thư.

Tháng 10-1930 tại đền Phượng Cương, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, huyện uỷ Nghi Lộc, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Văn Tâm, các đồng chí Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Đình Xuân, Phạm Duy Thanh, Nguyễn Văn Phàng tiến hành thành lập chi bộ đảng ghép: Mỹ Chiêm, Phượng Cương, Văn Trạch, Phú Ích, Yên Lạc do đồng chí Nguyễn Văn Phàng làm Bí thư.

Sau khi chi bộ Đảng ra đời, các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên, Tự vệ đỏ, Hội cứu tế cũng lần lượt được thành lập. Các tổ chức này là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy Đảng địa phương làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Đền Phượng Cương nằm ở vị trí kín đáo, yên tĩnh cẩn mật, đi lại thuận tiện nên Xứ ủy Trung kỳ, Huyện ủy Nghi Lộc, Tổng ủy Đặng Xá đã chọn làm trung tâm liên lạc, hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng trong những năm 1930-1931.

Từ tháng 10-1930 đến tháng 3-1931 cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung kỳ gồm các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Văn Phàng, Trương Văn Đôn, Trương Văn Lý đã làm việc tại đây. Hàng trăm tờ truyền đơn, chỉ thị, nghị quyết của Đảng được các đồng chí in ra phục vụ kịp thời cho các chi bộ đảng cơ sở.

Thời gian đồng chí Lê Mao- Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ được phân công phụ trách Vinh-Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, đồng chí thường sắm vai thầy đồ xuống đền Phượng Cương gặp gỡ, trao đổi và truyền đạt những nghị quyết của Xứ ủy với các đồng chí Nguyễn Thức Mậu, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Văn Phàng.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên và chi bộ đảng, năm 1930-1931 ở huyện Nghi Lộc có tới 16 cuộc biểu tình từ huyện đến làng xã và các cuộc rải truyền đơn, treo cờ đảng hưởng ứng các ngày lễ lớn. Đặc biệt, ngày 2-1-1931 các đồng chí cán bộ Xứ ủy, Huyện ủy, Tổng ủy đang họp tại đền Phượng Cương bàn kế hoạch vay lúa của địa chủ, nhà giàu cứu đói cho dân thì nghe tin tri huyện Tôn Thất Hoàn xuống làng Song Lộc đàn áp quần chúng cách mạng. Hội nghị đã nhanh chóng giải tán và giao nhiệm vụ cho các bí thư chi bộ về vận động quần chúng đấu tranh. Trước cơn phẫn nộ của quần chúng nhân dân, tên tri huyện tàn ác Tôn Thất Hoàn và 5 tên lính bị quần chúng cách mạng giết chết ném xác xuống sông.

Sau vụ Song Lộc, các đồng chí trong ban ấn loát đã họp khẩn cấp tại đền Phượng Cương để bàn biện pháp đối phó, ngăn chặn mọi thủ đoạn của địch. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ đến dự. Tại hội nghị đồng chí đã giao trách nhiệm cho bộ phận ấn loát của Xứ ủy kịp thời ấn hành những tài liệu quan trọng để giải thích cho quần chúng hiểu rõ việc Tôn Thất Hoàn bị dân trừ khử và giao cho các cấp ủy đảng bằng mọi cách “bênh vực lấy anh em ta ở Nghi Lộc”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy, phong trào đấu tranh “bênh vực anh em ta ở Nghi Lộc” bùng lên khắp toàn tỉnh.

Trước thắng lợi của quần chúng cách mạng, ngày 6-5-1931 bọn hào lý địa phương phải mang sổ sách triện bạ ra đền Phượng Cương giao lại cho Xã bộ nông, Thôn bộ nông. Từ đây chính quyền Xô Viết đứng ra quản lý và điều hành mọi công việc trong thôn xóm.

Về chính trị: Xã bộ nông, thôn bộ nông làm việc tại đền Phượng Cương do đồng chí Nguyễn Văn Phàng, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Dực phụ trách đã đưa nhân dân vào các tổ chức cách mạng: Tổ chức Nông hội phát triển nhanh, sâu rộng với 203 hội viên, mọi người từ 18 tuổi trở lên đều được tham gia Nông hội đỏ.

Tổ chức phụ nữ giải phóng có 35 chị em tham gia do chị Nguyễn Thị Vỹ phụ trách.
Tổ chức Thanh niên cộng sản đoàn có 30 người, hội tương trợ cứu tế có 40 người do các đồng chí Phạm Đình Trân, Trương Đàn phụ trách.

Về quân sự: Chính quyền Xô Viết Nghi Phong đã thành lập đội tự vệ đỏ có 93 người được phiên chế thành 3 tiểu đội do các đồng chí Phạm Đình Trân, Nguyễn Sanh, Nguyễn Văn Minh phụ trách. Tự vệ đỏ có nhiệm vụ canh gác bảo vệ cơ sở đảng, bảo vệ các cuộc biểu tình, giữ gìn trật tự trị an trong thôn xóm, giám sát và trừng trị bọn mật thám làm tay sai cho thực dân Pháp.

Về kinh tế: Chính quyền Xô Viết xóa bỏ những thứ thuế vô lý mà chính quyền thực dân đặt ra như thuế chợ, thế thân, thuế ruộng…Tịch thu được 120 mẫu ruộng công, 1625 quan tiền, 60 tạ thóc của địa chủ tập trung tại đền Phượng Cương và đình làng Mộc chia cho dân nghèo.

Về văn hóa xã hội: Chính quyền Xô Viết coi trọng việc tuyên truyền sách báo cách mạng, ban đêm dân chúng tập trung tại đình làng Mộc để nghe cán bộ đảng đọc sách báo và sinh hoạt văn nghệ. Bên cạnh đó, chính quyền Xô Viết còn tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân theo tinh thần người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết, cả xã có 5 lớp học với 60 người tham gia.

Trước những thắng lợi của Chính quyền Xô Viết bọn địch vô cùng hoảng sợ, chúng ra sức đàn áp cách mạng, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt bớ tù đày, chém giết. Để bảo toàn lực lượng, Xứ ủy Triung kỳ chuyển trụ sở làm việc từ đền Phượng Cương đi nơi khác, tuy vậy đây vẫn là nơi liên lạc và địa điểm che giấu cho các đồng chí cán bộ đảng viên trong quá trình họat động sau này.

Trong thời kỳ 1936-1939, 1939-1945 tại đền Phượng Cương cũng đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Việt Minh bàn chủ trương, sách lược đấu tranh cách mạng, là cơ sở chỉ đạo khâu tiếp quản của nhân dân giành chính quyền Cách mạng Tháng 8 năm 1945 ở khu vực đông nam Nghi Lộc.

Từ năm 1956-1963 đền Phượng Cương được sử dụng làm trụ sở làm việc của xã Nghi Phong. Từ năm 1964-1968 làm trạm giao quân của Tỉnh Nghệ An. Từ năm 1971-1973 là nơi đóng quân của đơn vị xe tăng Tỉnh Nghệ An.

Cũng như nhiều vùng nông thôn khác ở xứ Nghệ, hàng năm tại đền Phượng Cương dân làng tế lễ khai hạ vào ngày 7/1 (âm lịch), ngày 15/1 tế lễ thần, ngoài ra còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như cờ thẻ, cờ người mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Hiện nay di tích đền Phượng Cương trở thành khu trung tâm văn hóa của xã, là nơi giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hóa của quê hương.

Đền Phượng Cượng được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 1997.

Video