Di tích Cồn Mô

Tác giả: admin
Ngày 2010-03-24 08:01:38

Cồn Mô thuộc phường Bến Thuỷ - TP.Vinh - tỉnh Nghệ An. Di tích nằm về phía Đông Nam - thành phố Vinh, ở điểm giao nhau giữa đường thiên lý Bắc Nam, đường ven sông Lam.

Thời Pháp thuộc, Bến Thuỷ gọi là Yên Dũng Hạ, Đệ Thập, sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 gọi là xã Hưng Thuỷ, từ năm 1982 đến nay gọi là phường Bến Thuỷ. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Bến Thuỷ chẳng những là vùng danh thắng non nước hữu tình mà còn là nơi trọng trấn, có vị trí chiến lược hàng đầu trên mảnh đất xứ Nghệ.

Trở về cội nguồn thế kỷ XI, Bến Thuỷ có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến Đại Việt. Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ đã lập ra nhiều đồn trại ở Nghệ An, trong đó có đồn trại Vĩnh Phong (Bến Thuỷ) là lớn hơn cả. Đến nay vẫn còn đền thờ Lý Nhật Quang ở vùng phía Bắc núi Quyết, gọi là Đền Cả. Núi Quyết, Núi Con Mèo (Kỳ Lân) và sông Lam là ba danh thắng của vùng đất này được quan hành khiển Nguyễn Trãi ghi vào sách “Dư địa chí”.

Từ thế kỷ XV trở đi, vùng đất xung quanh núi Quyết khá trầm uất, nhiều dòng họ từ các địa phương trong nước đã đến sinh cơ lập nghiệp ở đây. Do vị trí quan trọng của Bến Thuỷ, giữa thế kỷ XVI, nhà Lê đã cho dời dinh trấn thủ từ Lam Thành (Hưng Nguyên) về xây dựng tại Bến Thuỷ. Nhưng Bến Thuỷ chưa kịp khắc hoạ được một dấu ấn trong lịch sử về tầm vóc phát triển kinh tế, văn hoá…thì đã trở thành một bãi chiến trường tranh chấp quyền binh giữa các thế lực phong kiến Trịnh - Mạc (1570-1583), rồi tiếp đến Trịnh - Nguyễn (1627-1672).

Năm 1807, nhà Nguyễn dời trường thi hương từ Lam Thành (Hưng Nguyên) về dựng trên đất Yên Dũng Hạ. Cứ 3 năm một lần (không kể các kỳ ôn khoa), chính quyền phong kiến lại tổ chức một kỳ thi để chọn nhân tài. Con em của Yên Dũng Hạ tham dự các kỳ thi Hương có người đã đỗ Hương cống (cử nhân). Tính từ khoa thi năm Canh Tý 1840 đến khoa thi năm Kỷ Dậu 1909, Yên Dũng Hạ có 7 vị đỗ cử nhân.

Nhằm động viên tinh thần hiếu học đối với con em địa phương, hội Tư Văn và nhà Văn Thánh thờ Khổng Tử được ra đời. Bến Thuỷ là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Theo gia phả họ Lê Viết ở làng Yên - Bến Thuỷ còn ghi lại tên tuổi những người trong họ đã có công lao với chúa Nguyễn, đó là: ông Doãn Toán – chánh độ trưởng ưu binh thời Lê Trịnh; ông Doãn Phòng là một vị tướng trong đội ưu binh của chúa Trịnh.

Trên con đường phát triển cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Dũng Quyết- Bến Thuỷ một lần nữa lại nằm trong tầm nhìn chiến lược của nhà quân sự thiên tài Nguyễn Huệ - Quang Trung. Nguyễn Huệ đã chọn địa điểm này để xây dựng kinh đô mới của đất nước vào thế kỷ XVIII. Nhân dân Dũng Quyết đã góp nhiều công sức như chuyên chở gạch, ngói, đá….để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.

Năm 1885, thực dân Pháp đánh chiếm Nghệ An, Vinh - Bến Thuỷ nhanh chóng trở thành trung tâm công thương nghiệp của tư bản Pháp- các nhà máy: Diêm, Điện, cá hộp, nhà máy sửa chữa xe lửa, nhà máy gỗ…tập trung ở Vinh - Bến Thuỷ với lực lượng hàng ngàn công nhân làm việc trong các nhà máy. Đa số là nông dân bị tước ruộng đất cày cấy, phải bán sức lao động với giá rẻ mạt cho bọn chủ Pháp. Bọn chủ xưởng gọi lớp thợ này là “thợ áo nâu” để phân biệt với lớp thợ người Bắc kỳ. Dù có thời gian làm công trong nhà máy đến năm thứ 2, thứ 3, họ vẫn bị coi là thợ không chuyên nghiệp và bị bọn chủ ngược đãi. Do ở gần nhà máy, nên sau giờ làm việc, phần lớn người thợ Yên Dũng Hạ, Đệ Thập về sinh hoạt với gia đình. Bời vậy, ngoài ách áp bức của chủ xưởng, đốc công, cai ký, họ còn bị hương hào, lý dịch ở địa phương hà hiếp, đè nén…Trên vai họ, cùng một lúc bị hai tầng áp bức của tư bản Pháp và phong kiến làng xã.

Do những điều kiện đặc biệt ấy công nhân và nông dân Vinh - Bến Thuỷ có mối quan hệ mật thiết trong các cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến.
Năm 1904, bà con nông dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đã nổi dậy phối hợp với nông dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và khi khuân vác ở cảng Bến Thuỷ chống lại việc Rông-Cơ chiếm các bãi triền dọc sông Lam để tập kết lâm sản. Quyết liệt nhất vẫn là cuộc đấu tranh của nông dân Yên Dũng Hạ và Yên Dũng Thượng chống lại bọn Tư bản Pháp chiếm đất lập nhà máy Trường Thi (1904-1908), buộc bọn chủ nhà máy phải bồi thường thiệt hại cho công dân hai làng.

Kết quả phong trào đấu tranh đã tạo tiền đề cho việc ra đời các tổ chức Phục Việt, Thanh niên, Tân Việt

Sau ngày Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Xứ ủy Trung kỳ được thành lập do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm bí thư. Trụ sở đặt tại Vinh, đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật là những người con Yên Dũng Hạ, Đệ Thập được bầu là uỷ viên Xứ uỷ Trung kỳ.

Cuối tháng 3 năm 1930, đồng chí Lê Mao được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Vinh – Bến Thuỷ, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Vinh - Bến Thuỷ và hai huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc.

Dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ Vinh, các chi bộ cộng sản được hình thành trong các nhà máy, xí nghiệp và làng xã ở Vinh - Bến Thủy. Chiều ngày 15 tháng 1 năm 1930 gồm 300 công nhân các nhà máy cùng nông dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập tập trung tại Cồn Mô mít tinh do đồng chí Lê Mao chỉ đạo.

Ngày 20 tháng 1 năm 1930, cuộc mit tinh diễn thuyết lần thứ 2 diễn ra tại Cồn Mô gồm 700 người tham gia do đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo. Tiếp đó là các cuộc mit tinh, biểu tình của công nhân các nhà máy buộc chủ nhà máy phải giải quyết một số yêu sách của thợ.

Để ủng hộ công nhân các nhà máy đình công, tại Cồn Mô đã liên tục diễn ra các cuộc mit tinh, hội họp của quần chúng, vạch trần tội ác của bọn đế quốc, đồng thời đòi ngày làm 8 giờ, giảm sưu thuế và trả lại ruộng đất về tay dân cày.

Ngày 15 tháng 4 năm 1930, tại Cồn Mô diễn ra cuộc họp của Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ gồm các đồng chí : Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Nguyễn Viết Lục, Lê Doãn Sửu…đồng chí Nguyễn Phong Sắc - uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư xứ uỷ Trung Kỳ về dự Hội nghị bàn về việc phát động cuộc biểu tình ngày quốc tế lao động 1-5-1930.

Từ tháng 4 năm 1930, không khí chuẩn bị cho cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở Vinh - Bến Thuỷ hết sức sôi động. Các địa điểm như: Cồn Mô, đình làng Bường, Đền Tam Toà, Đình Trung…nhân dân thường tập trung nghe cán bộ diễn thuyết, nhiều nơi xuất hiện truyền đơn kêu gọi đấu tranh kỷ niệm ngày 1-5-1930. Thông qua chị Vi Nình, chị Đoan, chị Bảy (giao thông của Xứ uỷ Trung kỳ) truyền đơn đã đến được các cơ sở vùng phụ cận Vinh - Bến Thuỷ, cờ đỏ búa liềm được cắm trên ngọn núi Quyết và các đình làng ở Bến Thuỷ.

Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công - nông Vinh - Bến Thuỷ, ngày 1-5-1930, đúng 5 giờ sáng, đội tự vệ được bố trí canh gác các ngả đường, sau tiếng trống lệnh từ trung tâm phát ra, cùng tiếng mõ, tiếng trống nhiều nơi trong vùng hưởng ứng. Nhân dân từ các ngả đường thuộc địa phận Bến Thuỷ nô nức đổ về tập trung tại Cồn Mô. Chị Nguyễn Thị Hạnh (công nhân nhà máy Diêm) đứng lên diễn thuyết, kêu gọi quần chúng đấu tranh nhân ngày kỷ niệm quốc tế lao động 1-5-1930. Sau đó đoàn biểu tình của các xã lân cận kéo đến nhập cùng đoàn Yên Dũng Hạ, Đệ Thập, Đệ Cửu…đưa yêu sách lên toà sứ Vinh. Hơn 1200 công nông Vinh - Bến Thuỷ xếp hàng dài hơn một cây số ào ạt diễu hành, lá cờ đỏ búa liềm được đồng chí Trần Cảnh Bình (người Lộc Đa) treo lên cột đèn ngã ba Bến Thuỷ. Hoảng sợ trước làn sóng biểu tình của quân chúng, kẻ thù dã man bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 người bị thương và hơn 100 người bị bắt. Cồn Mô - Bến Thuỷ đã thấm đẫm máu đào của công nông Vinh - Bến Thuỷ.

Sau cuộc biểu tình ngày 1-5-1930, giặc Pháp và tay sai tăng cường truy lùng, bắt bớ những người tham gia biểu tình, chủ nhà máy sa thải hàng loạt thợ người Yên Dũng Hạ, Đệ Thập ra khỏi nhà máy, xí nghiệp. Trước tình hình đó, Xứ uỷ Trung kỳ đã kịp thời ra thông báo đặt trách nhiệm cho các cấp uỷ đảng vận động quần chúng đấu tranh đòi thực dân Pháp và tay sai “không được đụng đến công – nông Nghệ Tĩnh, không được đuổi công nhân phố Đệ Thập”.

Ngày 10 – 5-1930, anh chị em công nhân các nhà máy cùng nông dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập tập trung tại Cồn Mô mít tinh cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng.

Ngày 14 – 7-1930, nhân kỷ niệm công xã Pa –ri, hơn 600 nông dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập tập trung tại Cồn Mô mit tinh nghe cán bộ diễn thuyết.

Đầu năm 1931, thực dân Pháp và bọn tay sai khủng bố, tàn sát phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh rất dã man.
Ngày 30 tháng 4 năm 1931, vào lúc 9 giờ tối tổ Công hội đỏ Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đang họp bàn kế hoạch đấu tranh ngày 1-5-1931 đã bị địch phục kích bao vây, chúng nã đạn vào Cồn Mô làm các đồng chí Lê Viết Cường, Nguyễn Khắc Huy, Cao Trọng Đìu, Lê Khắc Nhẫn, Đinh Văn Vỹ trúng đạn hy sinh ngay tại chỗ và một số người khác bị thương.

Trong cao trào Xô Viết 1930-1931, số đảng viên và quần chúng cách mạng ở Yên Dũng Hạ, Đệ Thập bị địch bắn chết 8 người, 81 người bị bắt, bị tra tấn tù đày, 3 người bị chết trong nhà tù đế quốc, 7 ngôi nhà bị đốt cháy.

Phát huy tinh thần cách mạng 1930- 1931 trong những năm 1936-1945 phong trào đấu tranh của nhân dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập vẫn tiếp tục phát triển.

Năm 1937 hàng nghìn dân cày Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đã tập trung tại Cồn Mô đấu tranh bắt bọn chủ nhà máy Trường Thi hoàn lại 100 mẫu đất cho dân cày.

Trong những năm tiền khởi nghĩa các đội tự vệ, cảm tử các làng Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đã chọn địa điểm Cồn Mô làm nơi luyện tập, học sinh kéo đến Cồn Mô may cờ đỏ sao vàng, mít tinh…Cồn Mô đã trở thành địa chỉ đỏ cách mạng của nhân dân Bến Thuỷ và các vùng lân cận trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Cồn Mô trước năm 1930 là một mô đất cao 4m với diện tích rộng 4,104 2, cây cối rậm rạp, xanh tốt.
Để ghi nhớ những chiến tích tại Cồn Mô, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh đã ra quyết định số 1492/QĐUB ngày 3-1-1989 xây dựng tượng đài tại vị trí Cồn Mô, vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, xi măng và cát. Tượng đài cao 10 m, rộng 4m, trên cùng có biểu tượng hình cánh buồm mang ý nghĩa: “cánh buồm đưa con thuyền cách mạng tiến lên thắng lợi” trên có hình búa liềm, mặt trước của biểu tượng có hình trống Xô viết tượng trưng cho vũ khí đấu tranh của công - nông Vinh - Bến Thuỷ. Toàn bộ bệ tượng đài mỗi bên có 5 bậc tam cấp lên xuống. Xung quanh được xây hàng rào bảo vệ, có một cổng chính ra vào.

Hàng năm đến các ngày lễ lớn, UBND TP. Vinh và UBND phương Bến Thuỷ cùng nhân dân thành phố Vinh mang vòng hoa đến viếng, kính cẩn nghiêng mình trước đài tưởng niệm nhớ đến các chiến sỹ đã hy sinh và những sự kiện tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Với ý nghĩa đó, tháng 2 năm 1997, Bộ Văn hoá Thông tin đã có quyết định công nhận Cồn Mô là một di tích lịch sử Văn hoá cấp quốc gia./.

Video