Di tích Chùa Giai

Tác giả: admin
Ngày 2013-06-25 09:50:26

Chùa Giai thuộc xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ngày nay. Từ khi xây dựng đến nay chùa vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu nhưng địa danh có sự thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Thời Hậu Lê, chùa Giai thuộc tổng Hoa Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn, trấn Nghệ An. Thời Nguyễn, di tích thuộc xã Kỳ La, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn. Sau cách mạng tháng 8/1945 đến nay, di tích thuộc xóm Chùa, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương.

Chùa Giai trước đây có tên gọi là chùa Văn Hoa, theo tên địa danh của làng nhưng sau được chuyển thành chùa Văn Giai (gọi tắt là chùa Giai) để tránh phạm húy tên của mẹ vua Thiệu Trị.

Chùa Giai cách trung tâm thành phố Vinh 27km và cách huyện lỵ Thanh Chương 23km về phía Tây. Từ thành phố Vinh, theo quốc lộ đường 49 (tuyến Vinh – Thanh Chương) khoảng 27km đến cầu Gang, rẽ trái, đi thẳng thêm 2km nữa là đến di tích.

Chùa Giai là một công trình kiến trúc tâm linh cổ kính, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại chùa không những đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà còn giúp hướng thiện, cố kết cộng đồng. Vào các ngày lễ trọng như Lễ Thượng Nguyên, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, các tuần tiết, sóc vọng hoặc mỗi khi có việc….người dân lên chùa lễ Phật dâng hương cầu cho người sống và phát nguyện cho người đã khuất.

Chùa Giai nằm ở vị trí có phong cảnh đẹp trên một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, tọa lạc trên lưng chừng rú Chùa, quay về hướng Nam, trước mặt là dòng sông Lam uốn lượn, thơ mộng, trong thế “tọa sơn vọng thủy”.

Chùa Giai được xây vào thời Nguyễn với quy mô lớn trên một khuôn viên rộng hàng nghìn m2( nay chỉ còn 330 m2) với kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm các công trình: cổng, sân, tiền đường, chính điện.

Cổng Chùa là hai cột trụ cao 2,5m, chất liệu bằng gạch chỉ, vữa tam hợp, trên đặt hai con nghê trong tư thế đứng chầu vào nhau. Mặt ngoài của hai cột trụ là câu đối bằng chữ Hán có nội dung:
                                         Bách hữu ngộ lộ chí phương nam
                                        Trường cửu tĩnh từ dữ chi hữu giác
Dịch nghĩa:                  Trăm cành gặp sương đến phương nam
                                       Trường cửu đền miếu có sự giác ngộ
.


Sân chùa có diện tích 25,2m2, nền lát gạch bát tràng. Trên sân trồng một cây bồ đề lâu năm làm cho không gian ngôi chùa thêm phần linh thiêng, cổ kính.

Tiền đường được phục dựng năm 2005 với diện tích 44,2m2 gồm 3 gian 4 vì, mái lợp ngói âm dương, trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long chầu nhật”, các góc của bờ dải trang trí đầu đao uốn cong. Nâng đỡ mái nhà là hệ thống khung nhà bằng gỗ với 4 vì được làm theo kiểu thượng giao nguyên hạ kẻ chuyền. Khung nhà được đỡ trên 8 cột cái và 4 cột quân, các cột được kê trên những đá tảng hình tròn. Hệ thống cửa Tiền đường được làm theo kiểu Pa nô gồm 6 cánh có kính thước bằng nhau cao 1,96m, rộng 0,7m, phía sau để trống thông với chính điện. Nền nhà được lát gạch bát tràng. Ở cả ba gian tiền đường đều treo hoành phi.

Gian Chính điện có diện tích 39,8m2 gồm 3 gian, 4 vì, độ cao từ đỉnh xuống nền nhà là 4,5m. mái lợp ngói âm dương, trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long chầu nhật”. Các góc của bờ dải trang trí đầu đao uốn cong. Nâng đõ mái là hệ thống khung nhà bằng gỗ với 4 bộ vì được làm theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Các cột trong chính điện đều được đặt trên những hòn đá tảng hình tròn, có tất cả 16 cột, trong đó có 8 cột cái, 8 cột quân. Ba phía còn lại xây tường dày 1,7m.. Nền nhà được lát gạch bát tràng.

Phần lớn các cấu kiện gỗ tại Chính điện đều được bào trơn, soi chỉ, vì kèo được chạm cách điệu hình bông sen, các thanh kẻ chạm đề tài vân mây, hoa lá giúp cho khung nhà bớt nặng nề và trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng.

Cả ba gian Chính điện đều bài trí ban thờ. Ở ba gian thờ đều được bài trí hương án thờ trên đó có tượng các vị thần và đồ thờ cúng sơn son thếp vàng là lư đồng, hạc gỗ, cọc nến…. tạo nên sự trang nghiêm, uy nghi. Gian giữa là nơi tôn nghiêm nhất của chùa thờ Đức Phật Thích Ca mâu ni với tượng Phật A di Đà là hai pho tượng Thích ca sơ sinh. Gian hữu thờ Tam tòa Thánh mẫu được bài trí tượng Mẫu Liễu Hạnh, tượng Mẫu Thượng Ngàn và tượng Mẫu Thoải. Gian tả là nơi thờ Bác Hồ và Đức Thánh Trần được bài trí tượng Đức Thánh Trần và tượng Bác Hồ bằng đồng. Mặt bên của gian tả còn bài trí 1 chiếc bàn gỗ thờ Thành hoàng bản xứ trên đó đặt 1 bài vị của Thành hoàng với vị hiệu “Phong sơn thái giám hậu thổ thị linh ứng tôn thần, 1 hộp đựng sắc và 1 lư hương tai rồng cổ.

Chùa Giai còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong những năm 1930-1931, đồng chí Nguyễn Đình Tùng, Huyện ủy viên - sinh hoạt tại chi bộ Xuân Tường về Văn Giai tổ chức thành lập chi bộ Kiên Tiền do đồng chí Văn Đình Thao làm Bí thư. Chùa Giai là địa điểm hoạt động bí mật của các chi bộ. Tại đây các đồng chí đã ra sức tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, các chủ trương của cách mạng, vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh đánh đổ đế quốc và tay sai, bắt tổng lý, hương chức trả lại ruộng đất cho dân cày. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 của nhân dân toàn huyện Thanh Chương. Từ tối 31/8 các đồng chí đảng viên trong chi bộ đã tập trung tự vệ và quần chúng nhân dân Thanh Khai ở chùa Giai để phổ biến kế hoạch đấu tranh của huyện ủy.

Sáng sớm ngày 1/9/1930, 2 vạn nông dân trong năm tổng của huyện Thanh Chương với băng cờ khẩu hiệu trống mõ dóng giả đổ ra hai bên bờ sông Lam kéo về huyện đường. Bên kia sông nhân dân 2 tổng Đại Đồng và Xuân Lâm gặp nhau tại bến đò Nguyệt Bổng. Tri huyện Phan Sỹ Bàng cho lính chặn từ xa. Còn bên bờ tả thì y cùng tên đồn trưởng Công Đo Min Nát dẫn một toán lính chèo thuyền sang chỉa súng hăm dọa. Thuyền ra giữa sông thì đội cảm tử lội ra bao vây. Chúng hốt hoảng quay thuyền bỏ chạy và bắn vào đoàn biểu tình làm đồng chí Nguyễn Công Thường chết và 2 người bị thường. Quần chúng nhân dân căm thù ngùn ngụt khắp các ngả đường đổ về đốt phá huyện đường. Chính quyền địch ở huyện, tổng, xã nhanh chóng tan rã. Tri huyện Phan Sỹ Bàng bỏ trốn, như rắn mất đầu các đồn Rào Gang, chợ Đàng, Bích Thị, Thanh Quả, Rạng, đều lần lượt đầu hàng.

Nhân dân Thanh Chương đã giành thắng lợi triệt để trong cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 lập ra chính quyền Xô Viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh.

Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Đình Tùng và Nguyễn Đình Khiếng về tổ chức thành lập Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền giải thích tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, thời cơ cách mạng có nhiều thuận lợi và mặt trận Việt Minh ở Thanh Khai ra đời. Chùa Giai lại là nơi hoạt động bí mật của chi bộ Đảng để lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành chính quyền tại địa phương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với địa thế nằm giữa hai tuyến giao thông thủy bộ sông Lam, lại có các rú Đởng, rú Án, rú Ó xung quanh che chắn, bảo vệ, chùa Giai được chọn là nơi cất dấu vũ khí, đạn dược và thiết bị của nhà máy co khí Vinh về sơ tán tại đây vào năm 1964.

Chùa Giai là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng lâu đời, đến nay Chùa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, vững chãi, khá đẹp và lưu giữ được nhiều đồ tế khí cổ có giá trị, quý như tượng, gái gương, câu đối, đại tự….đặc biệt là Pho tượng phật cổ gắn với huyền thoại của nhân dân địa phương về sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng Phật giáo của một vùng quê xứ Nghệ. Với những giá trị to lớn về mặt văn hóa, lịch sử, nghệ thuật Chùa Giai đã được Ban quản lý Di tích và danh thắng lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào tháng 5/2013.

Video