Di tích Ba La - Thị xã Quảng Ngãi

Tác giả: admin
Ngày 2015-04-09 00:51:59

Di tích Ba La, nằm tại ngã tư Ba La, thôn 2, xã Nghĩa Dõng, Thị xã Quảng Ngãi, nơi diễn ra cuộc đấu tranh ngày 31-1-1931 của hơn 6000 quần chúng nhân dân vùng Đông Tư Nghĩa và Thị xã Quảng Ngãi, ủng hộ, chia lửa cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Từ trung tâm Thị xã Quảng Ngãi theo đường Lê Trung Đình đi về hướng Đông khoảng 3km là đến di tích.

Người Việt ở Quảng Ngãi có gốc tích chủ yếu từ vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh vào định cư, khai khẩn xây dựng quê hương từ thế kỷ XV, XVI. Kể thừa truyền thống của nơi phát tích, người Việt đã đoàn kết với các cộng đồng cư dân bản địa (Cor, Hre, Ca Dong) trong quá trình sản xuất, chiến đấu, chinh phục thiên nhiên, chống áp bức bóc lột, chống ngoại xâm, con người Quảng Ngãi đã hình thành những nét riêng trong tính cách chung của người Việt Nam đó là truyền thống cần cù lao động, truyền thống hiếu học, và truyền thống yêu nước, bất khuất, đoàn kết chống ngoại xâm…

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm trong chế độ thuộc địa tàn bạo, nhân dân ta rên xiết dưới gông cùm thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến. Các phong trào yêu nước và các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, trong đó Quảng Ngãi là địa phương có phong trào diễn ra sớm và phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của các văn thân, trí thức yêu nước. Vào năm 1885- 1886, sau khi nhận được chiếu Cần vương, Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan đã lãnh đạo nghĩa quân đánh chiếm thành Quảng Ngãi. Năm 1896 Trần Du đại diện cho phong trào Cần vương ở phía Nam đã liên hệ với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Nghệ Tĩnh và bí mật vận động phong trào chống Pháp ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Phong trào được nhiều tầng lớp tham gia ngày càng vững mạnh. Hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, các nhà yên nước Quảng Ngãi đã lập Hội Duy Tân, vận động thanh niên xuống đường, mở trường dạy học...

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3/2/1930, mùa xuân 1930 Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập, do đồng chí Nguyễn Nghiêm người làng Tân Hội (xã Phổ Phong) làm Bí thư. Chi bộ đảng đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà tiến hành một cao trào cách mạng 1930-1931. với nhiều cuộc đấu tranh sôi nổi diễn ra trên hầu khắp các huyện, thị với nhiều hình thức đấu tranh như mít tinh, biểu tình thị uy, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, qua đó đem lại niềm tin cho quần chúng bị áp bức bóc lột và làm cho kẻ địch phải kiêng dè. Tiêu biểu là cuộc biểu tình đấu tranh của nhân dân huyện Đức Phổ vào ngày 8-10-1930 đánh chiếm huyện đường Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đây là trận mở đầu, là pha đột phá thẳng vào chế độ cai trị của thực dân phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc ủng hộ, chia lửa cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang dâng lên mạnh mẽ.

Hòa chung vào làn sóng đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, ngày 21-1-1931, hơn 4000 nhân dân vùng đông Tư Nghĩa và Thị xã Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tổ chức đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế, giảm tô, nâng tiền công cày, công cấy, công gặt cho nhân dân. Ngày 25-1-1931 nhân dân các làng Tân Mỹ, Phổ An, Trường Yên, Phú thọ…biểu tình kéo đến đồn Thương chánh đòi chính quyền địch phải bỏ các loại thuế, giảm thuế thương chánh…Đặc biệt trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, hưởng ứng cao trào cách mạng 1930-1931 và chia lửa với nhân dân Nghệ Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ Quảng Ngãi, các đồng chí trong Ban chấp hành Tỉnh bộ đã triệu tập ngay cuộc họp Huyện uỷ để thống nhất kế hoạch chỉ đạo cuộc đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuộc họp nhất trí chủ trương phát động một cuộc biểu tình lớn vào ngày 31-1-1931.

Đúng giờ quy định, các chi bộ đã tổ chức bố trí rất chặt chẽ với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân vùng đông Tư Nghĩa và Thị xã Quảng Ngãi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí huyện ủy. Hơn 6000 người xuất phát từ các làng: Hải Châu, Hào Môn, Thu Xà, Hưng Nhơn, Cổ Lũy, Trường Yên (Phổ An), Phú Thọ, Hồ Tiểu, Thanh Khiết, Vạn Tượng, Ba La, An Phú, An Nhơn…Mỗi thôn được bố trí một người chỉ huy và cầm cờ đến tập trung ở bãi cát thôn Vạn Tượng (nay thuộc xã Nghĩa Dũng) dự mít tinh, do đồng chí Nguyễn Năng Lự (tức Độ), huyện ủy viên huyện Tư Nghĩa chỉ huy. Khoảng 1 giờ sáng ngày 31-1-1931, đồng chí Nguyễn Năng Lự đứng lên diễn thuyết, tổ cáo tội ác của thực dân phong kiến và bè lũ tay sai, đồng thời nói lên ý nghĩa của cuộc biểu tình, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh. Sau đó đoàn người hàng ngũ chỉnh tề hừng hực khí thế tiến về Thị xã Quảng Ngãi. Đồng chí Kiều Hoàng phất cao cờ Đảng đi đầu, đi sau là băng cờ, biểu ngữ…Tiếp theo là Thanh niên, Tự vệ đỏ đi hai bên bảo vệ đoàn biểu tình. Tiếng trống, tiếng mõ dục giã hoà lẫn với tiếng hô vang khẩu hiệu:
- Chống khủng bố,
- Ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh
- Giảm sưu thuế…

Cuộc đấu tranh đã làm náo động cả một vùng trời. Trong thời gian này tại Thị xã Quảng Ngãi, địch đã nhận được tin tức về cuộc biểu tình của nhân dân kéo về trung tâm Tỉnh lỵ. chúng điều động quân xuống để ngăn chặn, đàn áp. Khi đoàn biểu tình đi đến ngã tư Ba La thì bọn lính sơn đá do tuần vũ Nguyễn Bá Trác chỉ huy phục kích ở ruộng mía và hai bên đường .Chúng dùng súng nòng xoay (trung liên) bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và nhiều người bị thương, đồng thời bắt đồng chí Kiều Hoàng và một số cán bộ cốt cán trong đoàn biểu tình đưa về nhốt trong chòi canh Ba La (cạnh bên ngã tư Ba La), sau đó chuyển về giam giữ tại nhà lao Quảng Ngãi. Cuộc biểu tình bị đàn áp, nhân dân phải giải tán về tổ chức chôn cất những người hy sinh và cửu chữa những người bị thương.

Cuộc biểu tình ngày 31-1-1931 của 6000 quần chúng nhân dân vùng Đông Tư Nghĩa và Thị xã Quảng ngãi là một cuộc biểu tình có quy mô lớn, được tổ chức chặt chễ dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần ủng hộ, chia lửa với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng thời gây được tiếng vang lớn vào thắng lợi của cách mạng (1930-1931) trong cả nước.

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Thị xã Quảng ngãi đòi tự do dân chủ, chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng diễn ra liên tục dưới sự lãnh đạo của Đảng và cho đến cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Thị xã cũng như các huyện khác của Quảng Ngãi đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đại thắng mùa xuân 1975.

Địa điểm ngã tư Ba La trong những năm 1930-1931 không có nhà dân ở, toàn bộ khu vực này nhân dân trồng mía và hoa màu. Trải qua hơn 85 năm di tích đã có nhiều thay đổi, dân cư đông đúc, đường sá đi lại được rải nhựa. Địa điểm cũ bị thu hẹp, chỉ còn lại diện tích 700 m2 thuộc phía đông nam của ngã tư Ba La. Di tích đã được khoanh vùng bảo vệ và xây dựng một phù điêu có bảng ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng của nhân dân vùng Đông Tư Nghĩa và Thị Xã Quảng Ngãi trong cao trào cách mạng 1930-1931. Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Video