Đền Xuân Hòa

Tác giả: admin
Ngày 2011-05-27 11:01:28

Đền Xuân Hòa thuộc xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Di tích cách thành phố Vinh khoảng 15 km, cách huyện lỵ Hưng Nguyên 12 km về phía Tây Nam. Đền được xây dựng ở trung tâm làng Xuân Hòa nên nhân dân lấy tên của làng đặt tên cho đền.

Thời Lê, di tích thuộc làng Đường Cù, xã Phù Long, tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô. Thời Nguyễn, di tích thuộc làng Xuân Hòa, xã Phù Long, tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô. Năm 1911, huyện Hưng Nguyên đổi thành phủ Hưng Nguyên. Sau cách mạng tháng 8/1945, đền thuộc làng Xuân Hòa, xã Long Cù, huyện Hưng Nguyên. Năm 1949- 1953, các làng Xuân Hòa, Thuận Đức, An Phú, Yên Hợp hợp thành một xã lớn là xã Hưng Long. Năm 1954, xã Hưng Long lại tách thành 5 xã gồm: Hưng Long, Hưng Lĩnh, Hưng Xá, Hưng Xuân, Hưng Lam. Đền Xuân Hòa nay thuộc xóm 11, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Đến di tích, du khách có thể đi theo hai đường sau:

- Thứ nhất, từ thành phố Vinh theo quốc lộ 46 đến di tích đài tưởng niệm các liệt sỹ Xô -Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, rẽ trái theo đường 12/9 ( nay là đường tỉnh lộ 558 ) khoảng 11km đến đường du lịch ven sông Lam, rẽ phải khoảng 1500m, rồi rẽ phải đến cổng làng văn hóa Xuân Hòa đi 200m nữa là đến di tích .

- Thứ hai, từ ngã tư Bến Thủy( thành phố Vinh), rẽ phải theo đường du lịch ven sông Lam, đi ngược lên qua di tích đền ông Hoàng Mười, đền Trạng nguyên Bạch Liêu, đền vua Lê đến núi Lam Thành khoảng 17km, từ đây rẽ phải khoảng 200m nữa là đến di tích.

Đền Xuân Hòa là công trình kiến trúc tín ngưỡng, nơi tôn thờ và tưởng niệm các vị thần có công với dân, với nước như: Cao Sơn, Cao Các, Thành hoàng làng.

1. Cao Sơn:
Thần Cao Sơn tên thật là Cao Hiển, tự Vân Trường, quê Bảo Sơn, Trung Quốc. Cao Hiển là người thông minh chính trực, học rộng hiểu sâu, văn võ song toàn . Năm 29 tuổi thi đậu dưới triều vua Hy Tông nhà Tống, làm quan đến chức Thượng thư . Lúc bấy giờ vùng biên giới nhà Tống có loạn quậy phá, Cao Hiển được vua nhà Tống cử đi chinh phạt biên giới. Với tài thao lược của mình, ông đã nhanh chóng dẹp được loạn, giúp dân yên ổn làm ăn. Với công lao đó Cao Hiển được vua Tống phong Đại thừa tướng .

Để thực hiện ý đồ bành trướng, nhằm uy hiếp và khuất phục nước ta, vua Tống cử Cao Hiển sang làm Tuyên phó xứ An Nam. Trong những năm làm Sứ thần ở An Nam, Cao Hiển hiểu rõ và thông cảm với khó khăn của một quốc gia mới tự trị, nền kinh tế chưa ổn định, lại gặp sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát, Cao Hiển xin vua Tống giảm bớt các khoản triệu cống, mặt khác giúp nhân dân An Nam cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế . Nhờ đó, cuộc sống của nhân dân dần được ổn định hơn. Mặc dù là sứ thần nước lớn, nhưng Cao Hiển luôn biểu hiện là một vị quan khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân, xây dựng mối giao hảo hòa bình tốt đẹp giữa hai nước. Chính vì vậy mà triều đình và nhân dân hai nước đều biết ơn Cao Hiển. Vì tuổi cao sức yếu, ông xin thôi chức sứ thần An Nam, trở về quê. Vua Tống phong cho ông làm Quốc chủ hiển ứng Đại vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ ngài.

2. Cao Các:
Vào thế kỷ X, sau khi Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân chống quân Nam Hán thắng lợi, giành được chủ quyền cho đất nước. Khi Ngô Quyền mất, Ngô Xương Xí gây loạn 12 sứ quân, nên đất nước ta lại rơi vào tình trạng bị chia cắt. Đinh Bộ Lĩnh một trong 12 sứ quân, bằng tài đức của mình đã dẹp được loạn, thống nhất đất nước và đóng đô ở Hoa Lư. Một trong những vị tướng có công giúp ông sáng lập củng cố nhà Đinh là Cao Các.

Theo Ngọc Phả Đại Vương tôn vị Trung Thần triều đình, Cao Các sinh ngày 6/1/938 ở làng Châu Ái, làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, con ông Cao Trạch và bà Lê Thị Điểm. Từ nhỏ, Cao Các đã học giỏi, thông minh tài trí hơn người, được coi là “thần đồng”. Lớn lên, thấy dân khổ cực vì các thế lực đánh nhau, ông bỏ làng đi tìm minh chúa. Đinh Bộ Lĩnh thấy ông có tư chất thông minh, hỏi về học vấn đều đối đáp trôi chảy nên phong cho ông làm Giám Nghị đại phu, giao cho 5 vạn binh lính phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Bắng sức mạnh của tuổi thanh xuân, với mưu lược như thần, Cao Các đã cùng các tướng sỹ lần lượt đánh bại và thu phục các sứ quân.

Đinh Bộ Lĩnh lại về quê Hoa Lư xây dựng kinh đô, xưng Đại Thắng Đinh Hoàng Đế. Ông ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Thấy cảnh vùng này non nước hữu tình, ông bèn cho quân sỹ lập quần cư tại đây. Những ngày sống với dân ông rất nhân hậu, lo khuyến khích nghề nông, làm việc nghĩa, luyện tập võ nghệ phòng khi nước nhà có biến cố, giúp triều đình bảo vệ quê hương và đánh giặc cứu nước.

Ba năm sau chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu đem quân uy hiếp Đại Việt, vua Đinh triệu Cao Các về triều, giao cho 5 vạn binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Cao Các cầm quân xông pha nhiều trận, quân Chiêm đại bại phải trốn về nước. Sau trận đại thắng, vua Đinh thưởng công Cao Các rất hậu, muốn lưu ông lại triều đình nhưng Cao Các xin về sống ở An Ninh. Ông lâm bệnh mất đột ngột, tin báo về triều đình nhà Đinh thương tiếc cho lập miếu thờ. Đến thời vua Lý Thái Tổ, thấy đền miếu thiêng, biết ông là trung thần, nhà Đinh bèn phong tặng Mỹ Tự Đại Vương. Các triều vua về sau phong sắc cho Ngài là Thượng Thượng đẳng tối linh Tôn thần.

Vào thời Cảnh Hưng có nạn Hồng Thủy, đồng ruộng bị ngâm lâu, sâu keo phá hoại mùa màng, nhân dân xã Phù Long nói chung và làng Đường Cù nói riêng làm lễ cầu đảo nhờ thần Cao Sơn, Cao Các phù hộ, quả nhiên linh ứng. sâu keo chết hết, nhân dân lấy đó làm tin, rước bài vị Cao Sơn, Cao Các về lập đền thờ phụng hương tỏa quanh năm.

Các triều đại phong kiến Việt Nam đã ban nhiều sắc phong, hiện tại đền vẵn còn lưu giữ 11 sắc phong do vua triều Lê và triều Nguyễn ban cho thần chủ của đền .

3. Bản cảnh thành hoàng Đại vương:
Đại vương là bản cảnh Thành hoàng của làng Yên Phú, xã Long Cù, phủ Hưng Nguyên. Thần Đại Vương hiện chưa rõ tên tuổi, quê quán ở đâu. Căn cứ vào sắc phong, vị hiệu còn lưu giữ được và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian thì ngày xưa ở xứ Bàu Đái, trong xã tự nhiên nổi lên một cồn đất cây cối rậm rạp, có người vào đó chặt cây, bỗng gió to nổi lên. Người ấy về ốm sắp chết, người nhà đến đó khẩn cầu, một cây quế hiện ra với 3 cành chĩa ra 3 phía, lửa tỏa ra, mùi thơm phức. Người nhà khấn vái, ba vị thiên thần xuất hiện cho bùa đem về. Bệnh nhân uống vào lành ngay.

Nhân đó, dân trong xã lập đền thờ, cây quế biến mất, thần linh nhập vào đền. Từ đó, dân yên, của thịnh. Nhân dân đã tôn làm Thành hoàng của làng Yên Phú. Đền linh thiêng, nhân dân trong vung đến đền hương khói thường xuyên. Trong xã, hễ gặp thiên tai, dịch tễ, nhân dân có chuyện không lành, tới đền cầu đảo, xin bùa đều có hiệu nghiệm.

Chính sự linh thiêng và công lao bảo hộ dân chúng nên thần đã được triều đình phong kiến triều Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong. Hiện nay chỉ còn lưu giữ được 2 đạo sắc triều vua Khải Định năm thứ 9 (1925). Trong hai sắc phong này, vua lần lượt ban tặng cho thần các mỹ tự: Đoan túc Tôn thần và Dực bảo Trung hưng cương nghị đặc đạt Đại Vương.

4. Bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần.
Đây là vị thần được thờ tại đền Long Cù. Năm 1965-1966, đền Long Cù bị ném bom hư hỏng, do vậy nhân dân địa phương đã rước long ngai, bài vị cùng sắc phong của thần về hợp tự tại đền Xuân Hòa.

Bản cảnh Thành hoàng của làng Đường Cù, xã Phù Long, huyện Hưng Nguyên, chưa rõ tên tuổi, quê quán ở đâu. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ được và qua lời kể của các cụ cao tuổi trong làng cho biết: đền thờ thần có từ xưa, xung quanh có nhiều cây cối rậm rạp, trong làng không có ai dám chặt cây ở đó. Đền rất linh thiêng, trong làng ai có việc gì không may đến cầu xin cứu giúp đều có linh nghiệm. Hoặc khi có người đau ốm, bệnh hiểm nghèo và mất của đến xin ngài, đều được phù hộ.

Qua nhiều năm tháng, thần đã giúp đỡ, che chở cho nhân dân rất linh thiêng. Các triều đại phong kiến đã phong sắc cho thần. Hiện nay còn lưu giữ được 3 đạo sắc là sắc năm Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887) và sắc năm Duy Tân thứ 3 (1909) ghi nhận công lao của thần với dân, với nước.

Đền Xuân Hòa còn là nơi hội tụ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương:
- Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền là cơ sở cách mạng của Đảng, là địa điểm tập trung nhân dân đi biểu tình.

Hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, đặc biệt là cuộc biểu tình của nông dân huyện Nam Đàn ngày 30/8/1930 và ngày 6/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào đã chủ trì cuộc họp mở rộng gồm đại diện các tổ chức cơ sở Đảng trong phủ Hưng Nguyên, bàn biện pháp tổ chức một cuộc biểu tình lớn toàn phủ Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ngoạn, đảng viên ở Xuân Hòa- Long Cù được cử làm tổng chỉ huy. Cờ Đảng được 2 đ/c Nguyễn Vỹ và Nguyễn Hỷ treo trên ngọn cây trôi của đền Xuân Hòa.

Mới 3 giờ sáng ngày 12/9/1930, đông đảo nông dân tổng Phù Long và vùng phụ cận mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng, cờ đỏ búa liềm rầm rập đổ về đền Xuân Hòa tập trung, rồi kéo xuống ga Yên Xuân bắt trói trưởng ga, cắt đứt dây điện thoại để triệt đường dây liên lạc của địch. Trước khí thế của cuộc biểu tình, thực dân Pháp đã huy động một đội lính đến bắn chỉ thiên, đòi giải tán cuộc biểu tình, nhưng quần chúng vẫn hàng ngũ chỉnh tề thẳng tiến về phủ lỵ. Khi đoàn kéo đến Thái Lão, thực dân Pháp đã cho máy bay thả bom xuống đám đông làm chết 217 người (trong đó có 43 người ở xã Long Cù ) và 125 người bị thương .

Ngày 20/9/1930, thực hiện chủ trương của Đảng, nông dân các làng Xuân Hòa, Yên Thọ, Phú Đức, Nghĩa Sơn, tập trung tại đền Xuân Hòa tổ chức truy điệu những người đã hy sinh .

Đầu tháng 10/1930, Phủ ủy Lâm thời Hưng Nguyên được thành lập, đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Sau thời gian ngắn, Chi bộ Đảng xã Long Cù ra đời. Chi bộ đã tổ chức một cuộc họp tại đền Xuân Hòa nhằm củng cố và phát triển tổ chức Đảng, đồng thời tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng, phát động các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn tay sai .

Để có điều kiện chỉ đạo phong trào, Phủ ủy Hưng Nguyên đã chọn đền Xuân Hòa làm nơi hội họp, in ấn tài liệu bí mật của Đảng. Các đồng chí cán bộ Phủ ủy: Lê Xuân Đào, Nguyễn Ngọc Ngoạn, Nguyễn Ngô Dật… thường đi lại đền Xuân Hòa và dăm Quan Đồng Cun để hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Lệ có nhiệm vụ bảo vệ các cuộc họp. Ông Phan Phấn, Nguyễn Chuẩn chịu trách nhiệm in ấn. Ông Nguyễn Thung, Nguyễn Vinh được giao nhiệm vụ vận chuyển tài liệu tới các cơ sở và đi rải truyền đơn. Khi tài liệu in xong, chưa có điều kiện chuyển đi thì được cất dấu tại đền trong các rương hòm để đồ tế khí .

Các tổ chức quần chúng cũng lần lượt được thành lập dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng như: Nông hội đỏ xã Long Cù có 5 tổ với 320 hội viên, Thanh niên có 4 tổ 70 hội viên, Phụ nữ có 4 tổ 60 hội viên, Tự vệ có 4 tổ 55 hội viên do Nguyễn Thung chỉ huy . Các đội tự vệ đỏ của làng và xã đều lấy khu vực dăm Quan Đồng Cun một vị trí vừa rộng rãi vừa đảm bảo bí mật để luyện tập.

Nhân dân Long Cù dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng đã giành được những thành quả về kinh tế, văn hóa: thu được 13 tạ lúa, 2900 quan tiền để chia cho dân nghèo; tại đền Xuân Hòa tổ chức được 6 lớp học chữ quốc ngữ, có 40 người tham gia, do ông Nguyễn Tuân, Nguyễn Phùng, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Thị Hờu làm giáo viên.

- Trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8/1945, theo lời hiệu triệu của Việt Minh, ngày 19/8/1945 nhân dân làng Xuân Hòa xã Long Cù tự vũ trang bằng giáo mác, gậy gộc, cờ biểu ngữ kéo lên đường số 8 cùng với nhân dân tổng Phù Long, Thông Lãng, Hải Đô, tiến hành cuộc biểu tình thị uy, biểu dương lực lượng rồi kéo về phủ lỵ giành chính quyền .

- Sau cách mạng tháng 8/1945, đền Xuân Hòa là trụ sở của làng, địa điểm sinh hoạt của các tổ chức quần chúng và là nơi học chữ quốc ngữ.

- Năm 1947-1950, đền Xuân Hòa là trụ sở xưởng công binh Phạm Hồng Thái. - Năm 1950-1954, đền là nơi để lương thực cung cấp cho chiến trường.

Đền Xuân Hòa được xây dựng trên mảnh đất cao ráo, mặt ngoảnh về hướng Bắc, trước mặt là đường bê tông liên thôn và cánh đồng lúa bao la, phía Nam giáp khu dân cư, phía Đông giáp trường Tiểu học xã Hưng Long, phía Tây là Đài tưởng niệm liệt sỹ, cách 100m về phía Tây Nam là chùa Long Hoa, đê 42 và dòng sông Lam uốn lượn, xa xa là khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đài liệt sỹ Thái Lão. Đền được xây dựng ở vị trí cảnh quan đẹp của làng quê, tại vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Căn cứ vào các nguồn tư liệu và lời kể của các cụ cao niên thì đền Xuân Hòa được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Đến đầu thời Nguyễn, đền được tu sửa và xây dựng thêm 2 tòa Trung điện, Thượng điện. Năm 1917, đền được tu sửa lần nữa. Năm 1968, bom Mỹ phá hỏng, năm 2006 đền được phục hồi. Hiện đền Xuân Hòa có các hạng mục công trình: cổng tam quan, tường bao, tắc môn, bia dẫn tích, sân vườn, bái đường và hậu cung.

Cổng tam quan xây dựng bằng chất liệu gạch chỉ, vữa tam hợp, được giới hạn bởi 4 cột trụ đăng đối, hai cột trụ ở giữa cao 6,1m có số đo mỗi cạnh là 1,2m và trên cùng của hai cột được đắp trang trí 2 con nghê ở tư thế đứng chầu. Khoảng cách giữa 2 cột trụ là 4,3m cũng là chiều rộng của cổng, hai bên cao 4,5m. Số đo mỗi cạnh là 0,9m, rộng 1,6m.

Tường bao nối liền với cổng, xây bao quanh 3 phía, bên trái để thông với đài tưởng niệm liệt sỹ, Tường cao 1,5m, cứ cách 3m có một cột trụ.

Tắc môn cách cổng 2,6m, có chiều dài 3,55m, cao 3,5m, rộng 0,7m. Giữa tắc môn xây lõm vào, xung quanh trang trí các đường viền, phía trên trang trí các đường viền chỉ và búa liềm. Trên cùng xây gờ chỉ rộng ra để lợp ngói vảy, trên bờ nóc chính giữa đều được đắp trang trí hình cánh phượng, hai đầu bờ mái trang trí hình đuôi rồng cách điệu.

Bia dẫn tích được xây dựng năm 2001. Bia cao 3m, rộng 0,15m. Bệ bia là 3 tấm đá hình vuông được ghép thành 3 bậc. Phía trước bệ đá để lư hương. Thân bia làm bằng đá hình khối chữ nhật cao 1,2m, rộng 0,7m. Mặt trước và mặt sau giống nhau, mặt trước ghi nội dung sự kiện treo cờ Đảng, địa điểm tập trung nhân dân, nơi phát lệnh và xuất phát cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Mặt sau ghi ngày hoàn thành 12/9/2001. Phía trên trán bia xây mái đổ bê tong, lợp hai mái bằng ngói vảy, trên đỉnh mái là hình trụ bầu dục, hai bờ mái và đầu đao uốn cong hình đuôi rồng cách điệu.

Sân vườn: sân trước lát gạch đất nung màu đỏ 0,25m x 0,25m, trong sân có một số chậu cachr và trồng cây cảnh. Có một đỉnh hường bằng đá để ở giữa sân. Sân sau và hai bên vườn được trồng nhiều loại cây như đa, ngô đồng, đại…

Nhà Bái đường:
Nền nhà cao hơn mặt sân là 1m, muốn vào nhà bái đường phải bước lên 7 bậc thềm, hai bên bậc thềm đắp trang trí hai hàng lan can bằng rồng chầu, chất liệu bằng đá màu sáng, vữa tam hợp. Hai bên thềm nhà bái đường để 2 con sư tử bằng đá cao 1,3m. Hai đầu hồi nhà xây 2 cột quyết cao 2,5m, chất liệu gạch, vữa tam hợp.

Nhà bái đường có diện tích xây dựng là 106m2( chiều dài 12,05m, rộng 8,5m), ba phía xây tường bằng gạch, hai đầu hồi mỗi bên trổ một cửa sổ. Nhà có 3 cửa ra vào làm bằng gỗ theo kiểu ban khoa trên song, dưới bản, phía trên cửa làm một dãy con tiện để thông gió. Bức cửa giữa có 6 cánh, hai của hai bên có 5 cánh. Hai bức tường sát 2 cửa hai bên đắp nổi hình phù điêu hai tượng hộ pháp. Hai bên tường phía sau trổ hai cửa để thông ra sân hậu cung. Nền lát bằng gạch đất nung màu đỏ 0,25m x 0,25m. Mái lợp ngói âm dương mũi hài, rải rui bản. Chiều cao của nhà bái đường tính từ nền nhà lên đến đỉnh mái là 5,5m. Chính giữa bờ nóc đắp trang trí hình lưỡng long triều nguyệt, hai bên bờ nóc và bờ giải đắp uốn cong hình mũi đao.

Dưới bộ mái đồ sộ là cả một hệ thống cột dựng lên từ nền để đỡ mái, toàn bộ khung làm bằng gỗ lim, dổi. Tất cả có 16 cột dạng hình tru tròn, bào trơn kê trên chân đá tảng hình vuông có kích thước 0,45m x 0,45m. Kết cấu vì kèo của nhà Bái đường theo kiểu oai bẩy kẻ chuyền, các vì kèo liên kết với nhau bởi đường thượng lương và hệ thóng xà dọc, xà nách, hoành, đóng khít bằng các mộng sàm. Nhà có 4 vì tạo thành 3 gian hai hồi, mỗi vì có 4 cột. Trang trí trên kiến trúc nhà Bái đường đơn giản, trên các kẻ được trang trí chạm trổ hoa lá, vân mây cách điệu. Các đường xà thượng, xà hạ để mộc không chạm trổ. Ở gian giữa phía dưới xà dọc, phía ngoài xà thượng, treo một bức cửa võng bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chạm trổ long, ly, quy, phượng. Hai cột phía trước treo hai câu đối bằng gỗ kiểu vỏ măng, sơn son thiếp vàng, chữ màu đen.

Trên xà dọc treo bức đại tự bằng gỗ sơn son thiếp vàng chữ màu đen. Dưới xà dọc phía trong treo một bức cửa vọng, chạm trổ long, ly, quy, phượng. Trên xà dọc phía trong treo bức đại tự bằng gỗ sơn son thiếp vàng chạm trổ công phu hình lưỡng long triều nguyệt. Các gian phải, trái cũng được treo các bức cửa vọng bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chạm trổ các đề tài tứ linh, tứ quí.

Gian giữa để một hương án sơn son thiếp vàng, được xoi rãnh chạm các đề tài tứ linh, tứ quí, phía dưới chạm hình hổ phù. Trên hương án để một bộ ngũ sự bằng đồng, một lư hương bằng đồng, hai mâm cổ bồng bằng gỗ, 4 lo hoa sứ, 3 đĩa nhựa, 2 bộ ấm chén. Hai bên hương án để đôi hạc đứng trên mai rùa bằng gỗ cao 1,9m đứng chầu vào nhau. Hai bên hạc rùa để hai dãy bát bửu. Phía trước hương án để một bình hoa bằng sứ cao 0,48m, rộng 0,7m.

Tiếp sau để một hương án bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chạm trổ công phu, trên hương án để một bộ tam sự bằng đồng, 3 lư hương bằng sứ, 2 mâm chè, 2 lọ hoa, 1 đĩa bằng sú ...Phía trong cùng để một hương án bằng gỗ được chạm trổ khá công phu với các đề tài tứ linh, tứ quý. Phía sau, chính giữa đặt tượng Cao Sơn bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng, tượng trong tư thế ngồi trên ngai, hai tay úp trước ngực, mắt nhìn thẳng, đầu đội mũ.

Gian bên phải, phía ngoài để giá trống, phía trong để một hương án bằng gỗ. Phía sau đặt bệ thờ tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Giữa phía bên trái để giá chiêng, phía trong để hương án, phía sau để long ngai, trong long ngai để tượng phật quan âm nhỏ ở tư thế đứng chất liệu bằng thạch cao.

Hậu cung.
Nền nhà Hậu cung cao hơn mặt sân là 0,67m, muốn vào Hậu cung chúng ta phải bước qua 5 bậc thềm, hai bên bậc thềm đắp trang trí hai hàng lan can rồng chầu, hai bên thềm để hai con sư tử bằng đá cao 1,3m . Nhà Hậu cung có diện tích xây dựng là 39,5m2, ba phía xây tường bằng gạch, vữa tam hợp, hai đầu hồi mỗi bên trổ một cửa sổ. Nhà hậu cung có 3 cửa ra vào, làm bằng gỗ theo kiểu bàn khoa trên song dưới bản, cửa giữa có 4 cánh, hai cửa hai bên có một cánh. Nền lát bằng gạch đất nung màu đỏ, mái lợp ngói âm dương mũi hài, rải rui bản, hoành mái, chiều cao của Hậu cung tính từ nền đến đỉnh mái là 5,5m. Trên những cạnh mái là các đường bờ nóc. Chính giữa bờ nóc đều được đắp trang trí hình lưỡng long triều nguyệt, hai đầu bờ nóc và bờ dải uốn cong hình mũi đao. Toàn bộ vì kèo, cột làm bằng bê tông cốt thép ( giả gỗ), hoành, rui bản làm bằng gỗ lim, dổi.

Kết cấu nhà Hậu cung gồm một gian hai hồi, hai vì kèo kiểu giao nguyên tứ trụ, mỗi vì có hai cột tròn có chiều cao 3,1m. Trang trí kiến trúc nhà Hậu cung đơn giản, các xà thượng, xà hạ đều để trơn không chạm trổ. Ở gian giữa treo một bức đại tự bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chạm trổ long, ly, quy, phượng. Hai cột cái phía sau treo đôi câu đối bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chữ màu đen.

Nhà Hậu cung là nơi thờ chính cửa đền. Gian giữa để một hương án bằng gỗ sơn son thiếp vàng có chiều dài 2,09m, chiều rộng 1,2m, chiều cao 1,2m. Toàn bộ phần khung ván của hương án được xoi rãnh chạm các đề tài tứ linh, tứ quý. Trên hương án để một lư hương bằng đá, một mâm chè bằng gỗ, ba lọ hoa, phía sau để long đình của kiệu làm khám thờ cao 1,45m, rộng 0,83m, được chạm trổ khá tỉ mỉ hình hoa, lá, vân mây và các đường diềm, phía trên khám chạm trổ hai đầu rồng. Trong long đình để bài vị của Cao Sơn, Cao Các có nội dung: “ Đương cảnh thành hoàng Cao Sơn, Cao Các gia phong đoan túc dực bảo trung hưng Thượng Đẳng tôn thần”. Hai bên khám thờ để hai long ngai bài vị có kích thước, chất liệu, hình dáng giống nhau, long ngai cao 0,85m, dài 0,45m, rộng 0,37m. Cấu tạo thành ba bộ phận, bệ, tay ngai, và thần chủ, ba mặt của bệ được chạm khắc hổ phù, tay ngai chạm đầu rồng, tư thế vươn ra phía trước, đỉnh long ngai thể hiện bằng hình tượng mặt nguyệt. Chính giữa đạt bài vị có nội dung “ Dực bảo trung hưng phong công vĩ liệtđại vương tôn thần” và bài vị long ngai có nội dung “ Dực bảo trung hưng cương nghị đặc đạt đại vương tôn thần”. Hai bên hương án để hai dãy bát bửu, một bên cắm hai biển gỗ khắc 4 chữ Hán ở hai mặt : Tĩnh Túc, Hồi Tỵ .

Gian bên phải để một hương án bằng gỗ sơn son thiếp vàng, chạm trổ tỉ mỉ với cá đề tài vân mây, hoa, lá, hổ phù. Trên hương án để lư hương bằng sứ, phía sau để một đế ngai và một bài vị có nội dung “Dực bảo trung hưng cương nghị tham tán đặc đạt Đại vương”.

Gian bên trái để một hương án màu sắc, kích thước giống gian bên phải. Trên hương án để 1 lư hương bằng sứ, 2 ống hương bằng gỗ, 1 mâm cổ bồng, 1loj hoa bằng sứ. Phía sau, ở giữa dặt một bài vị, 2 bên để 2 bài vị ( không còn ).
Đền Xuân Hòa còn lưu giữ được những hiện vật quý có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật như : Khám thờ, long ngai, bài vị, sắc phong, ống hương, lọ hoa cổ….

Đền Xuân Hòa xưa uy linh vào bậc nhất trong vùng. Hàng năm vào dịp ngày mùng 7, ngày Rằm tháng Giêng và ngày Rằm tháng 7, nhân dân làng Xuân Hòa tập trung tại đền tế lễ, tưởng niệm các vị thần rất long trọng, trang nghiêm. Ngoài các nghi lễ, bà con còn được tham gia hội kéo co, đấu vật, cờ người, cờ thẻ..

Đền Xuân hòa là nơi đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân Hưng Nguyên và nhân dân Nghệ An trong phong trào cách mạng 1930- 1931, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, đền là nơi tập trung nhân dân đi mít tinh, biểu tình, nơi treo cờ Đảng, địa điểm hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật như vậy, đền Xuân Hòa được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh năm 2010.

Video