Đền Tráng Liệt

Tác giả: admin
Ngày 2013-10-14 09:44:57

Đền Tráng Liệt thuộc xóm Bắn, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng để thờ ông Phạm Tự Kỷ, người có công phát triển nghề đóng tàu thuyền và chữa bệnh cứu người. Khi ông mất được dân lập đền thờ và các triều đại phong kiến phong sắc, phong thần là “Tráng Liệt diệu ứng Phạm Tự Kỷ chi thần”. Đền Tráng Liệt nằm cách thành phố Vinh - Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Nghệ An khoảng 20km về hướng Đông - Đông Bắc. Du khách muốn đến thăm di tích có thể đi bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như: ô tô, xe máy, tàu, thuyền… Nếu xuất phát từ thành phố Vinh, du khách đi theo đường quốc lộ 1A hướng ra Bắc khoảng 6km, đến ngã ba Quán Bánh, rẽ phải theo đường 46 Vinh - Cửa Lò khoảng 14km, đến ngã tư cầu Ông Hợi, rẽ trái theo đường 536 đi khoảng 3km gặp cột mốc số 4, tiếp tục rẽ phải theo đường liên xã khoảng 2km đến UBND xã Nghi Thiết, rẽ phải theo đường liên thôn khoảng 1km là đến di tích. Nếu đi bằng tàu thủy từ ngoài Bắc vào, từ Nam ra đến cảng Cửa Lò, cho tàu cập bến Ngự lên bờ đi khoảng 500m là đến di tích. Đền Tráng Liệt thuộc loại hình di tích lịch sử, là nơi thờ phụng người có công với dân, với nước: ông Phạm Tự Kỷ. Phạm Tự Kỷ người xã Đặng Điền, huyện Chân Lộc (nay là huyện Nghi Lộc), tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1745, trong một gia đình nhà Nho có truyền thống hiều học, thương người trọng đạo nghĩa. Cha là Phạm Minh, một nhà nho nghèo, thông hiểu văn chương chữ nghĩa. Mẹ là người phụ nữ chất phát, đôn hậu, cần cù tiết kiệm nhưng rất thương người. Ông là em trai của Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du - một vị quan thanh liêm, trung thực có nhiều cống hiến cho đất nước dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Trong thời gian làm quan, ông Phạm Nguyễn Du đã từng giữ các chức như: Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương, Đông các đại học sĩ, Đốc đồng Nghệ An…. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn nổi tiếng ở thế kỷ XVIII với các tác phẩm: “Nam hành ký đắc tập”, “Đoạn trường lục”, “Độc sử sy tưởng”. Phạm Tự Kỷ là người thông minh, sáng dạ, có chí khí lại ham học hỏi nên từ nhỏ đã cùng anh trai là Phạm Nguyễn Du nổi tiếng một vùng. Khi lớn lên vì chán ghét xã hội rối ren thời Lê - Trịnh nên ông không theo con đường khoa cử mà tập trung rèn luyện võ nghệ và đi ngao du sơn thủy khắp nơi. Năm 1765, ông lập gia đình và di cư từ làng Đặng Điền đến làng Trung Kiên sinh sống và làm nghề đóng tàu thuyền. Nghề đóng tàu thuyền ở làng Trung Kiên đã có từ thế kỷ VIII - X, trải qua hàng trăm năm phát triển, nghề đóng tàu thuyền ở đây đã đạt đến trình độ cao, các sản phẩm tàu thuyền được giao thương buôn bán đi khắp nơi. Các triều đại phong kiến nhiều lần huy động thợ Hoàng Lao (nay là làng Trung Kiên) đóng và sửa chữa thuyền chiến cho quân đội của triều đình. Điều đó chứng tỏ uy tín của thọ thuyền Hoàng Lao đã nổi tiếng trong cả nước. Khi đến làng Trung Kiên sinh sống và làm nghề thợ thuyền, Phạm Tự Kỷ đã nhanh chóng tiếp thu và học hỏi những kinh nghiệm đóng tàu của các thế hệ cha anh. Với tài trí thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo chỉ sau một thời gian ngắn ông đã được bầu làm thợ cả. Ông luôn thiết kế ra những chiếc thuyền phù hợp với đặc trưng từng vùng và từng loại hình khai thác của ngư dân như: đánh cá trong lộng thì thiết kế thuyền lưới lộng, đánh ngoài khơi ông thiết kế thuyền lưới khơi, vùng Quảng Bình thì ông thiết kế loại thuyền tròn đua, thuyền nốc nghề, vùng Thanh Hóa thiết kế loại thuyền lưới bén, thuyền tám chấu, nghe cầu… Quy cách thiết kế tàu thuyền của ông vừa tiết kiệm tối đa nguyên vật liệu, rút ngắn thời gian thi công và luôn đảm bảo các tính năng của tàu thuyền như: tính ổn định, tính kháng chìm, tính lắc, tính phương hướng, tính tốc độ, tính tải trọng…Tiếng lành đồn xa, đội thợ của ông ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách từ các vùng khác nhau trong tỉnh và các tỉnh khác như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Quy cách đóng thuyền của ông cũng được nhiều địa phương như: Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Tiến huyện Quỳnh Lưu, Diễn Vạn huyện Diễn Châu… áp dụng. Trong thời gian làm thợ Cả, ông đã truyền nghề cho các thế hệ sau kế tục và phát triển nghề truyền thống của làng – thợ Hoàng Lao được các nơi quen gọi là thợ Nghệ. Với gần 20 năm trong nghề thợ thuyền, ông đã đi nhiều nơi, cùng sống và làm việc với anh em thợ thuyền nên ông thấu hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của người thọ sống ở vùng sông nước. Ngày hè phải làm việc cực nhọc dưới trời nắng như đổ lửa, ngày đông phải làm việc dưới trời lạnh giá, ăn uống không đầy đủ, vệ sinh yếu kém nên thường xuyên đau yếu bệnh tật, khổ cực trăm bề. Những lúc như vậy, ông đã cùng với vợ bỏ tiền ra lo thuốc men, cơm cháo cho thợ thuyền. Mỗi khi gia đình vọ con thợ thuyền có việc đau ốm, ma chay, hiếu hỉ không có tiền, ông bà liền bỏ tiền của ra giúp đỡ mà không hề tính toán thiệt hơn. Anh em thợ thuyền luôn cảm phục tài năng, đức độ của người thợ Cả Phạm Tự Kỷ. Trong một lần, Phạm Tự Kỷ đi tìm thầy, tìm thuốc về chữa bệnh cho thợ thuyền, đi tới núi Quỳnh Lãnh trời đã xế chiều, thấy 1 am nhỏ trên núi, ông có ý định vào am xin nghỉ qua đêm để ngày mai đi tiếp. Trong am có nhà sư trẻ, tên là Phật Quang, thấy Phạm Tự Kỷ có dáng người tiên cốt, nhà sư bèn truyền đạo pháp cho ông. Phạm Tự Kỷ đã lưu lại đây một thời gian để học Nội đạo. Sau khi học xong, Phật Quang đã cho ông một cây gậy trúc và một nón lá và dặn rằng: những quyền phép màu nhiệm đều ở gậy và nón này. Vào thế kỷ XVIII, Nghi Thiết vẫn là vùng đất heo hút, đường xá bị ngăn sông, cách biển. Việc đi lại khó khăn, đặc biệt là đối với người đau ốm, bệnh tật việc này càng trở nên khó khăn hơn. Xuất phát từ thực tế đó, Phạm Tự Kỷ đã tham gia Nội đạo tràng để mong học được cách cúng lễ chữa bệnh cứu người bằng bùa phép và thần chú. Phạm Tự Kỷ là người đức cao vọng trọng nên ông được Thượng Sư chọn để truyền nghề chữa bệnh, cứu nhân, độ thế. Sau một thời gian ngắn tu hành, ông đã đạt được nhiều phép màu huyền diệu. Lúc này ông trở về quê nhà thực hành việc chữa bệnh cứu người. Ông đã chữa được nhiều bệnh cho nhân dân và đạt được kết quả tốt như: bệnh hen suyễn, bênh đau thận, bệnh đau lưng, mắc xương, bệnh đau mắt, đau bụng, bệnh tà ma ngoại đạo… Đặc biệt hơn là ông đã chữa được bệnh tả. Vào thế kỷ XVIII, XIX, bệnh tả là một loại bệnh rất nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị, bệnh có tốc độ lây lan nhanh, số lượng tử vong lớn, bệnh tràn qua vùng nào thì chết chóc, tang thương bao trùm lên vùng đó. Vào năm 1782, vùng Nghệ An bị dịch tả hoành hành, nặng nhất là các làng cửa sông, cửa biển như vùng Trung Kiên, vùng Vạn Lộc, vùng Cửa Hội… Nhiều cái chết thương tâm đã cướp đi những người cha, người mẹ để lại những đứa trẻ không nơi nương tựa, thậm chí có những gia đình dịch tả giết chết không còn một ai. Giữa lúc nguy cấp đó, ông đã ra tay cứu chữa cho nhân dân bằng tâm, bằng đức cùng với phép thuật cao siêu của mình ông đã làm bùa, cấp thuốc (thuốc thánh) chữa bệnh cho nhân dân trong vùng và các vùng xung quanh. Dịch bệnh được đẩy lùi, sự sống lại dần được hồi sinh. Từ đó về sau, mỗi khi có dịch bệnh mọi người lại tìm đến ông xin thuốc chữa bệnh và từ đó nhân dân trân trọng gọi ông với cái tên Đức thánh Tả (người chữa bệnh tả bằng thuốc thánh). Việc cúng lễ làm thuốc chữa bệnh của ông đã đạt được nhiều thành công, uy tín, tiếng tăm ngày một lan xa, người bệnh ở khắp nơi tìm về xin thuốc chữa bệnh, đặc biệt là nhân dân các vùng cửa sông, cửa biển với nghề thợ thuyền, nghề chài lưới đánh bắt thủy hải sản như: Thạch Kim, Hà Tĩnh, Quảng Phong, Quảng Bình… Ông làm thuốc chữa bệnh cho dân lấy chữ đức, chữ nhân làm đầu, không cầu kỳ, không tốn kém tiền bạc, không gây khó khăn phiền hà cho dân. Ông thường xuyên đi đến những vùng xa, vùng khó khăn đò giang cách trở để chữa bệnh cứu người, giống như ân tín của ông đã chứng 4 chữ “Tín Đức hộ dân” nghĩa là lấy uy tín và đức độ để cứu dân. Y đức của ông được nhiều người mên phục, tin theo. Ông mất vào ngày 27 tháng 6 âm lịch. Cảm kích tấm lòng nhân đức của ông, nhân dân trong vùng đã lập đền để thờ phụng, tri ân và mỗi khi làng có việc đến thắp hương cầu đảo đều được hiển ứng linh phù giúp đỡ. Triều Lê đã ban Sắc và phong Thần cho ông với mỹ hiệu “Tráng Liệt diệu ứng” và giao cho dân địa phương tòng tiền phụng sự. Đền thờ được xây dựng ở trung tâm làng Trung Kiên, nhìn về hướng Nam ở thế “tọa sơn vọng thủy”, phía trước có sông Cửa Xá làm minh đường, phía sau có núi Làng Kho làm hậu chẩm, bên tả có núi Rồng làm thanh long, bên hữu có núi Mái Chùa làm Bạch Hổ. Nhờ vị thế thuận lợi, đền Tráng Liệt cũng như các di tích cụm đình, đền, chùa Trung Kiên, đền Vạn Lộc…đều gắn bó với những sự kiện lịch sử tiêu biểu sau: Năm 1930-1931, đền Tráng Liệt là nơi hoạt động của các chiến sĩ cộng sản ở Nghi Lộc. Lợi dụng địa thế kín đáo, linh thiêng nên Chi bộ Lò đã tổ chức nhiều cuộc hội họp tại đây. Đồng chí Hoàng Xuân Ái đã từng ẩn nấp tại đền. Thời kỳ 1964-1972, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, nhiều tài sản, vật tư của cảng Lửa Lò, xã Trung Kiên được cất giấu ở đây. Hàng năm, vào ngày 26 tháng 6 âm lịch, nhân dân địa phương và con cháu dòng họ tổ chức tế giỗ Thần rất long trọng tại đền. Lễ hội Đền Tráng Liệt diễn ra các bước theo phong tục cổ truyền dân tộc, với các nội dung phong phú bao gồm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ rước, lễ tế, lễ tạ…còn phần hội được diễn ra vào các buổi tối như hát ca trù, diễn phường trò… thu hút đông đảo quần chúng đến xem. Đền được xây dựng vào cuối triều Lê. Lúc khởi dựng, đền chỉ có 1 tòa 3 gian, khung nhà được làm bằng gỗ, mái lợp tranh. Đến thời Nguyễn, đền được tu sửa lớn và làm thêm nhà Hậu cung. Hiện nay, di tích có tổng diện tích là 360,2 m2 . Các công trình được bố cục theo kiểu chữ Nhị (=), gồm các công trình như: cổng, sân và hệ thống tường bao, Bái đường, Hậu cung. Cổng di tích được phục dựng lại năm 1998, bằng chất liệu gạch, xi măng, cát. Đền thờ có hai sân: sân đền và sân lễ hội. Bao quanh khu đền là hệ thống tường rào cao khoảng 1m, dày 0,3m. Nhà Bái đường có diện tích 32,24m2, gồm 3 gian, xây tường bít đốc, mái lợp ngói giả cổ Hạ Long. Nhà Bái đường có kiến trúc thời Nguyễn. Bờ nóc, bờ giải đắp thẳng, chính giữa bờ nóc đắp mặt hổ phù, hai đầu đắp 2 con rồng đang chầu vào giữa. Khung nhà được làm chủ yếu bằng gỗ lim, sử dụng kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống rất vững chắc. Nhà Bái đường được bài trí thờ ngang gồm có 3 gian thờ. Gian giữa: ban thờ công đồng, được đặt 1 hương án bằng gỗ cổ màu nâu đỏ, trang trí bằng các ô chạm trổ “tứ linh” và “tứ quý”. Trên hương án đặt bộ ngũ sự bằng đồng, hai bên hương án dựng 2 biển gỗ màu đỏ khắc chữ Hán: “tĩnh túc” và “hồi tị” (nghĩa là: Yên lặng và nghiêm túc để đón thần). Gian phải và gian trái thờ quan văn, quan võ. Trên xà hạ 2 gian 2 bên treo câu đố gỗ cổ có nội dung: “Vạn cổ vinh từ lưu chính khí. Thiên thu hoành ấp hựu lê dân” (nghĩa là: Muôn thủa đền thiêng lưu chính khí. Vạn năm lập ấp giúp muôn dân). Nhà Hậu cung được xây liền sát với nhà Bái đường, có kiến trúc thời Nguyễn. Hậu cung chỉ có 1 gian, diện tích 10,41m2 để thờ thần Phạm Tự Kỷ. Ở đây xây 1 bệ thờ 3 cấp bằng gạch chỉ, vôi, vữa, xi măng trong đó cấp 3 là cao nhất. Trên cấp này chính giữa đặt 1 bát hương sữ, sau bát hương bài trí 1 long ngai cổ màu đỏ thẫm, kích thước: cao: 0,71m, rộng: 0,31m, phần đầu hai tay ngai tạo hình đầu rồng trong tư thế há miệng, giữa lưng ngai được đặt 1 thanh gỗ, mặt trong trang trí hình hoa thị cà chữ triện, xung quanh gắn các thanh gỗ hình tròn con tiện, mỗi con tiện được chạm trổ hình rồng. Phần đế ngai tạo kiểu chân quỳ, phía trước tạo mặt hổ phù và các họa tiết hoa lá. Đền Tráng Liệt được xây dựng cách đây hàng trăm năm, trải qua thời gian lâu dài, lại ảnh hưởng của thiên tai bão lụt nên di tích bị hư hỏng nhiều. Song được sự quan tâm của chính quyền, nhân dân, ngôi đền đã được phục hồi lại. Hiện nay, công tác phát huy giá trị di tích luôn được chú trong. Di tích đang trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng và khách thập phương, nơi lưu giữ những nét văn hóa riêng trong đời sống tâm linh của người dân vùng biển.

Video