37
1641
3528
15913
34073
6824358
Đền Thượng thuộc xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Đền nằm về hướng Đông Bắc huyện Quỳnh Lưu, cách thành phố Vinh 75km. Từ thị trấn Cầu Giát du khách rẽ tay phải 15km là đến di tích.
Xã Quỳnh Nghĩa trải dài như một dải lụa mềm ven biển. Người dân sinh sống bằng các ngành nghề nông nghiệp, khai thác hải sản, thủ công dịch vụ. Quỳnh Nghĩa có hai làng: Phú Nghĩa Thượng và Phú Nghĩa Hạ. Con người nơi đây cũng giống như mọi người dân xứ Nghệ, phải trải qua nhiều sóng gió bão bùng, nghèo đói cơ cực, lao động gian nan nên đã hun đúc nên cốt cách : có ý chí quật cường, có đức tính cần cù, giản dị, thật thà, ngay thẳng, trọng nhân trọng nghĩa.
Phú Nghĩa Thượng là địa phương nổi tiếng văn võ. Làng có tới 27 tú tài, 1 cử nhân, 31 người có chức sắc về võ.
Phú Nghĩa từ xa xưa đã có một quần thể đền, chùa, miếu mạo khép kín, điều đặc biệt là trong một xã lại có 2 hệ thống đình, đền, chùa rất phong phú và sầm uất; một trong số đó là đền Thượng. Đền Thượng nằm trên vùng đất có tuổi thọ lâu đời. Xa xưa nơi này là một ốc đảo ngập mặn hoang vu, xung quanh lau sậy um tùm. Các dòng họ Hồ, Hoàng, Đinh, Nguyễn, sau đó là họ Trương, Phạm, Ngô, Bùi, Đặng…đã có công khai hoang lấn biển, đắp đập san đồi, mở rộng diện tích canh tác sinh cơ lập nghiệp tạo nên làng xóm trù phú như ngày nay.
Đền Thượng được xây dựng vào thời Lê thế kỷ thứ 15, thờ thần Cao Sơn Cao Các. Đền có cấu trúc bền chắc theo hướng Đông Nam, mái lợp ngói to bản, mũi dầy, trang trí hình lưỡng long triều nguyệt. Đền nằm trên nền đất cao ráo thoáng mát, có nhiều cây cối rậm rạp, kiến trúc theo kiểu chữ Tam gồm có 3 toà: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện.
Nhà Hạ điện hay còn gọi là nhà ca vũ, nơi tế lễ của làng nhưng trải qua thời gian mưa bom bão đạn nay không còn nữa.
Nhà Trung điện (được gọi là nhà thiêu hương) gồm có 3 gian với 12 cột trụ được chạm nổi hình rồng uốn lượn quanh thân cột. Trung điện có chiều cao từ đỉnh xuống mặt nền là 4m, chiều dài là 7,6m, chiều rộng là 5,2m. Hai đầu hồi đắp nổi mặt hổ phù. Trong nhà hiện đang còn một số đồ tế khí như lọng, đao, gươm, hài, gương lược và cả trống, chiêng đồng chạm trổ tinh xảo.
Nhà Thượng điện (chính tẩm) được kết cấu 2 gian 2 hồi. Thượng điện có chiều dài từ đỉnh xuống nền là 3,8m, chiều dài của nhà là 7m, chiều rộng 4,1m. Trên đỉnh nóc bốn đầu đao trang trí hình rồng uốn lượn. Trong gian thờ các vị thần có long ngai bài vị sơn son thiếp vàng.
Cũng như các làng quê xứ Nghệ khác, đền Thượng là nơi tổ chức các lễ hội sinh hoạt văn hoá của làng Phú Nghĩa Thượng, gồm có các lễ Kỳ phúc, Khai hạ và Đoan ngọ…Đến kỳ lễ hội toàn bộ dân làng tập trung tại đền để tổ chức tế lễ và vui chơi. Cứ 12 năm một lần dân làng Phú Nghĩa lại tổ chức lễ kỷ niệm và diễn cảnh đánh giặc hóp vào ngày Rằm tháng 2 để tưởng nhớ đến công ơn của Mỹ quận công Trương Đắc Phủ.
Làng Phú Nghĩa nói riêng, tổng Phú Hậu nói chung là một địa phương sớm có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng phong trào yêu nước của các văn thân sỹ phu, nhân dân Phú Nghĩa Thượng, Phú Nghĩa Hạ, Phương Cần, Phú Đa và nhiều làng xã trong tổng đã tích cực tham gia nghĩa quân, tích cực tiếp tế lương thực. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Niên - là ngọn cờ tiêu biểu cho tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân Quỳnh Lưu nói chung, nhân dân Phú Nghĩa Thượng nói riêng. Ông đã gây dựng cơ sở, liên kết với phong trào của Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu.
Đền Thượng được chọn làm nơi họp bàn chuyện tổ chức khởi sự và định ngày làm lễ tế cờ xuất quân. Con em Phú Nghĩa Thượng và các nơi trong tổng tham gia nghĩa quân Phan Bá Niên ngày đêm tập luyện, rèn giáo mác, chế súng bắn đá để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một số thanh niên tiên tiến Quỳnh Lưu đã tiếp nhận những phong trào yêu nước mới như phong trào Đông Du và phong trào Duy Tân. Tiêu biểu là phong trào xuất dương của bà Trần Thị Trâm (tức bà Lụa) giả danh người buôn lụa để bắt mối đưa con em Quỳnh Lưu xuất dương. Trong số thanh niên tổng Phú Hậu xuất dương lúc đó có Hồ Học Lãm, Hồ Sỹ Hạnh, Hồ Tùng Mậu sau này trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng.
Nhân dân làng Phú Nghĩa đứng lên đấu tranh chống lại bọn hào lý địa phương bằng mọi hình thức. Năm 1910, nhân dân làng Phú Nghĩa Thượng do ông Trần Châu chỉ huy đã cùng với các làng vùng bãi ngang tập trung tại đền Thượng đứng lên đấu tranh chống lại bọn cường hào, tổng lý. Nông dân đã nổi dậy đấu tranh đánh đuổi bọn tây đoan khi chúng lùng sục vào làng để bắt muối và rượu.
Vào thời kỳ cách mạng 1930-1931, đền Thượng là nơi thành lập chi bộ Đảng xã Quỳnh Nghĩa và cũng là nơi diễn ra các cuộc biểu tình, đấu tranh, nhiều cuộc họp của Huyện uỷ để chỉ đạo phong trào.
Ngày 20-4-1930, Huyện uỷ Lâm thời Quỳnh Lưu được thành lập đã đề ra chủ trương tuyên truyền và phát triển tổ chức Đảng ở địa phương trong huyện và vận động quần chúng đấu tranh.
Ngày 20-6-1930 nhân dân Quỳnh Nghĩa tập trung tại đền Thượng rồi kéo về chợ Đình để nghe đồng chí Hoàng Hữu Duyệt diễn thuyết. Nông dân và diêm dân hai xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Nghĩa đã liên kết lại với nhau tay gươm, tay giáo biểu tình chống chính sách bóc lột hà khắc; đòi giảm sưu miễn thuế, đòi quyền tự do cho nghề làm muối và tăng giá thu mua muối. Cuộc biểu tình đã kết thúc thắng lợi, gây niềm phấn khởi và tin tưởng của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 1- 8 nhân kỷ niệm ngày nhân dân thế giới đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Quần chúng Quỳnh Nghĩa đã tổ chức treo cờ tại đền Thượng, đình Trung và đấu tranh với bọn hào lý thu được 2040 kg thóc của bọn tổng lý chiếm đoạt chia chia cho dân nghèo.
Được sự hướng dẫn của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Quỳnh Lưu đã khẩn trương chỉnh đốn tổ chức và phát động cuộc biểu tình toàn huyện vào ngày 4-2-1931 đòi giảm sưu thuế, chống tây đoan bắt rượu và muối, chống khủng bố đốt nhà, bắt bớ tù đày và phản đối việc tàn sát nhân dân 2 làng Song Lộc và Tân Hợp (Nghi Lộc). Đúng 5 giờ sáng, hơn 6000 người của 4 tổng (Thanh Viên, Phú Hậu, Quỳnh Lâm, Hoàng Mai) tập trung tại những địa điểm đã quy định kéo về trụ sở huyện. Thực hiện chủ trương, nhân dân Quỳnh Nghĩa đã tập trung tại đền Thượng mang theo giáo mác, gậy gộc kéo về chùa Đồng Tương cùng nhân dân toàn tổng Phú Hậu bắt tên chánh tổng Nguyễn Bá Dư và kéo về huyện.
Phong trào cách mạng ngày một lên cao, huyện uỷ đã cử đồng chí Phan Hữu Khiêm về gây dựng cơ sở ở hai làng Phú Nghĩa Thượng và Phú Nghĩa Hạ. Đến ngày 1-4-1931, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Phú Nghĩa Thượng được thành lập gồm có 4 đồng chí do đồng chí Hồ Hạnh làm Bí thư.
Từ khi chi bộ Đảng Phú Nghĩa Thượng ra đời, đền Thượng đã trở thành nơi sinh hoạt hội họp của Đảng. Tại đây chi bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thành lập các tổ chức quần chúng: Tự vệ đỏ, nông hội đỏ, hội phụ nữ, hội tán trợ….
Đền Thượng ở vị trí xa làng, nằm giữa rừng cây cổ thụ nguyên sinh rất kín đáo, đảm bảo được bí mật nên nó trở thành nơi đội tự vệ của làng ngày đêm luyện tập quân sự. Vì vậy Huyện uỷ đã chọn đền Thượng làm nơi liên lạc và đóng trụ sở hoạt động bí mật. Nhiều cuộc họp của Huyện uỷ và Chi bộ đã diễn ra ở đây. Các cán bộ của Huyện uỷ đã về ăn nghỉ và hội họp tại đền Thượng và một số gia đình trong làng.
Thời gian Tổ ấn loát của Huyện uỷ làm việc tại đền đã in ấn nhiều tài liệu, truyền đơn, báo chí. Tài liệu in xong chưa có điều kiện chuyển đi thì được cất giấu trong các rương kiệu, đồ tế khí tại đền.
Ngày 27-4-1931, chi bộ Quỳnh Nghĩa tập trung nhân dân tại đền Thượng để nghe đồng chí Hồ Hạnh diễn thuyết. Cờ đỏ búa liềm, băng cờ khẩu hiệu được treo trên cột nanh của đền.
Trước khí thế cách mạng sôi sục của nhân dân, bộ máy chức sắc ở các làng xã hầu như bị tê liệt, chính quyền xã bộ nông, thôn bộ nông Phú Nghĩa Thượng ra đời tại đền Thượng. Đền Thượng trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá của cả làng. Hai lớp học chữ quốc ngữ được tổ chức tại đền. Nhiều cuộc diễn thuyết, mit tinh nâng cao nhận thức giai cấp, giác ngộ tinh thần cách mạng cho nhân dân được diễn ra tại đây.
Trước tình hình đó bọn thực dân phong kiến vô cùng căm tức, tìm mọi cách để đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Cuối tháng 6 năm 1931 phong trào cách mạng Quỳnh Nghĩa cũng như toàn huyện Quỳnh Lưu đi vào thoái trào.
Tháng 3 năm 1937 tổ chức cách mạnh ở Phú Nghĩa Thượng được gây dựng lại, Chi bộ Đảng Phú Nghĩa Thượng được khôi phục; các hội tương tế ái hữu được tổ chức đều khắp. Đền Thượng lại là nơi sinh hoạt hội họp thường xuyên của Đảng.
Phát huy truyền thống cách mạng đó, nhân dân Quỳnh Nghĩa được tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng đứng lên đấu tranh cướp chính quyền.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945 dưới sự chỉ đạo của cán bộ Việt Minh huyện, nhân dân Phú Nghĩa rầm rập kéo nhau về đền Thượng dự mít tinh, cờ đỏ sao vàng tung bay trên 2 cột nanh của đền. Hai hàng tự vệ gươm giáo chỉnh tề, bọn hương lý cúi đầu trao sổ sách và ấn triện cho chính quyền cách mạng trước đông đảo quần chúng nhân dân; Uỷ ban Lâm thời Phú Nghĩa Thượng được thành lập.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đền Thượng, xã Quỳnh Nghĩa trở thành kho tàng chứa vũ khí và hàng hoá của nhà nước. Đền Thượng còn là nơi diễn ra lễ tiễn đưa hàng trăm con em lên đường đánh giặc cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử - văn hoá trên, ngày 28/6/1996 Đền Thượng đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.