Đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-13 07:26:21

Đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn ở làng Nho Phái, xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn, cách thành phố Vinh 18 km về phía Tây theo Quốc lộ 46. Trước đây, di tích thuộc làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn. Năm 1954, làng Xuân Hồ đổi thành xã Nam Yên, năm 1978 đổi thành xã Xuân Hoà. 

Đền Tán Sơn 

Đền Tán Sơn được xây dựng trên đỉnh núi Tán vào giữa thế kỷ 16. Đền là nơi thờ vị thuỷ tổ họ Lê gốc Mạc- Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng. Ông là nhân vật lịch sử được nhiều địa phương tôn làm Thành Hoàng và được các triều vua sắc phong là vị thần có công” Bảo quốc hộ dân” 

Noi gương tổ tiên, lớp lớp con cháu di duệ cụ Mặc Đăng Lượng đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, làm rạng danh quê hương dòng tộc. 

Đền ngoảnh mặt hướng Đông Nam, 3 mặt được bao phủ bằng vách đá sừng sững, xung quanh có nhiều cây cổ thụ như: săng lẻ, lim, bứa, thông...Đền Tán Sơn xưa uy linh vào bậc nhất trong vùng. Phong cảnh nơi đây thật hữu tình. Dưới chân núi Tán có dòng Mai Hồ mềm mại quanh năm tưới mát cho hai cánh đồng phì nhiêu là đồng Húc và đồng Mai. Núi Tán hợp với núi Anh, núi Nhuệ, núi Khúc, núi Thiệt Diệt tạo thành thế ngũ hành linh địa. 

Kiến trúc đền theo kiểu “tứ trụ tam oai”, gồm hai nhà Hạ điện và Thượng điện, lợp ngói vẩy, cột gỗ lim. Trên nóc đền đắp nổi “lưỡng long chầu nguyệt”. Đi vào đền qua 2 cột nanh cao 5m, chạm chổ Long Ly Qui Phượng. Trước cửa đền có hàng thông cổ thụ cao vút, tạo cho đền vẻ đẹp huyền bí. Qua tam quan là nhà vàng 2 tầng cao 2,5m; dài 1,3m; rộng: 1m. 

Sự tồn tại của ngôi đền cùng với những hiện vật quí được lưu giữ trong đó là minh chứng về truyền thống và vị thế của một dòng họ trong lịch sử Việt Nam. 

Đền Tán Sơn là nơi hội tụ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: 

- Năm 1788, Quang Trung- Nguyễn Huệ trên đường tiến quân ra Bắc dừng chân tại đây để tuyển thêm lực lượng và luyện tập quân sỹ. 

- Năm Giáp Tuất 1784, Trần Tấn và Đặng Như Mai tổ chức lễ phát động phong trào chống Pháp. 

- Trong phong trào Văn Thân- Cần Vương, đền là nơi gặp gỡ và bàn việc cứu nước của giới sỹ phu. Trước khi đi xuất dương, Phan Bội Châu thường chọn đền Tán Sơn làm địa điểm hội họp kín với Vương Thúc Mậu, Ngô Quảng..., nơi tập trung thanh niên đi xuất dương 

- Đền Tán Sơn đã gắn bó tuổi tthơ và những hoạt động yêu nước của Lê Hồng Sơn tại quê nhà. Anh thường bí mật lên núi họp bàn việc lớn cùng Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu... 

-Với vị trí kín đáo, linh thiêng, hơn nữa nhân dân trong vùng vốn có tinh thần kháng Pháp nên Huyện uỷ, Tổng uỷ đã chọn đền Tán Sơn làm cơ sở hội họp, in ấn tài liệu của Đảng, nơi thành lập Ban chấp hành liên chi bộ tổng Xuân Liễu, là địa điểm tập trung quần chúng đi biểu tình, nơi làm việc của chính quyền Xô Viết trong những năm 1930-1931. 

- Tháng 8-1945, đội tự vệ Xuân Hoà đã luyện tập tại đây để chuẩn bị cướp chính quyền. Trong 2 cuộc kháng chiến, đền là nơi điều chế, cấp phát thuốc cho chiến trường, nơi tiễn đưa con em Xuân Hoà lên đường nhập ngũ. 

Trải qua thời gian cùng với khí hậu khắc nghiệt và sự tàn phá của bom Mỹ làm cho di tích xuống cấp trầm trọng. Sau này con cháu họ Lê Đăng cùng chính quyền địa phương từng bước tôn tạo, trả lại cảnh quan vốn có trước đây của đền 

Mộ đồng chí Lê Hồng Sơn

Lê Hồng Sơn là hậu duệ đời thứ 11 của hệ tổ Mạc Đăng Lượng đã góp phần làm rạng danh cho tông tộc, quê hương. Đồng chí là một trong những sáng lập viên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.
Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phan, sinh ngày 29/6/1899 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Đi theo tiếng gọi cứu nước của Hội Duy Tân, tháng 2/1920, Lê Văn Phan từ giã gia đình, bè bạn, quê hương ra nước ngoài hoạt động. 34 năm cuộc đời, Lê Hồng Sơn đã giành 13 năm cho cách mạng, chiến đấu không mệt mỏi, kiên cường cho đến phút chót. 

Với 25 lần thay tên đổi họ là 25 lần Lê Hồng Sơn được Đảng giao cho những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động cách mạng. Sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1932 ở Thượng Hải, đồng chí bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt. Ngày 25-9-1932, bọn Tưởng giao Lê Hồng Sơn cho thực dân Pháp, chúng vội vàng chuyển anh về Hà Nội và sau đó về Vinh ngày 24-10-1932.Thực dân Pháp hiểu rõ Lê Hồng Sơn là một nhân vật quan trọng của Đảng cộng sản Đông Dương ở hải ngoại, toà án Nam triều đã kết án tử hình đồng chí. Bản án đã được thi hành tại quê hương Lê Hồng Sơn vào ngày 20-2-1933 (tức ngày 26 tháng Giêng năm Quí Dậu). 

Mặc cho kẻ thù hăm doạ, bà con nhân dân vẫn đưa Lê Hồng Sơn về an táng tại một gò cao ở Dăm Nêu, cách nơi xử bắn 300 m. Năm 1947, chính quyền địa phương tổ chức cải táng đưa thi hài liệt sỹ Lê Hồng Sơn cùng hai liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh về an táng tại đình làng. Năm 1958, hài cốt Lê Hồng Sơn tiếp tục được đưa về nơi trước đây đồng chí bị xử bắn.
Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn nằm cạnh đường Quốc lộ 46, trong khuôn viên đẹp với diện tích 805 m2. 

Cổng vào khu mộ được xây gạch chỉ ốp gralitô cao 2,1m, trên đỉnh cột cổng có gắn quả cầu 20 m. Nối liền 2 cột cổng là 2 mảnh tường rào hình cánh cung, tạo cho dáng cổng vừa khoẻ vừa đẹp. 

Phần mộ dài 3,8 m, đài bia cao 4 m, mặt trước gắn bia dẫn tích dài 1,2 m, rộng 0,8m bằng đá ốp lát màu đen, khắc chữ gương vàng. Xung quanh mộ có hàng rào, vườn cây ao, cá quanh năm xanh tươi mát mẻ. 

Ngày nay khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn trở thành nơi tưởng niệm của Đảng và nhân dân trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. 

Đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia(Quyết định số 1423QĐVH ngày 23/7/1998).

Video