Đền Pháp Độ Trần Quốc Duy

Tác giả: admin
Ngày 2010-10-15 08:46:20

Di tích này còn có tên là Đền Pháp Độ. Tọa lạc tại trung tâm thôn Đan Trung, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu. Đền Pháp Độ cách thành phố Vinh 40km theo hướng Bắc.

Đền được xây dựng từ cuối thế kỷ XVI ở thôn Phú Hữu. Đến năm 1679 được chuyển về thôn Đan Trung như ngày nay. Vị thần tổ được thờ chính ở đây là Tướng công Trần Pháp Độ (húy Quốc Duy), là con trai đầu của Tả tướng quốc Nguyên Huân Trần Nguyên Hãn. Trần Quốc Duy không chỉ là vị thủy tổ của họ Trần ở vùng Nghệ Tĩnh mà còn là vị “Thành Hoàng bản thổ” của nhân dân trong tổng Thái Xá, người có công chiêu dân, lập ấp, khai phá nhiều vùng hoang vu thành đồng ruộng, mở mang nghề nghiệp, xây dựng nên các làng Phú Hữu, Trường Lai, Thanh Xá, Nội Đồng, Nội Hạp… Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Đền Pháp Độ Trần Quốc Duy luôn được vua ban sắc phong: “Hách trạc tướng công hộ quốc tỷ dân, dực bảo trung hưng trung đẳng thần”.

Đan Trung – nơi di tích tọa lạc là địa phương có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như lèn Hai Vai, đình Trung Phường…Nhân dân nơi đây vốn có truyền thống yêu nước, hiếu học từ lâu đời với những tên tuổi như: Nghĩa sỹ Trần Văn Hanh, Trạng nguyên Bạch Liêu, Hiệp tá đại học sỹ Hoàng Kiêm, Trung úy Kiêu kỵ lực sĩ tướng quân Trần Nghĩa Luân…

Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, đền thờ Pháp Độ Trần Quốc Duy là nơi tụ nghĩa, hội họp, trao đổi, liên lạc giữa các thủ lĩnh trong nghĩa quân. Những ao xung quanh đền là nơi cất dấu vũ khí của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã…

Năm 1928-1929, lợi dụng vị trí thuận lợi (là nơi giáp danh giữa hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, ít chịu sự theo dõi của địch, nhiều đường đi chằng chịt, vừa cận đồng bằng, vừa cận rừng nên tiến lui đều thuận lợi), các đồng chí Võ Khởi (Bí thư tổ chức Thanh niên) và Võ Nguyên Hiến đã chọn di tích này làm nơi hội họp bí mật hoạt động của Hội. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) cơ sở Thanh niên ở Ngọc Thành – Đan Trung đã nhanh chóng trở thành chi bộ cộng sản hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phủ ủy Diễn Châu…

Ngày 18/9/1930, cuộc họp Hội nghị mở rộng toàn huyện Diễn Châu đã tổ chức tại đền Pháp Độ nhằm củng cố về tổ chức Đảng, đồng thời phát động phong trào đấu tranh rộng lớn trong toàn huyện. Sau Hội nghị này, các cuộc đấu tranh đã nổ ra mạnh mẽ như: Bãi khóa của hàng trăm học sinh do Sinh hội đỏ Diễn Châu phát động (ngày 22/9/1930), hơn 200 nông dân tổng Thái Xá biểu tình tại Cồn Nông (ngày 30/9/1930)… Các cuộc đấu tranh này đã đánh dấu thời kỳ đấu tranh sôi nổi chưa từng thấy của nhân dân Diễn Châu.

Ngày 22/10/1930, Ban chấp hành Phủ ủy họp mở rộng tại đền Pháp Độ. Hội nghị kiểm điểm lại phong trào thời gian qua, bàn biện pháp đấu tranh trong thời gian tới, nhằm góp phần cùng các huyện đưa phong trào cách mạng Nghệ An lên đỉnh cao mới…

Hưởng ứng kế hoạch này, cuộc đấu tranh nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 cách mạng tháng Mười Nga đã nổ ra mạnh mẽ. Tối ngày 6/11/1930, truyền đơn đã in ấn tại đền Pháp Độ được chuyển đi phân phát trong Tổng và trong địa phương để vạch tội kẻ thù, kêu gọi nhân dân đấu tranh. Mờ sáng ngày 7/11/1930, hàng trăm quần chúng nhân dân địa phương Diễn Thắng đã tập trung đông đảo trước đền Pháp Độ rồi kéo xuống cầu Đan Trung nghe diễn thuyết… Sau cuộc tổng biểu tình này của toàn huyện Diễn Châu, bộ máy của địch ở các làng xã hết sức hoang mang, hoảng sợ. Trong hoàn cảnh đó, chi bộ đảng Đan Trung đã nắm lấy thời cơ nhanh chóng xây dựng các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Thanh niên, Tự vệ đỏ, Phụ nữ…Sự ra đời chính quyền Xô Viết đã mang lại cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho nhân dân nơi đây. Đền Pháp Độ lại trở thành nơi Chi bộ, Tổng ủy, Phủ ủy sinh hoạt và hội họp.

Từ giữa năm 1931, trước sự khủng bố trắng dã man của kẻ thù, với vị trí thuận lợi đền Pháp Độ là nơi Phủ ủy Diễn Châu rút lui vào hoạt động bí mật…

Từ năm 1932 đến năm 1935, di tích này là cơ sở hoạt động của Phủ ủy và Tỉnh ủy Nghệ An, nơi hội họp, in truyền đơn, sách báo, tài liệu của Đảng, nơi làm việc của Xứ Ủy Trung Kỳ do đồng chí Võ Nguyên Hiến phụ trách, nơi ăn nghỉ của các cán bộ Đảng…

Trong hồi ký của đồng chí Võ Thiện Giá có viết: “Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, các đảng viên như Võ Nguyên Hiến, Võ Khởi, Trần Xán, Trần Lý, Nguyễn Hiểu, Nguyễn Văn và tôi đã lấy đền thờ Pháp Độ ở Đan Trung để họp các đảng viên vùng tổng Thái Xá, bàn chủ trương, biện pháp đấu tranh. Ngôi đền này cũng là địa điểm liên lạc, hội họp bí mật của Tổng ủy Thái Xá, Huyện ủy Diễn Châu, Tỉnh ủy Nghệ An, Xứ ủy Trung Kỳ từ năm 1930 đến cách mạng tháng Tám năm 1945”…

Trong cách mạng tháng 8/1945, đồng chí Nguyễn Tất Thắng đại diện Tổng bộ Việt Minh đã về Đan Trung treo cờ đỏ sao vàng trước đền Pháp Độ để tập trung nhân dân đi cướp chính quyền và thành lập Uy ban nhân dân cách mạng lâm thời Đan Trung. Đền Pháp Độ trở thành trụ sở tổ chức giành chính quyền các địa phương xung quanh.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền Pháp Độ là nơi dùng để cấp phát và điều chế thuốc phụ vụ cho các chiến trường, nơi cất dấu vũ khí, quân khí, lương thực cho tiền tuyến.

Với những đóng góp cho cách mạng ngay từ khi Đảng ta mới ra đời và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc nên đền Pháp Độ được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký quyết định tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng nhất vào ngày 19/12/1986. Đây là vinh dự lớn cho Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu.

Không chỉ mang nhiều giá trị về mặt lịch sử, di tích này còn là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật.

Di tích hướng về phía mặt trời mọc, có núi Mã Phong làm tiền án, phía sau là sông suối làm hậu chẩm… Đền Pháp Độ giữ chặt chẽ niêm luật theo kiến trúc cổ truyền dựa trên thuyết phong thủy của nhân dân ta. Di tích có kết cấu tổng thể theo kiểu chữ Tam, gồm 3 tòa: Thượng điện. Trung điện và Hạ điện với những nét chạm trổ thanh thoát, nhẹ nhàng, tinh tế của kiến trúc cổ. Đặc biệt, những nét chạm khắc ở những hiện vật cổ như Long ngai, án thư, kiệu đòn rồng…đều đạt đến độ tinh xảo. Ngoài ra, những bút tích xưa để lại như: các bức đại tự, hoành phi, câu đối, chúc văn bằng chữ Hán…đều thấm sâu tư tưởng và triết lý nhân văn “Uống nước nhớ nguồn” và “Nhân sinh do tổ” của dân tộc ta. Tất cả những tư liệu, hiện vật trong Đền đều là nguồn sử liệu thành văn quý giá để chúng ta có cơ sở nghiên cứu truyền thống văn hóa, lịch sử và nét đẹp tâm linh của cộng đồng cư dân người Việt vùng đồng bằng chiêm trũng.

Cứ đến ngày 15/7 âm lịch hàng năm, nhân dân quanh vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, báo công, dâng lên vị thần “bảo hộ” của mình những thành tích đã đạt được sau 1 năm lao động, sản xuất. Qua lễ hội, tinh thần học tập, lao động, hăng say sản xuất của nhân dân được động viên, khuyến khích, tính cộng đồng của cư dân địa phương ngày càng thêm gắn bó. Đây là một lễ hội điển hình của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở Nghệ Tĩnh. Từ năm 1945 đến nay, lễ hội hàng năm đã hội nhập với ngày Tết Độc lập của dân tộc (2/9 dương lịch)…

Ngày 7/5/1997 Bộ Văn hóa Thông Tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) đã ra quyết định số 985/QĐ-VH công nhận đền Pháp Độ là di tích lịch sử cấp Quốc gia để giữ gìn và phát huy giá trị của di tích này.

Video