Đền Chính Vị

Tác giả: admin
Ngày 2009-09-16 03:31:36

Du khách nghỉ mát Cửa Lò có thể đến tham quan một di tích lịch sử văn hoá quốc gia trên mảnh đất Song Lộc, đó là đền Chính Vị.

Đền Chính Vị thuộc xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 12 km về phía Đông, trên trục đường Vinh - Cửa Hội - Cửa Lò.

Năm 1800 cụ Bá Hội chuyên buôn bán ghe mành bỏ tiền ra xây dựng đền. Đền Chính Vị thờ thành Hoàng làng và cô hồn ven sông. Đền có vị trí cảnh quan thiên nhiên trên bến dưới thuyền, quanh năm lộng gió. Ngoài ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng, đền Chính Vị còn là di tích gắn với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương.

Cách đây trên 500 năm, xã Nghi Xuân thuộc phần đất “Ba trang bảy trại” của quận công Nguyễn Sư Hồi. Nguyễn Sư Hồi là con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Ông đã cùng cha trừ khử bọn phản nghịch để phục hưng nhà Lê. Nguyễn Sư Hồi còn được phong làm Đô đốc chỉ huy trấn ngự, bổ phòng tại 12 cửa biển, từ Sầm Sơn (Thanh Hoá) đến Thuận An (Thừa Thiên - Huế). Ông là người có công chiêu dân lập ấp vùng đất Cửa Hội, Cửa Lò.

Cửa Hội bao gồm các làng Song Lộc, Tân Hợp, Mỹ Lộc, Nam Sơn và làng Hồng Quần thuộc tổng Đặng Xá. Trên mảnh đất này đã có nhiều công trình kiến trúc về văn hoá như: Đền làng Hiếu, Đền Chính Vị, Đền Phúc Vị, Đền Đồng Trắng, Đền Nam Sơn, Đền Hồng Quần, Đền Hải Yến…Nhân dân ở đây vốn có truyền thống khoa bảng: cụ Phạm Vĩ Khiêm chiếm học vị Hoàng giáp với chức Đông các Đại học sỹ triều Lê Cảnh Hưng, cụ Trương Văn Khang (cụ Tổng giáo) đậu Tam trường, cụ Lê Kế Thương đậu cử nhân, cụ Lê Kế Xuân - được nhà vua phong sắc Hàn lâm, cụ Nguyễn Văn Minh đậu cử nhân với chức Tham biện Đại học sỹ, cụ Hoàng Quân, cụ đồ Đình Dương, Cụ Lê Quý Mậu, Lê Khắc Giai, Lê Khắc Tuân, Lê Đức Tinh, Hoàng Đức Doan, cụ Nguyễn Bá Các…đều đã đậu cử nhân, tú tài và Hán học.

Trên mảnh đất này đã có nhiều người làm võ tướng được ghi tên vào sử sách như: tướng quân Vũ Đức Hầu, Đại Đô đốc Nguyễn Bá Lộc, cả hai người đều là công thần thời Tây Sơn Nguyễn Huệ

Năm 1885-1896, hưởng ứng chiếu Cần vương nhiều người con Song Lộc tham gia tích cực và trở thành thủ lĩnh của phong trào chống Pháp như: Đinh Văn Chất, Đặng Thái Thân, Ngô Quảng, Hoàng Văn Thái, Đinh Văn Phiên, Cao Huy Tuân, Nguyễn Hữu Chính, Trịnh Xuân Huy. Nhân dân đã chặt tre rào làng ngăn chặn bước tiến của quân thù, góp tiền, gạo tiếp tế cho nghĩa quân và nuôi dưỡng bảo vệ các văn thân sỹ phu tham gia khởi nghĩa . Đền Chính Vị lúc bấy giờ trở thành nơi tập trung thanh niên, trí thức đàm đạo việc nước, tổ chức đọc thơ ca yêu nước.

Dưới ách áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, nhân dân đã nổi dậy đấu tranh chống bọn Tây đoan bắt rượu, muối, đòi chia công điền công thổ, chống hào lý tham nhũng ….đánh bọn kiểm lâm về tội hà hiếp, bắt dân đi lấy lá phi lao về nấu…

Năm 1925 trở đi, các tổ chức cách mạng Thanh niên, Tân Việt ra đời ở Song Lộc. Kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng đã tổ chức treo cờ tại đền Chính Vị.

Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung kỳ, Tỉnh uỷ Nghệ An, huyện uỷ Nghi Lộc, Chi bộ ghép đầu tiên của huyện Nghi Lộc được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Bình làm Bí thư. Sau đó, các tổ chức quần chúng như : nông hội đỏ, phụ nữ giải phóng, thanh niên cộng sản Đoàn, tự vệ đỏ, hội tán trợ…được ra đời. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Song Lộc đã viết nên những trang sử oanh liệt :
Sáng ngày 1-5-1930, dân các làng Song Lộc, Tân Hợp, Ân Hậu, Đức Hậu.. tham gia biểu tình cùng với công nhân các nhà máy Vinh - Bến Thuỷ đòi thực dân Pháp phải tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân, giảm sưu hoãn thuế cho nông dân. Cuộc biểu tình đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man, làm 6 người chết và 18 người bị thương.

Ngày 25-6-1930, thực hiện chủ trương của huyện Nghi Lộc, Chi bộ đảng Song - Tân đã lãnh đạo các tiểu tổ nông hội đỏ, vận động hàng trăm nông dân tập trung tại Công Mã Nường ( Xã Nghi Trường) dự mit tinh.

Ngày 10-9-1930 nhân dân Song Lộc – Tân Hợp, Mỹ Chiêm, Phượng Cương (tổng Đặng Xá) tập trung tại Cồn Mô ( Cổ Bái – Phúc Thọ) mit tinh phản đối đế quốc xử bắn hai cán bộ Nông hội đỏ là Phan Văn Thân và Nguyễn Văn Đìu. Quần chúng còn bắt tên Bang Yên, Thọ Thân (Song Lộc) làm giấy thú tội rồi kéo nhau đến phá Sở đại lý rượu Phông ten, nhà xi nhan của Pháp và đưa yêu sách đòi tên quan võ phụ trách đồn trấn thủ bỏ việc kiểm soát và thu thuế các thuyền của nhân dân ra vào Cửa Hội.

Ngày 28-9-1930, nhân dân tập trung tại Đồng Rào (xã Nghi Xuân) biểu tình trừng trị tên Đỗ Toàn - chủ thầu thu thuế ở chợ Sơn về tội hống hách, ức hiếp nhân dân. Sau đó kéo vào nhà đập phá đồ đạc và dẫn Đỗ Toàn ra ngoài chợ Sơn để “đấu”, một thanh niên đã bật diêm đốt bỏ râu cá ngạnh của hắn. Đỗ Toàn được một phen mất vía và hứa từ nay “không giám đi báo quan trên và không thu thuế chợ nữa”.

Ngày 28 -2 -1930, nhân dân Song Lộc – Tân Hợp, Phượng Cương, Mỹ Chiêm, Hải Côn, Cổ Bái, Ân Hậu, Đức Hậu (Nghi Lộc) đã cùng công nông Vinh - Bến Thuỷ, Yên Dũng….làm lễ truy điệu cho các chiến sỹ hy sinh trong cuộc đấu tranh ngày 12-9-1930 ở Thái Lão (Hưng Nguyên).

Đầu năm 1931, nhân dân trừng trị tri huyện Tôn Thất Hoàn cùng bọn tay sai tại đền Chính Vỵ, sự kiện này đã làm chấn động dư luận trong nước và cả hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Tôn Thất Hoàn làm tri huyện Nghi Lộc từ năm 1930, thuộc dòng dõi Nguyễn Gia Long (Tôn Thất), là một tri huyện gian ác nhất trong xứ.

Sáng ngày 2-1-1931, tri huyện Tôn Thất Hoàn cưỡi con ngựa tía cùng 5 tên lính về làng Song Lộc lùng bắt cán bộ Đảng. Được tin Tổng uỷ Đặng Xá liền tập hợp quần chúng biểu tình, đòi quan huyện phải thả những người bị bắt. Trống ngũ liên hồi nổi lên, tự vệ đỏ và quần chúng do đồng chí Trương Văn Thành chỉ huy mang giáo mác, gậy gộc, liềm, dao….ùn ùn kéo tới, tri huyện hô lính bắn làm một người bị thương. Lập tức, quần chúng la ó ùa tới, quân lính tháo chạy, đến đền Chính Vỵ (Nghi Xuân) chúng định kiếm thuyền chạy thoát nhưng nhân dân đuổi kịp. Tri huyện cùng tên phó tổng Đặng Xá, phó lý, chánh đoàn Song Lộc và 5 tên lính bị nhân dân trừng trị.

Sau vụ giết tên tri huyện, bọn phong kiến Nam triều đẩy mạnh cuộc khủng bố trắng ở Nghi Lộc. Chúng lập thêm đồn Chính Vị (ngay bên cạnh Đền Chính Vị) và đưa tên “Răng” khét tiếng gian ác cùng 40 tên lính khố xanh ngày đêm lùng sục bắt bớ đàn áp. Đợt khủng bố kéo dài hàng tháng trời. Tại cây đa Chính Vị thực dân Pháp và phong kiến đã xử bắn 22 chiến sỹ cộng sản. Trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ và thiêu huỷ 320 ngôi nhà của nhân dân Song Lộc - Tân Hợp.

Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn nham hiểm nhưng cũng không làm giảm sút tinh thần cách mạng của nhân dân. Phong trào cách mạng ở đây vẫn tiếp tục phát triển cho đến năm 1945.

Ngày 23-2-1937, phái viên của Chính phủ mặt trận Bình dân Pháp là Gô Đa sang điều tra tình hình Đông Dương từ Hà Nội vào Vinh, hàng trăm nông dân, ngư dân Song Lộc – Tân Hợp đã kéo về Vinh đưa yêu sách, nguyện vọng gửi lên GôĐa “đòi cơm ăn việc làm, tự do dân chủ, bỏ thuế thân, giảm thuế ruộng, đại xã chính trị phạm…”

Năm 1945, Mặt trận Việt Minh ra đời và đã lấy địa điểm đền Chính Vị làm trụ sở hội họp và làm nơi tập trung sinh hoạt của các đoàn thể quần chúng. Đội quân cứu quốc được thành lập và hình thành lực lượng mới cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8 năm 1945.

Đền Chính Vị nằm sát bờ sông Lam, mặt ngoảnh về hướng Đông, nhìn ra Cửa Hội. Đền Chính Vị có 2 nhà : Thượng điện và Hạ điện. Qua thời gian thiên nhiên, địch họa đã làm cho di tích bị xuống cấp nặng. Hiện nay di tích chỉ còn lại ngôi nhà Thượng điện 3 gian, 2 chái. Trước cổng ra vào có 2 cột nanh cao 4m, trên cột đắp 2 con nghê chầu, trên thân cột có khắc 2 câu đối bằng chữ Hán: “Lam thuỷ phong vân bồi vương khí chính thiên tuế nguyệt tụ dư linh” ca ngợi cảnh quan thiên nhiên của đền ít nơi sánh được. Ở giữa 2 cột nanh có một tắc môn được đắp hình con hổ phù, hai bên tắc môn có 2 con voi quỳ bằng đá. Tiếp đến là sân có chiều dài 10m, rộng 7m. Nhà Thượng điện 3 gian, 2 chái có bẩy cong hình cổ hạc, hai mặt đốc xây bao. Mặt trước gồm có 6 cách cửa bằng gỗ lim. Xà dọc chính được chạm khắc hoạ tiết hoa văn rồng phượng và hoa lá cách điệu. Đền có bức đại tự sơn son thiếp vàng đề 4 chữ” “Chính Vị linh từ”.

Đền Chính Vị trước đây thờ Thành hoàng làng. Năm 1996, nhân dân địa phương đã lập thêm bàn thờ đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các chiến sỹ đã hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức nhiều lễ hội như: Cầu yên, cúng thần nước, cúng hà bá; hội đua thuyền trên sông Lam, tổ chức múa Lân, đánh cờ người….

Đền Chính Vị không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng dân cư mà còn là di tích tưởng nhớ đến đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ cùng những người con quê hương đã ngã xuống và những sự kiện tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Với ý nghĩa đó, ngày 24-1-1998 Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 95 công nhận Đền Chính Vị là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Video