Dấu ấn về ngày bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa I và một số hiện vật, tài liệu đang lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2023-01-11 03:16:48

Đầu năm 1946, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, lập Chính phủ chính thức, xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc, lần đầu tiên toàn dân được hưởng quyền làm chủ, tự do lựa chọn, bầu ra những người đại diện, xứng đáng thay mặt Nhân dân gánh vác công việc chung của đất nước.

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành nhiều sắc lệnh để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử lịch sử: Sắc lệnh số 14-SL ngày 8/9/1945 - sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử được ban hành. Tiếp theo đó là Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín, đồng thời ấn định thời gian Tổng tuyển cử vào ngày 23/12/1945; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945 nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị và các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận động tranh cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946.

Việc tổ chức Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do Uỷ ban Nhân Dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm, danh sách cử tri và ứng cử viên được niêm yết công khai. Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu “…Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử…”.(1)

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên được tiến hành khắp cả nước. Hòa chung không khí phấn khởi đó, Nhân Dân tỉnh Nghệ An nô nức tham gia Tổng tuyển cử bầu những cá nhân tiêu biểu làm đại biểu Quốc hội. Trên 97% tổng số cử tri trong tỉnh từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt già trẻ, gái, trai, địa vị, tôn giáo, cầm trên tay tấm thẻ cử tri, thể hiện quyền làm chủ của mình, được tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Từ mờ sáng, tại các điểm bầu cử, những người chưa biết chữ thì đọc tên người mình định bỏ phiếu rồi nhờ người viết giúp và tự tay mình mang đến bỏ vào hòm phiếu. Với những người già yếu, ốm đau mà con cháu không thể dìu ra chỗ bỏ phiếu thì có người mang hòm phiếu đến tận nhà để họ thực hiện quyền cử tri. Ngày bầu cử đã trở thành ngày hội của toàn dân.

 Với tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 89%, cả nước đã bầu được 333 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, trong đó 57% số đại biểu của các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu  không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất tại đơn vị bầu cử ở Hà Nội (98,4%).

Kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, Nghệ An có 12 đại biểu đã trúng cử, đó là các đồng chí: Chu Văn Biên, Nguyễn Côn, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan, Phan Hữu Khiêm, Lê Viết Lượng, Đặng Thai Mai, Trần Mai, Tôn Thị Quế, Nguyễn Duy Trinh, Sầm Văn Kim, Nguyễn Đình Pháp. Riêng thành phố Vinh là một đơn vị bầu cử riêng rẽ, độc lập với Nghệ An bầu được 2 đại biểu là đồng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Tạo.

Quốc hội khóa I (1946-1960) đã thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ban hành Luật cải cách ruộng đất, Luật công đoàn, Luật hôn nhân và gia đình…Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946 đã trở thành biểu tượng lớn lao, chứng minh sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển về thể chế dân chủ của nước ta.

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang lưu giữ và bảo quản một số hiện vật, tư liệu về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội năm 1946, góp phần gìn giữ những thời khắc lịch sử thiêng liêng của đất nước, thời khắc rất đáng tự hào và không thể nào quên của người dân Việt Nam. Cụ thể như sau:  

- Thẻ cử tri của ông Võ Văn Quát, 35 tuổi ở làng La Mạc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bầu đại biểu Quốc dân Đại hội ngày 6/1/1946.

- Thẻ cử tri của bà Bùi Thị Tiểu, 31 tuổi ở làng La Mạc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bầu đại biểu Quốc dân Đại hội ngày 6/1/1946.

- Thẻ cử tri của ông Nguyễn Luyện, 36 tuổi ở làng Mậu Tài, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bầu đại biểu Quốc dân Đại hội ngày 6/1/1946.

- Tài liệu: Công việc các UBND làng (phố) về việc Tổng tuyển cử Quốc dân Đại hội năm 1946

- Cuốn Thể lệ tổng tuyển cử ngày 23/12/1945 và cách tổ chức cuộc bầu cử vào Quốc dân Đại hội.

Qua các hiện vật, tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, dấu ấn về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam năm 1946 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Tấm thẻ cử tri với những dòng chữ đánh máy và viết tay đã mờ dần nhưng có ý nghĩa rất lớn về một thời khắc lịch sử đặc biệt của dân tộc. Lần đầu tiên, người dân được thể hiện quyền của mình để bầu chọn ra những đại biểu xứng đáng nhất đại diện cho mình.

Kỷ niệm 77 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2023) là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về Quốc hội, ôn lại lịch sử hình thành và phát triển, ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong những năm qua. Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực sự hết lòng vì dân, vì nước, góp phần tích cực vào thành công của hoạt động ngoại giao, khẳng định bản lĩnh và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyễn Vân Anh

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1. Trích Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.166,167

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1954), tập 1, NXB Nghệ An, 2019.

- Lịch sử Thành phố Vinh, tập 2 (1945-1975), NXB Nghệ An, 2003

- Trang thông tin điện tử: Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Video