Đặng Thúc Hứa - ngọn cờ đầu trong hoạt động yêu nước của Việt kiều ở Xiêm

Tác giả: admin
Ngày 2017-06-30 07:39:03

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là những  thập niên đầu thế kỷ XX, hội Việt kiều ở Xiêm ( Thái Lan) đóng một vai trò hết sức tích cực mà người có công đặt nền móng xây dựng và tổ chức các hoạt động yêu nước của kiều bào chính là đồng chí Đặng Thúc Hứa.

 

Đặng Thúc Hứa sinh năm 1870 trong một gia đình yêu nước và cách mạng ở làng Lương Điền, tổng Bích Hào, huyện Thanh Chương, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thân sinh là cụ Đặng Thái Giai (Đặng Thai Hài) đậu cử nhân năm 1887, được cử làm tri huyện Yên Định (Thanh Hoá) từ năm 1884-1897. Khi nghe tin Tổng đốc Thanh Hoá ký giấy đầu hàng thực dân Pháp, cụ đã từ quan về làng hưởng ứng các phong trào yêu nước. Thân mẫu là cụ Đinh Thị Hoan, một phụ nữ giàu lòng yêu nước, rất giỏi giang trong việc nuôi dạy con cháu và sắp xếp công việc gia đình.

 

Anh cả Đặng Thúc Hứa là chí sĩ cách mạng Đặng Nguyên Cẩn, đậu Phó bảng năm Ất Mùi 1895, được bổ làm Trước tác ở Quốc sử quán Huế, rồi làm giáo thụ ở Hưng Nguyên, Đốc học ở Vinh, Hà Tĩnh, Bình Thuận. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông kinh Nghĩa Thục, bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo 13 năm. Em trai là Đặng Quý Hối, hoạt động tích cực trong các phong trào yêu nước ở Thanh Chương, về sau bị bắt đày đi Lao Bảo và chết ở đó.

 

Truyền thống tốt đẹp của quê hương và gia đình đã sớm khơi dậy trong Đặng Thúc Hứa tinh thần căm ghét bọn thực dân phong kiến, ấp ủ khát vọng giải phóng đất nước mang lại độc lập tự do cho nhân dân.

Ngay từ khi Pháp xâm lược nước ta, hàng chục người con ưu tú của Thanh Chương đã tham gia các phong trào chống Pháp. Năm 1887, khi tiếng súng Cần Vương trong toàn quốc và ở Nghệ Tĩnh đã bị dập tắt, thì ở Đồn Nu (nay là xã Thanh Xuân, Thanh Chương) vẫn diễn ra những trận chiến đấu cuối cùng chống thực dân Pháp. Đến khi Hội Duy Tân tiến hành cuộc vận động Đông Du, nhiều sĩ phu yêu nước ở Thanh Chương được lựa chọn đưa sang Nhật học tập.

 

Vào khoảng 1905-1906, Đặng Thúc Hứa tham gia hội Duy Tân và được cử ra Bắc liên lạc với các cơ sở của Đề Thám.

 

Năm 1908, ông xuất dương sang Nhật theo Phan Bội Châu và Kỳ ngoại hầu Cường Để Nguyễn Phúc Đan. Cuối năm 1908, chính phủ Nhật đã ra lệnh giải tán trường Đồng Văn và đuổi tất cả du học sinh Việt Nam đang học trường Chấn Vũ ra khỏi đất Nhật. Với tầm nhìn sáng suốt, Phan Bội Châu đã vận động anh em tự túc vừa tìm việc làm để kiếm kế sinh nhai, vừa tìm cách qua Trung Quốc hoặc sang Xiêm tiếp tục hoạt động. Tháng 03/1909, Phan Bội Châu và Cường Để từ Nhật Bản tới Hương Cảng thì đúng lúc Đặng Thúc Hứa được sự ủy quyền của Đặng Thái Thân đem sang gửi Phan Bội Châu 2.500 đồng để lo công việc. Vượt bao khó khăn, tránh được tai mắt kiểm soát của kẻ thù, Đặng Thúc Hứa đã mang trót lọt và an toàn số tiền lớn này, trao tận tay cho Phan Bội Châu. Tháng 06/1909 Phan Bội Châu quyết định cùng Đặng Thúc Hứa và một số đồng sự, đồng chí của ông sang Xiêm. Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đặng Thúc Hứa cùng nhiều đồng chí, đồng sự của ông gắn liền với phong trào yêu nước của Việt kiều ở Xiêm.

 

Từ năm 1911 – 1912, ngoài trại cày Bản Thẩm, Đặng Thúc Hứa cùng các đồng chí của mình  còn xây dựng “Trại anh em” với mục đích thu nhận, nuôi dạy con em những gia đình có chí hướng giải phóng dân tộc từ trong nước gửi ra, con em gia đình việt kiều yêu nước Lào, Xiêm gửi tới để các em biết tiếng Việt, biết lao động làm ăn và rèn giũa tinh thần yêu nước từ đó sẽ tiến lên vận động kiều bào tham gia các công việc cứu nước. Do đó, trong Việt kiều Xiêm bấy giờ thường có câu "Học lấy chữ, giữ lấy tiếng để khỏi mất giống nòi". Phong trào yêu nước của Việt kiều ở đây cũng vì thế mà ngày càng phát triển. Chính Việt kiều là những người đã bao bọc, che chở, bảo vệ cho các nhà cách mạng từ trong nước sang đây hoạt động, tránh được sự lùng sục của bọn mật thám. Trong số các gia đình kiều bào yêu nước ở gần thị xã Na khon, có gia đình cố Khoan, thân phụ liệt sỹ Lý Tự Trọng.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Chính phủ Xiêm đứng về phe Đồng minh của Pháp, các hoạt động yêu nước của Việt kiều gặp khó khăn lớn. Năm 1916, Chính phủ Xiêm bị Pháp thúc ép đã ra lệnh nội trong năm ngày tất cả người Việt Nam ở Bản Đông phải dời đi chỗ khác, nếu không thì khi quân Pháp đến bắt và tịch thu tài sản Việt kiều, họ sẽ không chịu trách nhiệm. Trước tình hình đó, Đặng Thúc Hứa chủ trương cùng các đồng chí của mình đưa các cháu qua Trung Quốc để tiếp tục học tập, rồi ở Trung Quốc hoạt động.

 

Đến năm 1919, Đặng Thúc Hứa đã bàn với Phan Bội Châu trở lại đất Xiêm tiếp tục gây dựng cơ sở. Với với tư tưởng trường kỳ gian khổ, dựa vào nhân dân để làm cách mạng, “Thập niên sinh tụ, thập niên giáo hối” nghĩa là “Mười năm tập hợp lực lượng, mười năm giáo dục nhân dân” (Nghệ An Những tấm gương cộng sản tập 2, Nxb Nghệ An, tr.117), Đặng Thúc Hứa luôn chú trọng việc xây dựng cơ sở lâu dài trong Việt kiều ở Xiêm.

 

Trong thời gian này, để mở rộng thêm cơ sở, Đặng Thúc Hứa đã phái đồng chí Đặng Quỳnh Anh (bà Nho) đi xây dựng thêm cơ sở Bản Đông, thuộc huyện Phichit, tỉnh Phitsanulock (nay là tỉnh Phichit, Thái Lan). “… Chỉ một khoảng thời gian ngắn, các em đã ổn định ăn ở, học hành. Chúng tôi đã xây dựng được một cơ ngơi bề thế để nuôi nấng các em lâu dài vững chắc. Ruộng cấy lúa và số lợn gà, vịt… nhiều gấp mấy lần ở Pạc- Nặm- Pô. Mùa gặt không có nơi đựng thóc. Bấy giờ chúng tôi hằng mong ở trong nước gửi người sang nhiều hơn nữa…” (Con người và con đường, Nxb Giao thông vận tải, 2011, tr.83)

 

Những người thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang Xiêm, sang Trung Quốc ngày một tăng, Đặng Thúc Hứa lại thêm một vai trò mới. Ông cắt cử những đồng sự thân tín đảm nhiệm việc đón đưa, lo nơi ăn, chốn ở, cấp lộ phí và dẫn đường cho các nhà hoạt động cách mạng từ trong nước qua Xiêm, rồi từ Xiêm sang Trung Quốc.

 

Thanh niên Việt Nam yêu nước được đón tiếp tại các cơ sở Việt Kiều ở Na khon, U đon, sau đó được đưa vào sinh hoạt trong “Trại cày” ở Phichit. “…Những năm 1922, 1923, thanh niên trong nước sáng Xiêm ngày một đông. Số thanh niên sang Thái đợt này còn có cậu Doãn và cậu Châu, cậu Hùng. Để bảo vệ cơ sở, lúc đầu anh chị em trong nước ra, anh Tú sắp xếp công việc cho anh chị em, tùy theo nghề nghiệp, sức khỏe của mỗi người mà giới thiệu đến các gia đình Việt kiều cùng ăn, ở, lao động… Qua một thời gian biết chắc chắn anh chị em là những người đi xuất dương với hoài bão cứu nước thì anh Tú lại đưa về cơ sở ở U – Đon… Sau một thời gian học tập ở U – Đon, anh chị em lên Bản Đông để nghiên cứu sách báo chính trị…”(Con người và con đường, Nxb Giao thông vận tải; 2011; tr.120,121). Những thanh niên yêu nước có tố chất, tiêu biểu sẽ được Đặng Thúc Hứa cấp tiền lộ phí và cử người liên lạc đưa sang Trung Quốc.

 

Trong số những thanh niên tiêu biểu xuất dương từ Trại cày qua Trung Quốc có thể kể đến như: Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu…, là những người lập ra tổ chức Tâm tâm xã (năm 1923) đã gây được tiếng vang lớn sau vụ tổ chức mưu sát Toàn quyền Đông Dương ở Sa Diện (tháng 6-1924). Sau này, những chiến sĩ trung kiên của Tâm tâm xã đã trở thành hạt nhân của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu (tháng 6/1925).

 

Năm 1925, Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Thái Lan thành lập, Đặng Thúc Hứa đã trở thành một trong những người lãnh đạo cần mẫn, có uy tín của của Chi hội. Vậy là Đặng Thúc Hứa đã đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, giác ngộ kịp với sự vận động tất yếu của cách mạng. Ngày 26/8/1926, Đặng Thúc Hứa thành lập hội Việt kiều toàn Xiêm. Từ đây, việc liên kết đồng bào Việt kiều càng được đẩy mạnh và được tổ chức chặt chẽ hơn.

Tháng 7/1928, Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm hoạt động. Người đã đánh giá cao công lao và vai trò của Đặng Thúc Hứa, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở cách mạng lâu dài trong Việt Kiều. Với mục đích "đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập" (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995), cuối năm 1927, đầu năm 1928, hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được mở rộng, ngoài chi bộ Phi chịt ra, còn có thêm các chi bộ ở Uđon, Sacôn, Phanom. Nhờ vậy, tổ chức Việt kiều ở Xiêm được lãnh đạo chặt chẽ, hoạt động có nề nếp, tích cực hơn, đóng vai trò như trạm trung chuyển giữa Quảng Châu (Trung Quốc) về trong nước.

 

Để phát triển thêm các cơ sở mới làm địa điểm dự phòng cho cách mạng, Đặng Thúc Hứa đã xin phép Nguyễn Ái Quốc và Ban lãnh đạo Việt Nam cách mạng Thanh niên được đi xây dựng cơ sở ở các tỉnh phía Bắc Thái Lan như: Chiang Mai, Chiang Rai, Lam Pang.

 

 Ngày 20 tháng 04 năm 1930, tại khu Hủa lăm phông (Băng Cốc), Nguyễn Ái Quốc tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Xiêm. Đặng Thúc Hứa vì ốm nặng nên không tới dự được nhưng đã vinh dự được giới thiệu là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Xiêm.

 Ngày 12/2/1931, sau chuyến công tác từ Chiêng Mai về Udon, tại Noong Búa, đồng chí Đặng Thúc Hứa lâm bệnh nặng để lại di chúc “đi cho trọn đời” cho các đồng chí của mình và qua đời ở tuổi 61.

 Từ chủ nghĩa yêu nước, Đặng Thúc Hứa đã đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước thương dân, đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng ở hải ngoại, vì lý tưởng cao đẹp:

“Đồng bào ta hãy đứng lên

 Quyết đem tính mệnh báo đền non sông!”

                               (Đặng Thúc Hứa, 1926)

Đặng Huyền Trang - BT XVNT


 

Video